Vào nội dung chính
CHÍNH TRỊ - TRUNG QUỐC

Trung Quốc : Tập Cận Bình mượn oai Đặng Tiểu Bình

Các báo ngày thứ Hai, 25/08/2014, đều mở đầu bản tin với khủng hoảng chính trị tại Pháp, kế đến là hồ sơ lớn Ukraina nhưng qua những sự kiện khác nhau. Tuy nhiên đáng chú ý là bài liên quan đến Trung Quốc trên Le Monde, tựa đề : « Chính quyền và các nhà dân chủ đều tranh giành di sản của Đặng Tiểu Bình. »

Ảnh các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc tại một bảo tàng Thiên An Môn. Bên phải là ông Tập Cận Bình, trong cùng bên trái là ông Đặng Tiểu Bình.
Ảnh các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc tại một bảo tàng Thiên An Môn. Bên phải là ông Tập Cận Bình, trong cùng bên trái là ông Đặng Tiểu Bình. AFP
Quảng cáo

Le Monde trở lại sự kiện Trung Quốc kỷ niệm long trọng 110 năm ngày sinh của ông Đặng Tiểu Bình vào thứ Sáu, 22/08, vừa qua. Tờ báo nhắc lại : Sau khi kỷ niệm rầm rộ sinh nhật lần thứ 120 của Mao Trạch Đông vào tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc giờ đây kỷ niệm ngày sinh của nhân vật vĩ đại thứ hai của mình, Đặng Tiểu Bình. 

Đây là dịp để ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực của ông bằng cách thu về mình di sản của « người cha các cải tổ và chính sách mở cửa », qua đời năm 1997. Trong khi đó thì các nhà dân chủ Trung Quốc thì muốn « đi xa hơn di sản của người ‘Tiểu cầm lái’ để Nhà nước pháp quyền được tôn trọng hơn ».

Nhân dịp kỷ niêm này, đài truyền hình Trung Quốc đã cho thấy quá trình của ông Đăng Tiểu Bình từ 1976 đến 1984. Truyền thông chính thức so sánh những cải tổ của ông Tập Cận Bình, nhất là chiến dịch chống tham nhũng, hành chánh quan liêu của ông với các thành tựu của lãnh đạo quá cố.

Về phần đương kim chủ tịch Trung Quốc, theo Le Monde, nhân vật này đã ca ngợi lòng can đảm, óc sáng tạo của ông Đặng và nhấn mạnh rằng các đảng viên phải luôn có trong tâm trí nguyên tắc « tìm sự thật trong các sự kiện », và đi đến kết luận là di sản quan trọng nhất được để lại là « chủ nghĩa xã hội theo tính cách Trung Quốc ».

Le Monde trích lời sử gia Trung Quốc Dương Kế Thằng (Yang Jisheng) đã có một nhận định gay gắt. Theo sử gia này : « Lập trường cố hữu của Đảng là cho rằng mọi cải tổ, mọi phát triển, ở mọi phương diện chỉ có thể thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng mà thôi. Ông Tập Cận Bình sử dụng di sản của ông Đặng là để củng cố quyền lực của Đảng, duy trì thế độc quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc ».

Tác giả bài báo phân tích là quá trình của ông Đặng Tiểu Bình rất phức tạp, cho nên ngay cả những người đòi dân chủ cũng thấy được di sản của họ trong đó.

Không kể thời Mao, trong thập niên 1980, ông Đặng Tiểu Bình lúc thì ưu ái phe ‘hữu’ lúc thì thiên về phe ‘tả’. Năm 1989, ông đàn áp phong trào Thiên An Môn, 4 năm sau ông gạt qua một bên giới ‘bảo thủ’ để tiến hành công cuộc cải tổ.

Le Monde trích lời nhà báo Hồ Thư Lập (Hu Shuli), Tổng biên tập báo kinh tế trên mạng Tài Tân, đã nêu câu hỏi về cách tốt nhất để tưởng niệm ông Đặng Tiểu Bình trong bối cảnh Trung Quốc đứng trước thách thức phải cải tổ cơ bản về kinh tế, xã hội và chính trị.

Theo nhà báo này, Đặng Tiểu Bình luôn kêu gọi phải cảnh giác đối với cánh ‘hữu’- tức những người mong muốn dân chủ hóa - thì ông lại càng cảnh giác hơn, kêu gọi phải thận trọng hơn đối với ‘phe tả’, cánh thủ cựu. Hiện nay thì ‘phe tả’, tiếp tục ngăn chận các cải tổ, từ cải tổ các định chế ở địa phương cho đến cải tổ tư pháp.

