Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC-CHÂU PHI

Hợp tác kinh tế Trung Quốc – Châu Phi: Mặt trái tàn nhẫn

Châu Phi đang thu hút sự chú ý với vòng công du của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, được cho là nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng mạnh của Trung Quốc trên lục địa này. Báo Le Monde hôm nay, 07/08/2012 đã nhìn lại quan hệ Trung Quốc – Châu Phi để ghi nhận tâm trạng uất ức của người lao động châu Phi bị các công ty Trung Quốc bóc lột.

Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi lầ thứ 12 khai mạc  tại Bắc Kinh hôm 19/7/2012 cho thấy mối quan tâm lớn của Trung Quốc với lục địa đen. .
Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi lầ thứ 12 khai mạc tại Bắc Kinh hôm 19/7/2012 cho thấy mối quan tâm lớn của Trung Quốc với lục địa đen. . REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Le Monde trở lại sự kiện một giám đốc người Trung Quốc của mỏ than Collum Coal, ở Zambia, đã bị các thợ mỏ tức giận giết chết hôm thứ Bảy, 04/08, vì không chịu đưa ra mức lương tối thiểu cho công nhân. Tờ báo ghi nhận đây không phải là lần đầu tiên diễn ra những vụ bạo động nhắm vào lãnh đạo người Trung Quốc tại mỏ than này. Điều đó cho thấy là cách điều hành của họ không hề tôn trọng quyền lao động.

Le Monde nhắc lại các sự cố diễn ra vào năm 2010, khi 2 lãnh đạo Trung Quốc của mỏ than đã bị truy tố vì đã ra lệnh bắn vào người biểu tình, làm 12 người bị thương. Theo tờ báo, thái độ ghét bỏ, bài Trung Quốc ngày càng gia tăng ở Zambia, vì lẽ hàng hóa giá rẻ đến từ Trung Quốc tràn ngâp thị trường nước này, khiến cho một số nhà thủ công nghệ tại đây phải ngưng hoạt động.

Thế nhưng Le Monde nhận thấy là cho dù vậy, các chính quyền nối tiếp nhau ở Zambia vẫn ngần ngại trong việc kiểm soát nghiêm ngặt hơn các công ty có vốn Trung Quốc, vì các cơ sở này tạo ra công việc làm và mang lại ngoại tệ qua xuất khầu. Trong bài xã luận, Le Monde cho rằng các sự kiện trên là như mặt trái tàn nhẫn của hợp tác Trung Quốc - Châu Phi, nêu bật những rủi ro đi kèm theo tiến trình gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào lục địa này.

Le Monde nhắc lại đánh giá của tổng thống Zambia, Michael Sata, người chủ trương cần bằng quan hệ hai bên, và từng lên tiếng đánh giá là « đầu tư của Trung Quốc vào Zambia phải là con đường hai chiều ». Tờ báo cho là ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, nhân chuyến công du Châu Phi, hôm 01/08 vừa qua cũng không nói gì khác hơn.
Trung Quốc bị chỉ trích là chỉ biết trục lợi, cung cách điều hành lại không mấy tốt, đầu tư và trợ giúp còn thiếu minh bạch, không phù hợp với những chuẩn mực quốc tế.

Le Monde kết luận là để tránh các chỉ trích hiện nay, Bắc Kinh phải phải tìm cách bổ khuyết thiếu sót, bằng cách bắt đầu tăng lương thợ mỏ Zambia.

Bắc cực trong tầm nhắm của Trung Quốc

« Bắc cực, vùng đất của sự thèm khát » : Dưới tựa đề trang nhất này, nhật báo Pháp La Croix hôm nay 07/08/2012 đã phân tích sâu về công cuộc cạnh tranh kinh tế ngày càng gay gắt hơn giữa các cường quốc để tranh giành tài nguyên thiên nhiên từng nằm sâu dưới các tảng băng vùng cực bắc địa cầu, nhưng hiện đang được tiếp cận dễ dàng hơn, đặc biệt tại vùng Groenland, nhờ sự kiện khí hậu bị hâm nóng. Tờ báo dành cả hai trang dài để nói về cuộc « Tấn công của các cường quốc vào Bắc Cực », tựa lớn bên trang trong. Đó là các nước lớn từ Châu Âu, Nga cho đến Hoa Kỳ, và có cả Trung Quốc.

Theo các ước tính, tài nguyên thiên nhiên vùng Bắc Cực vô cùng phong phú : không chỉ là dầu hỏa, chiếm khoảng 13% nguồn dầu thế giới, khí đốt- chiếm 30% - mà còn có cả đất hiếm. Groenland, vùng đất lớn thuộc Đan Mạch ở Bắc Cực đang là trọng tâm trong việc chạy đua khai thác tài nguyên còn hầu như nguyên vẹn này.

