Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Quyền năng của hương vị đối với xúc cảm

Đăng ngày:

Trên thế giới ngày nay, mùi là một hiện thực ngày càng được các ngành kinh doanh chú ý đến, như một phương tiện chinh phục khách hàng. Gần gũi với ta hơn, mùi vị tự nhiên của hoa trái, cây cỏ…, càng trở nên quan trọng, trong một thế giới mà môi trường sinh thái ngày càng bị thu hẹp. Mùi là một cái gì đó vừa rất đỗi gần gũi, có ảnh hưởng sâu xa, nhưng cũng lại phảng phất mơ hồ khó nắm bắt, như thực, như không. Vậy trên phương diện khoa học, mùi được tiếp nhận như thế nào và có ảnh hưởng gì đến đời sống cảm xúc của con người ?

Một thực nghiệm gần đây cho thấy mùi vị thơm tho của bánh mì khiến người ta trở nên độ lượng, vị tha hơn.
Một thực nghiệm gần đây cho thấy mùi vị thơm tho của bánh mì khiến người ta trở nên độ lượng, vị tha hơn.
Quảng cáo

Tạp chí Khoa học của RFI tuần này xin chuyển đến quý thính giả tiếng nói của một số nhà khoa học, nhà văn về sự cảm thụ khứu giác : các nhà sinh học thần kinh Remi Gervais, Roland Salesse, nhà nhân học Annick Le Guérer và nhà văn Tạ Duy Anh.

Hai nhà sinh học thần kinh Roland Salesse và Remi Gervais là đồng tác giả cuốn « Khứu giác và vị giác. Từ sinh học thần kinh về khứu giác và vị giác đến các ứng dụng » (Odorat et goût. De la neurobiologie des sens chimiques aux applications), do nhà xuất bản Quae ấn hành năm 2012. Nhà nhân học Annick Le Guérer, nổi tiếng với cuốn « Những quyền năng của mùi » (Les pouvoirs de l'odeur), ra đời năm 1998 và đã nhiều lần được tái bản. Nhà văn Tạ Duy Anh được một số phương tiện truyền thông trong nước đánh giá là người viết dành cho các cảm nhận về mùi một vị trí đặc biệt.

Hương thơm đồng quê đánh thức một thời

Mở đầu tạp chí mời quý vị nghe tiếng nói của nhà văn Tạ Duy Anh từ Hà Nội, về những hồi ức riêng của ông, mỗi lần được trở lại với những hương thơm của ngày xưa :

03:33

Nhà văn Tạ Duy Anh

Tạ Duy Anh : « Mùi vốn nó là một thứ vô hình. Tuy nhiên, nó lại là một thứ hiển hiện qua ảnh hưởng đến mũi mình. Nhưng vì nó là vô hình mà tác động của nó không được sự chú ý của người ta được mạnh mẽ, như là khi nhìn, khi sờ, khi nếm…

Thế nhưng mà, mùi lại là một phần vừa của đời sống vật chất, vừa của đời sống tinh thần. Nó trộn lẫn vào nhau, không thể phân định được rõ. Nhưng khi mình ngửi thấy mùi, thì trong tiềm thức của mình nó hiện lên những liên tưởng về quá khứ. Ví dụ mùi hoa bưởi.

Năm nay tôi ngoài 50 tuổi rồi, nhưng nếu đột nhiên tôi đi qua một cái vùng hoa bưởi, thì tôi hình dung rõ mồn một cái thời trẻ con của tôi, cái thời 10, 12 tuổi. Là bởi vì, ở nhà quê, cái mùi hoa bưởi nó thiêng liêng lắm. Thứ nhất, tôi đảm bảo là không có thứ hương nào trên đời nó thanh cao, nó quyến rũ hơn mùi hoa bưởi. Thứ hai nữa, cái mùa hoa bưởi, bao giờ nó cũng gợi đến cả không khí của mùa xuân. Mùa xuân thì ngoài hoa bưởi, thì có rất nhiều thứ hoa khác, nhưng đặc biệt có rất nhiều loài chim. Buổi sáng mùa xuân, mà lại là mùa xuân có hoa bưởi thì thật ra nó khiến cho con người ta, tâm hồn mình cứ như được tắm gội, gột rửa.

