Vào nội dung chính
THỂ THAO

Fifa, vô địch tham nhũng ?

Thời sự được hầu hết các tờ báo Pháp ra hôm nay chú ý nhiều là sự kiện cùng lúc ở trong nước diễn ra ba cuộc đình công lớn của nhân viên công ty đường sắt quốc gia SNCF, của những người làm việc theo hợp đồng thời vụ trong ngành biểu diễn nghệ thuật và của các tài xế taxi. Bên cạnh những chủ đề liên quan đến thời sự xã hội, chính trị nội tình của nước Pháp, không có mấy tờ báo lại bỏ qua sự kiện Cúp bóng đá thế giới sẽ khai cuộc tại Brazil ngày mai 12/06/2014.

REUTERS/Issei Kato
Quảng cáo

Nếu như nhiều báo quan tâm đến đội tuyển Pháp thì nhật báo Libération lại chú ý đến định chế quản lý bóng đá thế giới với sự kiện phiên họp đại hội đồng Fifa (Liên đoàn bóng đá thế giới) đang diễn ra tại Sao Paulo trong hai ngày 10/06 và 11/06.

Không phải chỉ vì kỳ họp diễn ra trước ngày khai mạc ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh mà là bởi vì nó mở ra giữa lúc mà làng bóng đá đang bị rúng động bởi những phát giác tham nhũng trong nội bộ Fifa liên quan đến từ việc bầu ban lãnh đạo đến việc trao quyền cho Qatar đăng cai tổ chức Cúp thế giới 2022. Libération chạy tựa bày viết khá nặng nề : « Fifa bốc mùi xú uế ».

Tờ báo đặt câu hỏi tại đại hội đồng của Liên đoàn bóng đá thế giới, liệu người ta sẽ đem ra mổ xẻ các vụ việc tham nhũng, việc trao quyền đăng cai Cúp thế giới 2022 cho Qatar hay chăng ?

Trong khi đó Libération cho hay, những vụ bê bối gần đây trong tổ chức bóng đá quốc tế đã khiến cho các nhà tài trợ chính như Adidas, Sony, Visa và Hyundai không khỏi lo ngại về hình ảnh của họ và đòi hỏi Fifa phải làm sáng tỏ những cáo giác tham nhũng.

Libération nhận định rằng tiếng xấu của Fifa không chỉ lộ ra ở kỳ Cúp thế giới lần này mà đã được tích tụ từ nhiều năm qua và « giờ đã đến lúc nghiêm trọng ».

Ngược dòng thời gian, tờ báo khẳng định vụ tham nhũng ở Fifa là một vụ 2 trong 1, được bắt đầu từ năm 2010, khi tổ chức này trao quyền đăng cai Cúp thế giới 2022 cho Qatar và vụ bầu chủ tịch Fifa hồi tháng 5 năm 2011. Cả hai vụ việc trên, nhân vật trung tâm là, người bị tình nghi đưa hối lộ, là vị quan chức người Qatar ông Mohammed Bin Hamman, khi đó còn là chủ tịch liên đoàn bóng đá châu Á.

Nhân vật này bị báo chí cáo giác đã bỏ khoảng 40 nghìn đô la để mua phiếu của các đại diện bóng đá của khu vực Bắc Trung Mỹ và Caribe trong cuộc bầu cử chủ tịch Fifa. Ngay sau khi có tin đồn, ông Bin Hamman và một quan chức khác đã bị đình chỉ chức vụ, nhưng vì không đủ chứng cứ nên kỷ luật nội bộ trên cũng đã bị huỷ bỏ sao đó một năm và phải đợi đến cuối năm 2012 ông ta mới bị vĩnh viễn loại khỏi Fifa, lần này là vì những cáo buộc tham ô công quỹ ở trong Liên đoàn bóng đá châu Á.

Còn trong vụ Qatar, tuần báo Anh Sunday Times đã tung ra cáo giác chính ông Bin Hamman đã rải 5 triệu đô la vận động trong giới quan chức Fifa để giành quyền đăng cai Cúp thế giới 2020 cho Qatar. Vụ việc đã được điều tra xong hôm đầu tuần này nhưng báo cáo kết luận được hoãn đến giữa tháng Bảy, tức sau Cúp thế giới mới công bố.

Ngoài những chuyện bê bối tham nhũng vẫn chưa được làm sáng tỏ như trên, Libération còn đưa chuyện lùm xùm khác xung quanh cuộc chạy đua vào chức chủ tịch Fifa nhiệm kỳ 2015- 2019 mà tờ báo gọi đây là « một trận đấu trong cuộc đấu ».

