Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

''Chuyện nghề của Thủy'': Phỏng vấn đạo diễn ''Chuyện tử tế''

Đăng ngày:

Đạo diễn Trần Văn Thủy không xa lạ với công chúng Việt Nam. ''Hà Nội trong mắt ai'', ''Chuyện tử tế'' gắn liền tên tuổi ông với một giai đoạn đặc biệt của lịch sử Việt Nam thời hậu chiến. Cách nay hơn một tháng, nhà sách Phương Nam cho ra mắt một tác phẩm thuật lại cuộc đời làm điện ảnh của đạo diễn Trần Văn Thủy. ''Chuyện nghề của Thủy'' đưa độc giả đến với những phiêu lưu của đạo diễn ''Chuyện tử tế'', từ khi còn là một cậu bé thành Nam đắm say phim ảnh…

Bìa sách "Chuyện nghề của Thủy"
Bìa sách "Chuyện nghề của Thủy" DR
Quảng cáo

Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất kết thúc, chàng trai Thủy đầu quân làm « cán bộ văn hóa » tại một vùng miền núi Tây Bắc. Sau nhiều năm ở rừng, « anh chàng ‘‘người Lai Châu gốc Nam Định’’ » (tr. 54), có cơ hội được về Hà Nội học một lớp quay phim, trước khi nhận quyết định vào miền Trung làm phóng viên mặt trận… Chạm trán thường xuyên với cái chết, tâm niệm sống chết với nghề giúp Trần Văn Thủy ghi lại được những thước phim hy hữu.

« Sau gót chân là vực thẳm »…

Chuyện đời làm phim của đạo diễn Trần Văn Thủy đưa độc giả đến với nhiều thân phận con người trong xã hội Việt Nam qua những ưu tư dằn vặt về đạo lý, nhưng có lẽ trước hết, cuốn sách cho phép người đọc cảm nhận được thân phận của một nghệ sĩ-cán bộ trong xã hội Việt Nam thời chiến, cũng như trong xã hội cộng sản thời chuyển đổi sau này, trong một xã hội mà người nghệ sĩ-trí thức chỉ được yên ổn khi chấp nhận phận vị của một « thần dân », một « đinh ốc trong cỗ máy », hay cùng lắm chỉ được là một « gián quan », một « phản biện trung thành ».

Đạo diễn Trần Văn Thủy
Đạo diễn Trần Văn Thủy DR

Xã hội Việt Nam lâm vào ngõ cụt đầu thập niên 1980, tiếng gọi bên trong thôi thúc đạo diễn Trần Văn Thủy thực hiện hai bộ phim tài liệu, ngay lập tức trở nên nổi tiếng tại Việt Nam, tiếp theo đó, công chúng quốc tế rộng rãi biết đến ông, khi « Chuyện tử tế » tham gia Liên hoan phim Leipzig (và được vinh danh với giải Bồ Câu bạc), chưa đầy một năm trước khi bức tường chia cắt nước Đức sụp đổ. Từ khi thực hiện tới khi phim đến được Leipzig, một loạt các biến cố ly kỳ đã xảy ra (chương 12 đến chương 17).

Cuốn hồi ký « Chuyện nghề của Thủy » phơi bày cuộc chơi đầy trắc trở và uẩn khúc giữa người nghệ sĩ–công chức với các thế lực cầm quyền. Đó là cuộc phiêu lưu trên những nẻo đường cheo leo, mà nhiều khi « sau gót chân là vực thẳm » (tr. 233), để tìm cơ hội cho ra đời một tác phẩm đích thực và đưa tác phẩm ấy đến được với công chúng.

Nếu như hai bộ phim đầu tay của ông, « Những người dân quê tôi » (quay trong thời gian chiến tranh Việt Nam) và « Phản bội » (về cuộc chiến biên giới Việt – Trung, mà sau này ông muốn gọi lại là « Nỗi buồn nhược tiểu » [tr. 154]) (đáng tiếc là bộ phim - được đánh giá rất hấp dẫn này - hiện ít có cơ hội đến với công chúng), được chấp nhận dễ dàng, thì ngay từ khi xuất hiện, hai phim « Hà Nội trong mắt ai » và « Chuyện tử tế » liên tục bị nhiều thế lực trong chính quyền, trước hết là một số lãnh đạo cao cấp nhất, dìm đi để ngăn chặn sự lan tỏa của chúng trong xã hội. Không những thế, một thời gian dài, đạo diễn Trần Văn Thủy kể lại, ông thường xuyên sống trong nguy cơ có thể bị bắt giam bất cứ lúc nào.

