Vào nội dung chính
NOBEL

Ba nhà khoa học Mỹ Nhật đoạt giải Nobel Hóa học

Hôm nay ( 6/10/10 ), tại Stockholm, Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển đã trao giải Nobel Hóa học 2010 cho ba nhà khoa học Mỹ và Nhật vì các thành tựu trong việc tạo ra hợp chất tổng hợp, có thể được sử dụng để chế các dược phẩm chống ung thư, trong công nghiệp điện tử và nông nghiệp.

Reuters
Quảng cáo

Ba người đoạt giải thưởng năm nay là ông Richard Heck, 79 tuổi, người Mỹ, giáo sư Đại học Delaware, ông Ei-ichi Negishi, 75 tuổi, người Mỹ gốc Nhật, giáo sư Đại học Purdue và ông Akira Suzuki, 80 tuổi, người Nhật, giáo sư Đại học Hokkaido.

Theo Ủy ban giải Nobel, thành tựu của ba nhà khoa học này là đã tạo ra được « một trong các công cụ kỳ diệu nhất » của hóa học : « liên kết xúc tác palladium ».

Phản ứng hóa học này có thể được các nhà khoa học sử dụng để tạo ra nhiều hợp chất, trên cơ sở các chất có trong tự nhiên. Cụ thể là, cho phép tạo ra hợp chất diazomanide A, với nguyên liệu lấy từ một loài nhuyễn thể biển ở Philippines, có tác dụng chống lại các tế bào ung thư đại tràng, hay chất dragmacidine F, có trong bọt biển tại Ý, có tác dụng chống lại bệnh sida và bệnh herpes (mụn rộp).

Ủy ban giải Nobel nhấn mạnh, mặc dù các phản ứng đầu tiên của phương pháp này đã được Richard Heck thực hiện cách đây hơn 40 năm, nhưng chúng đã được cải thiện và phát triển lên nhiều, và trong tương lai, chắc chắn phương pháp này sẽ có những phát triển mới tại các phòng thí nghiệm khắp thế giới.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Ei-ichi Negishi, nhà khoa học người Mỹ gốc Nhật, nói rằng : giải Nobel là điều ông đã mơ ước đến từ nửa thế kỷ trước, khi ông vừa mới đặt chân đến Hoa Kỳ. Ông tâm sự, khi được tiếp xúc với những người đoạt giải Nobel, ông hiểu rằng đây không phải là một điều huyễn tưởng. Tất cả mọi người, trong đó có ông, đều có thể đạt được giải thưởng cao quý này. Trong khi đó, nhà khoa học Mỹ Richard Heck nói rằng, giải Nobel là một điều quá đỗi ngạc nhiên với ông, vì từ nhiều năm nay, ông không còn làm việc trong phòng thí nghiệm nữa.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.