Vào nội dung chính
HOA KỲ-BẮC Á

Hợp tác kinh tế Mỹ-Hàn gây lo ngại cho Nhật Bản

Ngày 8/12 vừa rồi, Mỹ và Hàn Quốc ký thỏa thuận tự do mậu dịch. Thỏa thuận này tạo thêm một thử thách mới cho kinh tế Nhật Bản vốn đang trong thời kỳ un ám. Le Monde phân tích sự kiện này với nhận định : « Thỏa thuận tự do mậu dịch Washington-Seoul gây quan ngại cho Nhật Bản ».

Bộ trưởng thương mại Hàn Quốc Kim Jong-hoon vui mừng giới thiệu thỏa thuận thương mại Mỹ-Hàn Quốc  hôm 5/12/2010
Bộ trưởng thương mại Hàn Quốc Kim Jong-hoon vui mừng giới thiệu thỏa thuận thương mại Mỹ-Hàn Quốc hôm 5/12/2010 Ảnh:REUTERS/Nam Gang-Ho
Quảng cáo

Thỏa thuận bao gồm nhiều lĩnh vực, từ ngành ô tô, thị trường tài chính, rồi đến ngành điện tử. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lấy làm vui mừng vì thỏa thuận sẽ giúp cho kinh tế Hàn Quốc phát triển hơn nữa. Về phần mình, tổng thống Mỹ Barack Obama cũng hoan hỉ cho biết, thảo thuận rất có lợi cho hoạt động xuất khẩu của Hoa Kỳ và giúp cho nước này tạo thêm 70 000 việc làm.

Kinh tế Nhật Bản phát triển chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Gần đây, đồng yên tăng giá kỷ lục từ 15 năm nay. Việc đó đã gây nhiều khó khăn cho ngành xuất khẩu. Vì thế, đối với Tokyo, thỏa thuận trên đe dọa khả năng cạnh tranh của Nhật.

Tác giả cũng nhắc lại việc Tokyo đã ký thỏa thuận với 13 đối tác, trong đó có khối Asean và Mêhico. Việc đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu sẽ khởi động vào đầu mùa xuân, trong khi đó thỏa thuận Seoul-New Delhi đã có hiệu lực từ năm 2010, và thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 7/2011.

Ngành chịu thiệt hại nặng nhất là ngành ô tô. Theo thỏa thuận, Mỹ-Hàn sẽ giảm dần để tiến đến xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô Hoa Kỳ. Về phía Mỹ, nước này cam kết sau 5 năm tính từ ngày thỏa thuận có hiệu lực, sẽ hủy thuế nhập khẩu đối với xe Hàn Quốc. Việc xóa bỏ thuế này sẽ giúp cho các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc có nhiều thuận lợi hơn trong xuất khẩu xe cho Hoa Kỳ.

Trước đó, nhờ vào mệnh giá đồng won thấp, nên lĩnh vực này của Hàn Quốc đã có nhiều lợi thế hơn đối thủ Nhật. Chủ tịch Hiệp hội sản xuất ô tô Nhật cho rằng, chính phủ nên nhanh chóng tiến hành đàm phán về tự do thương mại. Nếu không, ngành ô tô nước này sẽ bị thua thiệt rất nhiều so với đối thủ Hàn Quốc.

Trong bối cảnh đó, ở hội nghị thượng đỉnh Diễn Đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), thủ tướng Nhật Naoto Kan đã xin gia nhập vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, với chủ ý muốn nhanh chóng đứng vào hàng ngũ tổ chức này để được sự ủng hộ của 9 nước, trong đó có Hoa Kỳ.

Thế nhưng, hiệp định này dự kiến xóa bỏ tất cả các loại thuế quan, một điều rất có hại cho Nhật, nhất là cho ngành nông nghiệp vốn luôn được bảo hộ. Để vượt khó khăn và xoa dịu sự bất mãn của giới nông nghiệp, chính phủ đã thành lập một Ủy ban chuyên trách tìm giải pháp nâng cao tính cạnh tranh của ngành nông nghiệp.

Tuy vậy, Le Monde cảnh báo, việc đó cần có nhiều thời gian trong khi tình hình lại đang cấp bách. Vì thế, Nhật Bản có nguy cơ nhìn các nhà công nghiệp của mình «chạy» đi nơi khác. Như hãng Nissan đã tăng công suất hoạt động ở Mêhico, bởi từ nước này, Nissan có thể xuất khẩu sản phẩm đến Mỹ, Canada và Braxin mà không phải trả tiền thuế quan.