Tờ báo cho thấy, trong trận đấu này, vụ Qatar bắt đầu được khai thác triệt để vì đã có những đồn đoán ông Michel Platini ít nhiều có dính dáng đến việc vận động cho Qatar, chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu đang chuẩn bị ra tranh cử với ông Seph Blatter. Tờ báo khẳng định từ nay đến khi ngã ngũ cuộc chạy đua này chắc hẳn Fifa sẽ còn phơi ra nhưng màn bẩn thỉu khác. Đúng là bóng đá ngày nay không chỉ còn là đá bóng nữa.

Brazil, cây cột thu lôi chống sét cho Fifa

Vẫn liên quan đến Cúp thế giới Brazil 2014, báo l’Humanité cũng có một bài tố cáo « Fifa, kẻ độc tài của trái bóng tròn ». Theo tờ báo, cho đến sát ngày khai cuộc Cúp thế giới, tại Brazil cuộc tranh luận xung quanh những điều kiện khắc nghiệt tổ chức giải đấu mà Fifa áp đặt cho nước chủ nhà vẫn diễn ra gay gắt.

Theo đa số dư luận Brazil thì chính Fifa đã áp đặt các chuẩn mực, xây dựng sân vận động mới và hiện đại mà rồi sẽ để phí phạm chứ không phải chính phủ Brazil muốn như vậy. Ngoài ra Fifa còn được hưởng đặc quyền riêng để thu lợi trong kỳ Cúp thế giới lần này. L’Humanité dẫn chứng là trong vòng bán kính 2 km xung quanh sân mỗi sân vận động là phạm vi độc quyền khai thác thương mại cho các đối tác của Fifa.

Hay như lệnh cấm bán bia rượu trong sân vận động cũng được bãi bỏ để các hãng bia, cũng lại là đối tác của Fifa, độc quyền làm ăn. Đó là một trong những nguồn cơn bất bình và thái độ chống Fifa ở đất nước bóng đá và theo L’Humanité thì « chính phủ Brazil được dùng như là cây cột thu lôi chống sét cho Fifa ».

Cuộc truy tìm chủ chiếc phà đắm Sewol

Chuyển sang các bài báo liên quan đến châu Á. Nhật báo Le Monde nhìn sang Hàn Quốc sau thảm kịch đắm phà Sewol khiến hơn 300 người chết. Le Monde đề cập đến « cuộc try tìm trên quy mô khổng lồ, nhân vật kỳ lạ Yoo, chủ chiếc phà Sewol ».

Hai tháng sau vụ đắm phà khiến cả đất nước Hàn Quốc chìm trong tang tóc, chủ phà và nhiều người khác bị truy tố vẫn trốn biệt tăm.

Le Monde ghi nhận, toàn bộ các nạn nhân xấu số gồm 300 người trên chiếc phà Sewol bị đắm hôm 16/4 vừa qua vẫn không tìm được ai, trong khi đó đến giờ, những người chịu trách nhiệm vụ tai nạn cũng mất tích luôn.

Đầu tiên phải kể đến những nghi can hàng đầu đó là Yoo Byung-eun chủ chiếc phà và các con của ông, những lãnh đạo của công ty vẫn tải biển Cheonghaejin Marine. Họ đang là đối tượng của chiến dịch truy tầm chưa từng có của cảnh sát Hàn Quốc : 50 nghìn nhân viên được huy động, tiền thưởng hứa tìm ra đối tượng truy nã lên tới trên 350 nghìn euro. Hai tháng đã trôi qua, ông chủ phà 73 tuổi và hai con trai vẫn biệt vô âm tín, duy nhất có người con gái của ông ta bị tạm giữ để điều tra tại Paris hôm 27/5.

Le Monde phác hoạ lại một chân dung phức tạp của ông chủ chiếc phà đắm : Yoo Byung-eun không hề là một doanh nhân bình thường. Hành trình sự nghiệp của ông ta bao trùm những bí ẩn. Từng là linh mục, nhà thơ, hoạ sĩ, Yoo còn là một võ sĩ taekwondo đai đen. Ông ta còn tạo dựng danh tiếng như một nghệ sĩ nhiếp ảnh nhờ vào nhiều hoạt động mạnh thường quân.

Theo le Monde, Yoo Byung-eun có lẽ được sinh ra tại Tokyo năm 1941 nhưng lớn lên tại Daegu, miền trung Hàn Quốc, nơi gia đình ông định cư từ năm 1945, sau chiến tranh. Năm 1962, Yoo theo nghiệp truyền đạo và tham gia xây dựng nhiều nhà thờ, xứ đạo. Đầu những năm 1990, ông Yoo bị kết án 4 năm tù vì có liên can đến cái chết mờ ám của 32 người thuộc một giáo phái do một người bà con của ông ta lãnh đạo.

