Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Vẫn chưa có phép lạ cho kinh tế Nhật Bản

Đăng ngày:

Kinh tế Nhật Bản giảm mạnh trong quý 2/2014. Thủ tướng Shinzo Abe vẫn chưa tìm được « chiếc đũa thần » để đem lại tăng trưởng vững chắc cho đất nước. Lần đầu tiên một phụ nữ điều hành METI, bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp.

Một nhân viên bán hàng tại siêu thị Chiba, phía đông Tokyo - REUTERS /Yuya Shino
Một nhân viên bán hàng tại siêu thị Chiba, phía đông Tokyo - REUTERS /Yuya Shino
Quảng cáo

« Hiệu ứng TVA » đè nặng lên tăng trưởng của Nhật Bản trong quý 2/2014. Tổng sản phẩm nội địa của xứ hoa anh đào giảm 1,8 % so với quý 1. Đây là tỷ lệ tăng trưởng tồi tệ nhất kể từ sau thảm họa động đất, sóng thần, tai nạn nhà máy điện Fukushima hồi tháng 3/2011.

Với đà này, tính chung cho cả năm, GDP của Nhật Bản có nguy cơ giảm tới 7 %. Nguyên nhân chính là sự giảm sụt về tiêu thụ và đầu tư do thuế trị giá TVA đang từ 5 % tăng lên thành 8 % kể từ ngày 01/04/2014. Chỉ số tiêu thụ và đầu tư tại Nhật giảm hơn 5 % trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2014.

Trả lời trên đài RFI, bà Evelyne Dourille Feer, thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng Thông tin Quốc tế -CEPII giải thích rõ hơn :

« Năm 2014, trong bối cảnh nợ công của Nhật Bản lên rất cao, tương đương với 240 % tổng sản phẩm nội địa, chính quyền Tokyo trước đó đã quyết định tăng thuế trị giá gia tăng TVA đang t ừ 5 lên thành 8 % kể từ ngày 01/04/2014. Tăng thuế TVA là hình thức kêu gọi mọi nguời cùng chia sẻ gánh nặng nợ nần với nhà nước.

Biện pháp này có hai tác động : trong quý 1 năm nay, tức là trước khi thuế TVA tăng, thì người dân đua nhau mua sắm. Nhờ đó, kinh tế tăng trưởng mạnh và mức tiêu thụ tăng cao. Nhưng sang đến quý 2, thì chỉ số tiêu thụ giảm mạnh. Thêm vào đó các doanh nghiệp giảm mức đầu tư ».

«Wait and See »

Các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt thận trọng trong ba tháng qua chờ đợi xem việc tăng thuế TVA tác động thế nào tới cung cách chi tiêu của người dân. Theo dự phóng của Marcel Thieliant thuộc cơ quan tư vấn Capital Economics, đà phục hồi trong quý 3 chưa chắc là sẽ như mong muốn của nội các Abe. Sản xuất công nghiệp tại Nhật sau khi đã giảm mạnh đến 3,4 % trong tháng 6/2014, bước sang tháng 7/2014 mới chỉ tăng thêm có 0,2 %, tức là vẫn còn rất thấp so với chờ đợi của Tokyo.

Những tín hiệu cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế thứ ba toàn cầu bị chựng lại trong quý hai đã gây nhiều lo ngại. Thủ tướng Abe vẫn được hơn 50 % dân chúng tín nhiệm, nhưng nhiều người từng hăng hái ủng hộ chính sách vực dậy kinh tế mang tên ông bắt đầu thất vọng. Hứa hẹn đem lại « tăng trưởng vững bền » cho đất nước của ông Abe vẫn chưa thành hiện thực. Vào mùa thu năm nay, thủ tướng Nhật Bản chuẩn bị tiến hành khâu phức tạp nhất của thuyết Abenomics trong một bối cảnh không thuận lợi.

Trở lại cầm quyền tháng 12/2012 thủ tướng Abe thiết kế chương trình vực dậy kinh tế của mình trên ba trục chính, mà ông gọi là ba mũi tên : nới lỏng ngân sách nhà nước để bơm tiền vào guồng máy kinh tế, khuyến khích tiêu thụ và đầu tư.

Mũi tên thứ hai là huy động ngân hàng trung ương BoJ mở van tín dụng với hai dụng ý : phá giá đồng yen để kích thích xuất khẩu và cố tình đẩy vật giá leo thang, chấm dứt nạm giảm phát. Tokyo muốn đẩy lạm phát lên thành 2 %. Mũi tên thứ ba của thuyết Abenomics đặt trọng tâm vào chiến lược phát triển lâu dài. Cụ thể là cải tổ cơ cấu để đem lại khả năng cạnh tranh lớn hơn cho đất nước.