Chiêm nghiệm về sự thật

Phim « Chuyện tử tế » khởi đầu với những tâm sự của một đồng nghiệp mắc căn bệnh hiểm nghèo. Lời dối dăng day dứt của một người cận kề cõi chết mang lại cho cuốn phim tài liệu một không khí kỳ lạ. Người sắp chết – « đóng vai » chính mình và trở thành nhân vật chính của phim - đặt ra những câu hỏi không khoan nhượng, thôi thúc người làm phim. Và theo dòng suy tư, tự vấn của người nghệ sĩ-cán bộ và các phản hồi từ phía người đời, mà đạo diễn dần dần dựng nên mạch truyện cho bộ phim tài liệu có thể gọi là « chính luận » này. Mang lại những cái nhìn chân thực về xã hội vào một thời điểm, mà nghệ thuật chính thống chỉ được phép tụng ca, là một trong những điều độc đáo tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của bộ phim. Qua những cảm nghĩ về lương tâm, về thân phận những người bị đối xử bất công, về những người có công lao bị bỏ rơi, về tầng lớp quyền thế sống dửng dưng với dân chúng, về lòng hy sinh tận tụy vô bờ của những người vốn bị quan niệm chính thống coi rẻ…, bộ phim tài liệu đã mang lại một hình ảnh toàn thể về xã hội Việt Nam thời đó, thách thức trực diện nhiều điều được coi là bất khả xâm phạm.

Phim « Chuyện tử tế » trước đây và cuốn « Chuyện nghề của Thủy » vừa ra đời mang lại cho công chúng những cơ hội chiêm nghiệm về « sự thật ». Đối diện với sự thật, người nghệ sĩ gánh vác trên mình một sứ mạng khác người. Đối diện với sự thật, người nghệ sĩ-người làm điện ảnh cũng đối diện với cả một thế giới quyền uy – vốn tự cho mình độc quyền nói lên chân lý. Theo đuổi (đến cùng) khát vọng sự thật, người nghệ sĩ cũng thách thức cả một thế giới quyền uy.

Trong một chế độ cộng sản – mang bản chất toàn trị - đang tìm đường lột xác, uy quyền của thế giới quyền uy không trọn vẹn, bản thân thế giới quyền uy, đang suy yếu, cũng rất cần đến hào quang của nghệ thuật, của nghệ sĩ, để che phủ và kể cả để bồi đắp những phần uy tín bị sói mòn. Nhiều bộ phim của đạo diễn Trần Văn Thủy, như « Hà Nội trong mắt ai », « Chuyện tử tế » và « Một cõi tâm linh », đã ra đời trong giai đoạn này.

Sự thật ở đâu trong một bối cảnh như vậy ? Sự thật nào trong một xã hội được « cởi trói » phần nào, trong thời kỳ được gọi là « Đổi mới » (cuối những năm 1980), và chỉ ít năm sau đó đột ngột bị khép lại, chìm vào một không khí u u minh minh (đầu những năm 1990) ? Người nghệ sĩ-công chức tham gia hay góp phần như thế nào vào những thay đổi ấy ? Hơn ai hết, có lẽ người trong cuộc thấu hiểu cái giá (trị) của việc nói lên sự thật và trước hết là của việc thức nhận sự thực.

…những ám ảnh và sự thức tỉnh

« Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi… » (lời nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết – « Chuyện tử tế »). Gánh nặng của tâm hồn khát khao truy cầu sự thực, tình người và lẽ công bằng có lẽ là thứ luôn cần được nhiều người chung vai. Không hoài cổ, không mê hoặc lòng người, bộ phim tài liệu hiếm có, với những ám ảnh đeo đuổi người làm phim hơn 25 năm về trước, vẫn có thể nhận được sự đồng cảm của khán giả ngày hôm nay.

DR

« Chuyện tử tế » không trực tiếp nói về chính trị, nhưng những gì « thức tỉnh con người » « thực chất đều là (…) chính trị », nếu hiểu chính trị theo một nghĩa khác (như suy nghĩ của nhà làm phim Mỹ, – tr. 441). Đau đáu trước những oái ăm « ngang trái », « những điều thất nhân tâm » trong xã hội Việt Nam, « những điêu linh », « bức xúc - đau đớn » của « các trí thức, văn nghệ sĩ », hơn hai thập niên sau khi « Chuyện tử tế » ra đời, nghệ sĩ Trần Văn Thủy đã phải thốt lên trong phần cuối « Chuyện nghề của Thủy » : « (…) nếu ta ( ?) thực sự thương xót cái đất nước này, thương xót cái dân tộc này, thì phải gọi sự việc bằng đúng tên gọi của nó : Vì ta (« ta » ở đây có thể được dùng để ngầm chỉ giới cầm quyền tại Việt Nam - NDR) chỉ chăm chăm làm mỗi một việc, đó là hối thúc nắm tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của… MÊ LỘ. » (câu kết chương 25).

