Vào nội dung chính
NGA - PHÁP

Thay đổi trong quan hệ Pháp-Nga qua hợp đồng chiến hạm Mistral

Dưới hàng tựa « Pháp – Nga : một trục chiến lược mới », nhật báo Le Figaro hôm nay phân tích các thay đổi trong chiều sâu giữa Paris và Matxcơva xung quanh việc Pháp bán cho Nga chiến hạm Mistral và các phương tiện quân sự hiện đại.

Lính Nga diễu binh tại Matxcơva ngày 9/5/2011. Pháp sẽ bán cho Nga nhiều phương tiện quân sự để giúp hiện đại hóa quân đội.
Lính Nga diễu binh tại Matxcơva ngày 9/5/2011. Pháp sẽ bán cho Nga nhiều phương tiện quân sự để giúp hiện đại hóa quân đội. Reuters
Quảng cáo

Từng có thời là đồng minh bất đắc dĩ trong mặt trận chung chống Đức Quốc xã, dấu vết của thời kỳ chiến tranh lạnh của nửa cuối thế kỷ XX vẫn còn hằn sâu trong quan hệ Nga – Pháp, cho dù quan hệ tổng thể giữa phương Tây và Nga đã có nhiều chuyển biến với sáng kiến của tổng thống Hoa Kỳ Obama. Tuy nhiên gần đây, dưới thời tổng thống Sarkozy, đặc biệt kể từ khi « người bạn » Medvedev trở thành tổng thống Nga, quan hệ Pháp – Nga đột ngột khởi sắc.

Đã qua rồi cái thời mà các tổ chức thuộc ngành công nghệ cao của Pháp, như Sagem, không có quyền đối thoại với các đối tác Nga. Hiện nay, ngược lại, Nhà nước Pháp khuyến khích các cơ quan đứng đầu trong lĩnh vực trang bị quân sự bán vũ khí cho Nga.

Biểu tượng cho quyết tâm thay đổi quan hệ

Việc chiến hạm Mistral, trang bị hiện đại đứng hàng thứ hai của hải quân Pháp, chỉ sau các hàng không mẫu hạm, được bán cho Matxcơva đã trở thành biểu tượng cho quyết tâm thay đổi trong quan hệ giữa hai nước.

Hợp đồng tàu Mistral còn được kèm theo một số hợp đồng khác. Ví dụ như việc Nga mua khoảng từ 500 đến 1.000 xe thiếp giáp hạng nhẹ do xí nghiệp Panhard của Pháp sản xuất. Các xe thiết giáp hạng nhẹ, rất cơ động, được trang bị các phương tiện thông tin tân tiến, cho phép các đơn vị đặc nhiệm có thể hoạt động tại những vùng đất hiểm trở. Bên cạnh hợp đồng Mistral, Nga cũng dự kiến sẽ mua của Pháp khoảng 20 phiên bản của chương trình Felin, tức hệ thống hoạt động bộ binh của thế kỷ XXI, với các phương tiện định vị, phương tiện liên lạc vô tuyến cá nhân và máy vi tính, mà quân đội Pháp cũng chỉ vừa mới được trang bị. Theo các thông tin của Le Figaro, tư lệnh hải quân Nga vào mùa hè năm ngoái, đã gợi ra khả năng mời Pháp xây dựng giúp một « cơ sở hải quân » tại vùng bờ biển Viễn Đông của Nga.

Các phương tiện quân sự hiện đại mà Pháp dự kiến bán cho Nga mang lại những thay đổi hết sức lớn cho khả năng tác chiến của quân đội Nga. Theo tư lệnh Hải quân Nga, tàu Mistral cho phép hạm đội Biển Đen thực hiện trong vòng 40 phút một nhiệm vụ, mà trước kia phải bỏ ra 26 tiếng đồng hồ. Theo Le Figaro, tin tức từ một giới chức nắm chắc hồ sơ này cho biết, hợp đồng chiến hạm Mistral chỉ là điểm khởi đầu. Còn có nhiều hợp đồng quan trọng về mặt quân sự hay mang tính biểu tượng chính trị khác sẽ được ký.

Theo Le Figaro, những cấm cản từ hai phía Nga và Pháp trong lĩnh vực quốc phòng, di sản của thời kỳ chiến tranh lạnh, đang tan biến. Paris muốn nhìn nhận Matxcơva như một đối tác chiến lược theo một tinh thần « chính trị thực dụng » (realpolitik).

