Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Nhật -Trung đọ sức tại Châu Mỹ La Tinh

« Trung Quốc và Nhật Bản cạnh tranh tại Mỹ La Tinh », tựa một bài báo trên Les Echos. Tờ báo nhận định, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rời Châu Mỹ La Tinh với nhiều hiệp định thương mại được ký kết , đến lượt Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đáp máy bay đến Mêhicô. Chuyến công du lần này kéo dài 11 ngày tại 5 quốc gia diễn ra trong hoàn cảnh thâm hụt thương mại của Nhật đang đạt mức kỷ lục vào 6 tháng đầu năm.

Sau chủ tịch TQ đến lượt thủ tướng Nhật "tấn công" thị trường Châu Mỹ La Tinh.
Sau chủ tịch TQ đến lượt thủ tướng Nhật "tấn công" thị trường Châu Mỹ La Tinh. REUTERS/Sergio Moraes
Quảng cáo

Thủ tướng Shinzo Abe muốn thúc đẩy trao đổi mậu dịch với Châu Mỹ La Tinh. Hiện Nhật chỉ xuất khẩu 5% sang Châu Mỹ La Tinh và chỉ nhập 4% từ lục địa này, chủ yếu là nguyên vật liệu và nông phẩm. Nhật Bản giờ đây cũng nối gót Trung Quốc cạnh tranh với Hoa Kỳ chiêu dụ châu lục này. Les Echos nhận thấy, chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình từ Brasilia sang La Habana là chuyến công du thứ hai của ông từ khi lên nhậm chức đã gặt hái nhiều hoa lợi. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu tại Brazil. Ông Tập Cận Bình đã tuyên bố mua máy bay của hãng Embraer. Trị giá hợp đồng lên đến 3,2 tỷ đô la. Trung Quốc cho tập đoàn khoáng sản Vale vay đến 5 tỷ đô la.

Tại Achentina, nền kinh tế số 2 thế giới cũng hứa đầu tư 7,5 tỷ đô la vào ngành năng lượng và giao thông. Tại Cuba, 29 hiệp định được ký kết để tài trợ việc thăm dò dầu hỏa tại khu vực vịnh Mêhicô.

Giống như Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng đặt trọng tâm vào các vấn đề năng lượng, nông phẩm, cơ sở hạ tầng…trong chuyến công du lần này. Chuyên gia Eric Boulanger làm việc tại đại học Québec-Montréal, nhận định : « Thủ tướng Abe không muốn buông tha một tấc đất nào cho Trung Quốc. Đây còn là mũi tên thứ ba trong chính sách kinh tế Abenomics : mở cửa kinh tế cho cạnh tranh quốc tế ».

Sau thảm họa Fukushima, Nhật Bản muốn đa dạng hóa các nguồn năng lượng và đặc biệt nhắm đến nguồn dầu hỏa của khu vực Nam Mỹ. Theo truyền thông Nhật, Thủ tướng Abe và Tổng thống Brazil Dilma Rousseff sẽ tuyên bố xây dựng giàn khoan dầu sử dụng công nghệ Nhật Bản. Ông Shinzo Abe cũng sẽ tham dự Thượng đỉnh Cộng đồng Caribê, một dịp để ông đề cập đến các vấn đề về năng lượng, ngư nghiệp, dự án phòng chống thiên tai.

Ngoài ra, lý do chính trị, ngoại giao cũng là động lực thúc đẩy ông Abe trong chuyến công du này. Tokyo nhắm đến chiếc ghế không thường trực tại Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc vào năm 2016. Theo chuyên gia Eric Boulanger tại đại học Québec-Montréal, « không nghi ngờ gì nữa, Nhật muốn được thế giới thừa nhận là cường quốc khu vực tại Châu Á ».

Hàng không vẫn là phương tiện vận chuyển an toàn nhất

Các nhật báo ra ngày hôm nay đều quan tâm đến chuyến bay AH5017 của hãng Air Algérie mất tích vào hôm qua (24/07/2014). Xác máy bay đã được tìm thấy. Bảy ngày gần đây được xem là chuỗi ngày đen tối của ngành hàng không dân sự với các vụ rơi máy bay thảm khốc, từ chuyến bay của hãng Malaysia Airlines đến chuyến bay của hãng TransAsia của Đài Loan, rồi tới lượt Air Algérie.

Bài xã luận trên tờ Libération đề tựa : « An toàn », nhận định máy bay vẫn là phương tiện vận chuyển an toàn nhất trên thế giới, so với tàu hỏa, xe hơi hay xe đạp. Năm 2014 được xem là năm đen tối của ngành hàng không, vì đã có 730 người thiệt mạng, trong khi con số tử vong chỉ là 210 vào năm 2013. Tuy nhiên, tại Pháp, chỉ riêng xe hơi đã cướp đi sinh mạng của 3000 người/năm. Các hãng hàng không, chính phủ và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm tìm ra nguyên nhân của các thảm kịch trên. Một tai nạn máy bay, mặc dù ở rất xa nhưng lại liên quan và gây e ngại cho tất cả hành khách.