Xem phim và suy ngẫm, khán giả đương đại cũng có thể đặt câu hỏi : Một chế độ chính trị như thế nào có thể giúp cho con người sống tử tế ? Và việc một chế độ reo rắc triền miên các bất công, một tập đoàn quyền lực áp đặt sự thống trị lên toàn xã hội, ngăn chặn những quyền sống căn bản của con người, phải chăng chính là hủy diệt tận gốc khả năng được sống tử tế ?... Những cân nhắc về tương quan giá trị giữa « thể chế chính trị » và « nhân cách » hay « bản ngã con người » (cụ thể là người Việt) là điều mà đồng tác giả « Chuyện nghề của Thủy » đã hơn một lần đặt ra trong cuốn sách (tr. 289-290, trong lá thư ngỏ gửi ba trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Trọng Tạo và Trần Nhương, liên quan đến tập sách « Nếu đi hết biển » gây nhiều tranh luận, phản ứng cả từ phía chính quyền Việt Nam và đặc biệt trong các cộng đồng người Việt hải ngoại).

Trở lại với câu chuyện nghề làm phim tài liệu, gần 30 năm sau khi « Chuyện tử tế » ra đời, xã hội Việt Nam đang ở trong những thay đổi lớn. Để công chúng có được một hình ảnh toàn thể về xã hội, về con người đương đại qua những cật vấn của lương tri, rất cần đến một bộ phim như « Chuyện tử tế ». Dường như hiện nay những thách thức để làm được một bộ phim kiểu như vậy lớn hơn rất, rất nhiều so với trước đây. Bên cạnh việc, thân phận và nỗi đau của con người ngày nay muôn hình vạn trạng, xã hội cũng phức tạp hơn trước rất nhiều, thì một thách thức lớn khác là làm thế nào để có thể làm rung động được « thần kinh của xã hội » hiện nay (điều làm nên sự thành công của « Chuyện tử tế »), khi thói vô cảm (tệ hơn nữa là sự tàn ác, u tối) có vẻ đã là hiện tượng ngày càng phổ biến, trước hết trong tầng lớp cầm quyền ?

Cuối tháng trước, đạo diễn Trần Văn Thủy nhận lời mời nói chuyện với RFI. Sau đây xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn với đạo diễn « Chuyện Tử tế », đồng tác giả « Chuyện nghề của Thủy ».

20:00

Toàn bộ phỏng vấn với Đạo diễn Trần Văn Thủy (Hà Nội)

RFI : Thưa đạo diễn, xin đạo diễn cho biết những cảm xúc suy nghĩ của ông trước việc cuốn sách này ra đời.

Trần Văn Thủy : Cũng không có gì đặc biệt lắm đâu. Tôi nghĩ rằng đây là công việc thường tình của các nhà xuất bản sách ở Việt Nam, cũng là cái công việc của anh em chúng tôi, những người làm báo chí, phim ảnh, văn nghệ. Tất nhiên nói như thế, không có nghĩa là chúng tôi vô tình với cuốn sách của chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng, khi cuốn sách dành nhiều tâm huyết đã được ra đời. Phải nói rằng, công việc này cũng có nhiều điều thú vị.

RFI : Cuốn sách này, tác giả có nhiều điều muốn nói, nhưng dường như những điều được viết trong cuốn sách này, đều xoay quanh cái thân phận con người, những nỗi đau của con người, mà đạo diễn thì nhấn mạnh đến vấn đề nhân cách. Ngay cả những chủ đề lớn như hòa giải dân tộc…, dường như đều phải dựa vào câu chuyện này, không biết có phải đúng như thế không ?

Trần Văn Thủy : Sự thực thì nó cũng không hoàn toàn như thế. Tôi và bạn tôi, tiến sĩ Lê Thanh Dũng, làm cuốn sách này, thì chủ định của chúng tôi không phải là nói những vấn đề quá lớn lao, to tát đâu. Chỉ đơn giản là tôi kể lại chuyện làm nghề của tôi như thế nào, rồi bản thân tôi vào đời như thế nào, rồi theo nghề phim ảnh này như thế nào. Tất cả là đúng như tên cuốn sách : « Chuyện nghề của Thủy ».

Bộ phim có những kỷ niệm, có những ấn tượng, có những điều vui, điều buồn, chúng tôi ghi lại những cái ấy. Có lẽ vì nó liên quan đến bối cảnh mà mình sống, mà mình làm việc, cho nên là phải nói chuyện A, chuyện B. Chứ thực ra, chủ đích của chúng tôi không phải là nói đến những chuyện to lớn, như chuyện hòa giải, rồi chuyện chính trị… hay là những chuyện khác.

Năm nay thì tôi cũng đã 73, 74 tuổi rồi, nhưng thật ra, nếu để tôi được nói một cách đầy đủ về quá khứ, trong việc làm nghề, nó cũng đeo đẳng, ám ảnh tôi nhiều lắm. Thế nhưng mà tôi không đủ khả năng, không đủ thời gian, không đủ tâm trí viết lại một cách rành mạch. Tôi lười.

Có lẽ không có việc hai chuyên gia người Mỹ, ông Michael Ronov và ông Dean Wilson, sang đây để mà gặp tôi, để mà phỏng vấn, để mà họ viết một cuốn sách với tựa đề « Phim Chuyện Tử tế của Trần Văn Thủy –Tâm linh và Chính trị », thì chắc là nay cũng không có cuốn sách này đâu.