Thay đổi trong quan hệ Pháp Nga tương ứng với cuộc cải cách hiện nay của quân đội Nga. Gần đây, chính quyền Nga đã tiến hành thanh lọc bộ máy lãnh đạo cũ. Có đến 300 tướng lĩnh đã bị cho về vườn. Tổng thống Nga Medvedev khẳng định mục tiêu hiện đại hóa quân đội Nga một cách quyết liệt. Trong khi ngân sách dành cho quốc phòng của các nước Châu Âu giảm xuống, thủ tướng Putin đã hứa sẽ chi ra hơn 700 tỷ đô la trong vòng 10 năm tới để hiện đại hóa vũ khí Nga.

Láng giềng của Nga lo ngại

Việc Nga mua chiến hạm Mistral của Pháp không chỉ là một hợp đồng vũ khí, mà còn là một biểu tượng chính trị quan trọng. Quyết định bán Mistral đã gặp phải sự phản đối của nhiều quốc gia láng giềng với Nga, vốn nằm trong Liên Xô, như các nước vùng vịnh Bantích hay Gruzia, vì nỗi lo ngại họ có thể sẽ bị Nga tấn công phủ đầu trong trường hợp có xung đột với NATO. Việc bán các trang thiết bị quân sự siêu hiện đại cũng đặt ra nhiều vấn đề cho nước sản xuất, ví dụ như nỗi lo ngại bên mua nắm được các công nghệ mới và tự mình sản xuất các vũ khí hiện đại trong tương lai. Đây cũng là một lý do khiến hợp đồng Mistral chậm được ký kết, vì trong đó có một số công nghệ quản lý thông tin đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của NATO.

Tại Pháp, những người phản đối hợp đồng này cho rằng, việc nhượng lại các kỹ thuật đỉnh cao cho Nga là rất nguy hiểm. Nhưng theo Le Figaro, có thể thấy quan điểm chính thức của Paris, được thể hiện qua sự phân tích của một giới chức Pháp, theo đó, với sự đối đầu giữa Nga và NATO chỉ có hai giải pháp, hoặc đưa Nga về phía Phương Tây với việc giúp quân đội Nga « phương Tây hóa », hoặc tạo ra một sự đối đầu mới trong vòng ba mươi năm tới.

Le Figaro kết luận, nguy cơ đối đầu liên quan đến dự án xây dựng lá chắn chống tên lửa tại Châu Âu nhằm đề phòng các tấn công từ phía Đông. Tổng thống Nga đã cảnh báo nguy cơ một chiến tranh lạnh mới, nếu Hoa Kỳ không để Nga tham gia vào dự án này.

Hạn hán nặng tại Trung Quốc

Nhìn sang Trung Quốc, Phụ san Le Figaro có bài « Hạn hán tại Trung Quốc đe dọa tác động tới tăng trưởng ». Bài báo cho biết nạn hạn hán khiến cho sản lượng điện từ các các nhà máy thủy điện tụt giảm làm các doanh nghiệp bị đình đốn. Cuối tuần trước, Su Shengxin, một trong các công ty điện lực hàng đầu của Trung Quốc đã công bố lượng điện bị thiếu hụt là 40 gigawat, tương đương với 24 lò phản ứng hạt nhân EPR. Dự báo, nếu khô hạn vẫn cứ tiếp tục, lượng điện thiếu hụt sang năm sẽ tăng lên tới 50 gigawat.

Phóng sự gửi về từ sông Hán, sông nhánh của Dương Tử, thuộc tỉnh Hồ Bắc cho thấy, đập Danjiangkou hoàn toàn khô kiệt. Đập thủy điện Tam Hiệp, được xây một phần là để khắc phục tình trạng lưu lượng nước bất thường của tỉnh này và các khu vực xung quanh, trước cơn hạn hán hiện nay, đã trở thành đối tượng chỉ trích, như là một trong các yếu tố chính làm khô hạn trở nên nghiêm trọng.

Chính phủ Trung Quốc đã có một số động thái thừa nhận sai lầm trong việc xây đập Tam Hiệp và có kế hoạch tăng thêm nước cho vùng hạ lưu của con sông. Nông dân tại khu vực này cũng trông chờ vào kế hoạch làm mưa nhân tạo của Nhà nước. Phương pháp này đã được sử dụng trong kỳ Thế vận hội 2008, nhưng chi phí của biện pháp này là quá cao.

