Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Bầu cử Nga : Hệ thống Putin gia tăng các trò giả mạo

Libération chú ý đến các động thái trước ngày bầu cử tổng thống Nga với bài phóng sự « Cỗ máy Putin tra thêm dầu cho các trò giả mạo », do đặc phái viên gửi về từ Matxcơva. Bài phóng sự mô tả những nỗ lực khẩn trương của thủ tướng Nga nhằm huy động được đông đảo cử tri ủng hộ, từ việc đưa thùng phiếu đến nhà cử tri cho đến việc huy động các phương tiện giao thông cho người đi biểu tình.

Thủ tướng Nga Putin thắp nến tại một nhà nguyện, 19/12/2011.
Thủ tướng Nga Putin thắp nến tại một nhà nguyện, 19/12/2011. REUTERS/Alexsey Druginyn/RIA Novosti/Pool
Quảng cáo

Trước tiên, phóng sự đưa bạn đọc đến với nơi ở của Irina, một nữ nhân viên thư viện về hưu sớm, vì lý do sức khỏe. Công dân Nga kể trên được trợ lý xã hội đến thăm, nhưng không phải để cấp thuốc, mà để chuẩn bị cho việc mang hòm phiếu đến tận nhà. Bất chấp việc bà Irina khẳng định rằng bà vẫn có thể tìm cách đến được nơi bỏ phiếu, người trợ lý xã hội cố gắng thuyết phục bằng được gia chủ ở lại nhà, vì nếu không bà sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và sẽ bị đuổi việc.

Bà Irina cho biết : Bà đã phải nhân nhượng trước đề nghị này, nhưng bà biết rằng đây chính là một cách để giả mạo phiếu bầu. Trước đó, ngày 04/02, một nhân viên xã hội khác đã đến yêu cầu bà tham gia vào cuộc biểu tình ủng hộ Putin, đổi lại trung tâm trợ giúp xã hội sẽ cấp cho bà kem bôi tay. Bà Irina đã từng hai lần bỏ phiếu cho ông Putin, tuy nhiên giờ đây bà cảm thấy, ông ta chỉ quan tâm đến các cử tri như bà trong khoảng thời gian bầu cử.

Theo Libération, hiện tại ông Putin đang đi khắp đất nước để đưa ra những lời hứa hẹn hợp với lỗ tai của các thành phần xã hội khác nhau. Ngày hôm nay, một cuộc biểu tình lớn ủng hộ ông Putin được tổ chức tại Matxcơva, với khoảng 40.000 người tham gia, bên cạnh đó khoảng 100.000 người sẽ đến dự mít tinh vào buổi chiều. Toàn bộ các hoạt động này về mặt hình thức là do lời kêu gọi của Mặt trận bình dân toàn Nga nhằm « Chống lại các sức mạnh muốn phá hủy nước Nga ». Đây là một hiệp hội mới được thành lập vào tháng Năm 2011, có vẻ khá giống với các tổ chức thời Xô Viết.

Tuy nhiên, trên thực tế tổ chức không lồ này lại không có các hoạt động cụ thể. Trong số các tổ chức ủng hộ ông Putin, có Ủy ban chống (Cách mạng) Da cam vừa mới ra đời từ đầu tháng Hai, nhằm huy động dân chúng chống lại các phong trào phản kháng xã hội, mà họ cho là muốn lặp lại kinh nghiệm của cuộc cách mạng Ukraina năm 2004. Tuy nhiên, tổ chức này cũng không để lại dấu vết gì ngoài một địa chỉ internet, ở đó đăng lại các tuyên bố của đảng Nước Nga Thống Nhất nhằm định hướng công luận. Về phần mình, đảng Nước Nga Thống nhất tỏ ra âm thầm, như để chuộc lại việc giả mạo phiếu quy mô lớn trong cuộc bầu cử Hạ viện Nga đầu tháng 12 năm ngoái. Theo báo chí Nga, đảng này thậm chí có thể giải thể hoặc tự phân hóa thành nhiều đảng.

Libération cho biết, cùng với các biện pháp nhằm khẩn trương huy động sự ủng hộ của cử tri trong những ngày trước bầu cử, hệ thống của ông Putin còn liên tục tạo ra các trở lực cản đường đối lập. Sau những đe dọa nhắm vào Đài phát thanh Tiếng Vọng Matxcơva, đến lượt tờ tuần báo Novaia Gazeta bị trừng phạt, với việc các nhà báo sẽ phải làm việc không lương trong một thời gian, vì nhà nước kiểm tra tài chính chủ sở hữu tờ báo. Cuộc tuần hành do Mặt trận Cánh tả dự kiến tổ chức vào Chủ nhật tới cũng không được cho phép.