Tôi và anh Lê Thanh Dũng, hai chúng tôi làm cái việc là sắp xếp lại các ý tứ mà tôi đã nói với Michael Renov và Dean Wilson, và sau đó chúng tôi bổ sung vào những chuyện mà tôi không kể với hai người Mỹ đó.

Cũng may mắn là nhờ các cấp có thẩm quyền liên quan đến việc xuất bản sách, nhờ người biên tập, nhờ nhà xuất bản. Nhân đây tôi cũng phải nói là tôi rất cám ơn những người có trách nhiệm, những người biên tập cuốn sách. Và đặc biệt là tôi muốn nói lời cám ơn công ty văn hóa Phương Nam, đầu tư rất nhiều nhiều công sức thời gian, tiền bạc vào phát huy những khả năng về văn hóa. Thực ra, kinh doanh văn hóa ở Việt Nam khó lắm, vì chẳng mang lại lợi nhuận bao nhiêu. Nếu không đặc lợi ích của xã hội lên trên, mà chạy theo lợi nhuận, thì anh chẳng ai đi làm kinh doanh về văn hóa cả.

Có lẽ sơ sơ cái bối cảnh, tôi chỉ nói như vậy thôi, còn anh có câu hỏi gì, anh nêu ra, chúng ta tiếp tục trao đổi.

RFI : Thưa đạo diễn, ông từng làm rất nhiều phim, trong những bộ phim của ông, những phim nào khiến ông hài lòng nhất ?

Trần Văn Thủy : Thật ra thì, so với nhiều đồng nghiệp, thì tôi không làm nhiều phim lắm. Cái đề tài nào, mà theo quan niệm của tôi, nó hứng thú, nó có ích, thì tôi mới làm. Các loại phim mà cứ cờ đèn kèn trống, ngợi ca này khác, thì tôi ngại lắm, vì tiêu tiền của dân như thế, thì nó cũng không mang lại hiệu quả gì.

Phần lớn phim của tôi đều hướng về những vấn đề xã hội, vấn đề thân phận con người. Xin mọi người đừng có cho rằng tôi là người mô phạm, cao đạo gì đâu, nhưng quả thật, thì tình cờ trong cuộc đời đeo đuổi nghiệp làm phim tài liệu này, tôi chỉ đi theo những đề tài nào, trong đó gửi gắm được chuyện là, hãy quan tâm đến con người, chia sẻ những nỗi đau của con người thôi.

Ngay từ bộ phim đầu đời của tôi, tên là « Những người dân quê tôi », tôi quay ở chiến trường miền Nam, thì tôi cũng quay con người ở trong chiến tranh, những người dân bình thường, một bà lão nông mất con cái, một em bé mồ côi, một nhà sư mất chùa, một cô thiếu nữ bị chiến tranh tàn phá, mặt của cô không còn được lành lặn và xinh xắn nữa… Sau này làm các phim khác, cũng xoay quanh cái sự tìm kiếm ấy.

RFI : Có một khán giả phim ông đưa ra một nhận xét, được ông ghi lại trong cuốn sách này, tức là phim của ông ("Chuyện tử tế") xem thì nhẹ nhàng, « nhẹ nhàng nhưng khốc liệt ». Mà trong cuốn sách ông cũng đôi lần nói đến việc, một bộ phim tài liệu hấp dẫn thì phải đánh động « thần kinh của xã hội ». Tức là đụng chạm đến những phần nhạy cảm nhất của xã hội, thì việc này rõ ràng là không đơn giản đúng không ạ ?

Trần Văn Thủy : Nhận xét ấy là của đạo diễn John Gianvito, người Mỹ. Ông này là người rất nổi tiếng ở Mỹ, ông ấy là người tổ chức ra những chương trình điện ảnh có tầm cỡ thế giới. Ông nói rằng, bộ phim « Chuyện tử tế » nó nổi tiếng và nó rất hợp với thời cuộc. Theo quan niệm của John Gianvito, thì bất kỳ một bộ phim nào mà làm thức tỉnh con người, thì đều là bộ phim có tính chính trị cao. Tôi bỗng bừng tỉnh là hai chữ chính trị mà John Gianvito dùng, thì nó rất là chân chính, rất là đẹp, chứ không phải như khái niệm thường thường ở Việt Nam, chúng tôi chê nhau là : À, cái này « chính trị » quá !

Thế và ông ấy khen bộ phim ấy bằng nhiều từ ngữ mà hơi có cánh. Tôi không dám nhận tất cả những sự khen ngợi ấy, nhưng mà tôi nghĩ rằng bạn bè ở trên thế giới người ta đánh giá cao bộ phim ấy. Và có thể nói là lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, phim tài liệu bán vé lấy tiền (« Chuyện tử tế » và « Hà Nội trong mắt ai »), và bán bản quyền ra nước ngoài mang về cho Nhà nước Việt Nam nhiều tiền nhất là « Chuyện tử tế ».