Đối với nhà báo của Tài Tân, cách tốt nhất để tưởng niệm Đặng Tiểu Bình có lẽ là tiếp tục « tự do hóa tư tưởng, tìm sự thật trong các sự kiện, bỏ đi cách suy nghĩ đã ‘hóa thạch’ ngăn cản sự phát triển dân chủ và nhà nước pháp quyền. Như thế đất nước mới đạt được những đỉnh cao mới ».

Pháp : François Hollande bị bộ trưởng của mình công khai chỉ trích

Thời sự chính trị Pháp, với lời chỉ trích gay gắt chính sách của Tổng thống Pháp từ hai bộ trưởng đương nhiệm, Bộ trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg và Bộ trưởng Giáo dục Benoit Hamon, dĩ nhiên đã thu hút sự chú ý.

Le Figaro nói đến « khủng hoảng trong chính quyến do thái độ đối đầu của các bộ trưởng ». Tờ báo nhắc lại cả hai đều yêu cầu Tổng thống Pháp thay đổi đường lối để khôi phục tăng trưởng. Thủ tướng Valls dĩ nhiên không bằng lòng.

Tờ Libération nói đến : « Thách thức đối với Thủ tướng Valls », hai bộ trưởng đã đặt mình trong vị trí đối lập từ bên trong. Le Monde trích lời bộ trưởng kinh tế trả lời tờ báo : « Chọn lựa chính trị không bất di bất dịch ». Bộ trưởng kinh tế chủ trương thay đổi hướng đi hiện nay. Ông cũng kêu gọi gây nên một cú sốc trong vùng đồng euro, nơi mà các lãnh đạo vẫn khăng khăng trong các chính sách ngăn chận tăng trưởng và không làm thất nghiệp giảm đi.

Le Figaro trong bài xã luận tỏ ra rất mỉa mai nhìn thấy đây là một « phát bazoka », mở một lỗ hổng to trong thành trì của chính quyền. Đây là sự cố hy hữu trong nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, vì chưa bao giờ có bộ trưởng nổi lên chống chính sách của chính phủ mình như thế.

Tờ báo giải thích là Bộ trưởng Kinh tế phải thực hiện chính sách kinh tế của Tổng thống Hollande, muốn thúc đẩy tăng trưởng, nhưng đồng thời giới hạn thâm thủng ngân sách. Thế nhưng ông Montebourg lại không đồng ý chút nào với quan điểm hạn chế chi tiêu, thâm thủng.

Le Figaro cho là tranh luận trên các chủ đề này không là điều cấm kỵ, nhưng khi một Bộ trưởng Kinh tế bày tỏ công khai bất đồng về đường lối của Tổng thống, điều này đặt ra hai vấn đề : Trước tiên là tính rõ ràng của chính sách nhà nước Pháp, và thứ hai là vấn đề uy tín. Ai còn có thể tin tưởng vào một đất nước với món nợ cao ngút và không muốn đặt ưu tiên cho việc giảm thâm thủng ngân sách ?

Tờ báo kết luận : Cho dù hệ quả chính trị như thế nào chăng nữa, ông Hollande phải chấm dứt tình trạng lộn xộn này.

Báo Libération cũng dành bài xã luận cho sự kiện, công nhận là sự kiện một bộ trưởng kinh tế đánh giá chính sách kinh tế của chính phủ - tức là của mình – là tồi tệ, thì đó quả là một điều bất thường.

Tờ báo nhắc lại lời kêu gọi của hai bộ trưởng thay đổi hướng đi, tức là mở van chi tiêu, tăng sức mua, không tuân theo sự gò bó ngân sách của Châu Âu. Cũng như đồng nghiệp Le Figaro, Libération cho rằng đây là điều khó thể thực hiện trong tình trạng nước Pháp hiện nay. Tờ báo cho rằng thực ra nước Pháp chỉ có thể tìm thấy lối thoát trong sự phục hồi của Châu Âu, điều này có nghĩa là Châu Âu phải xem xét lại một cách triệt để chính sách của Châu Âu.

Hiện nay thì cả hai phe trong đảng Xã hội đều cùng quan điểm, và đòi hỏi một chính sách khác cho Châu Âu. Libération nêu câu hỏi : Biết đâu những lời phê phán của 2 bộ trưởng lại có lợi cho ông Hollande ?

