Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - CHÍNH TRỊ

Kỷ niệm 70 năm đổ bộ Normandie : Ngày của Hòa bình

Hôm nay, 06/06/2014, các nhật báo Pháp đồng loạt chú ý đến dịp kỷ niệm "D-Day", ngày đổ bộ của quân đội đồng minh cách đây 70 năm tại vùng bờ biển Normandie - mở đầu cho cuộc tổng tấn công giải phóng Châu Âu khỏi chủ nghĩa phát xít từ mặt trận phía tây. La Croix cảnh báo việc vinh danh những người ngã xuống có thể mang ''một hương vị giả dối'', nếu các lãnh đạo thế giới không tận dụng cơ hội này để xây dựng một ''thế giới thống nhất, cơ sở cho hòa bình bền vững''. Tờ báo Công giáo gọi hôm nay là « ngày J của hòa bình ». 

Tổng thống Pháp François Hollande (T)  và tương nhiệm Hoa Kỳ Barack Obama, tại nghĩa trang tử sĩ Mỹ Colleville-Sur-Mer, Normandie, 6/6/2014.
Tổng thống Pháp François Hollande (T) và tương nhiệm Hoa Kỳ Barack Obama, tại nghĩa trang tử sĩ Mỹ Colleville-Sur-Mer, Normandie, 6/6/2014. REUTERS/Pascal Rossignol
Quảng cáo

Le Figaro tái hiện lại « D-Day » (hay « ngày J » theo tiếng Pháp) – được coi là chiến dịch đổ bộ lớn nhất trong lịch sử nhân loại về số lượng người và phương tiện - với tấm bản đồ khổ lớn bốn trang báo, dài 1,28 mét. Theo Le Figaro, khoảng 2 triệu người Mỹ và các nước đồng minh đã tham gia vào chiến dịch. Hơn 40 nghìn binh sĩ quân đội các nước đồng minh đã ngã xuống trong chiến dịch Normandie, trong đó có 20.000 binh sĩ Mỹ, 16.000 người Anh, 5.000 người Canada.

« D-Day ngày 6/6 năm 1944 : Thế giới mừng tự do » là hàng tựa chính của Le Figaro. Sự kiện trọng thể nhất trong dịp này là nghi thức tưởng niệm chính thức, với sự tham dự của 19 nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ và Tổng thống Nga, cùng 1.800 cựu chiến binh, trong đó có các quân nhân Pháp thuộc biệt đội Kieffer, từng tham gia chiến dịch.

Nhật báo Le Parisien – dành 10 trang đầu cho sự kiện này – nhấn mạnh rằng việc tưởng niệm sự kiện diễn ra 70 năm về trước tại Pháp nhắc « với toàn thế giới giá trị của nền hòa bình ».

Nhớ về những hy sinh hết sức lớn lao cách đây đúng 70 năm, báo chí Pháp kêu gọi sự minh triết. Bài xã luận “Từ hôm qua đến hôm nay” của Le Figaro kết thúc với câu hỏi : « Liệu vào năm 2014 này, cộng đồng quốc tế có thể tạo được đồng thuận và đoàn kết đối mặt với các hiểm họa mới, đang hiện hữu tại Syria, Mali hay Ukraina », cũng như « khủng bố Hồi giáo » ?

La Croix cảnh báo việc vinh danh những người ngã xuống trong chiến dịch đổ bộ này có thể mang « một hương vị giả dối », nếu các lãnh đạo hàng đầu thế giới, họp mặt nhân danh hồi ức, không tận dụng được cơ hội này để xây dựng một « thế giới thống nhất, cơ sở chắc chắn cho một nền hòa bình bền vững », niềm mơ ước của Roosevelt. La Croix cũng nhắc lại, trong lời cầu nguyện cho ngày J cách đây 70 năm, Roosevelt – Tổng thống Mỹ vào thời điểm đó – đã kêu gọi « Chúa trời Toàn năng » ban cho « một nền hòa bình, khiến ai ai cũng có thể được sống tự do, được thụ hưởng các thành quả chính đáng do những nhọc nhằn của bản thân ». Đây chính là lý do tờ báo Công giáo gọi hôm nay là « ngày J của hòa bình ».

Phương Tây xử sự với Putin như thế nào ?

Cũng về dịp kỷ niệm cuộc đổ bộ Normandie, Le Monde chú ý đến các hội kiến giữa các nguyên thủ với hàng tựa trên trang nhất « ‘‘Yalta bên bờ sông Seine’’ : Hollande gặp Putin, Obama và Elizabeth II ». Đây là lần đầu tiên Tổng thống Nga Putin gặp các lãnh đạo Phương Tây, kể từ khi khủng hoảng Ukraina bùng nổ. Le Monde ra tối qua ghi nhận « Nói chuyện hay không nói chuyện với ông Putin, thế tiến thoái lưỡng nan của Phương Tây ». Theo lịch trình chính thức, Tổng thống Mỹ Barack Obama không có kế hoạch hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng không loại trừ « một cuộc gặp bất ngờ giữa hai người có thể xảy ra bên bờ biển Normandie ». 