Những ấn tượng ấy cho đến tận bây giờ vẫn sống nguyên vẹn trong ký ức mình. Nhưng mà phải khi nào mình ngửi mùi hoa bưởi thì ký ức mới trỗi dậy. Và khi nó trỗi dậy, thì nó khiến cho tâm hồn mình nó dịu lại, nó lắng lại, đồng thời đầy sự phấn khích. Nó khiến cho mình nghĩ đến những điều rất là trong lành, rất là thánh thiện, về một thời tuổi thơ, đi nhặt hoa bưởi, rồi đi nhặt quả bưởi...

Mình có cả một nhân vật trong cuốn Lão khổ, chuyên môn ăn hoa bưởi. Sau đó mình có mô tả là nhờ thế mà cơ thể của cô ấy toát lên mùi thơm tự nhiên, như là trời cho cô ấy.

Mình đi đâu thì đi, nhưng thực sự là thèm khát thỉnh thoảng được trở lại mùi hương lúa. Nói đến hương lúa, thì đúng là chỉ có trải qua thì mới có thể… Mô tả bằng lời rất khó, nhưng cảm nhận rất là rõ ràng. Cái hương lúa nó kỳ lạ lắm, nó vừa làm cho mình thỏa mãn về mặt tinh thần, nhưng mà nó cũng gợi cho mình cảm giác thèm ăn. Ví dụ như thèm được ăn những thứ tự nhiên, trong lành, không bị ô nhiễm.

Ngoài ra thì, mình là người nông thôn, nên mùi nhà quê, nó gắn giữa đất đai, rồi một chút mùi của chuồng trại, rồi mùi của rơm mục… tất cả những thứ mùi đó nó đi vào đời mình, và có lẽ sẽ đọng mãi trong ký ức cho đến khi nào chết thì thôi. Không thể quên, có muốn quên đi cũng không được. Chẳng qua là hàng ngày mình không được ngửi lại những mùi như thế, thì mình không thấy nó sống lại trong ký ức thôi. Nhưng mà cứ khi nào trở về quê, vào những hôm mưa phùn chẳng hạn, thì y như rằng nhớ những thời trẻ con, những ngày mưa phùn, đi hái nấm rơm, rồi lội lõm bõm ngoài đường. Vào những mùa hương lúa, những mùa lúa ngậm sữa, thì chắc chắn nhớ đến mùa đi câu nhái, mùa đi bắt con chim rẽ giun… Tất cả những cái đó nó sống lắm. Mình nhìn thấy từng bước chân của mình đi trên bờ ruộng như thế nào, rồi động tác của mình ở thời trẻ ra sao. Đúng là những mùi ấy nó làm cho ký ức sống dậy rất mạnh. »

Ký ức khứu giác - đối tượng của sinh học thần kinh thế kỷ 21

Ông Roland Salesse, nhà sinh học thần kinh người Pháp, giám đốc nghiên cứu INRA – học viện nông học Pháp - một chuyên gia hiếm hoi trong lĩnh vực này, cho biết một đôi nét về việc nghiên cứu hệ thống khứu giác :

Roland Salesse : « Tôi mới chỉ quan tâm nghiên cứu về mùi mới đây thôi, nhưng các đồng nghiệp của tôi như ông Remi Gervais thì đã nghiên cứu từ lâu. Ở Pháp, có một trường phái nghiên cứu về mùi và vị, hoạt động rất mạnh trong những năm 1970. Nghiên cứu về mùi đã khởi động trở lại với phát hiện về các tế bào cảm thụ khứu giác của Linda B. Buck và Richard Axel năm 1991. Phát hiện kể trên đã được ghi nhận với giải thưởng Nobel y học năm 2004. Mọi người đều trông đợi phát hiện này, vì các tế bào cảm thụ khứu giác là nơi đầu tiên của cơ thể tiếp nhận các mùi.