Để đạt được mục tiêu đó, Tokyo cần : giải quyết núi nợ đã tương đương với gần 250 % GDP ; mở cửa kinh tế để kích thích khả năng cạnh tranh từ lĩnh vực y tế đến nông nghiệp ; cải tổ thị trường lao động, khuyến khích nữ giới đi làm và đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động kinh tế, sản xuất của Nhật Bản ; thành lập những đặc khu kinh tế để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là trong những lĩnh vực công nghệ cao.

Toàn lực để vực dậy kinh tế

Claude Meyer chuyên gia về Nhật Bản tại Sciences Po, trường Khoa học Chính trị Paris, giải thích thêm về bối cảnh chương trình kích thích kinh tế mang tên thủ tướng Abe được cho ra đời :

« Từ hơn 15 năm qua, giảm phát bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế Nhật Bản. Tiêu thụ và đầu tư bị đình đốn. Chính để chặn đứng đà giảm phát đó, Tokyo đã đưa ra thuyết kinh tế gọi là Abenomics, mang tên thủ tướng Shinzo Abe. Nhật Bản đã bắn đi mũi tên thứ hai, huy động ngân hàng trung ương bơm thêm những khoản tiền rất lớn vào các hoạt động kinh tế. Biện pháp đó cố ý tạo ra lạm phát, để khuyến khích người dân mua sắm, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Mũi tên thứ ba, chính là các biện pháp cải tổ cơ cấu, để về lâu dài, nâng cao tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản nói chung ».

Nói cách khác, khi tung ra ba mũi tên đó ông Abe chờ đợi trước nhiều hứa hẹn Nhật Bản sắp thoát khỏi nạn giảm phát các doanh nghiệp sẽ đầu tư trở lại. Mức tiêu thụ của tư nhân tuy dù có bị giảm do tác động của thuế TVA tăng, nhưng chính quyền Tokyo dự trù thay vào đó bằng các khoản chi tiêu công cộng qua một loạt các dự án đầu tư của nhà nước.

Mục tiêu còn xa vời

Hơn một năm rưỡi qua, chính sách Abenomics đã đem lại những thành tựu nào cụ thể ? Trong năm 2013, chỉ số tin tưởng của các doanh nhân Nhật cao chưa từng thấy trong 6 năm qua. Năm ngoái, thị trường chứng khoán Tokyo tăng giá hơn 50 %. GDP của nền kinh tế thứ 3 thế giới đạt 2 %. Lạm phát tăng 0,3 %. Giới phân tích đã nói tới « sự phục hồi từng bước » của nước Nhật.

Nhưng thống kê của quý 2/2014 cho thấy GDP Nhật Bản giảm đến gần 7 % tính theo tỷ lệ của cả năm. Sự giảm sút này là gáo nước lạnh. Xuất khẩu không cất cánh như những gì Tokyo hứa hẹn. Thêm vào đó nhiều người thất vọng khi thấy nhiều vế cải tổ về cơ cấu mà nội các Abe liên tục rao giảng từ gần hai năm qua vẫn chưa được thực hiện. Về điểm này nhà báo Shinji Inada, người từng điều hành văn phòng của tờ báo Asahi Shinbun tại Paris, cho biết mối lo âu của người dân Nhật :

« Người dân Nhật ý thức được là phải chấm dứt nạn giảm phát. Nhưng điều khiến họ lo ngại là các biện pháp cải tổ sẽ chỉ dừng lại ở mức vĩ mô. Những thành quả gặt hái được sẽ chỉ có lợi cho các tập đoàn lớn. Thế nhưng cách biệt giàu nghèo thì sẽ không được thu hẹp lại. Bất bình đẳng sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa khi thuế TVA tăng lên thành 10 % vào năm tới. Đây thực sự là một mối lo âu đối với chúng tôi ».

Nhiều công trình nghiên cứu ghi nhận một trong những lý do chính giải thích cho « thất bại » của thuyết Abenomics là tới nay, đồng lương của người dân vẫn chưa tăng. Trong khi đó đây là một vế quan trọng trong chiến lược của ông Abe. Vì lương có tăng, thì người dân mới tiếp tục mua sắm trong lúc mà thuế TVA gia tăng, và lạm phát ở số dương. Sức mua của tư nhân mới là động lực tăng trưởng. Thống kê mới nhất của bộ Y tế, Lao động và Xã hội cho thấy, từ đầu năm tới nay, mức lương trung bình tăng 2,6 % và đây là mức tăng cao nhất trong 17 năm qua. Dù vậy, chỉ với việc thuế TVA tăng thêm 3 điểm, mãi lực của người dân xứ hoa anh đào bị giảm sụt.

