Vào nội dung chính
KHOA HỌC - MÔI TRƯỜNG

Một tê giác Sumatra vừa ra đời tại Indonesia

Hôm nay 23/6/2012, một con tê giác Sumatra nuôi trong chuồng vừa cho ra đời một chú tê giác con. Đây là một sự kiện hiếm hoi bởi chỉ diễn ra 3 lần từ 100 năm nay. Hơn nữa, đây là loại tê giác đang có nguy cơ tiệt chủng. Tê giác Sumatra có thân hình nhỏ hơn các loài tê giác khác và có hai sừng.

Tê giác Ratu được nuôi tại vườn quốc gia đảo Sumatra (DR)
Tê giác Ratu được nuôi tại vườn quốc gia đảo Sumatra (DR)
Quảng cáo

Một viên chức khu bảo tồn tê giác của vườn quốc gia Way Kambas trên đảo Sumatra, miền Tây bắc Indonesia, xác nhận với hãng tin AFP rằng, tê giác tên là Ratu đã sinh hạ một chú tê giác con vào lúc 00H45 giờ địa phương hôm nay. (17H45 GMT hôm qua).

Viên chức này cho biết, hiện tại sức khỏe của hai con tê giác đều tốt. Như vậy, trong vòng một thế kỷ nay, đây là ca sinh thứ tư trong điều kiện nuôi nhốt của loài tê giác Sumatra, và là trường hợp đầu tiên ở Indonesia. Ba lần sinh trước diễn ra ở Hoa Kỳ.

Tê giác Sumatra được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế ( IUCN) xếp vào loại « Có nguy cơ tiệt chủng cao». Hiện tại, chỉ còn không đến 200 con, sống trong thiên nhiên ở Indonesia và Malaysia, tức giảm đi phân nửa chỉ trong vòng 20 năm qua. Trước kia, tê giác Sumatra sống rải rác ở Châu Á : Bangladesh, Cam Bốt, Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam. Thế nhưng, gần đây dường như chúng chỉ còn tồn tại ở Indonesia và Malaysia.

Việc sinh sản loài tê giác Sumatra thường chỉ diễn ra trong thiên nhiên, còn trong điều kiện nuôi tại chuồng thì rất khó diễn ra. Tê giác Ratu đã phải hai lần sẩy thai. Hôm qua, trưởng bộ phận thú y của khu bảo tồn nhận định : « Sự kiện Ratu có thai mang đến hy vọng cho việc bảo tồn loài vật quí hiếm này ».

Quỹ bảo tồn tê giác Quốc tế cũng chia sẻ : « Mỗi lần mang thai là một giai đoạn cực kỳ quan trọng cho sự sinh tồn của loài vật đang có nguy cơ tiệt chủng vào cuối thế kỷ này ». Hôm nay, sau khi chú tê giác con mới đã chào đời, một quan chức Indonesia hoan hỉ : « Đây thật sự là một món quà cho việc bảo tồn giống vật này trong điều kiện nuôi nhốt, vì chúng ta điều biết rõ rằng việc đó rất khó khăn ».

Tê giác bị đe doạ trước hết do nó rất có giá trị trên thị trường chợ đen, bởi người ta cho rằng sừng tê giác là một phương thuốc quí. Bên cạnh đó, phá rừng cũng là một nguyên nhân khiến cho tê giác không còn đất sống. Theo các nhà bảo vệ môi trường, mỗi năm tại Indonesia, có đến 2 triệu hecta rừng bị phá hủy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.