Vào nội dung chính
KHOA HỌC -SÁNG KIẾN

Xe chạy bằng whisky

Một ngày đó sẽ có những chiếc xe hơi, thay vì nhả mùi xăng nồng nặc, thì sẽ để lại phía sau mùi thơm ngây ngất của rượu whisky. Đó là viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra, với việc các nhà nghiên cứu của ở Scotland vừa chế ra một loại nhiên liệu mới từ mạch nha, nguyên liệu sản xuất whisky, và có thể trở thành một trong những nhiên liệu của tương lai. 

Martin Tangey, giám đốc Trung tâm nghiên cứu nhiên liệu đại học Edinburgh Napier
Martin Tangey, giám đốc Trung tâm nghiên cứu nhiên liệu đại học Edinburgh Napier REUTERS
Quảng cáo

Theo những nghiên cứu của Trường Đại học Edinburgh Napier, whisky, món « quốc hồn quốc túy » của Scotlland sẽ là một nguồn năng lượng rất hiệu quả và không bao lâu nữa sẽ được dùng để thắp sáng cho gần 16 ngàn hộ gia đình ở Anh Quốc và mạch nha cũng sẽ có thể được dùng làm nhiên liệu cho xe hơi.

Theo tờ nhật báo The Times của Anh quốc, số ra gần đầy, hãng sản xuất rượu whisky Speyside của Scotland, thông qua việc sản xuất rượu whisky, sẽ có thể cung cấp năng lượng cho một trạm điện 7 megawatt. Thật ra, điện năng này không phải là được sản xuất từ rượu whisky mà là từ những dư chất của quy trình sản xuất whisky, cụ thể là pot ale, tức là chất lỏng tụ lại ở đáy các lò chưng cất rượu ở giai đoạn chưng cất đầu tiên, và chất « draff », tức là những chất rắn sót lại từ các hạt mạch nha sau khi chưng cất.

Nhưng đáng ngạc nhiên hơn cả là loại nhiên liệu này có thể được sử dụng cho xe hơi, mà chẳng cần phải thiết kế lại động cơ hay bình xăng của xe, khác với nhiên liệu methanol. Mặt khác, « nhiên liệu whisky » tạo ra năng lượng nhiều hơn 30% so với methanol. Một điểm khác cũng cần phải ghi nhận, đó là để sản xuất methanol, người ta phải trồng rất nhiều ngũ cốc, chủ yếu là bắp, trong khi « nhiên liệu whisky » được sản xuất từ những dư chất của quá trình sản xuất whisky, tức là không tốn thêm một nguồn năng lượng nào khác. Ấy là chưa kể xe chạy bằng whisky ít ô nhiễm hơn nhìều so với xăng hay dầu diesel, mà lại thơm hơn nhiều.

Các nhà nghiên cứu Trường Đại học Edinburgh Napier thậm chí không loại trử khả năng là « nhiên liệu whisky » sẽ được dùng cho cả máy bay hoặc làm cơ sở để sản xuất những hóa chất như acetone.

Ngay chính giám đốc Scotland của Quỹ bảo vệ thiên nhìên WWF cũng đã hết lời khen ngợi phát minh của các nhà nghiên cứu Trường Đại học Edinburgh Napier, bởi vì theo ông, nguyên liệu để sản xuất whisky là xuất phát từ môi trường trong lành của xứ Scotland và nếu ngành sản xuất whisky giúp cho Scotland giảm bớt khí thải gây hiệu ứng lồng kính thì hay biết bao.

Dự án sản xuất loại nhiên liệu sinh học từ các lò chưng cất rượu whisky theo dự kiến sẽ được thực hiện từ đây đến năm 2013 và sẽ mang lại nguồn thu nhập hàng năm từ 6,5 đến 9 triệu euro. Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Edinburgh Napier sẽ thành lập một công ty để phân phối loại nhiên liệu này.

Nên nhớ rằng whisky hiện đã là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Scotland, năm ngoái đã đạt mức xuất khẩu kỷ lục là gần 5 tỷ đôla và tính trong 10 năm gần đây đã tăng tổng cộng 45%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.