Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CÔNG LÝ

Cái chết của 1 trưởng thôn khiến cư dân mất lòng tin vào giới cầm quyền

Báo Le Monde hôm nay chú ý đến một sự kiện ở Trung Quốc, mà theo tờ báo, đã khiến người dân thêm mất tin tưởng vào giới lãnh đạo của họ, đó là cái chết của một trưởng thôn tại tỉnh Triết Giang, xẩy ra trong một bối cảnh mờ ám. Tác giả bài báo Harold Thibault, thông tín viên Le Monde tại Trung Quốc, mô tả cảnh ông trưởng thôn họ Tiền (Tiền Vân Hồi - Qian Yunhui), ở Trại Kiều, Triết Giang, bị cán bẹp dí dưới bánh một chiếc xe bồn to lớn. Sự kiện này đã xẩy ra đúng vào ngày Giáng sinh.

Chính quyền địa phương chiếm đất cho các dự án xây dựng (REUTERS/ B.Yip)
Chính quyền địa phương chiếm đất cho các dự án xây dựng (REUTERS/ B.Yip)
Quảng cáo

Theo giải thích của chính quyền đây là chỉ là một tai nạn bình thường. Chiếc xe chạy ngược chiều, tài xế không có bằng lái. Nhưng có nhiều điểm khiến người dân tại chỗ, cũng như những người lưu truyền hình ảnh cái chết của người này trên mạng hoàn toàn không tin vào lời giải thích trên.

Trước tiên, đó là vì lai lịch của cố truởng thôn Trại Kiều, 53 tuổi. Người đàn ông này đã từng đứng ra bảo vệ quyền lợi người dân bị tước đất tại khu vực này. Theo bài báo, thôn Trại Kiều, ở Triết Giang, tiêu biểu cho nỗi thống khổ của nông dân có đất đai bị tước đoạt. Người dân ở đây đã phải nhường chỗ lại cho một trung tâm điện, sau khi một tập đoàn mua lại 150 ha đất của họ.

Bị đuổi đi, nhưng tiền bồi thường cho họ thì lại không thấy đâu. Ông Tiền, ngay từ đầu, đã đứng về phía nông dân. Ông nêu vấn đề với lãnh đạo cấp tỉnh. Không có kết quả. Ông lại kiến nghị lên cấp trung ương ở Bắc Kinh. Hoạt động của ông đã khiến ông bị bắt giam đến ba lần. Sau khi được trả tự do, ông lại tiếp tục công việc của mình và ông được bầu lại làm trưởng thôn.

Quan chức chính quyền tại Ôn Châu giải thích với báo giới điạ phương ngày 27/12 rằng nguyên nhân tai nạn là do lỗi của cố trưởng thôn đã bất cẩn. Tuy nhiên, cảnh tai nạn đã có một người chứng kiến, người này kể lại là đã thấy 3 người mang găng trắng chận ông Tiền dưới bánh xe. Chính quyền Ôn Châu đã phản bác, nói rằng nhân chứng là một người nghiện ma túy.

Bài báo trên tờ Le Monde cho biết : có nhiều câu hỏi mà báo giới Trung Quốc đã nêu lên nhưng không được giải đáp : tại sao chiếc camera theo dõi các hoạt động, và sự lưu thông trên con đường xẩy ra tai nạn lại không thu một hình ảnh nào cả ? Và nếu thật sự là một tai nạn, thì tại sao chính quyền lại bắt thân nhân của ông Tiền để bịt miệng họ ? Trước khi bị nạn, ông Tiền cũng đã nhận được một cú điện thoại , mà không hiểu từ đâu gọi đến.

Theo Le Monde, một nhóm người trong đó có các nhà báo và một giáo sư, chuyên gia về xã hội học, đã đến Ôn Châu. Theo vị giáo sư này, đây quả là một tai nạn. Công an Ôn Châu cũng muốn nhanh chóng đóng hồ sơ này lại, nhất là khi sự vụ đã dẫn đến một cuộc biểu tình rầm rộ ngày mùng 1tháng giêng vừa qua. Tuy nhiên, nhiều người khác vẫn thấy có những điều không rõ ràng.

Riêng Tân Hoa Xã, theo Le Monde, đã lên tiếng đánh giá, nếu chính quyền điạ phương áp dụng luật pháp một cách minh bạch, không thiên vị, thì có lẽ người dân đã chấp nhận sự thật là ông Tiền chết do tai nạn.

Chủ đề đa dạng trên trang nhất báo Pháp

Nhìn chung, các tờ báo ra ngày hôm nay đều tập trung trên tình hình Pháp, về kế hoạch cải tổ mà tổng thống Sarkozy đã loan báo trong bài diễn văn chúc mừng năm mới của ông, đặc biệt là cải cách chế độ giúp đỡ người cao niên, sống phụ thuộc, hoặc là về đề nghị của một dân biểu đảng Xã hội, ông Manuel Valls, muốn bãi bỏ chế độ làm việc 35 giờ.

Riêng tờ Le Figaro chạy tựa về : ‘Mối đe doạ của Al Qaeda tấn công vào các nhà thờ chính thống giáo ở Pháp". Tuy nhiên ảnh lớn trang nhất được tờ báo lại dành cho cảnh lụt lội ở Úc : "Diện tích bị thiên tai rộng bằng hai nước Pháp và Đức cộng lại".

Một sự kiện khác cũng đượcLe Figaro nêu trên trang nhất, đó là : "Mạng xã hội Facebook đã qua mặt Google ở Hoa Kỳ", trong khi đó, Les Echos chú ý đến giá trị của của Facebook, được lượng giá 50 tỷ đô la.

