Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Julian Assange : Nhân vật trong năm của Le Monde

Le Monde vẽ lại quá trình bước vào làng thông tin đại chúng thế giới của Julian Assange, một người cách đây ba năm vẫn chưa được ai biết đến, nay đã trở thành nhân vật gây ra nhiều tranh cãi nhất trên hành tinh.

Julian Assange tại Luân Đôn
Julian Assange tại Luân Đôn ©Reuters
Quảng cáo

Những hồ sơ đặc biệt cuối năm

Các tuần báo Pháp ra số đặc biệt cuối năm dày gấp đôi, với những hồ sơ công phu. Tạp chí L’Express dành hàng trăm trang để điểm lại Bề dày lịch sử của Thiên Chúa giáo: những phát hiện mới về Chúa Giê-su, câu chuyện về các tu viện và các giáo đường, các tác phẩm nghệ thuật bậc thầy của hai ngàn năm qua.

Không hẹn mà nên, nếu tuần báo Le Nouvel Observateur qua chủ đề « Những người Thiên Chúa giáo bị xâm hại » đã điểm qua tình cảnh của hai mươi triệu người theo đạo ở nhiều nước châu Á hoặc Trung Đông, thì Le Figaro Magazine cũng dẫn ra lời chứng của “Những người Thiên Chúa giáo đã biết phản kháng”, từ Algérie, Ai Cập, Irak cho đến Trung Quốc, Cuba. Còn số đặc biệt của tuần báo Le Point chú trọng đến Ai Cập, cái nôi của văn minh phương Tây, quốc gia đầu tiên của nhân loại mà ranh giới hầu như không thay đổi suốt sáu ngàn năm qua.

Hồ sơ lớn của tuần báo Le Nouvel Observateur được dành cho một Trung Quốc đã giàu mạnh một cách đáng kinh ngạc. Tờ báo mời độc giả làm một cuộc du hành xuyên qua đất nước mà theo Le Nouvel Observateur thì tương lai thế giới sẽ được quyết định ở đây. Một bức tranh đầy tương phản, từ thị trường địa ốc, tác phẩm nghệ thuật, dịch vụ sửa sắc đẹp…cho đến số phận của 700 triệu người lao động làm quần quật mà chẳng đủ ăn, những người đi khiếu kiện tiêu tốn bao nhiêu thời gian và có khi cả gia sản mà chỉ có 0,2% đạt kết quả.

Hồ sơ của tờ Le Courrier International tuần này bàn về nghệ thuật ẩm thực. Những đầu bếp nổi tiếng thế giới được xếp vào hàng ngôi sao, những đặc sản địa phương được chú trọng, những sáng tạo trong ẩm thực…Tờ báo không quên nhắc đến đề tài luận án tiến sĩ của một nhà nghiên cứu người Anh “How cooking made us humain”: bước đại nhảy vọt từ loài khỉ lên thành con người, từ khi người tiền sử bắt đầu biết dùng lửa để nấu chín thức ăn.

Số báo đặc biệt Newsweek tuần này chỉ dành riêng để phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, từ lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi cho đến tỉ phú Bill Gates. Riêng Le Monde Magazine trang trọng dành ảnh bìa trang nhất cho Julian Assange, người sáng lập trang web WikiLeaks, đã được ban biên tập cũng như độc giả trên mạng của tờ nhật báo uy tín này bình chọn là nhân vật trong năm.

Julian Assange: Nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất thế giới

Le Monde đã vẽ lại quá trình bước vào làng thông tin đại chúng thế giới của Julian Assange, một người cách đây ba năm vẫn chưa được ai biết đến, nay đã trở thành nhân vật gây ra nhiều tranh cãi nhất trên hành tinh. Người thì đánh giá Julian Assange là một anh hùng mới của quyền tự do ngôn luận, hình mẫu của một nhà thám hiểm thế kỷ 21; người khác lại cho ông là một kẻ hoang tưởng vô trách nhiệm, kẻ thù của nền dân chủ phương Tây.