Trước khi tham gia tưởng niệm D-Day, tại Ba Lan ngày thứ Tư, Tổng thống Mỹ đã có những lời lẽ đả kích nhắm vào lãnh đạo Nga, khiến « các chủ nhà Ba Lan » hết sức bất ngờ. Trong khi đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hai kênh truyền hình Pháp TF1 và Europe 1, « Tổng thống Nga Putin đã trút hết trách nhiệm về khủng hoảng Ukraina lên Phương Tây ». Tổng thống Nga cũng cảnh cáo Tổng thống Pháp về khả năng Paris đơn phương hủy bỏ hợp đồng cấp các tàu chiến Mistral trị giá 1,2 tỷ đô la cho Nga, với đe dọa, Pháp phải hoàn tiền, và các hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự song phương cũng bị dừng lại. Về chủ đề này, Le Monde có bài « Giới doanh nhân Pháp lo ngại về các căng thẳng với Matxcơva ». 

Trong khi đó, Libération nhìn nhận : « Vladimir Putin với vùng đất đầy cạm bẫy trên bãi biển Normandie », với nhận định các nước Phương Tây tiếp tục cứng rắn với Nga. Hôm qua, tại Bruxelles, Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố : « Nếu Nga tiếp tục khiêu khích, điều rõ ràng là (…) các nước G7 sẵn sàng đưa ra các biện pháp bổ sung. Barack Obama cảnh báo Matxcơva « trở lại con đường tuân thủ luật pháp quốc tế » và nếu « trong hai, ba hay bốn tuần nữa » điều này không được thực hiện, thì sẽ có các trừng phạt mới. 

Tưởng niệm Thiên An Môn : người Hồng Kông lo ngại cho tương lai nền dân chủ

Nhìn sang Châu Á, sự kiện hơn 200.000 người tuần hành để tưởng niệm 25 năm cuộc thảm sát Thiên An Môn được Le Monde chú ý qua phóng sự nhỏ « Tại Hồng Kông, đêm nhớ về Thiên An Môn, giữa hồi ức và nỗi lo tương lai ». Đêm thứ Tư, 4/6, đúng 25 năm sau khi biến cố bi thảm này, hầu hết các đảng phái chính trị, các tổ chức bảo vệ nhân quyền nổi tiếng hay không nổi tiếng của Hồng Kông, đều có mặt tại công viên Victoria. Thông tín viên Le Monde cũng nhắc tới sự tham gia của người Tây Tạng, tín đồ môn phái Pháp Luân Công, một nhóm người Việt Nam.

« Đêm 4/6 tại công viên Victoria không phải chỉ là dịp kỷ niệm một cuộc thảm sát (…). Đây chính là hành động để chính người Hồng Kông nói với mình rằng, một tương lai tương tự có thể xảy ra với họ, và như vậy hành động này chính là một phương tiện để bảo vệ tương lai ». Le Monde dẫn lời một lãnh đạo phong trào sinh viên Trung Quốc, ông Orkesh Dolet gốc Duy Ngô Nhĩ (Wu’er Kaixi), hiện sống lưu vong tại Đài Loan, nói với những người tham dự buổi tưởng niệm, qua băng hình.

Nền dân chủ Hồng Kông đối mặt với các đe dọa ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh, khi tại Hoa lục báo chí bị kiểm duyệt về « các vấn đề nhạy cảm », các cải cách dân chủ dậm chân tại chỗ… Thông tín viên Le Monde cho biết, kể từ vài tuần nay, các thảo luận tại Quốc hội Hồng Kông – vốn chỉ bằng tiếng Quảng – được chuyển dịch đồng thời sang « tiếng quan thoại » (tức tiếng phổ thông Trung Quốc).

Tập đoàn quân sự Thái liệu có tìm được thỏa hiệp với phe Áo Đỏ ?

Còn tại Đông Nam Á, Le Figaro chú ý đến tập đoàn quân sự Thái Lan qua bài nhận định gửi về từ Bangkok : « Giới quân sự Thái nắm quyền lực để tiếp tục cai trị ». Le Figaro mô tả hai tuần sau cuộc đảo chính quyền sự, người dân Thái Lan tiếp tục biểu tình, bất chấp lệnh cấm. Những người biểu tình hôm Chủ nhật vừa qua giơ ba ngón tay, một dấu hiệu như lời chào, nổi tiếng với các bộ phim Hunger Games, để thách thức giới quân sự.