Bắc Kinh sẵn sàng giúp đỡ Tây Ban Nha

Tờ les Echos hôm nay cũng chú ý đến Trung Quốc, nhưng trên bình kinh tế đối ngoại : Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ Tây Ban Nha, giúp quốc gia này thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế và tài chính. Đây là những lời ‘cam kết’ của phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang công du Tây Ban Nha.

Les Echos không quên nhắc lại là trước Tây ban Nha, Trung Quốc đã khẳng định tương tự với hai nước khác gặp khó khăn do món nợ to lớn của mình : Hy lạp và Bồ Đào Nha.

Les Echos cũng chú ý đến mặt xã hội của Trung Quốc, nhưng liếc nhìn sang Macao, mà các sòng bạc còn nặng ký hơn là ở Las Vegas của Mỹ. Doanh thu năm 2010 lên khoảng 17,7 tỷ euros, cao gấp 4 lần so với các sòng bạc Las Vegas.

Trong mắt giới phân tích kinh tế, Macao vừa chứng tỏ kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh, vừa cho thấy sự giàu sang của tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Dân ham mê cờ bạc chỉ tìm đến Macao, nơi mà họ chi tiền thoả thích. Theo bài báo, chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách giới hạn giấy phép vào vùng lãnh thổ đặc biệt này.

Hạ tầng cơ sở yếu kém kềm hãm tăng trưởng kinh tế Ấn Độ

Cũng trên bình diện kinh tế, báo Le Figaro quan tâm đến Ấn Độ, nhân chuyến đi Pháp của bộ trưởng Giao thông Ấn Kamal Nath. Với tăng trưởng khoảng 9%, Ấn Độ hiện nay được nhiều nước ve vãn hơn bao giờ hết, nhưng Le Figaro cũng nhìn thấy người khổng lồ Châu Á vướng phải một khó khăn lớn, đã kềm hãm phần nào đà tăng trưởng của mình : đó là hạ tầng cơ sở yếu kém, không phù hợp chút nào với đà tăng trưởng của quốc gia này.

Chính quyền Ấn dự kiến đầu tư 1000 tỷ đô la cho giai đoạn 2012-2017. Vấn đề là : một mình Ấn Độ không đủ sức, cho nên cần đến các nhà tài trợ quốc tế. Các quốc gia đều nhìn một cách thèm thuồng thị trường Ấn Độ béo bở, đặc biệt là những nước láng giềng như Trung Quốc và Nga.

Trung Quốc đang muốn nâng trao đổi thương mại với Ấn, từ 60 tỷ đô la năm nay lên 100 tỷ vào năm 2015, trong lúc mà Nga nhìn vào thị trường vũ khí Ấn : New Delhi muốn đầu tư đến 112 tỷ đô la trong lãnh vực quốc phòng. Điện hạt nhân cũng là một lãnh vực mà cả Nga và Pháp đều nhìn vào.

Về đường xá, bộ trưởng giao thông Ấn cho biết là ông mong muốn một quan hệ đối tác với Pháp trong việc xây dựng hệ thống xa lộ. Theo ông, chính quyền Ấn Độ đã đề ra một chương trình phát triển hệ thống đường xá với mục tiêu xây dựng ít nhất 20 cây số xa lộ mỗi ngày, tức 7000 cây số một năm. Do vậy, Ấn Độ cần đến các tập đoàn quốc tế có uy tín.

Người Pháp bi quan nhất thế giới

Nhìn về xã hội Pháp, báo L’humanité nhìn thấy là người Pháp bi quan nhất thế giới. Nói có sách mách có chứng, tờ báo cộng sản trích dẫn lại kết quả một cuộc thăm dò ở nhiều nước mà viện BVA đã thực hiện cho nhật báo Le Parisien : chỉ có 3% là tin tưởng kinh tế sẽ sáng sủa hơn vào năm 2011.

L’Humanité còn trích dẫn một cuộc thăm dò khác do viện Harris Interactive thực hiện về mối quan tâm của người Pháp, thì rõ ràng là họ rất bi quan : mối quan tâm bậc nhất của họ là các vấn đề xã hội, đứng đầu là nạn thất nghiệp. 81% xem đây là vấn quan trọng hàng đầu, kế đến là các vấn đề y tế, sức khoẻ, hưu bổng, mối quan tâm lớn của 73% người được hỏi. Còn 68% thì nêu ra vấn đề sức mua.

L’Humanité nhắc lại rằng đối với mối quan tâm hàng đầu của chính phủ, như tổng thống Pháp đã nêu lên, là giảm thâm thủng ngân sách, thì chỉ có 54% xem đấy là một vấn đề quan trọng. Hoặc vấn đế an ninh mà tổng thống Sarkozy thường nhắc đến và là chủ đề tranh cử của ông sắp tới, thì chỉ khoảng 49% xem là ưu tiên.

L’Humanité lấy làm lo ngại là giữa người dân và chính phủ, trật tự những mối quan tâm ưu tiên lại khác biệt như thế. Nhưng điều càng đáng ngại là người Pháp tỏ ra rất bi quan, không nghĩ là tình hình sẽ được cải thiện, những mối quan ngại sẽ được giải quyết. 86 % không nghĩ là tình hình thất nghiệp sẽ được cải thiện vào năm tới, 84% bi quan về sức mua của họ.

79% nghi là tình hình bất an ninh vẫn không giảm. Tờ báo nói một cách mỉa mai : tỷ lệ bi quan thấp nhất lại liên quan đến vấn đề môi trường : chỉ có 69% có cái nhìn tiêu cực mà thôi.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.