Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Hệ tiêu hóa : "Bộ não thứ hai" của cơ thể con người

Đăng ngày:

Trạng thái khỏe mạnh hay đau ốm có liên hệ nhiều với chuyện ăn uống là điều hầu như ai cũng biết. Tuy nhiên, bộ máy tiêu hóa không chỉ đơn giản là một phương tiện thẩm lọc những gì ta đưa vào bụng. Ngay cả khi y học đã có rất nhiều tiến bộ, bộ máy tiêu hóa vẫn còn chứa đựng rất nhiều bí ẩn. Tạp chí Khoa học của đài RFI hôm nay muốn đưa đến quí vị một số hiểu biết mới trong lĩnh vực này và một số biện pháp phổ thông giúp cho việc bảo vệ được hệ thống rất quan trọng này của cơ thể chúng ta.

Quảng cáo

Tại Pháp, trong thời gian gần đây, bộ máy tiêu hóa ngày càng được giới y khoa chú ý hơn. Cuốn sách « Các bí mật về đường ruột, bộ lọc của cơ thể chúng ta » (Les secrets de l'intestin, filtre de notre corps) ra đời năm ngoái 2011, một lần nữa nhắc lại tầm quan trọng và tính chất độc lập rất cao của hệ tiêu hóa với hệ thần kinh trung ương, đối với sức khỏe con người. Bộ phận cơ thể này được ví như một « bộ não thứ hai », với số lượng tế bào thần kinh tương đương với hệ tủy sống. Hai tác giả của cuốn sách kể trên là bác sĩ Jacqueline Warnet, chuyên gia về tiêu hóa, về ám thị y học và vi dinh dưỡng, và bác sĩ Louis Berthelot, chuyên khoa mạch máu, nhà châm cứu chuyên về y học Trung Hoa và cũng là chuyên gia về vi dinh dưỡng.

Việc bộ máy tiêu hóa và đặc biệt là hệ thần kinh tiêu hóa ngày càng được coi trọng nhắc chúng ta đến cuốn sách “Bộ não thứ hai, một hiểu biết mới mang tính đột phá về chứng rối loạn thần kinh dạ dày và đường ruột” (The Second Brain, A Groundbreaking New Understanding of Nervous Disorders of the Stomach and Intestine) của nhà nghiên cứu người Mỹ Michael Gershon (đại học Columbia), ra đời cách đây hơn 10 năm. Đây là cuốn sách đầu tiên đưa ý tưởng về hệ thần kinh tiêu hóa như "một bộ não thứ hai" đến với đại chúng.

Chúng ta cũng biết rằng, trong một số nền văn hóa, trong đó có Việt Nam, bụng không chỉ là một bộ phận của cơ thể, mà còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động tinh thần chủ yếu. "Nghĩ bụng", "tốt bụng", "vừa lòng" hay "phải lòng" ai đó, hay "ghi lòng, tạc dạ"...  là một vài trong số rất nhiều diễn đạt có từ lâu đời và được dùng phổ biến trong văn hóa người Việt.

Các phát hiện gần đây cho thấy, vẫn còn rất nhiều bí ẩn trong những mối quan hệ giữa hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh bụng.

Hệ vi khuẩn đường ruột : một thế giới bí ẩn

Bên cạnh phương diện thần kinh của hệ tiêu hóa, hệ vi khuẩn đường ruột cũng là một đối tượng ngày càng được cho rằng có tác dụng vô cùng lớn lao đến sức khỏe con người. Lĩnh vực này cho đến nay còn ít được nghiên cứu. 

Năm 2008, Châu Âu tiến hành chương trình nghiên cứu MetaHIT (Metagenomics of the Human Intestinal Tract) để tìm hiểu về hệ vi khuẩn này, được ước tính có số lượng lên tới 100 000 tỷ vi khuẩn, tức là gấp 10 lần số tế bào có trong cơ thể chúng ta. MetaHit, chương trình nghiên cứu đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực này, được Ủy ban Châu Âu tài trợ 22 triệu đô la, và được tiến hành tại 8 quốc gia. Chương trình này có mục tiêu phân lập toàn bộ gen của các vi khuẩn trong đường ruột, với số lượng ước tính khoảng nửa triệu gen. Chương trình MetaHIT sắp kết thúc. Một dự án mới quy mô lớn tương tự (mang tên MétaGénoPolis, do Inra - Viện Nông học Pháp - phụ trách cùng với hai công ty thực phẩm Danone và Nestlé), đang chuẩn bị tiến hành, có mục tiêu tìm hiểu tác động của hệ vi khuẩn đường ruột đến sức khỏe, với việc thành lập một ngân hàng mẫu phân của khoảng 100.000 người.

Những kết quả nghiên cứu mới về hệ thần kinh tiêu hóa và hệ vi khuẩn đường ruột mang lại hy vọng sẽ có nhiều ứng dụng quan trọng trong trị liệu, đặc biệt trên phương diện trị liệu không dùng thuốc, đối với rất nhiều căn bệnh mà từ trước đến nay vẫn được coi là không dính dáng trực tiếp đến chuyện tiêu hóa, như : chứng đau nửa đầu, căng thẳng, suy nhược thần kinh, lo hãi, mất ngủ, các bệnh về da, các bệnh về tai mũi họng, các bệnh về hô hấp hay các chứng nhiễm trùng... Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, một số nhà nghiên cứu cũng cảnh báo về xu thế tiêu thụ tràn lan các sản phẩm trợ sinh (probiotic) hay tiền trợ sinh (prebiotic),...

Khách mời của Tạp chí hôm nay là bác sĩ Nguyễn Ý Đức từ Texas. Bác sĩ Nguyễn Ý Đức sẽ giải thích với chúng ta về quan niệm coi hệ thần kinh tiêu hóa như "bộ não thứ hai" của cơ thể con người kể trên, cũng như các biện pháp cần thiết đã bảo vệ hệ thần kinh tiêu hóa. Tiếp theo đó, ông sẽ cho chúng ta biết thêm một số hiểu biết về hệ vi khuẩn đường ruột và các biện pháp để bảo vệ các vi sinh vật rất quan trọng này.

14:27

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức (Texas)

Các bài liên quan

Một số thành tựu lớn của y học thế giới trong năm 2011 (phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên - Sydney)

Chữa bệnh mà không dùng thuốc tại Pháp (phỏng vấn nhà dinh dưỡng học Quỳnh Hoa - Paris)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.