Đây chính là mắt xích bị thiếu, trong toàn bộ quá trình tiếp thụ mùi của cơ thể con người. Các phân tử gây mùi là điều chúng ta biết khá rõ. Bên cạnh đó, phản ứng của con người đối với mùi cũng là điều đã được nghiên cứu khá nhiều, với những cách thức khác nhau. »

Nhận định về các nghiên cứu khoa học về mùi, nhà sinh học thần kinh Remi Gervais – phụ trách ê kíp « Sinh học thần kinh về ký ức khứu giác » của Institut des sciences cognitives thuộc CNRS – Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp - nhấn mạnh đến các đóng góp độc đáo của văn hào Pháp Marcel Proust trong cuộc thám hiểm các ảnh hưởng của mùi vị đến tâm hồn con người :

Chiếc bánh ngọt dẫn về quá khứ
Chiếc bánh ngọt dẫn về quá khứ

Remi Gervais : « Khi ta tìm hiểu về khoa sinh học thần kinh, rõ ràng có nhiều nghiên cứu dựa vào trước tác của Marcel Proust. Tôi xin nhấn mạnh rằng, đây là một trong số các nhà văn rất hiếm hoi, tạo được trường phái riêng, ngay cả trong khoa sinh học thần kinh của thế kỷ XXI. Ta có thể thấy rằng và chủ đề của buổi nói chuyện hôm nay là ‘‘bộ não cũng có mũi’’, và các xúc cảm của con người và mùi vị liên quan hết sức mật thiết với nhau ».

Cảm nhận mùi khác nhau ở mỗi người một phần do gen

Về cơ chế của sự tiếp nhận mùi, sau đây là lý giải của nhà nghiên cứu Roland Salesse :

Roland Salesse : « Về giai đoạn đầu tiên của sự tiếp nhận, có thể nói rằng giai đoạn đầu tiên này là giống nhau với tất cả mọi người.

Trong không khí, có những phân tử tạo mùi tồn tại ở dạng hơi. Những phân tử này liên kết với các tế bào thụ cảm nằm trong mũi chúng ta. Ở giai đoạn này bắt đầu có sự khác biệt trong sự tiếp nhận giữa người này với người khác. Nếu các tế bào thụ cảm được mã hóa bởi các gen, thì có sự khác nhau, do người thì có gen này, người kia lại có gen khác. Có những người nhậy cảm với một số mùi hơn người khác. Bên cạnh đó, đối với mỗi loại gen, thì lại có các biến thể khác nhau. Như vậy, cùng một mùi giống nhau, ngay ở giai đoạn đầu tiên này, thụ cảm ở mỗi người có thể mang lại các thông điệp khác nhau về mùi được tiếp nhận.

Tiếp theo đó, ta có thể nói rằng, quá trình xử lý thông điệp về mùi cảm nhận được sẽ giống nhau ở tất cả mọi người. Trong mũi chúng ta, có hàng triệu tế bào thụ cảm, thu nhận các phân tử có mùi. Chúng ta có thể tạm hình dung các tế bào thụ cảm giống như những chiếc chìa khóa (giúp chúng ta tiếp cận với các mùi), chỉ khác là, trong trường hợp các tế bào thụ cảm khứu giác giống với một thứ ‘‘thẻ vạn năng’’, có thể cho ta tiếp cận với đủ loại mùi, hơn là một chiếc khóa để mở riêng một ổ khóa.