Người Tây Tạng dùng thời gian ăn Tết để tưởng niệm những người tự thiêu

Nhật báo Công giáo La Croix có bài phỏng vấn bà Sofia Stril-Rever, tác giả cuốn « Kêu gọi thế giới », cùng với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma. Bài mang tựa đề « Toàn Tây Tạng để tang ». Như chúng ta biết, người Tây Tạng năm nay không tổ chức ăn mừng lễ Năm Mới Losar (bắt đầu từ ngày 22/02/2012), theo lời kêu gọi của chính phủ lưu vong Tây Tạng. Kể từ năm 2009 đến nay, có ít nhất 25 tăng ni đã chọn tự thiêu làm hình thức phản kháng.

Bà Sofia Stril-Rever giải thích thêm, dù không tổ chức Tết năm mới, chính phủ lưu vong Tây Tạng vẫn kêu gọi người dân đến chùa để tưởng niệm những người đã hy sinh thân mình và những nạn nhân của cuộc đàn áp của chính quyền Bắc Kinh.

Giải thích việc vì sao các tăng ni lại chọn hình thức tự thiêu trước công chúng, bà cho biết, trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, đây chính là hành động hiến dâng thân mình để trở thành một thứ quà tặng bằng ánh sáng, nhằm giúp nhân loại tẩy rửa sự vô minh và giúp mọi người đi vào con đường minh triết, giác ngộ. Nỗi đau đớn khi tự thiêu là vô bờ bến, và nói chung những người tự thiêu đều tỉnh táo cho đến phút cuối. Theo bà Sofia Stril-Rever, đối với người Tây Tạng, tự thiêu không phải là một hành động tuyệt vọng, tự sát, mà là sự thể hiện của tình yêu thương và khát vọng hòa bình.

Đồng tác giả với Đạt Lai Lạt Ma cho biết thêm, lần đầu tiên kể từ những năm 1970, chính quyền Trung Quốc đã bắt một số lượng cư sĩ rất lớn, khi họ quay trở về Tây Tạng, sau khi tới Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) để nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp (từ 29/12/2011 đến 12/01/2012). 700 trên tổng số 7.000 người, được chính quyền cấp visa sang Ấn Độ, đã bị bắt giữ khi trở về. 6.300 người còn lại bắt buộc phải tham gia các buổi cải tạo, trong đó họ buộc phải tuyên bố từ bỏ Đạt Lai Lạt Ma, và tuyên thệ trung thành với chính quyền Trung Quốc. Cùng lúc đó, trong các tu viện, ảnh của Phật được thay bằng ảnh các lãnh đạo đảng.

Bà Sofia Stril-Rever cho biết, bà lo ngại sẽ diễn ra một cuộc thảm sát « Thiên An Môn » đối với người Tây Tạng. Theo các nhân chứng, thủ phủ Lhassa của Tây Tạng, nay có 200.000 người bản địa sống với 1,2 triệu người Hán, đang bị quân đội bao vây chặt. Điều đau xót đối với những người Tây Tạng thế hệ cao niên là, những người phải chạy ra nước ngoài, sẽ không bao giờ còn được trở về Tây Tạng, còn những người sống trong nước sẽ không bao giờ được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Khoảng cách giữa hai ứng viên tổng thống Pháp thu hẹp

Về cuộc tranh cử tổng thống Pháp, Le Figaro chú ý trước hết đến việc khoảng cách giữa hai đổi thủ hàng đầu, tổng thống mãn nhiệm N. Sarkozy và ứng cử viên đảng Xã hội F. Hollande, đúng hai tháng trước cuộc bầu cử. Hiện nay, theo cuộc thăm dò dư luận của CSA, ông Hollande được 28% người được hỏi nhận sẽ bầu trong vòng một, trong khi đó 27% nói sẽ bầu cho ông Sarkozy. Đây là sự thay đổi rất lớn, nếu so với chênh lệch giữa hai người là 39% và 23% vào tháng 11/2011.

Trong buổi nói chuyện trên kênh truyền hình France 2 tối ngày 22/02/2012, ông Nicolas Sarkozy nhấn mạnh chủ trương đề cao « giá trị của lao động » và bày tỏ mong muốn bảo vệ công bằng xã hội. Đây là một lĩnh vực mà Le Figaro đánh giá là, ứng cử viên - tổng thống mãn nhiệm tỏ ra chậm trễ hơn so với lãnh đạo đảng Xã hội. Để làm rõ lập trường của mình, ông Sarkozy cũng đưa ra « nhiều đề nghị gây sốc », ví dụ như : tăng thêm 1.000 euro/năm cho những người nào có thu nhập xấp xỉ mức lương tối thiểu (Smic), bên cạnh đó là việc buộc những người nhận khoản trợ cấp RSA – Trợ cấp đoàn kết tích cực – phải lao động công ích 7 giờ/tuần với mức lương tối thiểu, đồng thời chấm dứt việc các chủ doanh nghiệp tự dành cho mình mức lương thưởng quá cao bằng cách buộc phải đưa vấn đề này ra bàn trước đại hội cổ đông, …

Một chi tiết trong các phát biểu tối qua của tổng thống Pháp cũng gây được sự chú ý của công luận, đó là việc ông Sarkozy lần đầu tiên công khai bày tỏ sự hối tiếc về việc đã tới nhà hàng Fouquet’s, để mừng ngày vinh quang năm 2007, một hành động bị nhiều chỉ trích. Tuy nhiên, tổng thống Pháp cũng khẳng định đây là lỗi lầm lớn nhất của mình, và điều này là không đáng kể so với sai lầm của những người tiền nhiệm.

