Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - TRUNG QUỐC

Báo Trung Quốc đòi trừng trị giới dân chủ Hồng Kông

Một tờ báo nhà nước Trung Quốc hôm nay 26/08/2014 đã kêu gọi dùng "hành động thực thi pháp luật" nhắm vào những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông. Lời kêu gọi được đưa ra vào lúc một ủy ban lập pháp Trung Quốc sẽ xem xét trong tuần này việc cải cách bầu cử ở thuộc địa cũ của Anh.

Bắc Kinh huy động thanh niên biểu tình tại Hồng Kông ủng hộ chính quyền Trung Quốc - REUTERS /Tyrone Siu
Bắc Kinh huy động thanh niên biểu tình tại Hồng Kông ủng hộ chính quyền Trung Quốc - REUTERS /Tyrone Siu
Quảng cáo

Đầu tháng Bảy vừa qua, hơn 500.000 người đã xuống đường tại Hồng Kông đòi hỏi quyền được tự do lựa chọn người lãnh đạo kế tiếp của vùng lãnh thổ này vào năm 2017, qua hình thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp.

Những người chịu trách nhiệm chiến dịch ủng hộ dân chủ mang tên "Occupy Central" - tức là "chiếm lĩnh khu Trung tâm thành phố " đã đe dọa sẽ huy động hàng ngàn người để làm tê liệt khu vực thương mại của Hồng Kông.

Tờ báo Trung Quốc Global Times hôm nay đã đòi có biện pháp mạnh đối với những người đòi dân chủ. Tờ báo nổi tiếng với giọng điệu dân tộc chủ nghĩa cho rằng :

"Nếu các hoạt động đó là một mối đe dọa gây chấn động tại Hồng Kông và tiếp tục gia tăng (...), thì chính phủ Hồng Kông bắt buộc phải có biện pháp cưỡng chế".

Theo Hoàn cầu Thời báo, chính quyền cần phải xóa tan những "ảo tưởng không thực tế" của người biểu tình ủng hộ dân chủ và đánh vào các thành phần tích cực nhất trong phong trào này để "buộc họ phải trả giá cho các hành vi hung hăng và khiêu khích".

Hiện nay, lãnh đạo của Hồng Kông, một vùng lãnh thổ Trung Quốc được hưởng quyền tự trị rộng rãi, được một hội đồng mà đa số thành viên thuộc diện thân Bắc Kinh bầu lên. Chế độ phổ thông đầu phiếu trực tiếp ở Hồng Kông đã được Trung Quốc công nhận, nhưng Bắc Kinh đã cảnh cáo rằng chỉ có các ứng cử viên "yêu nước" mới được đề cử, gây nên sự phản đối mạnh mẽ ở Hồng Kông.

Tờ Global Times hôm nay còn kêu gọi chính quyền từ chối "bất kỳ một sự thỏa hiệp nào", cho rằng "Không được để cho Hồng Kông rơi vào phạm vi ảnh hưởng của Phương Tây".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc trong tuần này sẽ xem xét báo cáo về vấn đề này, do lãnh đạo đương nhiệm Hồng Kông đệ trình.

Kể từ khi được giao trả về Trung Quốc vào năm 1997, cựu thuộc địa của Anh Quốc vẫn được hưởng một hệ thống chính trị và pháp lý khác với Lục Địa, và một sự tự do hoàn toàn không có tại Trung Quốc. Thế nhưng người Hồng Kông ngày càng lo ngại về gọng kềm càng lúc càng chặt của Bắc Kinh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.