Tuy thuộc Đan Mạch, nhưng Groenland đã có quy chế tự trị từ hơn 30 năm nay, và từ năm 2009, đảo ở vùng Bắc Cực này có quyền cấp giấy khai thác tài nguyên của mình. Hiện nay khoảng 20 tập đoàn dầu khí quốc tế được phép thăm dò vùng ven biển Groenland.

Công việc thăm dò ngày càng dễ dàng hơn với khí hậu ấm hẳn lên : mùa hè năm nay, theo cơ quan không gian Nasa của Mỹ, 97% băng Bắc Cực đã tan chảy, nhanh gấp đôi so với thường lệ. Theo giới khoa học chưa bao giờ Groenland lại nóng như trong vòng 15 năm nay, và thay đổi khí hậu rất là nhanh, nhanh hơn dự kiến của họ.
Đối với các cường quốc kinh tế, sự kiện đáng ngại này mang lại cho họ cơ hội phải nắm bắt và phải giành ngay chỗ đứng ở Groenland, tức là ở Bắc Cực.

Trong tuần qua, Châu Âu vừa nhắc lại mối liên hệ với Groenland, vì đây là vùng thuộc Đan Mạch , thành viên của Liên Hiệp Châu Âu từ năm 1973. Theo Châu Âu, hiện giờ họ tùy thuộc 100% vào đất hiếm nhập từ Trung Quốc, do đó, đất hiếm tại Groenland sẽ là cứu cánh để Châu Âu thoát sự lệ thuộc hiện nay. Có điều, theo một số nhà quan sát, Groeland có vẻ thiên về Hoa Kỳ hay Canada hơn là Châu Âu. Ngoài vấn đề tài nguyên kể trên thì Groenland còn nắm giữ 10% nước ngọt thế giới, thêm một yếu tố để đảo này bị nhòm ngó.

Lẽ dĩ nhiên, bên cạnh Groenland, khu vực Bắc cực còn bao gồm những vùng đất của Nga, Hoa Kỳ, Canada, Iceland, hay các vùng lãnh thổ cực bắc các nước Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển. Mọi bên đều cân nhắc chiến lược hầu tranh giành thế đứng, và hoạt động ở đây sôi động hẳn lên.

Trung Quốc không che giấu tham vọng

Trong cuộc chạy đua này, La Croix cũng chú ý đến Trung Quốc, mà theo tờ báo, đang cho thấy cả một « chiến lược chinh phục ». Trung Quốc vừa thông báo quyết định đóng tàu phá băng đầu tiên cho các cuộc thám hiểm Bắc cực.

Chiếc tàu đóng ở Trung Quốc, nhưng hợp tác với Phần Lan, sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2014. Theo La Croix, Trung Quốc đã tổ chức 3 cuộc thám hiểm khoa học ở Bắc cực, lần đầu tiên vào năm 1999, kế đến là 2003 và 2006, và dự kiến tổ chức thêm 3 cuộc thám hiẻm khác từ đây đến năm 2015. Đối với nhật báo Pháp, từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã khằng định ý muốn đóng một vai trò quan trọng hơn trong vùng này.

Dù rất chú ý đến tài nguyên, đặc biệt là dầu hoả, nhưng yếu tố mà Bắc Kinh quan tâm trước tiên hiện nay là vấn đề chuyên chở lưu thông. Băng tan, mở ra hy vọng lưu thông hàng hải ở vùng cực Bắc này, và sẽ rút ngắn con đường đi từ Trung Quốc sang Châu Âu đến 6.400 cây số. Tàu như thế sẽ chi còn mất 22 ngày, thay vì 40 ngày theo đường hiện nay. Nói một cách cụ thể hơn, theo La Croix, Trung Quốc hiện rất chú ý đến Iceland, để sử dụng đảo này như một cảng quá cảnh cho tàu chở hàng của mình đi qua ngã Bắc cực.

Theo tờ báo, vào năm ngoái, qua trung gian của một nhà thầu địa ốc Trung Quốc, Bắc Kinh đã tìm cách mua 300 cây số vuông đất ở vùng phiá Bắc Iceland, với lý do là để thực hiện một dự án du lịch. Tuy nhiên, khi biết được là Trung Quốc muốn sử đảo như một cảng quá cảnh, thì chính quyền Iceland đã ngăn chặn việc mua bán đất nói trên.

Ngoài hai sự kiện liên quan đến Trung Quốc trên Le Monde và La Croix, tựa lớn trang nhất báo Pháp hôm nay khá tản mạn, từ hiệp định châu Âu chia rẽ cánh tả Pháp cho đến thị trường chứng khoán Paris, với kết quả của các tập đoàn hàng đầu không quá tồi tệ. Tuy vậy, hai chủ đề khá phổ biến trên các trang đầu báo Pháp hôm nay lại là Syria và sự kiện robot « Curiosity » của Mỹ đã an toàn đáp xuống sao Hỏa hôm qua.