Giới tướng lãnh đã cách chức một loạt các công chức cao cấp, thân chính phủ Thaksin cũ, đồng thời điều chuyển 13 người đứng đầu các tỉnh « đỏ » ở miền Bắc và Đông Bắc, quê hương của phe Áo Đỏ, thành trì của đảng Puea Thái (Vì người Thái). Bất chấp các phê phán của Hoa Kỳ và Châu Âu, giới quân sự Thái Lan quyết định nắm quyền đến giữa năm 2015, đình chỉ bầu cử cho đến khi nào tiến hành xong cuộc cải cách Hiến pháp. Kết quả có thể dự đoán trước của cuộc cải cách này, theo Le Figaro, là sẽ có một sự phân định các khu vực bầu cử theo cách mới khiến cho đảng thân cựu Thủ tướng Thaksin, vốn được sự ủng hộ đông đảo của người dân ở nông thôn, không thể dành chiến thắng dễ dàng như trong hơn một thập niên trở lại đây. Cuộc cải cách Hiến pháp này chính là điều mà giới thị dân Bangkok mong muốn.

Sau khi đưa hơn 200 lãnh đạo chính trị vào tầm kiểm soát và đặt truyền thông dưới chế độ kiểm duyệt, giới quân sự bắt đầu nới dần lệnh thiết quân luật, với hy vọng bình thường hóa tình hình, và đưa ra một kế hoạch tái thúc đẩy kinh tế lớn, với dự kiến đưa tăng trưởng lên 3%. Nhưng « Bóng đen đầy ám ảnh của cuộc nổi dậy năm 2010 bị đàn áp, khiến 90 người chết, vẫn trùm lên nước Xiêm ».

Le Figaro, dẫn quan điểm của các nhà phân tích, như ông Thitinan Pongsudirak (trường đại học Chualalongkorn) theo đó, giới tướng lãnh khó có thể tạo lập được một thỏa hiệp chính trị với phe thân Thaksin. Liệu Tướng Prayuth (lãnh đạo chính quyền quân sự), « phương tiện cuối cùng của trật tự cũ », có thực hiện được sứ mạng « hòa giải » này không ?

« Tuyên bố 343 » của các phụ nữ đồng tính đòi quyền được thụ tinh nhân tạo

Trong khi các báo khác tập trung vào tưởng niệm chiến dịch Normandie, Libération hôm nay đưa lên trang nhất Tuyên ngôn của « 343 phụ nữ phạm luật », được hơn 400 phụ nữ ký tên. Đây là các phụ nữ đồng tính hay độc thân chọn con đường thụ tinh nhân tạo, gọi tắt là phương pháp PMA, để có con riêng. Vì không được thừa nhận tại Pháp, nên họ bắt buộc phải thực hiện ở nước ngoài.

Tuần báo Le Nouvel Observateur so sánh « Tuyên ngôn 343 » hôm nay của các phụ nữ đồng tính hay độc thân, với « Tuyên ngôn 343 » nổi tiếng của các phụ nữ đòi quyền được phá thai cách đây 43 năm, được đăng tải cũng trên Le Nouvel Observateur.

Trong văn bản Tuyên ngôn hôm nay, 343 phụ nữ Pháp thừa nhận hành động trái pháp luật của họ, và yêu cầu để mọi phụ nữ đều có quyền được thụ thai nhân tạo PMA.

Xã luận Libération chỉ trích Tổng thống Hollande, đã lùi bước trong dự luật về PMA, và nhắc lại đây là một trong các lời hứa tranh cử của ông, tuy nhiên tờ báo cánh tả cũng công nhận rằng lời hứa này không được đưa rõ trên giấy, mà mới chỉ được ngầm hiểu.

Tuy nhiên, theo Le Monde, Tuyên ngôn của 343 phụ nữ trái luật, nhằm gây áp lực lên chính phủ, không đặt những phụ nữ này trước nguy cơ bị truy tố, khác với Tuyên ngôn của 343 phụ nữ phá thai năm 1971. Bởi hiện tại, Pháp dù không thừa nhận quyền PMA đối với các phụ nữ đồng tính, nhưng cũng không có văn bản nào cấm việc này, ngược lại với việc mang thai hộ.

Vụ Bygmalion tiếp tục chấn động đảng đối lập Pháp

Cũng liên quan đến nước Pháp, vụ Bygmalion, làm rung chuyển đảng đối lập UMP, vẫn chưa thôi gây chấn động. Bygmalion là một doanh nghiệp truyền thông do những người thân cận với cựu chủ tịch đảng UMP lập ra, bị tư pháp Pháp cáo buộc về các hóa đơn giả, nhằm hợp lý hóa các chi phí vượt trần của đảng UMP trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2012. 

Hôm nay, những người có liên quan trong tổ chức Bygmalion khẳng định với Le Monde rằng các khoản tiền, mà chi nhánh của Bygmalion nhận được, là dùng để trang trải cho các chi phí của những người thân cận với cựu Chủ tịch đảng Jean-François Coppé, và được dùng làm « nguồn dự trữ » tài chính cho các tham vọng chính trị của người này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.