Nhìn rộng ra hơn, chiến lược năng lượng của Nhật chưa được định hình, một nhà báo Pháp ví von : vào lúc Nhật Bản cần một cuộc cách mạng về chính sách năng lượng thì nội các Shinzo Abe chỉ dùng những phương pháp trị liệu nhẹ, như một ông lang châm cứu, cắm vài mũi kim vào một con bệnh lực lưỡng. Thế rồi cam kết nhanh chóng thông qua hiệp ước thương mại TPP do Hoa Kỳ đề xướng với mục tiêu kích thích xuất khẩu của Nhật Bản, tới nay cũng vẫn chưa đi tới đâu. Một điều khác khiến khu vực sản xuất trên xứ hoa anh đào thận trọng đó là chính phủ vẫn chưa tìm ra nguồn tài trợ để bù vào chỗ trống khi giảm thuế cho doanh nghiệp.

Thái độ thận trọng của các doanh nhân còn được giải thích bằng một yếu tố khác. Chuyên gia về kinh tế Nhật Bản tại trường Sciences Po Paris, Claude Meyer cho biết thêm :

« Trong lĩnh vực sản xuất, Nhật Bản hiện phải đối mặt với hai khó khăn cùng một lúc. Thứ nhất là tỷ lệ đầu tư của các doanh nghiệp tương đối thấp. Thứ hai là tiến trình phi công nghệ hóa. Các tập đoàn lớn, nhỏ của Nhật vẫn tiếp tục di dời cơ sở sản xuất ra nước ngoài. Chủ yếu là để tìm kiếm nhân công rẻ và nhất là giảm bớt gánh nặng các chi phí về năng lượng.

Cụ thể là khối lượng xe Nhật sản xuất tại khắp châu Á sẽ nhiều hơn so với số xe thực sự được sản xuất tại Nhật. Ngoài ra, các hoạt động trong một số ngành mà từ trước tới nay vẫn được coi là những con chim đầu đàn của mạng lưới công nghiệp Nhật Bản, như màn ảnh phẳng, điện tử, … thì liên tục giảm sút. Trong các lĩnh vực này, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc đang cạnh tranh rất dữ dội ».

Điểm son của nội các Abe được mọi người chú ý là tuần trước, thủ tướng Abe khi cải tổ nội các đã dành đến 1/3 ghế bộ trưởng cho nữ giới. Đáng chú ý nhất là lần đầu tiên bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp được đặt dưới sự điều hành của một phụ nữ trẻ, là bà Yuko Obuchi, 40 tuổi. Bà Obuchi là một biểu tượng qua đó nội các Abe muốn khuyến khích thêm đến 8 triệu phụ nữ đi làm.

Đây là một tín hiệu mạnh cho thấy quyết tâm của ông Abe muốn nữ giới đóng góp nhiều hơn nữa cho tương lai kinh tế của đất nước. Tại Nhật Bản cứ trên 100 phụ nữ thì chỉ có 63 người tham gia thị trường lao động và trong số các giám đốc tập đoàn, thì chỉ có 4,5 % thuộc là nữ. Mục tiêu của ông Abe là nâng tỷ lệ này lên thành 30 % từ nay tới năm 2020.

Cho dù thủ tướng Shinzo Abe đã huy động toàn lực, đã sử dụng tất cả các đòn bẩy trong tay để vực dậy kinh tế nhưng những thành quả đạt được tới nay vẫn bị cho là còn quá mong manh.

Trong một vài tuần lễ nữa Tokyo sẽ chính thức công bố một chương trình hỗ trợ kinh tế trị giá khoảng 5.000 tỷ yen, tương đương với 36 tỷ euro để tiếp sức thêm cho giới doanh nghiệp và tư nhân. Ngân hàng Morgan Stanley, chi nhánh tại Tokyo nhận định : chính sách Abenomics của thủ tướng Nhật Bản chưa mang lại kết quả mong muốn vì chưa được nhanh chóng áp dụng một cách toàn diện.

Để thành công trong mục tiêu này ông Shinzo Abe cần thúc đẩy tiến trình cải tổ. Chính sách Abenomics coi như cơ hội cuối cùng thực sự có thể đưa Nhật Bản trở lại với tăng trưởng và giải quyết dứt điểm nạn giảm phát. Cùng lúc, Tokyo phải đương đầu với hiện tượng dân số đang già đi và nợ công của Nhật đã lên tới mức cao nhất trong số các quốc gia công nghiệp phát triển.

Từ này đến cuối nhiệm kỳ thủ tướng, nội các Abe của đảng Dân chủ Tự do phải đương đầu với nhiều cuộc bầu cử cấp vùng. Cái khó là làm thế nào đảng này phải thuyết phục được cử tri là những mũi tên mà ông Abe bắn ra không chỉ vì quyền lợi của các đại tập đoàn hay của người dân ở thủ đô Tokyo mà thôi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.