Trong khi đó, ứng cử viên cánh tả cũng vừa công bố cuốn « Changer de destin » (Thay đổi số phận), dày 170 trang, được bí mật viết ra, dự kiến phát hành 50.000 bản, nhằm nói rõ về bản thân với công chúng và làm rõ dự án tranh cử tổng thống. Le Figaro cho biết, về mặt chính thức, việc ứng cử viên N. Sarkozy chính thức lao vào cuộc tranh cử với nhiều động thái rất mạnh mẽ không làm thay đổi nhịp hoạt động của ứng cử viên F. Hollande, trên thực tế, một giai đoạn mới của cuộc tranh cử đã bắt đầu.

Viện Bảo tàng Thế giới Ả Rập : nhiều trưng bày về các văn minh tiền Hồi giáo

Về các sự kiện văn hóa quan trọng, Le Monde chú ý đến những thay đổi lớn tại Viện Bảo tàng Thế giới Ả Rập (Paris). Nhân dịp 25 năm thành lập, cơ sở văn hóa lớn này đã thay đổi định hướng, vốn từ trước đến nay, vẫn tập trung vào nền văn minh Hồi giáo, để chú ý đến các nền văn minh trước đó, từng tồn tại trên khu vực các quốc gia Ả Rập, như Lưỡng Hà, Ai Cập, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Byzantine.

Đồ vật cổ xưa nhất được trưng bày là một bức tượng bằng đất sét cỡ 10 cm, tượng hình nữ thần mẹ - biểu tượng của sự sinh sôi nẩy nở, được coi là hậu duệ của bức tượng « Vệ nữ Lespugne », có tuổi thọ 25.000 năm, tìm thấy tại Pháp (được trưng bày tại bảo tàng Musée de l’Homme – Paris).

Viện Bảo tàng Thế giới Ả Rập cũng cho Bảo tàng Louvre mượn 300 hiện vật tiền Hồi giáo cho cuộc trưng bày « Các con đường Ả Rập », đây là một trong những đóng góp cho gian nghệ thuật Hồi giáo tại Louvre sẽ mở cửa vào mùa xuân năm nay. Ả Rập Xê Út, Koweit và Quỹ Jean-Luc Lagardère là ba nhà tài trợ lớn của bảo tàng với 2.400 m² được làm mới, với trị giá 5 triệu euro.

Trang nhất các báo Pháp

Về tình hình quốc tế, cuộc đàn áp đẫm máu tại Syria tiếp tục là chủ đề hàng đầu của nhiều báo Pháp hôm nay. Libération đưa trên trang nhất tựa đề của phóng sự dài : « Nỗi kinh hoàng tại Homs », phóng sự do đặc phái viên gửi về. Bất chấp lời kêu gọi của các tổ chức quốc tế, chính quyền Damas vẫn tiếp tục oanh kích thành trì của phe nổi dậy, khiến thêm hàng chục người thiệt mạng, trong đó có hai nhà báo phương Tây.

Cuộc vận động tranh cử tổng thống Pháp cũng là chủ đề chính trên trang nhất Figaro, với bài viết « Sarkozy – Hollande : khoảng cách thu hẹp », cho thấy số lượng người tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho hai ứng cử viên, trong vòng một, nay chỉ còn chênh nhau có 1%. Trong khi đó, Le Monde cho hay : « Các giáo viên ủng hộ Hollande, chống lại Sarkozy ».

L’Humanité chú ý đến sự tham gia của giới trẻ Pháp từ 18-24 tuổi, chiếm tới 11% cử tri, lần đầu tiên đi bầu, qua hồ sơ « Thanh niên, một khát khao sống ». Đánh giá về năm năm nhiệm kỳ tổng thống Pháp, trang nhất Les Echos đưa ra con số tổng kết sức mua của người Pháp trong 5 năm vừa qua vẫn tăng 6%, bất chấp khủng hoảng, tuy nhiên tỷ lệ tăng của sức mua không cao bằng 5 năm trước đó.

Cũng liên quan đến Pháp, với tựa đề « Nhìn về nỗi bi quan của người Pháp », La Croix đưa lên trang nhất kết quả điều tra của Ifop cho thấy, có đến 79% người Pháp cho rằng xã hội Pháp đang ở trong khủng hoảng, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 52% và ở Trung Quốc là 35%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.