Nhiều lúc, tôi nghĩ hơi cực đoan như thế này : nhiều khi phim tài liệu tác giả không phải là chúng tôi đâu, mà tác giả là cuộc đời. Thứ nhất là, xuất phát từ những nhu cầu của cuộc sống, mà anh cảm thấy cần cho cuộc đời này, thì anh bắt đầu một ý tưởng để làm phim. Trong khi anh làm phim, thì cũng nhờ vào cuộc đời, nhờ vào thân phận con người, nhờ vào những chuyện xảy ra trong cuộc đời, mà anh thu thập được. Và sau này, bộ phim được nhận rằng đấy là một bộ phim hay, hay dở, thì nhiều khi cũng do cuộc đời. Chứ không hẳn là những liên hoan phim, do những nhà phê bình. Cuộc đời chấp nhận nó, cuộc đời người ta cần nó, thì bộ phim có giá trị. Tất nhiên, một người làm nghề, thì phải có nghề, có lương tâm, và chính kiến trong những đề tài mình đề cập đến, và cũng có những cách thức để mà đứa con tinh thần của mình đến bờ, đến bến. Nhưng mà cuộc đời, nó là điểm tựa quan trọng nhất. Đối với phim tài liệu, thì phải là thật. Hai chữ chân thật được để trên bàn thờ của những người làm phim tài liệu và làm báo.

Tôi có nói đùa với mấy bạn bè đồng nghiệp nước ngoài, tại các liên hoan phim, là ở Việt Nam có rất nhiều điều khó khăn trong khi làm nghề, nhưng có một cái hay nhất, mà nhiều khi những nhà làm phim nước ngoài không có được, đấy là cuộc sống có đầy rẫy những đề tài hay. Tất nhiên, không có ai muốn xã hội có nhiều chuyện trái khoáy, những chuyện đau đầu hay những chuyện thất nhân tâm, nhưng tôi hỏi là, nếu một xã hội quá yên hàn, quá tử tế, con người với con người nó thân ái,… nhiều khi nó không có những chuyện như thế để mà kể. Cho nên nhiều khi làm phim cũng phải biết rằng, trong cái họa, có cái phúc, trong cái phúc, thì có cái họa là như thế. Nếu nói về nghề mà nói, thì tôi cũng bằng lòng với công việc của mình, là mình có một diễn đàn để mà trình bày, để mà suy nghĩ, để mà chia sẻ với mọi người về những điều mà mình quan tâm.

RFI : Cái bộ phim Chuyện tử tế có một số phận kỳ lạ. Gian truân ở trong nước khi làm, rồi để ra đến ngoài thì rất khó khăn. Nhưng cuối cùng nó đã nhận được một giải thưởng cao tại liên hoan Leipzig, vào thời điểm cách khi bức tường Berlin sụp đổ chỉ khoảng 10 tháng. Ông có nghĩ rằng, bộ phim này đã tham gia một phần nào đó vào việc nước Đức thống nhất trong hòa bình, cũng như điện ảnh Đức có một ý nghĩa nào đó trong chuyện này ?

Trần Văn Thủy : Các bạn đồng nghiệp Đức và báo chí họ nói nhiều lắm. Cũng có người nói như thế, tức là bộ phim "Chuyện tử tế" này nó cũng là một tham góp nhỏ bé để làm đổ bức tường Đông-Tây Berlin. Thì tôi không nghĩ là đây là nói thật, mà đây là nói đùa thôi. Tôi không dám nhận cái chuyện ấy, bởi vì nó là chuyện quá lớn, chuyện tày đình như thế, mà sao bộ phim nhỏ bé của tôi lại tham gia vào cái việc ấy được. Thế nhưng mà, trong chừng mực này đấy thì cũng thấy rằng, các bạn đồng nghiệp của tôi ở bên Đông Đức, vào cái thời kỳ đó, họ rất quan tâm đến việc đưa bộ phim này sang, trong hoàn cảnh mà Nhà nước Việt Nam… Gọi là Nhà nước Việt Nam cũng không đúng đâu, bởi vì một số người nào đó phụ trách cái công việc này, có trách nhiệm với công việc này, có quyền chức gì đấy trong cái công việc này, định đoạt nó như thế, chủ trương nó như thế.

Có lẽ cái phim này nó được sự quan tâm. Tôi cũng chẳng phải là người tài cán gì. Nhưng mà tôi chỉ tinh quái là tôi biết tìm đến dây thần kinh nhậy cảm nhất của khán giả. Khi mà đụng chạm đến thân phận con người, thì ở bất kỳ thời đại nào, đông tây kim cổ, thì mọi người ta đều dễ xúc động cả. Trong « Chuyện tử tế » đầy ắp những thân phận những con người tốt, những con người nhân hậu, những con người công cán trong thời chiến, mà đến bây giờ họ sống lay lắt như thế, thì có lẽ đó là một kết quả mà đôi khi người làm phim của không lường đoán được.

