Vào nội dung chính
KHOA HỌC

Kết quả nghiên cứu tác hại của ngô biến đổi gien gây tranh luận

Đề tài trên các báo Pháp hôm nay khá đa dạng. Nhưng đáng chú ý nhất là kết quả nghiên cứu gây chấn động của giáo sư Gilles-Eric Seralini (trường đại học Caen Pháp) đăng trên tạp chí Food and Chemical Toxicology về các tác hại của giống ngô biến đổi gien của hãng Monsanto của Mỹ lên loài chuột. Hầu hết các báo Pháp đều nhận định kết quả nghiên cứu buộc xem xét lại quy trình nhập khẩu các giống ngô của hãng Monsanto.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc các chứng bệnh u, bướu cao và tuổi thọ giảm đi nhiều nơi nhóm chuột được nuôi bằng ngô biến đổi gien.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc các chứng bệnh u, bướu cao và tuổi thọ giảm đi nhiều nơi nhóm chuột được nuôi bằng ngô biến đổi gien. Wikipédia
Quảng cáo

Trong bài viết đề tựa « Nghiên cứu gây tranh luận sôi nổi về các sản phẩm biến đổi gien », Le Monde nhận định rằng lần đầu tiên một nghiên cứu đề cập đến các tác hại trên chuột của việc tiêu thụ ngô biến đổi gien NK 603, có kèm theo hay không thuốc diệt cỏ Roundup do tập đoàn Monsanto cung cấp.

Trước đó, tạp chí Food and Chemical Toxicology cũng đã từng đăng một kết quả nghiên cứu khác do giáo sư Yaxi Zhu thuộc đại học nông nghiệp Bắc Kinh, đánh giá tính độc hại của một giống ngô, kháng cùng loại thuốc diệt cỏ, trên cùng loài gặm nhấm. Tuy nhiên nghiên cứu của vị giáo sư này lại không truy ra được các vấn đề.

Lần này, điểm độc đáo trong nghiên cứu của GS Seralini và các cộng sự là đã thực hiện một khảo sát thực nghiệm đầy tham vọng. Lượng mẫu khảo sát dồi dào (hai trăm chú chuột được sử dụng) và thí nghiệm kéo dài trong vòng hai năm. Thường thì, kiểu khảo sát như thế chỉ kéo dài trong vòng ba tháng. Một thời hạn được cho là quá ngắn ngủi, nhưng vì đó là các tiêu chuẩn do OCDE đưa ra, theo như nhận định của ông Eric Meunier, thuộc Hiệp hội thông tin sản phẩm biến đổi gien, đăng trên báo L’Humanité.

Kết quả nghiên cứu do GS Seralini chủ trì cho thấy tỉ lệ mắc các chứng bệnh u, bướu cao và tuổi thọ giảm đi nhiều nơi nhóm chuột được nuôi bằng ngô biến đổi gien có sử dụng chất diệt cỏ Roundup, so với nhóm chuột đối chứng được nuôi bằng ngô thường.

Điều muốn nói là kết quả này đã thận trọng đặt lại vấn đề về nhiều nghiên cứu độc hại học được tiến hành trước đó trên nhiều loại sản phẩm biến đổi gien khác nhau và nhiều giống thực vật khác mà không chỉ ra được tác hại giữa nhóm động vật đối chứng và nhóm được nuôi dưỡng bằng thực vật có gien biến đổi.

Theo Le Monde, phần đông các nghiên cứu đó được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, chưa tới hai năm với các tham số kiểm tra ít, và thường là do các tập đoàn công nghiệp tài trợ. Còn những nghiên cứu nào ghi nhận có sự độc hại, lại không chỉ rõ đó là giống ngô NK 603.

Một điểm khác nữa là, nghiên cứu lần này là được tài trợ phần đông bởi các doanh nghiệp chuyên về phân phối lớn, Bộ Nghiên cứu của Pháp và Ủy ban nghiên cứu và thông tin độc lập về kỹ thuật gien - hiệp hội chuyên đấu tranh chống lại các ngành công nghệ sinh học.

Cũng liên quan đến chủ đề này, Libération cho biết Pháp nói riêng và châu Âu nói chung phải xem lại chính sách nhập khẩu giống ngô biến đổi gien, kết quả nghiên cứu của ông Seralini cũng gây nhiều tranh luận trong giới khoa học.

