Vào nội dung chính
KHOA HỌC

Máy bay Solar Impulse hạ cánh xuống Maroc

Sau hành trình kéo dài hơn 18 tiếng đồng hồ, máy bay Solar Impulse đã hạ cánh xuống Rabat, Maroc, trong đêm ngày hôm qua, 05/06/2012, vào lúc 2 giờ 27, GMT. Đây là chuyến bay liên lục địa đầu tiên của chiếc máy bay hoàn toàn sử dụng năng lượng mặt trời.

Máy bay sử dụng năng lượng mặt trởi Solar Impulse
Máy bay sử dụng năng lượng mặt trởi Solar Impulse REUTERS
Quảng cáo

Trực thăng của hiến binh Maroc đã hộ tống máy bay Solar Impulse khi hạ cánh xuống đường băng dài 3,8 km của sân bay Rabat Salé Maroc. Toàn cảnh máy bay hạ cánh được truyền hình trực tiếp trên trang web : solarimpulse.com.

Những người phụ trách dự án Solar Impulse cho AFP biết là chiếc máy bay này sẽ đậu tại sân bay Rabat trong 5 ngày, trước khi tiếp tục hành trình xuống Ouarzazate, ở phía nam, ngay trước ngày vua Maroc Mohammed VI phát lệnh khởi công một nhà máy khai thác năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.

Theo ông Bertrand Piccard, phi công, đồng sáng lập dự án chế tạo Solar Impulse, chiếc máy bay đã cất cánh từ sân bay Madrid-Barajas, Tây Ban Nha, hôm qua, thứ Ba 05/06/2012, vào lúc 0 giờ 22 phút, GMT. Ông cũng nhấn mạnh là phía Maroc đã phối hợp chuẩn bị kỹ càng cho chuyến bay này.

Chủ tịch Hội đồng điều hành Cơ quan năng lượng mặt trời Maroc – MASEN, ông Mustapha Bakkoury khẳng định : « Đây là một sự kiện lịch sử ».

Phi công Piccard đã cảm ơn sự đón tiếp của Maroc và ca ngợi những nỗ lực của nước này trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Ông giải thích : Chúng tôi rời châu Âu vượt qua eo biển Gibraltar để vào châu Phi và mang theo một thông điệp ủng hộ Cơ quan năng lượng mặt trời Maroc. Cơ quan này đang chuẩn bị một chương trình khai thác năng lượng mặt trời rất lớn, đầy tham vọng.

Chính vì vậy, nhóm phụ trách dự án Solar Impulse muốn thực hiện một chuyến bay trùng với thời điểm khởi công xây dựng nhà máy khai thác năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, tại vùng Ouarzazate, phía nam Maroc.

Mặt khác, chuyến bay qua Địa Trung Hải, tới Maroc là đợt bay thử, luyện tập cuối cùng trước khi Solar Impulse thực hiện một chuyến bay vòng quanh trái đất vào năm 2014, qua đó, các chuyên gia muốn kiểm tra khả năng của máy bay Solar Impulse tham gia không lưu quốc tế, cất cánh, hạ cánh ở các sân bay lớn.

Solar Impulse là chiếc máy bay đầu tiên được chế tạo để có thể bay được cả ngày lẫn đêm, không dùng nhiên liệu, không thải khí CO2 và chỉ sử dụng năng lượng mặt trời. Dự án này được thực hiện sau 7 năm, với một nhóm chuyên gia gồm 70 người và có sự cộng tác của khoảng 80 đối tác.

Máy bay được chế tạo bằng sợi carbone, có bốn động cơ điện với nguồn điện được cung cấp từ các tấm bảng quang điện bao phủ hai cánh máy bay. Ban ngày, một phần năng lượng được tích trữ, nạp vào các bình ac-quy để sử dụng vào ban đêm.

Mặc dù có kích cỡ bằng máy bay Aibus A 340, dài 63,4 mét, máy bay Solar Impulse chỉ nặng 1,6 tấn, tương đương với trọng lượng một chiếc xe hơi loại trung bình.

Các chuyên gia trong dự án Solar Impulse cho biết : Vấn đề không phải là tìm kiếm phương cách khai thác, sử dụng năng lượng mặt trời cho các máy bay thông thường. Dự án có mục đích chứng minh rằng, với các công nghệ mới, chúng ta có thể làm được những điều ngoài sức tưởng tượng, mà không cần đến nhiên liệu. Dự án còn nhằm làm cho mọi người hiểu được rằng, những gì chúng ta có thể làm được ở trên trời thì chúng ta có thể làm được ở dưới đất.
Solar Impulse đã cất cánh từ sân bay Payerne Thụy Sĩ, ngày 24/05, ghé qua Madrid, trước khi sang Maroc, với hành trình 2500 km.

Tháng 07/2010, Solar Impulse đã đi vào lịch sử hàng không thế giới khi thực hiện chuyến bay đầu tiên liên tục trong vòng 24 giờ mà chỉ sử dụng năng lượng mặt trời.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.