Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Tân Cương : 8 người bị hành quyết vì tội "khủng bố"

Hôm nay 24/08/2014, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin tám người tham gia vào các vụ « khủng bố », có liên quan đến Tân Cương, đã bị hành quyết. Người phát ngôn Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới tố cáo việc xét xử các bị cáo đã được chính quyền Bắc Kinh sử dụng để « phục vụ mục tiêu chính trị ».

Các bản án tử hình nằm trong một chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ do Bắc Kinh ban hành - Reuters
Các bản án tử hình nằm trong một chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ do Bắc Kinh ban hành - Reuters
Quảng cáo

Bắc Kinh cáo buộc các thành phần tranh đấu ly khai Tân Cương là thủ phạm của một loạt các vụ « khủng bố » trong những tháng gần đây tại Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, tám người bị kết án tử hình đã tham gia vào năm vụ liên quan đến Tân Cương, truyền thông Nhà nước không cho biết các vụ hành quyết đã xảy ra vào ngày nào.

Trong số tám người nói trên, có ba người – ba « phần tử cực đoan Duy Ngô Nhĩ », theo công an Trung Quốc - đã tham gia vào vụ đánh bom xăng tại quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh), ngày 28/010/2013, khiến hai du khách thiệt mạng và 40 người bị thương. Ba người trực tiếp tấn công đã tử vong tại chỗ. Ngày 16/06, ba người bị cáo buộc đồng phạm đã bị kết án tử hình. Đó là những người mang tên Huseyin Guxur, Yousoup Wherniays và Yousoup Ehmet, theo Tân Hoa Xã.

Năm người còn lại trong số tám người bị kết án tử hình, bị cáo buộc « thành lập các tổ chức khủng bố », « tấn công cảnh sát » và « chế tạo bom ».

Trong một bức điện thư trả lời AFP, ông Dilxat Raxit, người phát ngôn Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, một tổ chức tranh đấu lưu vong, đã lên án điều kiện xét xử các vụ án nói trên, đã dẫn đến các vụ hành quyết, mà theo ông, « đây là trường hợp tiêu biểu cho việc tư pháp phục vụ mục tiêu chính trị ».

Các bản án tử hình tám bị cáo Duy Ngô Nhĩ nằm trong một chiến dịch đàn áp cứng rắn, mà Bắc Kinh tuyên bố, sau vụ tấn công vào một khu chợ tại Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương, ngày 22/05/2014, khiến 39 người chết và gần 100 người bị thương.

Bắc Kinh quy cho các phong trào ly khai Duy Ngô Nhĩ, Đảng Hồi giáo Turkestan (TIP) và Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), là thủ phạm cuộc khủng bố đẫm máu này, cũng như các vụ trước. Đặc biệt trong đó có vụ thảm sát bằng dao, khiến 29 người chết và 143 người bị thương tại một nhà ga ở Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam, miền nam Trung Quốc.

Sau vụ này, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành hàng chục vụ bắt bớ, kết án tập thể, tổ chức các cuộc dẫn giải « thủ phạm khủng bố » trước công chúng và các vụ hành quyết tiếp theo các phiên tòa sơ sài.

Các nhà đối lập ly khai cáo buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về tình trạng này, do chính sách an ninh mang tính đàn áp của chính quyền, chủ trương đưa hàng triệu người Hán tới định cư tại vùng đất lâu đời của người Duy Ngô Nhĩ, áp bức văn hóa của các dân tộc thiểu số. Tháng 7/2009, bạo lực bùng phát giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán, khiến gần 200 người chết, trong đó đa số là người Hán, và 1.600 người bị thương.

Các tổ bảo vệ nhân quyền tố cáo an ninh Trung Quốc dùng tra tấn để lấy lời khai của các bị can, thường xuyên dẫn đến các sai lầm trong xét xử.

Số lượng các vụ tử hình hàng năm tại Trung Quốc được chính quyền giữ bí mật. Theo một số đánh giá độc lập, khoảng 3.000 người bị kết án tử hình năm 2012 tại Trung Quốc, có nghĩa là nhiều hơn các vụ tử hình của tất cả các nước trên thế giới cộng lại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.