Cái sức lực để làm ra một bộ phim thì nó là 10 phần chẳng hạn, nhưng mà sức lực để che chắn, để rào đón, để mưu toan làm sao để đứa con tinh thần của mình đến bờ đến bến, thì nó 2, 3, 4, 10 lần, gian nan lắm.

Tôi có quan niệm như thế này. Làm phim, thì nói chung là phải hay, mà muốn hay thì phải thật thôi. Phim tài liệu là một loại dễ làm mà khó hay. Thí dụ như phim « Chuyện một góc công viên », tôi nghĩ rằng, đấy cũng là một bộ phim được đánh giá cao. Người ta bị cuốn hút, người ta xem bộ phim ấy, người ta cảm thấy cái thân phận con người rất rõ ràng. Hơn nữa, cái phim « Chuyện một góc công viên » ấy tôi tuyệt đối không có lời bình, không có nhạc. Tất cả tôi quay như cuộc đời nó có thực. « Chuyện một góc công viên » tôi quay năm 1996, thời kỳ ấy phương pháp làm phim hiện đại, tức là chỉ quay sự thật không, hình và tiếng là chính của cuộc đời, mà anh không sử dụng âm nhạc, không sử dụng lời bình còn rất hiếm hoi ở Việt Nam. Vào thời điểm đó, tôi đã dùng như thế.

Cũng như phim « Chuyện tử tế », làm năm 1985, cũng là sớm so với việc người ta luận bàn về học thuật, về cách làm phim tài liệu. Đến bây giờ người ta mới bàn đến chuyện làm phim tài liệu là : Không nên có kịch bản, chỉ nên có ý tưởng thôi. Vào thời điểm đó tôi làm « Chuyện tử tế » thì nó chỉ có ý tưởng. Tất cả các nhân vật, câu chuyện trong đó là mình tìm trong hành trình của cuộc làm phim, tiếp xúc rất gần với cuộc đời, va đập với cuộc đời, mình mới tìm kiếm ra những nhân vật như thế chứ. Anh phải có bản lĩnh, thậm chí phải có nhân cách mới, anh mới làm được cái cách như thế. Chứ còn nghĩ một đằng anh làm một nẻo, rồi anh làm để lấy lòng người nọ, người kia, thì chắc chắn không bao giờ có được những bộ phim lay động con người cả.

RFI : Trong cuốn sách này, ông đã dành một phần quan trọng cho tập “Nếu đi hết biển”. Đây không phải là một cuốn phim, vậy tại sao ông đưa tác phẩm này vào trong một câu chuyện, mà mọi người vẫn nghĩ ngầm hiểu là để kể về phim của đạo diễn Trần Văn Thủy ?

Trần Văn Thủy : Khi thực hiện cuốn sách này, nó cũng là tình cờ thôi. Tôi được mời qua Mỹ để làm việc là nghiên cứu về cộng đồng người Việt ở Mỹ. Nhưng bị giới hạn ở việc là người trong nước ra đi, rồi Quốc gia, Cộng sản, nhiều thứ khó khăn quá, thì tôi chỉ viết được 50, 60 trang, rồi sau đó, tôi tiếp cận với các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo ở bên Mỹ, rồi tôi chuyện trò với các anh ấy. Các anh ấy là những người có tấm lòng cởi mở, và có những quan hệ thân thiện, nên cũng đã giúp tôi để hoàn thành việc mà bên trường đại học Massachusett, trung tâm William Joiner (WJC), người ta mời tôi qua đó để nghiên cứu về cộng đồng.

Kể về cuốn sách đó, thì nó cũng hơi dài. Bởi vì trong quá trình làm, có những ý kiến khác nhau, rồi thì về nhà thì không được chấp nhận. Cái cách của tôi là, nhân in cái cuốn « Chuyện nghề của Thủy », thì tôi đưa vào đấy một số chương của « Nếu đi hết biển ». Và mọi người đọc xong, thì kể cả những người có trách nhiệm cũng thấy rằng, nó cũng có ích. Cái chính là nội dung của « Nếu đi hết biển », nó cũng hướng tới sự hòa thuận, nếu không muốn nói là hòa giải.

Người Việt Nam chúng ta, chiến tranh đã lùi xa bao nhiêu năm rồi, mà cứ vẫn thành kiến, vẫn hận thù nhau, thì nó khổ quá. Nếu mà sau này, mà có sự cởi mở hơn, cuốn « Nếu đi hết biển » được in ở trong nước, thì nó rất có ích hơn.

