Vào nội dung chính
NHẬT BẢN

Cố Nhật Hoàng Hirohito từng nhiều lần cảnh báo nguy cơ chiến tranh

Theo các tài liệu chính thức lưu trữ được công bố ngày ngày 09/09/2014, Hoàng đế Hirohito, đứng đầu Nhà nước Nhật trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến, đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ xung đột.

Lăng mộ của Nhật hoàng Hirohito tại Tokyo.
Lăng mộ của Nhật hoàng Hirohito tại Tokyo. wikipedia
Quảng cáo

Sau 24 năm khai thác hơn 3.000 tài liệu, tốn kém khoảng 230 triệu yen (2,2 triệu euro), các văn bản lưu trữ được tập hợp thành 61 tập, 12.000 trang và cho thấy trong khuôn khổ các chuẩn bị của quân đội Nhật cho cuộc tấn công bất ngờ vào hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng tháng 12/1941, Nhật Hoàng Hirohito đã tỏ ra lo ngại về nguy cơ xẩy ra một cuộc chiến tranh hấp tấp, liều lĩnh và ông cảm thấy rất có lỗi với tổ tiên.

Tư liệu cho thấy Hirohito chống lại việc các tướng lĩnh Nhật đưa đất nước lao vào một cuộc xung đột trên quy mô lớn chống lại Trung Quốc năm 1937. Vào thời điểm đó, giới quân sự Nhật hứa hẹn là cuộc chiến sẽ ngắn ngủi và chắc thắng.

Mặt khác, ông lại hài lòng về những chiến thắng của quân đội Nhật Hoàng trên các chiến trường xa xôi.

Năm 1930, Nhật Bản đã xâm chiếm Mãn Châu, dựng lên một chính quyền bù nhìn và lập một căn cứ chiến lược tại đây.

Năm 1937, quân đội Nhật dồn sức tấn công Nam Kinh. Hàng chục ngàn thường dân thiệt mạng, nhưng tài liệu lưu trữ lại không cung cấp thêm nhiều chi tiết về sự kiện này. Sau khi được thông báo là quân đội chiếm được Nam Kinh, Hirohito đã gửi lời khen ngợi và hài lòng về sự dũng cảm của binh sĩ.

Trên thực tế, giới nghiên cứu lịch sử có nhận định khác nhau về nhân vật này : Một số chuyên gia coi Hirohito chỉ là con rối, bất lực trong một Nhà nước quân phiệt, vượt ra ngoài mọi sự kiểm soát. Những người khác lại lập luận là việc chiếm đóng một phần lãnh thổ Trung Quốc không thể xẩy ra nếu không có sự chấp thuận ngầm của Nhật Hoàng.

Khi Nhật Bản đầu hàng vào tháng 08/1945, lực lượng chiếm đóng do Mỹ dẫn đầu, đã làm mọi cách để duy trì Hirohito làm Hoàng Đế, qua đó, giữ được ổn định đất nước, đồng thời, bắt giữ, xét xử và treo cổ nhiều lãnh đạo chính trị và quân sự của chính quyền Nhật Bản thời đó.

Hirohito, lên ngôi trị vì từ tháng 12/1926, đã phải từ bỏ địa vị Thiên hoàng và chấp nhận đóng vai trò biểu tượng cho sự đoàn kết quốc gia và dân tộc, cho đến khi qua đời vào năm 1989.

Theo nhận định của AFP, các tài liệu lưu trữ không giúp có thêm những bằng chứng cụ thể, có sức thuyết phục về những quyết định của cố Hoàng đế Hirohito, người ta không rõ vai trò của ông trong một nước Nhật hiếu chiến thời đó.

Sự mập mờ và các tranh cãi về vai trò của Hirohito là nguyên nhân giải thích vì sao ban quản lý hành chính Hoàng Gia Nhật Bản mất hơn hai thập niên mới công bố các tài liệu này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.