Hiện nay, đang kỳ nghỉ hè, mỗi hành khách khi đi máy bay đều muốn biết chắc rằng máy bay mà họ sẽ đi có được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi khởi hành, phi công có được đào tạo bài bản hay tuyến đường bay có được bảo đảm an ninh hay không. Các hãng hàng không cần phải đảm bảo không gặp nguy cơ khi bay qua các vùng có chiến sự, ở Châu Âu, Trung Đông hay tại Châu Phi. Nhờ đó mà hành khách cảm thấy an tâm khi đi máy bay.

Hàn Quốc sẽ mở cửa thị trường gạo

Liên quan đến thời sự tại Châu Á, Les Echos đăng bài : « Hàn Quốc cuối cùng cũng sẽ mở cửa thị trường gạo ». Theo tờ báo, từ khi gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Seoul quy định một quota nhập khẩu đối với gạo đến từ nước ngoài. Vào tháng Giêng tới, chính phủ sẽ mở cửa thị trường gạo nội địa cho gạo nước ngoài vào cạnh tranh, nhưng đánh thuế hải quan rất nặng trên mặt hàng này.

Khi chấp nhận mở cửa thị truờng gạo, Hàn Quốc lo ngại nguy cơ xảy ra khủng hoảng trầm trọng về lượng sản xuất dư thừa. Người nông dân xứ sở kim chi hiện sản xuất 4,2 triệu tấn gạo/năm, trong khi mức tiêu thụ loại lương thực này ngày càng giảm tại bán đảo. Trung bình, một người Hàn Quốc ăn 132 ký gạo/năm vào năm 1980. Năm ngoái, con số này rơi xuống chỉ còn là 67 ký. Seoul ước tính, chỉ riêng hệ thống đánh thuế nặng trên các loại gạo nhập khẩu từ nước ngoài đủ để các nhà sản xuất nội địa bảo đảm thu nhập trong những năm tới. Noi theo gương Nhật, chính phủ Hàn Quốc, tuyên bố đánh thuế hải quan gần 400% trên các mặt hàng gạo nước ngoài khi nhập khẩu vào Hàn Quốc, trong đó, đặc biệt có gạo đến từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, một số tổ chức nông nghiệp cho rằng, Seoul không thể cứ mãi duy trì các rào cản thuế quan khi thương lượng các hiệp định tự do mậu dịch mới với các đối tác. 

Trung Quốc : bê bối thực phẩm lại tiếp diễn

Cả hai tờ báo Le Monde và Le Figaro đều quan tâm đến vụ bê bối thực phẩm tại Trung Quốc qua việc nhà cung ứng thịt Mỹ OSI đã bán thịt hư thối cho các cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s, KFC và Starbucks, Burger King và Pizza Hut.

Theo Le Figaro, sau vụ tai tiếng sữa nhiễm melanine, giờ đây, Trung Quốc lại đối diện với vụ thịt gà bị hư ôi dùng làm món gà bao bột rán McNuggets. Tai tiếng này còn lan sang đến Nhật Bản. Le Monde còn cho biết thêm, phóng viên tại chỗ quay được cảnh nhân viên nhặt các mẩu thịt rơi dưới đất và để lên quầy bán cho khách. Họ không ngần ngại dùng thịt gà đã quá hạn đến hai tuần và thịt bò đã quá hạn sử dụng đến 6 tháng để bán cho khách.

Một chủ trang blog nhận định : « Tôi thực sự bị sốc, từ nhiều năm nay, chúng tôi quen thấy tai tiếng thực phẩm của các công ty Trung Quốc, chứ các công ty nước ngoài mà cũng bê bối như vậy, chúng tôi thực sự thất vọng ». Sự việc này cũng làm cho chính phủ Nhật Bản phải phản ứng. Ngày 23/07/2014, Bộ trưởng Y tế Nhật yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc kiểm tra xem các sản phẩm hết hạn sử dụng có nhập khẩu vào Nhật Bản không. Người Nhật vốn rất nhạy cảm với vấn đề an toàn thực phẩm nói chung và đặc biệt với chất lượng các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2008, vụ 10 người Nhật Bản bị ngộ độc đã gây ra sự cố ngoại giao nghiêm trọng. Những nạn nhân ngộ độc do ăn phải một loại há cảo được sản xuất ở tỉnh Hà Bắc.