RFI : Cuốn « Nếu đi hết biển » được nhiều người khen ngợi, nhưng cũng có người không đồng tình. Có một câu hỏi, mà đạo diễn hỏi một vị ở bên Đức, rằng là ông nhìn nhận như thế nào về những người « chống cộng một cách cực đoan » (tr. 324). Câu này gây rất nhiều cảm xúc với những người ở Hoa Kỳ và những nơi khác, có quan điểm chính trị khác. Vậy đạo diễn nhìn nhận như thế nào về câu hỏi đó (mà một số người cho là mang tính áp đặt quan điểm) và thái độ phản ứng mạnh về chuyện đó ?

Trần Văn Thủy : Nếu mà anh đọc « Nếu đi hết biển » tái bản 2004, có ý kiến của ký giả Vũ Ánh, kỷ giả của Việt Nam Cộng hòa kỳ cựu, đã từng tháp tùng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đi Italia, thì cái câu hỏi ấy sẽ được trả lời, không cần đến tôi trả lời.

Cái câu hỏi đó, theo tôi nghĩ là câu hỏi rất bình thường thôi. Chẳng có gì đặc biệt lắm trong câu hỏi đó cả. Tức là việc chúng ta nhìn nhận như thế nào về bên tả, bên hữu, rồi người trung hòa, người cực đoan, thì đó là câu hỏi bình thường thôi. Không biết anh có trải nghiệm những cực đoan, cực đoan phía này hay phía kia đều không hay cả.

RFI : Trong cuốn sách được ông trích dẫn, ông có đưa ra nhận xét, nói một cách nôm na là người Việt « oánh » nhau nhiều quá, đối đầu nhiều quá, dân tộc này là vô vọng, vì các xung đột không được giải quyết. Phải chăng đây là cảm giác chủ đạo của tập ghi chép phỏng vấn này ?

Trần Văn Thủy : Cũng không phải ý kiến gì chủ đạo đâu. Có lẽ dân tộc nào cũng thế thôi. Cũng những mặt phải và mặt trái, mặt tốt và mặt xấu. Người Việt mình cũng phải nói là những mặt truyền thống rất là tốt đẹp, bởi vậy dân tộc Việt của chúng ta mới tồn tại và mới có một thế đứng như ngày nay chứ.

Nhưng mà chỉ có một điều là. Nếu đặt vào địa vị anh yêu dân tộc anh, như anh yêu gia đình của anh, thì khi anh yêu gia đình của anh, thì anh phải tìm thấy những mặt chưa phải, chưa tốt, chưa hay, để anh chấn chỉnh gia đình của anh.

Cũng như vậy, khi anh yêu thực sự đất nước anh, thì anh phải biết mặt trái, mà cái điều này chẳng có gì mới cả. Tôi nghĩ răng thế hệ chúng ta là hậu sinh. Chẳng so bì được. Chỉ nói đến đầu thế kỷ XX, các bậc chí sĩ, các đám trí thức, mặc dù trong một chế độ thực dân phong kiến, rồi là mặc dù trong một chế độ bị kìm kẹp như thế, nô lệ cho ngoại bang như thế, nhưng mà vẫn có những tư tưởng sáng ngời. Thí dụ như Phan Chu Trinh chẳng hạn, ông ấy chủ trương phải Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh. Trong Khai dân trí, thì có những vấn đề về trí tuệ, thậm chí về nhân cách, bản lĩnh… vấn đề thuộc tính dân tộc mình, làm sao người Việt mình nó phải hay lên, phải tốt lên, phải tử tế lên, phải mạnh mẽ hơn. Thí dụ như cụ Nguyễn Văn Vĩnh chẳng hạn, vào những năm đầu thế kỷ XX, có mục "Xét tật mình". Cụ xót xa cho thân phận người Việt Nam mình, lo lắng cho tiền đồ của dân tộc. Cụ nghĩ là phải hoàn thiện con người. Tôi nghĩ điều này là cực đúng. Các cụ nghĩ như thế là cực đúng.

Trong xã hội, còn những mặt phải, mặt trái thì đương nhiên rồi, nhưng làm sao phải có một môi trường về giáo dục, về luật pháp, rồi mọi phương tiện khác, nó phối hợp lại để con người có thể sống tốt hơn, tử tế hơn lên được. Tôi cho là, ăn ngon mấy một tuần cũng chán, mặc đẹp mấy cũng gò bó…. Mà anh ở nhà sang quá, cầu kỳ quá thiếu đi cái sự hồn nhiên, thiếu đi cái sự dân dã thì có lúc anh cũng chán. Nhưng mà cuộc đời, nếu có tình thân ái, có sự thương yêu nhau, sự đùm bọc nhau, tin cậy nhau, thì tôi cho đó là tuyệt vời.