Tuy nhiên, GS Seralini đã có phản ứng mạnh mẽ từ chối việc Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (Efsa) nắm lấy bản nghiên cứu này. Theo ông, sẽ xảy ra xung đột quyền lợi vì chính cơ quan này đã cho phép nhập khẩu giống ngô NK-603.

Mặt khác, nghiên cứu cũng làm dấy lên các tranh cãi trong giới khoa học, đặt vấn đề về phương pháp làm việc của một nhóm nghiên cứu công khai chống lại các thực phẩm biến đổi gien. Họ chỉ ra ba điểm đáng tranh cãi trong nghiên cứu : Thứ nhất, giống chuột được đem thử nghiệm là giống Sprague-Dowley, một giống chuột dễ dàng phát bệnh ung thư. Thứ hai, thời gian nghiên cứu kéo dài hai năm cũng tương đồng với tuổi thọ của chuột. Và cuối cùng, khó khăn trong việc thẩm định kết quả cũng như là thời hạn thử nghiệm.

Khu vực đồng euro : Kinh tế suy thoái trầm trọng hơn dự kiến

Liên quan đến tình hình kinh tế tại châu Âu, báo Les Echos báo động « Khu vực đồng euro : Các hoạt động kinh tế trong tháng 9 trì trệ nhiều hơn so với dự kiến ». Tờ báo dựa vào kết quả điều tra trong khối tư nhân của Markit cho biết khu vực này rõ ràng đang rơi vào giai đoạn suy thoái. Các hợp đồng mới vẫn còn nằm trên bàn giấy trong khi tỉ lệ thất nghiệp không ngừng tăng lên.

Theo nhận xét của Les Echos, hoạt động kinh tế trong tháng Chín năm nay bị thu hẹp mạnh nhất kể từ 6 năm 2009. Theo đánh giá do tập đoàn Markit công bố hôm qua, chỉ số mua sắm trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (PMI) trong tháng Chín thấp hơn so với tháng Tám 0,4 điểm đã cho thấy rõ xu hướng sản xuất của nền kinh tế.

Kinh tế gia Chris Williamson tại Markit cho rằng nếu chỉ số PMI này nằm dưới 50 điểm chứng tỏ hoạt động kinh tế đã sụt giảm. Ông khẳng định là « Khu vực đồng euro dường như đang rơi vào suy thoái ».

Điều tra của Markit còn lưu ý hai yếu tố. Thứ nhất, tại Pháp, chỉ trong vòng có một tháng, chỉ số PMI đã sụt mất gần 4 điểm, chỉ còn ở mức 44 trong tháng 9, mức thấp nhất kể từ gần hai năm nay. Trong khi đó, cũng trong thời điểm này, tại Đức, chỉ số sản xuất lại được cải thiện hơn dù rằng các hoạt động kinh tế trong khu vực cũng đang bị thu hẹp.

Theo ghi nhận của các chuyên gia kinh tế, các hợp đồng mới vẫn phải tiếp tục nằm chờ và việc làm cũng đang suy yếu. Dù vậy, các chuyên gia này cũng tỏ ra khá lạc quan cho rằng nền kinh tế của Đức có thể sẽ được tái khởi động từ từ lại từ đây cho đến cuối năm. Nhưng nhìn chung, nền kinh tế châu Âu vẫn là một màu xám ngự trị mà không hé lên một tín hiệu cải thiện đáng kể nào.

Thứ hai, điều tra của Markit bám sát vào điểm bất đồng của hai thành tố trong chỉ số mua sắm PMI của khu vực đồng euro. Một bên, thành phần sản xuất tăng nhẹ trong khi đó bên kia chỉ số trong lãnh vực dịch vụ lại sút giảm mạnh kể từ tháng 7 năm 2009. Chỉ số cuối cùng này minh chứng rằng « siết chặt ngân sách đang ngày càng đè nặng lên tiêu thụ nội địa ». Như vậy, qua các chỉ số này, các nhà kinh tế e ngại rằng tình hình kinh tế cuối năm sẽ còn nặng nề hơn như dự kiến.