Về công việc kinh doanh, Yoo Byung-eun hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Tập đoàn Semo Group do ông ta sáng lập hoạt động trong lĩnh vẫn tải biển và mỹ phẩm. Tập đoàn này đã bị phá sản năm 1997 rồi sau đó tái cấu trúc chuyển thành Cheonghaejin Marine năm 1999, một mô hình Chaebol thu nhỏ.

Theo Le Monde các hoạt động từ giáo phái, kinh doanh hay nhiếp ảnh đều mang lại lợi nhuận lớn cho tập đoàn gia đình Yoo.

Có tiền ông Yoo xây dựng mối liên hệ với giới chính trị, kinh tế cũng như Showbis. Tại Hàn Quốc, trước khi xảy ra vụ tại nạn Yoo là một người rất có thế lực với ngay cả trong chính phủ.

Một góc khác của nhân vật bí ẩn này nằm ở nước Pháp. Le Monde cho biết, năm 2012, ông Yoo bỏ 520 nghìn euro mua một lúc 21 ngôi nhà trong thôn Courbefy tại vùng Haute –Vienne của Pháp, với ý tưởng sẽ triển khai các hoạt động nghệ thuật tại đây.

Với nhiều người Hàn Quốc, nếu như ông ta có thể lẩn trốn lâu như vậy là bởi ông ta được các tín đồ của giáo phái Guwonpa. Giáo phái này lại có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều nhân vật thần thế ở Hàn Quốc cũng như của nước ngoài.

Theo Le Monde, thì giờ đây Hàn Quốc đang hy vọng Pháp giúp đỡ trong việc truy lùng các nghi phạm chính của thảm kịch đắm phà Sewol. Trươc mắt là việc dẫn độ con gái của ông chủ bị bắt tại Paris về Hàn Quốc để điều tra.

Hillary Clinton khởi động cho cuộc đua vào Nhà trắng

Về thời sự quốc tế, trong tuần có một sự kiện khiến giới quan sát chính trị tại Mỹ cũng như nhiều nước quan tâm theo dõi đó là việc bà Hillary Clinton, cựu ngoại trưởng Mỹ ra mắt cuốn hồi ký. Sự kiện này được nhật báo Le Figaro nhận định qua hàng tựa bài viết : « Hillary tiến thêm một bước trên đường ra ứng cử » tổng thống Mỹ vào năm 2016.

Le Figaro ghi nhận dù bà nói chưa quyết định gì từ nay đến năm 2015 nhưng việc ra cuốn sách mới của Hillary Clinton hôm (10/3) tại Mỹ một cách rầm rộ giống với việc mở màn chiến dịch bầu cử. Cuốn sách mang tiêu đề « Thời gian của các quyết định », theo Le Figaro, như là giai đoạn đầu tiên cho một chiến lược đã được tính toán kỹ càng mà đích đến của bà Clinton là Nhà trắng vào năm 2016. Trong đợt quảng bá ra sách bà đã có các cuộc phỏng vấn với báo chí trong đó đặc biệt trên kênh ABC, hôm đầu tuần, bà khẳng định « năm 2008 tôi đã thua vì tôi đã không có chiến lược tốt ».

Nội dung cuốn sách chủ yếu ghi lại những quan sát, đánh giá của bà Hillary Clinton trong thời kỳ làm ngoại trưởng của chính quyền Obama nhiệm kỳ 2008-2012. Mục đích xa hơn của cuốn sách là thể hiện nhãn quan chính trị và kinh nghiệm chính trường của bà Clinton.

Le Figaro nhận định, thật khó có thể tưởng tượng được một nữ ứng cử viên nữ nào giàu kinh nghiệm hơn Hillary Clinton. Tờ báo viết, ở vào tuổi 67, xuất thân từ một gia đình trung lưu có hoàn cảnh không phải thuận lợi nhưng bà Hillary Clinton đã có nhiều thập kỷ nằm giữa lò lửa chính trị.

Theo bước thăng tiến kỳ diệu của chồng, Hillary bước vào Nhà trắng, trở thành đệ nhất phu nhân của nước Mỹ trong vòng 8 năm. Sau đó tự tìm con đường chính trị cho mình, bà trở thành Thượng nghị sĩ. Năm 2008 bị thua ông Barack Obama trong cuộc chạy đua trong bộ đảng Cộng hoà để ra ranh cử tổng thống, nhưng ngay sau đó bà Hillary đã bật lên khi được mời làm Ngoại trưởng của chính quyền Obama.

Hành trình sự nghiệp chính trị đó của bà Hillary Clinton chính là nền tảng kinh nghiệm vững chắc cho chiến dịch tranh cử tổng thống. Trên lý thuyết, cựu Ngoại trưởng Mỹ đang có trong tay mọi lá bài để có thể phá vỡ bức tường vô hình ngăn cản một phụ nữ Mỹ trở thành chủ nhân của Nhà trắng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.