Thủ tướng đào thoát : dấu hiệu của ngày tàn của chế độ al Assad ?

Chế độ Bashar al-Assad phải chăng bắt đầu phân rã ? Đây là câu hỏi mà tất cả các tờ báo đều đặt ra hôm nay, sau vụ Thủ tướng Syria Riad Hijab cùng nhiều chức sắc dân sự và quân sự trong chính quyền Bashar al Assad đào thoát ra nước ngoài vào hôm qua.

Nhật báo Libération nêu bật : « Bashar al-Assad bị thủ tướng của mình bỏ rơi ». Tờ báo bình luận : « Các con chuột đang tháo chạy khỏi con tàu của chế độ Syria đang trong vòng điêu linh. Vụ đào tẩu của Thủ tướng Riad Hijab là thêm một dấu hiệu mới cho thấy tình trạng cô lập ngày càng tăng của ông Bashar al-Assad, ngay cả trong đất nước của ông ».

Le Figaro cũng thừa nhận là việc Thủ tướng Riad Hijab vẫn là một thất bại to lớn của chế độ Damas, cho dù trong hệ thống quyền lực thực thụ tại Syria, nơi gia đình của tổng thống al Asad nắm trọn quyền lực hành với các lãnh đạo của các cơ quan tình báo khác nhau, ông Riad Hijab không phải là một nhân vật số hai đích thực.

Báo L’Humanité tự hỏi là liệu vụ đào thoát đó có « đánh dấu một bước ngoặt trong thảm kịch Syria hay không », một thảm kịch mà trong mười sáu tháng, đã giết chết hơn 20.000 người ? Đối với tờ báo của đảng Cộng sản Pháp, « Chúng ta đều muốn thế, và điều đó rõ ràng là một diễn biến mới, ba ngày sau cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc, nhưng không có Nga và Trung Quốc - một nghị quyết kêu gọi Tổng thống Bashar el-Assad từ chức. Đây là một diễn biến mới khiến ta không còn một chút nghi ngờ nào về sự mong manh trên bình diện chính trị của một quyền lực chỉ còn có vũ khí để tại vị. Vấn đề là thế lực này vẫn có rất nhiều vũ khí. »

Curiosity đáp xuống sao Hỏa : Một thoáng quyền lực cho Hoa Kỳ

Trong lãnh vực khoa học, Le Figaro chào mừng ‘kỳ công’ của Mỹ trên sao Hỏa, Le Monde kể lại việc đáp xuống bề mặt sao Hỏa thành công, trong lúc Les Echos nêu bật nhiệm vụ của Curiosity là tìm dấu vết cuộc sống trên sao Hỏa. Ở trang trong tờ báo còn chạy một hàng tít lớn : « Một kỳ công của Mỹ để tìm hiểu quá khứ của vì sao ».

Trong bài xã luận, tựa đề « một khoảnh khắc quyền lực », Les Echos cho là nếu nhìn định nghĩa của quyền lực là khả năng thống trị và áp đặt uy quyền của mình, thì quả là sự kiện Curiosity đáp xuống một cách chính xác, an toàn lại một lần nữa minh họa quyền lực này của Hoa Kỳ.

Đây cũng là một tin vui rất có ích cho tổng thống Obama người đã chú tâm đưa nguồn tài chinh của Nasa vào công cuộc nghiên cứu, hơn là tập trung vào các chuyến bay đưa người lên vũ trụ. Curiosity một lần nữa chứng minh thế nổi trội của Mỹ trong lãnh vực công nghệ học, chứng minh « quyền lực mềm » của Mỹ.

Nhưng Les Echos cũng cảnh báo cho đây có thể chỉ là « một khoảnh khắc quyền lực » mà thôi, vì Trung Quốc, Nga, Châu Âu, Ấn Độ, cũng có những dự án không gian của họ. Trung Quốc vừa qua đã chứng minh là họ đã nắm vững 3 yếu tố then chốt trong lãnh vực không gian này : hoả tiễn phóng, việc ráp nối module và đưa người lên vũ trụ.

Trong phần kết luận Les Echos có phần mỉa mai, cho là có một điểm phải công nhận là Mỹ là vô địch trong lãnh vực thông tin ! Cả trái đất đều chứng kiến cảnh vui mừng của nhà khoa học Nasa, trong lúc đó thì có bao nhiều người biết là hoả tiễn Ariane 5 (của Pháp), hôm thứ năm vừa qua, đã thành công trong vụ phóng lần thứ 50 liên tiếp của mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.