Ukraina dưới nhiều góc độ 

Le Monde quan tâm đến trợ giúp nhân đạo của Nga cho các thành phố còn trong tay phe nổi dậy, Lugansk, Donetsk dưới hàng tựa : « Ukraina ‘cuộc xâm lược nhân đạo’ của Matxcơva ». Sở dĩ tờ báo Pháp gọi đây là hành vị xâm lược, đó là vì Nga đã cho đoàn xe qua biên giới đến Lougansk mà chưa có ‘phép’ của Kiev, đặt cộng đồng quốc tế trước sự kiện đã rồi.

Các báo khác, Le Figaro, Libération, cũng như La Croix, đều nêu bật sự kiện phe nổi dậy ở Donetsk đã cho diễu hành trên đường phố tù bình Ukraina mà lực lượng nổi dậy bắt được. Báo Pháp đưa tin với vẻ phê phán : La Croix nói đến cuộc ‘diễu hành vô nhân đạo’, trong khi Libération nêu sự ‘lăng nhục’, Le Figaro nhìn thấy phe nổi dậy ‘phô trương tù binh’.

Riêng Les Echos theo dõi chuyến công du của Thủ tướng Đức tại Ukraina, thấy bà Merkel đã ra sức chữa cháy, « làm trọng tài giữa Kiev và Matxcơva ».

Tác giả bài báo cho là trong 2 ngày cuối tuần qua, bà Merkel đã chơi trò đi dây làm trung gian hòa giải, vì một bên phải trấn an Kiev là Đức – tức Châu Âu - không nhượng bộ một tấc nào trên vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, nhưng bên kia thì phải mở ra viễn ảnh cho Nga.

Theo Les Echos, nhìn chung thì Thủ tướng Đức có vẻ thành công trong việc trấn an Ukraina, bà đã kêu gọi Nga ngưng hỗ trợ cho phe ly khai.

Trên bình diện kinh tế, Les Echos nhắc lại rằng Thủ tướng Đức hứa trợ giúp tài chính, bảo đảm tín dụng 500 triệu euro, tạo thuận lợi cho đầu tư trong ngành năng lượng, nước, giáo dục, và khoảng 25 triệu euro dự kiến cho trợ giúp nhân đạo tại chỗ... Sự trợ giúp này theo Les Echos là nhằm hỗ trợ cho Tổng thống Ukraina đang chịu sức ép rất nặng trong nước.

Chính sách Ukraina của Berlin không vì Châu Âu mà vì lợi ích Đức

Tuy nhiên theo tờ báo, hành động của bà Merkel thật ra chỉ vì quyền lợi nước Đức. Bà muốn tránh một cuộc leo thang, khiến quốc tế phải gia tăng trừng phạt Nga, điều không có lợi gì cho Đức.

Các biện pháp hiện hành của Châu Âu nhắm vào Nga đã tác hại đến kinh tế Đức. Năm ngoái xuất khẩu Đức sang Nga lên 75,5 tỷ euro. Trong sáu tháng đầu năm này, xuất khẩu sang Nga đã tuột giảm 15,5%, ở mức 15,3 tỷ euro. Xuất khẩu xe hơi giảm 24%, máy móc giảm 19%, và sẽ còn tiếp tục giảm.

Theo Les Echos, chính tác động kinh tế này đã khiến Thủ tướng Đức đã có chủ trương khác với các nước Châu Âu khác như Pháp chẳng hạn : Bà Merkel nhất quyết đóng vai trò trung gian hòa giải với Tổng thống Nga Putin, trong lúc những nước khác đòi có biện pháp cứng rắn. Bà cũng chủ trương một giải pháp cho tranh chấp ở Ukraina mà không làm phật lòng Matxcơva.

Les Echos đánh giá là Thủ tướng Đức còn núp đằng sau cuộc khủng hoảng địa lý chính trị này để chối bỏ khủng hoảng dai dẳng một cách bất thường của kinh tế vùng đồng euro. Trong lúc mà phần đông giới kinh tế cũng như Pháp và Ý, theo tờ báo, đều nhấn mạnh là vùng đồng euro cần đầu tư nhiều hơn, bớt phần thắt lưng buộc bụng, thì Thủ tướng Đức vẫn nhắc đến hệ quả cấm vận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.