Lễ trao giải Nobel Hòa bình và chiếc ghế bị bỏ trống

Hôm nay là ngày trao giải Nobel hòa Bình 2010. Thế nhưng, chiếc ghế người lãnh giải chắc chắn bị bỏ trống, bởi chủ nhân giải thưởng đang bị giam cầm ở Trung Quốc. Đa số báo Pháp hôm nay điều tập trung phân tích sự kiện này. Sau đây xin lược qua quan điểm của một số bài viết đáng chú ý nhất.

Trước tiên, La Croix nhận định, Trung Quốc đã tiến hành một «cuộc chiến ngoại giao» để phản đối quyết định của Ủy ban Nobel. Trong lịch sử của giải thưởng danh giá này, đây là lần đầu tiên một quốc gia trực tiếp vận động các nước khác tẩy chay lễ trao giải Nobel.

Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng vừa tạo ra giải thưởng Khổng Tử Hòa Bình, và quyết định trao cho ông Liên Chấn, nguyên phó chủ tịch Quốc dân đảng Đài Loan, vì cho rằng ông này đã có nhiều đóng góp cải thiện quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan. La Croix đánh giá : Bắc Kinh muốn lấy giải thưởng này làm đối trọng với giải Nobel Hòa bình.

La Croix cũng cho biết, chính phủ Trung Quốc hôm qua vừa cử một phái đoàn các nhà nghiên cứu và giảng viên đại học đến Châu Âu để đánh giá hình ảnh nước này ở trời tây, và tìm biện pháp để cải thiện. Như vậy, ngược lại với những lời hoa mỹ ca tụng đất nước, chưa bao giờ chính phủ nước này lại lo lắng cho hình ảnh của mình như vậy.

Còn Le Monde thì đánh giá, giải Nobel hòa bình 2010 đã tạo những bất đồng giữa các nước, bởi có nước tham gia lễ trao giải, còn có nước từ chối cử người tham dự. Tờ báo cũng thông tin, ngày 8/12, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua nghị quyết chúc mừng Lưu Hiểu Ba với 401 phiếu thuận và 1 phiếu chống.

Le Monde cũng giới thiệu bài viết của nhà văn John Ralston, chủ tịch Hội văn Bút Quốc tế (PEN Club International). Ông này cho rằng, theo quan niệm của người Trung Quốc, một người bạn tốt là người bạn cởi mở và chân thành, không ngại phê phán những điều sai trái của bạn mình. Theo nghĩa đó thì chính phủ Bắc Kinh đã cầm tù nhiều bạn tốt của mình.

Nhiều nhân vật trong chính phủ mong muốn giảm bớt tham nhũng, tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động, giảm tai nạn ở các khu hầm mỏ, xây dựng một hệ thống giáo dục hợp lý hơn. Đó cũng chính là những điều được phản ảnh nhiều nhất trong thông điệp của các văn sỹ bị chính phủ giam cầm.

Ông John Ralston kết luận, quyền tự do ngôn luận có thể góp phần thúc đẩy cải tổ, vì thế, một tiếng nói can đảm như Lưu Hiểu Ba phải được hoan nghênh. Và cử chỉ đầu tiên biểu hiện sự hoan nghênh chính là trả tự do cho  nhân vật này.

Loài bò sát Sphénodon, một loài bò sát thách thức thời gian và giới khoa học.

Theo Le Figaro, New Zeland nỗi tiếng là mảnh đất của nhiều loại động thực vật kỳ lạ. Về vấn đề này, bò sát Sphénodon có lẽ là đại biểu ưu tú nhất. 

Các nhà khoa học cho là tỷ lệ đột biến của chúng ở mức cao nhất trong tất cả các trường hợp được ghi nhận ở bộ gien đơn bội của loài động vật có xương sống. Vấn đề là còn phải tiếp tục tìm nguyên nhân giải thích hiện tượng « siêu đột biến này ».

Một nét đặc biệt khác là loài bò sát này có tuổi thọ rất cao, ít nhất cũng sánh được với những cụ rùa. Theo các nhà khoa học, nó có thể dễ dàng sống đến 100 tuổi, và rất có nhiều khả năng tuổi thọ có thể đạt đến 150 hoặc 200 năm.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.