Đầu tư nước ngoài vào Châu Âu đã tăng trở lại

Trở lại Châu Âu, dưới hàng tựa « Đầu tư nước ngoài trở lại Châu Âu », Les Echos hôm nay cho biết, các đầu tư nước ngoài vào châu lục này đã tăng ngang bằng mức trước khi khủng hoảng. Trong 10 năm gần đây, tỷ lệ đầu tư vào Châu Âu so với toàn cầu đã giảm từ 43% xuống còn 26%, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ là những nơi ngày càng thu hút nhiều đầu tư. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Ernst & Young, được công bố vào sáng nay và sẽ được trình bày tại Hội nghị đầu tư Quốc tế tại Baule, cho thấy dường như sức hấp dẫn của Châu Âu có vẻ đi ngược lại xu thế này.
Trong năm vừa qua, lục địa này đã thu hút được gần 4.000 dự án mới, tăng 14% so với năm trước, tạo thêm hơn 137.000 chỗ làm. Anh vẫn là nước dẫn đầu trong việc tạo ra các chỗ làm mới. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là trường hợp Ba Lan và Hungary. Riêng số dự án vào Ba Lan tăng lên 40%.

Ba lĩnh vực đặc biệt thu hút đầu tư tại Châu Âu là : dịch vụ doanh nghiệp và công nghệ tin học (chiếm ¼ số dự án), công nghiệp ô tô (1/4 số việc làm mới) và các công nghệ cao. 75% các nhà đầu tư nhận định khả năng nghiên cứu và cách tân của Châu Âu là động lực chính khiến họ quyết định đầu tư. Theo điều tra của Ernst & Young, các nhà đầu tư được hỏi cho rằng, Tây Âu vẫn là hướng đầu tư hấp dẫn thứ hai (35%), sau Trung Quốc (38%).

Châu Âu đặt điều kiện trợ giúp các nước Ả Rập

Về quan hệ giữa Châu Âu cho các nước Ả Rập, Le Figaro có bài « Châu Âu đặt điều kiện trợ giúp cho các nước Ả Rập đang tiến hành cải cách dân chủ ». Bài báo cho hay, ngành ngoại giao Châu Âu chủ trương cắt đứt với đường lối được tiến hành trong các thập kỷ qua, vốn dành sự trợ giúp cho các nước Ả Rập một cách đều đặn và coi như không cần đánh giá lại.
Trong thời gian tới, sau các thay đổi lớn lao hướng về nền dân chủ tại các nước Ả Rập, đường lối của Châu Âu sẽ thay đổi. Bruxelles sẽ xem xét lại khả năng trợ giúp các nước trong khu vực này theo các tiêu chí cụ thể như : bầu cử công bằng, chống tham nhũng, mở cửa thương mại, bảo vệ đầu tư,… Giới chức cao cấp của Châu Âu muốn nhấn mạnh hơn đến « thái độ có trách nhiệm từ cả hai phía » giữa Liên hiệp Châu Âu và các đối tác, đặc biệt là việc tăng cường hội nhập với các thỏa thuận trao đổi tự do.

Dự án mới này của ngoại giao Châu Âu được Anh và Đức ủng hộ, tuy nhiên, các nước Nam Âu, vốn gắn bó hơn với các quan hệ truyền thống với các nước láng giềng Bắc Phi và Trung Cận Đông, tỏ ra dè dặt hơn. Một điều nữa khiến Pháp ngần ngại là, dự án cải cách quan hệ này đã không đề cập đến việc thiết chặt các biên giới trên Địa Trung Hải.

Kết quả xét nghiệm ADN cựu tổng giám đốc IMF

Trong vụ án ông Dominique Strauss-Kahn bị tố cáo có hành vi xâm hại và cưỡng bức tình dục, báo Libération, cũng như Le Figaro cho biết, việc xét nghiệm ADN đã kết thúc. Tuy nhiên, cảnh sát điều tra New York vẫn chưa đưa ra công bố. Mặc dù, một số phương tiện truyền thông Hoa Kỳ như các kênh truyền hình NBC, ABC hay tờ New York Times, kể cả kênh truyền hình Pháp France 2, đã khẳng định có sự tương đồng giữa thành phần của nhiều thứ tìm thấy được trên người nữ nhân viên khách sạn Sofitel với mẫu ADN của ông Strauss-Kahn, cơ quan cảnh sát điều tra cũng như công tố viên không khẳng định hay bác bỏ điều này. Đây là quan điểm chính thức của người phát ngôn Sở Cảnh sát New York, J. Brown, khi trả lời Libération ngày hôm qua.

Cũng ngày hôm qua, kênh Fox News cho biết một cách chi tiết những gì đã xảy ra trong căn phòng khách sạn 2806 của Sofitel, nơi ông Strauss-Kahn bị tố cáo. Tuy nhiên, Sở cảnh sát New York cũng chưa đưa ra quan điểm gì. Theo tờ New York Times, kết quả thẩm định sẽ nhanh chóng được công bố.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.