Vào nội dung chính
KHOA HỌC - MÔI TRƯỜNG

Thụy Điển thiếu rác làm nhiên liệu cho các cơ sở sản xuất năng lượng

Từ nhiều năm nay, Thụy Điển không có đủ các chất thải để cung cấp nhiên liệu cho các lò thiêu sản xuất nhiệt và điện. Thậm chí, nước này còn phải nhập khẩu rác từ các nước láng giềng châu Âu. Việc thiêu hủy rác và chất thải dường như không thân thiện với môi trường, nhưng đây lại là một trong những phương tiện hữu hiệu để sản xuất năng lượng và xu hướng này đang ngày càng phổ biến tại Thụy Điển.

Nhà máy Västerås, chuyên xử lý rác để sản xuất năng lượng, ở thủ đô Stockholm (Benoît Derrier)
Nhà máy Västerås, chuyên xử lý rác để sản xuất năng lượng, ở thủ đô Stockholm (Benoît Derrier)
Quảng cáo

Quốc gia Bắc Âu này đã bắt đầu chuyển sang sử dụng rác, chất thải như một nguồn nhiên liệu cho sản xuất nhiệt và điện từ sau Đệ nhị Thế chiến : Đến nay, khoảng một nửa tổng khối lượng rác sinh hoạt được thiêu hủy để cung cấp nhiệt cho hệ thống lò sưởi của một quận hoặc cả một thành phố. 80% các hộ gia đình và 2/3 các tòa nhà thương mại có hệ thống sưởi ấm được đấu nối với mạng lưới cung cấp nhiệt của các lò đốt rác.

Mạng lưới cung cấp nhiệt năng đáp ứng hơn một nửa nhu cầu sưởi ấm của toàn Thụy Điển ; tỷ lệ này cao hơn hẳn so với các nước châu Âu khác. Theo các chuyên gia Thụy Điển, việc thiêu hủy rác, chất thải, đáp ứng các đòi hỏi tôn trọng môi trường : Trước tiên, quy trình này thải ra ít khí gây hiệu ứng nhà kính hơn là hệ thống các bãi tích chứa rác. Hơn nữa, trước khi thiêu hủy, các chất thải độc hại được phân loại và thu hồi để tái chế.

Ông Jens Bjoorn – giám đốc thông tin lò đốt Fortum, một trong những cơ sở sản xuất năng lượng lớn của Thụy Điển cho biết : « Chúng tôi không chỉ sản xuất hơi nóng để sưởi mà còn sản xuất cả điện. Việc kết hợp này cho phép biến đổi 90% chất thải thành năng lượng. Quá trình thiêu hủy cũng cho phép xử lý những chất độc hại như kim loại nặng. Nếu đổ vào các bãi chứa rác thì chúng sẽ gây ô nhiễm môi trường »

Mặt khác, chất thải, rác là nguồn nhiên liệu miễn phí, lúc nào cũng có, cho phép giảm bớt tiêu thụ dầu lửa, khí đốt, than đá… Chính vì thế, Thụy Điển đang thiếu rác và chất thải. Kể từ khi luật pháp Thụy Điển, vào năm 2002, cấm lập các bãi chứa rác trên lãnh thổ nước này, nhiều lò thiêu hủy được xây dựng. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã làm giảm các hoạt động công nghiệp với hậu quả là khối lượng chất thải có thể được dùng làm nhiên liệu cũng ít đi.

Hàng năm, hơn ba chục lò thiêu hủy đặt trên lãnh thổ Thụy Điển tiêu thụ tới 5,5 triệu tấn rác, chất thải, trong đó 20%, tương đương khoảng 1 triệu tấn phải nhập khẩu, chủ yếu từ Na Uy và Anh Quốc, hoặc từ Ý, nơi mà nhiều thành phố đang phải đối mặt với một khối lượng rác và chất thải khổng lồ. Đầu năm nay, 3000 tấn rác của thành phố Napoli đã được chuyển tới Thụy Điển.

Khối lượng rác, chất thải được dùng làm nhiên liệu sản xuất nhiệt và điện đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1990 và được dự báo là sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2030. Triển vọng này gây lo ngại. Cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để xử lý chất thải là tái chế.

Tại Thụy Điển, hoạt động tái chế giấy, nhựa và kim loại tương đối phát triển nhưng bị đình trệ trong những năm gần đây vì lý do kinh tế : Tái chế tốn kém hơn là thiêu hủy. Trong khi đó, việc tái sử dụng các chất hữu cơ lại được đẩy mạnh : phần lớn các khu đô thị Thụy Điển đều có hệ thống thu thập rác thực phẩm để sản xuất khí sinh học, chủ yếu để chạy xe bus.

Nếu như Thụy Điển cũng như Đức, Áo, Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ cấm lập các bãi tích chứa rác, chất thải thì tại nhiều quốc gia châu Âu khác, tỷ lệ rác và chất thải được đưa vào các bãi chứa lại khá cao : Pháp 40%, Anh Quốc 60% Ba Lan 80% và Bulgari 100%. Tổng cộng, mỗi năm, tại châu Âu, vẫn có khoảng 150 triệu tấn rác, chất thải được tích chứa, chôn vùi. Do vậy, các lò thiêu hủy để sản xuất năng lượng tại Thụy Điển chắc chắn không lo thiếu nhiên liệu.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.