Khi được hỏi về nghề nghiệp, câu trả lời của Julian Assange tuy dài dòng nhưng chính xác: “Tôi là nhà tranh đấu, nhà báo, lập trình viên, chuyên viên mã hóa, đặc biệt là trong các hệ thống nhằm bảo vệ những người đấu tranh cho nhân quyền.”

Sinh ra trong một thành phố nhỏ miền đông bắc nước Úc, lúc nhỏ Julian Assange phải đi theo mẹ sang nhiều nước, thường xuyên phải đổi trường, và ông có thói quen tự học. Ở tuổi thiếu niên Julian Assange đã là hacker, đã từng bị đưa ra tòa nhưng chỉ phải nộp phạt. Năm 18 tuổi, ông chung sống với một thiếu nữ 16 tuổi và có một đứa con trai, nhưng sau khi chia tay, không được quyền nuôi con, ông đã thành lập một hiệp hội với cơ sở dữ liệu bảo đảm giữ bí mật cho những nhân viên nào tố cáo những khiếm khuyết của cơ quan bảo vệ trẻ em. Tuy cuối cùng ông từ bỏ ý đồ, nhưng quan niệm của WikiLeaks có lẽ được hình thành từ đây.

Ông thành lập một công ty dịch vụ internet nhỏ tại Úc, đấu tranh không khoan nhượng cho quyền tự do ngôn luận trên mạng. Ông cũng viết báo, du hành qua nhiều đất nước và phát hiện rằng ở nhiều quốc gia độc tài, quyền này không hề hiện diện. Trong một tiểu luận công bố vào năm 2006, ông cho rằng trong lịch sử, việc bất ngờ phát hiện các thông tin mật của tầng lớp trên thường gây ra những đảo lộn chính trị xã hội, và trong thời đại internet, có thể thúc đẩy những cuộc cải cách to lớn với một cái giá không đáng kể.

Cuối năm 2006, Julian Assange quyết định biến lý thuyết thành hành động, qua việc thành lập một trang web dành cho những ai muốn tố cáo nặc danh các hành động bất hợp pháp, vô đạo đức của cấp trên, chính khách hay viên chức. Ông tạo ra một hệ thống bảo đảm an toàn tuyệt đối, không thể nào truy tìm được nguồn gốc tin tức. Tài liệu gởi đến sẽ được mã hóa, gỡ hết các vết tích, rồi đưa qua một mạng lưới bí mật gồm các máy chủ vô danh và an toàn, đặt tại nhiều nước trong đó có Thụy Điển, quốc gia bảo đảm quyền tự do ngôn luận. Julian Assange làm việc ngày đêm, với sự trợ giúp của một đội quân tình nguyện từ khắp nơi trên thế giới. Và WikiLeaks đã ra đời vào cuối năm 2006.

Bắt đầu bằng việc tung ra các tin tức về hệ thống tham nhũng của cựu Tổng thống Kenya, và vụ cảnh sát nước này tra tấn, sát hại hàng trăm đối lập chính trị, WikiLeaks đã gây tiếng vang rất lớn và thu hút sự chú ý của báo giới. Trang web nhận được hàng ngàn tài liệu mật về các ngân hàng, doanh nhân, viện bào chế lớn, giáo phái, các lính mũ xanh Liên Hiệp Quốc là tội phạm tình dục…Kể từ năm 2009, Julian Assange được nhiều tổ chức nhân quyền nhìn nhận, trong đó Ân xá Quốc tế tặng cho ông giải Nhân vật trong năm. Ông được nhiều nơi trọng vọng chào đón, còn tại Ireland, ông được coi là người hùng nhờ đã công bố các tài liệu chứng minh sự phá sản của các ngân hàng nước này là do lãnh đạo tham nhũng.