Có một cái thứ mà người Việt Nam chúng ta có thể làm ngay được, văn minh ngay được. Đó là đời sống tinh thần của con người với nhau. Mà cái đó, thì tôi cho rằng, luật pháp phải quan tâm, giáo dục phải quan tâm, và đặc biệt là những người có chức có quyền phải làm gương mẫu, thì xã hội mới tiến tới cái đó được. Khích lệ những sự tử tế, tình thương yêu giữa con người với con người, thì có thể có văn minh ngay, chẳng cần phải chờ bao nhiêu năm nữa, chẳng cần phải chờ GDP đến bao nhiêu, thì mới có văn minh. Ví dụ như khích lệ cái đám trí thức, báo chí hãy nói thật đi, đừng có nghĩ một đằng, làm một nẻo nữa. Thì đấy là văn minh rồi còn gì nữa. Khi đã được nói thật, thì sẽ có tất cả.

Đấy là một cái quan niệm mà có thể mỗi người nghĩ một khác. Thế nhưng mà hoàn cảnh của chúng tôi, những trải nghiệm của chúng tôi, những sự quan tâm của chúng tôi, thì chúng tôi muốn… đây là cho đất nước thôi, chứ còn… Đây không phải là chuyện của cá nhân mình.

RFI : Ông nói đến trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt trong việc nói thật. Trong cuốn « Chuyện nghề của Thủy », ông cũng nhắc đến vai trò của những người lãnh đạo. Dường như một số người lãnh đạo cao nhất có trách nhiệm trong việc ghìm bộ phim này lại ?

Trần Văn Thủy : Trong cuốn sách này, tôi cũng có nói đến một số nhân vật cấp cao, mà do hoàn cảnh đã đẩy tới cái việc các ông phải có những can dự, phải có ý kiến vào công việc phim ảnh của tôi. Tôi cũng rất là buồn, khi mà, có nhiều người tốt ở cấp cao như thế, nhưng mà tại sao, văn nghệ sĩ trí thức nhiều lúc vẫn điêu linh, vẫn bị khó dễ. Tôi không hiểu được !

Sau này bình tĩnh ra, nghĩ lại thì tôi thấy hình như là, những cấp trung gian họ mẫn cán quá. Họ muốn chứng tỏ, họ muốn biểu diễn lập trường. Người Việt Nam mình hay có câu « bảo hoàng hơn vua ». Tại sao các ông ấy ở trên thoáng đạt như thế !? Đây là cái bệnh mà thời Pháp người ta đã nói về người Việt Nam : Trong mỗi người Việt Nam có một ông quan và một thằng nô lệ ! Người Việt Nam rất là tự ái, khi người Pháp nói về người Việt Nam như thế. Nhưng thực tế, điều này nghe thì bực mình thật, nhưng mà ngẫm ra trong cuộc đời mà mình trải nghiệm thì mình thấy cái đấy có lúc đúng.

RFI : Trong phần viết về « Hà Nội trong mắt ai », có đoạn, sau khi ông Phạm Văn Đồng xem phim xong rồi, thể hiện đồng tình (tr. 170-171), bộ phim được thuận lợi, nhưng sau đó, đạo diễn kể là có tiếp xúc với hai lãnh đạo cao cấp, còn hơn cả ông Đồng, là ông Trường Chinh và một người nữa (ông Lê Đức Thọ) (tr. 173). Thì sau cuộc gặp đó, tự nhiên bộ phim bị đình lại. Thì phải chăng là cuộc gặp đó cũng có một ý nghĩa quyết định trong việc ảnh hưởng đến số phận của tác phẩm vào thời điểm đó ?

Trần Văn Thủy : Tôi cũng không muốn nhắc lại chuyện này. Bởi vì chuyện này, mỗi người một quan điểm, mỗi người một hoàn cảnh. Chuyện của ông Đồng nó là thế, thì tôi kể thế. Còn chuyện với những ông khác nó từng xẩy ra như thế, thì tôi cũng dã kể như thế. Khi chiếu cho mấy ông xem tiếp (các ông Trường Chinh và Lê Đức Thọ) thì (sau đó) bộ phim nó vẫn chưa được chiếu.

Tôi nghĩ rằng, thôi thì tôi cũng không dám tất cả mọi người phải hiểu mình, và phải đối xử tốt với mình. Có người hiểu, cũng có người chưa hiểu. Rồi với thời gian, thì người ta cũng hiểu. Cũng giống như là khi bộ phim « Hà Nội trong mắt ai » nó được phục hồi, nó được chiếu rộng rãi, nó được liên hoan phim tôn vinh sau đại hội 6, thì ông Trường Chinh cũng tiếp đón chúng tôi một cách niềm nở và ông cũng nói một câu cũng rất là đẹp đẽ để mà khen ngợi, động viên chúng tôi. Nhưng mà thôi thì, không phải việc gì các ông cũng có thể biết hết được đâu. Thật ra mà nói, các ông ấy là lo những việc lớn, còn mình ở dưới mình làm phim, mình thích thú mình đam mê, mình nghĩ ngợi, mình lo ngại cho số phận của bộ phim của mình thôi, chứ còn các ông ấy có nhiều việc không có quan tâm hết được.

RFI xin chân thành cảm ơn đạo diễn Trần Văn Thủy đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn hôm nay.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.