Đối với ông Howard Archer, thuộc IHS Global insight : « Ngày càng có khả năng là Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ nhanh chóng giảm lãi suất chỉ đạo, rất có thể là ngay trong tháng 10 này ».

Fukushima : Các tác động xã hội

Về thời sự châu Á, Libération quan tâm đến các tác động xã hội sau thảm họa hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản. Một nhóm các nhà nghiên cứu trong ngành khoa học xã hội nghiên cứu các tổn thương cục bộ ở những người phải đi sơ tán do tai nạn hạt nhân.

« Fukushima : Các tác động xã hội » là tựa đề bài viết. Theo Libération, một tai nạn hạt nhân xảy ra, chất phóng xạ thoát ra có hai tác động. Thứ nhất, tác động môi trường : chất phóng xạ lây nhiễm vào trong đất và nước. Thứ hai, tác động đến tâm thần con người.

Câu hỏi đặt ra là « Con người có nhận thức như thế nào về mối hiểm họa nhất là sau tai nạn hạt nhân ? ». Đây chính là một trong những các câu hỏi được đặt ra nhân hội thảo « Hiểm họa sau Fukushima », do Học viện phát triển bền vững và đối ngoại tổ chức tại Paris hồi đầu tuần này. Các nhà nghiên cứu trong dự án « Di tản do thiên tai và Nhận thức rủi ro trong nền Dân chủ » (Disaster Evacuation and Risk Perception in Democracies) « tìm hiểu về sự nhận thức rủi ro, nhất là sau một đợt khủng hoảng hạt nhân, so với bản chất khác nhau của các kiểu thảm họa thiên nhiên đã biết trong xã hội Nhật Bản ».

Thảm họa hạt nhân xảy ra cho thấy rõ ràng chính phủ đã không chuẩn bị cho tình huống này, trong khi đó công tác quản lý thảm họa thiên nhiên hầu như đã được làm chủ.

Trong nhiều tuần lễ liền, các nhà khoa học đã đến gặp gỡ những người đi di tản để đánh giá « kizuna », tạm hiểu là những tác động tâm lý của thảm họa lên con người.

Cũng giống như thảm họa Tchernobyl, việc duy trì các vùng sơ tán làm trỗi dậy cảm giác sợ chất phóng xạ, một cảm giác lo sợ về các bức xạ do sự « thiếu hiểu biết về hiện tượng vật lý, và thiếu minh bạch trong một số quyết định hành chính », theo như lời giải thích vị chuyên gia thuộc Học viện đề phòng chất phóng xạ và an toàn hạt nhân.

Các cuộc tiếp xúc còn cho thấy rõ có sự « thu mình » đáng kinh ngạc ngay trong dân chúng. Một chuyên gia Nhật Bản cảnh báo « có một bộ phận dân chúng sống tách rời với xã hội do tai nạn hạt nhân ». Họ bị kỳ thị, hay nhiều cô gái trẻ không thể lập gia đình chỉ vì khả năng vô sinh tiềm tàng. Còn những ai mà từ chối không quay trở về, thì cũng bị chính quyền địa phương cũ cho là những kẻ phản trắc, bị xem là « yếu đuối » và « hèn nhát ».

Còn ngay tại Fukushima, một bầu khí lo sợ bao trùm từ gia đình ra đến phố. Hàng xóm nghi kỵ lẫn nhau. Gia đình thì « tan đàn xẻ nghé ». Tỉ lệ ly dị tăng vọt một năm sau tai nạn. Nhiều người mẹ theo con cái tản cư đến các vùng khác, trong khi các ông bố lại từ chối ra đi « chỉ vì công việc ».

Các nhà nghiên cứu còn ghi nhận việc hỗ trợ tài chính cho người sơ tán góp phần làm tăng thêm cảm giác có sự bất công giữa những người cùng đi. Những người bị cưỡng bức được nhận 1.000 euro/ tháng trong khi những người tự đi chỉ được cấp có 800 euro.

Libération dẫn lại kết luận của bà Reiko Hasegawa, nhà nghiên cứu Nhật Bản, kể từ bây giờ có hai chữ là điều cấm kỵ tại xứ sở hoa anh đào, đó là: trở về và khử nhiễm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.