Le Figaro cũng nhận định, hiện nay, người Trung Quốc không biết nên tin vào hàng ngoại nhập hay nội địa. Bắc Kinh đang xem xét siết chặt luật lệ về an toàn thực phẩm với mục tiêu tăng tiền phạt gấp ba lần đối với các hành vi bê bối thực phẩm.

 

Số phận bi đát của người Thiên Chúa Giáo tại Irak

Trong khi cả thế giới đang đổ dồn ánh mắt vào diễn biến khốc liệt tại dải Gaza, thì tình cảnh bi đát của những tín hữu Thiên Chúa Giáo tại Irak dường như bị lãng quên. Hôm nay, nhật báo Le Monde chạy tựa trên trang nhất : « Truy bức người Thiên Chúa Giáo tại Irak ». Le Monde cho biết, từ ngày phiến quân của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (EIIL) chiếm Mossoul, người Thiên Chúa Giáo buộc phải lựa chọn giữa quy phục theo đạo Hồi, bỏ xứ ra đi hoặc nếu muốn ở lại phải đóng thuế dành cho những người không theo Hồi giáo.

Trên trang 2 tờ Le Monde, những người Thiên Chúa Giáo thuật lại hoàn cảnh bi đát khi bị trục xuất ra khỏi quê hương của họ. Trước khi rơi vào tay nhòm Hồi giáo cực đoan djihad, có từ 5 000 đến 25 000 người Thiên Chúa Giáo tại Mossoul. Rất nhiều người bỏ trốn sau khi thành phố rơi vào tay tổ chức EIIL vào ngày 10/06/2014. Một người dân tại Mossoul thuật lại, đêm ngày 16/07/2014, các phiến quân Hồì giáo đến từng gia đình Thiên Chúa Giáo và viết một chữ « N » trong một vòng tròn đỏ lên trước cửa nhà để đánh dấu các hộ theo Thiên Chúa Giáo. « N » tức là « nassarah », tên thường dùng để chỉ người Thiên Chúa Giáo trong kinh Coran. Họ còn xin số điện thoại của từng gia đình và bảo có gì cần thì cứ gọi họ. Ngày 16/07/2014, người Thiên Chúa Giáo bị trục xuất, theo lời chứng của giám mục thành phố Erbil, Kurdistan Irak. Đối với lực lượng EIIL thì không hề có chuyện thương lượng. Họ chỉ biết đưa ra mệnh lệnh và bắt buộc dân phải phục tùng.

Ngày hôm sau, các binh sĩ của EIIL lại đảo qua các gia đình Thiên Chúa Giáo. Khi thức giậy, người Thiên Chúa Giáo thấy bên cạnh chữ N là dòng chữ « thuộc chủ quyền của Nhà nước Hồi giáo ». Người Thiên Chúa Giáo có thời hạn đến thứ bảy (19/07/2014) để lựa chọn giữa ra đi hay quy phục theo Hồi giáo. Trong truờng hợp bất tuân, người dân sẽ bị giết. Raham, một tín hữu Thiên Chúa Giáo kể lại : « Chúng tôi chất hết đồ đạc lên xe hơi. Cả gia đình khăn gói ra đi. Khác với một số hộ, họ không tịch thu xe hơi của chúng tôi, nhưng lại cướp hết tiền bạc và hành lý của chúng tôi và cả bình sữa của con trai tôi ». Nhóm djihad cướp hết hành lý, của cải của người chạy nạn : điện thoại, nữ trang, tiền, túi quần áo, thức ăn và chỉ chừa lại cho họ bộ đồ mặc trên người. Một số gia đình bị cướp xe hơi phải đi bộ một cây số để đến trạm kiểm soát của người Kurd.

Người Thiên Chúa Giáo tại Mossoul đau xót cho rằng, họ không còn tí hy vọng nào được quay trở về quê hương của họ. Chính quyền Kurd giúp họ lập cư tại Antawa, khu phố Thiên Chúa Giáo của thành phố Erbil. Rất nhiều người dự định di tản ra nước ngoài như 400 000 tín đồ Thiên Chúa Giáo đã rời bỏ Irak từ 10 năm nay.

Vậy phải làm gì để giúp đỡ những huynh đệ đang gặp nạn tại Irak ? Đó là câu hỏi mà nhật báo Công giáo La Croix đặt ra. Trước tình cảnh này, người Thiên Chúa Giáo tại Pháp được kêu gọi cầu nguyện và đoàn kết để đề nghị chính quyền thúc đẩy tiến trình hòa bình tại vùng đất này. Về phương diện vật chất, dược phẩm cũng được vận chuyển đến miền Bắc Irak và được giao cho các vị giám mục địa phương để họ phân phát cho dân chúng.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.