Sau đó WikiLeaks tập trung vào Hoa Kỳ. Đoạn video cho thấy một trực thăng Mỹ xả súng vào dân thường Irak đã gây tác động rất lớn, và Julian Assange trở thành kẻ thù của nước Mỹ. Ông bắt đầu một cuộc sống lẩn trốn, thường xuyên thay đổi địa chỉ và số điện thoại, nhuộm lại tóc, đổi địa điểm hẹn vào phút chót…Nhưng quyết tâm của ông thì vẫn được giữ nguyên. Và như chúng ta đã biết, sau vụ công bố hàng loạt tài liệu ngoại giao mật của Mỹ mới đây, Julian Assange còn bị tư pháp Thụy Điển truy lùng, các trương mục của WikiLeaks bị đóng, trang web bị nhiều nước từ chối không cho đặt tại các máy chủ của nước mình, bị tin tặc tấn công…

Nhưng với sự góp sức của một đội ngũ tình nguyện viên đông đảo trên toàn cầu, WikiLeaks vẫn tồn tại ngay cả khi Julian Assange bị ngồi tù tại Luân Đôn. Nay được tạm tha sau khi đóng số tiền bảo lãnh 283.000 euro do các mạnh thường quân tài trợ, và phải mang vòng điện tử trong khi chờ đợi lại ra tòa vào năm tới, Julian Assange vẫn tiếp tục làm việc cho WikiLeaks, cho niềm tin về tự do ngôn luận.

Xã hội Trung Quốc và những đợt sóng ngầm

Nhìn sang châu Á, một bài báo trong hồ sơ Le Nouvel Observateur về Trung Quốc đã phân tích xã hội này là « một mô hình đang kiệt sức ».

Tác giả nhận xét, hai mươi năm trước đây, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng chế độ Bắc Kinh sẽ tồn tại không lâu. Đảng Cộng sản tuy đã cứu vãn được sự tồn tại của mình nhờ dìm cuộc đấu tranh của sinh viên ở Thiên An Môn trong biển máu, nhưng đã bị cô lập trên trường quốc tế. Rồi chỉ vài tháng sau đó, các đảng cộng sản anh em ở Đông Âu rồi Liên Xô lần lượt sụp đổ.

Nhưng chỉ hai thập kỷ sau, Bắc Kinh lại có thể đắc thắng nhìn phương Tây chao đảo trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Có điều những người bi quan không bị các chỉ số kinh tế thuyết phục, họ cho rằng bất bình đẳng xã hội sẽ làm cho Trung Quốc chao đảo. Theo thống kê chính thức, để duy trì “ổn định xã hội” với bộ máy trấn áp khổng lồ, Bắc Kinh phải chi ra 55 tỉ euro, tương đương ngân sách quốc phòng. Bài báo kết luận, vấn đề chủ yếu không phải là đảng có kiểm soát được xã hội hay không, mà là liệu có thể kiểm soát được chính nội bộ đảng hay không.

Trong bài viết về những người đi khiếu kiện, tờ báo mô tả tình cảnh của những nạn nhân bị địa phương chèn ép lên thủ đô đi tìm công lý, nhưng hành trình kiện tụng ở Trung Quốc là một vòng xoáy địa ngục. Cuộc trường chinh của họ có thể kéo dài nhiều năm, tiêu tốn hết cả nguồn lực của gia đình, làm tan vỡ tình vợ chồng, kéo theo con cái vào vực thẳm.

Họ là những nông dân bị trưng thu đất với cái giá đền bù có khi chỉ bằng 1/10 giá trị thật, các công nhân dám đi biểu tình, những người có người thân bị chết oan vì sai lầm của các cơ sở y tế…Lên đến Bắc Kinh tìm công lý, họ thường bị chính quyền địa phương cho bọn tay chân đến tận nơi truy lùng để đem về trị tội, nhốt trong những nhà tù lậu. Gần đây có những hiệp hội thiện nguyện đã trợ giúp họ trong cuộc trường chinh, tuy nay nhiều người đã không còn tin rằng lãnh đạo cấp cao sẽ công minh hơn các viên chức địa phương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.