Rồi bắt đầu từ mũi, tín hiệu hội tụ về một bộ phận, nằm trong não bộ, mà ta gọi là trung khu khứu giác. Chính ở trung khu khứu giác này mà bắt đầu hình thành một tấm bản đồ cảm thụ. Có nghĩa là chính ở đó mà não bộ bắt đầu công việc xác định đặc tính của thông điệp về mùi được mũi tiếp nhận. »

Cảm nhận mùi gắn với các vùng nguyên thủy nhất trong não bộ

Quá trình tiếp nhận của khứu giác đối với các mùi vị, dù có cơ chế chung, nhưng lại hết sức khác nhau tùy theo từng người. Ngoài quá xử lý thông tin khác nhau do gen chi phối, tại trung khu khứu giác như trên, khác biệt còn do việc các thông tin về mùi gắn liền với các bộ phận nguyên thủy nhất trong não người. Sau đây là ý kiến của ông Remi Gervais :

Remi Gervais : « Cơ quan cảm thụ khứu giác là một bộ phận có từ rất sớm trong quá trình tiến hóa sinh học. Tất cả các loài động vật, kể cả các loài động vật nguyên thủy nhất, đều có sự cảm thụ khứu giác, kể cả các côn trùng.

Tất nhiên là các loài động vật có vú, động vật có xương sống, đều có cơ quan khứu giác. (…) Khứu giác bao gồm một loạt các bộ phận, từ mũi cho đến trung khu khứu giác, bộ phận này lại có liên hệ trực tiếp với các bộ phận mang tính nguyên thủy nhất của bộ não như : amygdale (hạch hạnh nhân) - vùng chi phối cảm xúc - hay hippocampus (hồi hải mã), nơi chi phối việc lưu giữ ký ức.

Tất cả các động vật đều có khả năng xác định các tính chất hóa học của môi trường xung quanh, vì nhu cầu sinh tồn, để tìm ra thức ăn, tìm được đối tác cho bản năng giao phối duy trì nòi giống. Như vậy, đó là một giác quan mang tính nguyên thủy. Giác quan này liên kết với các xúc cảm, với các bộ phận trong não liên quan đến việc ăn uống, các hoạt động sinh sản.

Các động vật có xương sống có khả năng cảm thụ về mùi ngay khi còn ở trong bào thai, cho dù lúc đó chúng chưa nhìn thấy gì. Lúc đó, thai nhi sống trong một khối chất lỏng, điều quan trọng đối với sự sống còn của chúng là khả năng phân tích thành phần hóa chất của chất lỏng này. Các loài cá có khả năng xác định được mùi trong nước, cho dù với một hàm lượng hết sức nhỏ. »

Giá trị phi thường của giác quan một thời bị khinh rẻ

Giáo dục cảm thụ về mùi có một vai trò quan trọng trong cuộc sống, nhưng trong truyền thống văn hóa Tây phương một thời gian rất dài, giác quan này đã từng bị coi rẻ, nhà nhân học Annick Le Guérer cho biết một vài nhận định :

Annick Le Guérer : « Ở phương Tây, khứu giác đã có thời bị coi rẻ, khinh thường, do ảnh hưởng của nhiều nhà đạo đức, tâm lý học, triết học. Làm việc và nghiên cứu về mùi đã từng bị coi là một điều cấm kỵ. Bởi vì, khứu giác bị coi là một giác quan bậc thấp - ‘‘người anh em đáng thương’’ trong số các giác quan.

Nhà triết học Kant, vào thế kỷ XVIII, đã nói rằng : khứu giác là một giác quan ‘‘ích kỷ/vô ơn’’, và việc phát triển giác quan này là điều vô ích.

Các nhà phân tâm học đã tiếp nhận tư tưởng của trào lưu triết học này. Đối với Freud - ông tổ của phân tâm học - xóa bỏ khứu giác là cần thiết cho sự phát triển của nền văn minh.

Như vậy, chúng ta đã thừa kế cả một hệ thống quan niệm về khứu giác. Điều đó đã khiến cho chúng ta không truyền lại các bài học cho con cái chúng ta trong lĩnh vực này.

Khứu giác không phải là một giác quan mang tính lý trí. Tuy nhiên, chính cái giác quan đó đã mang lại một khả năng cảm nhận tinh vi mang tính động vật, và có một vai trò hết sức quan trọng đối với nhiều nền văn hóa.

Chúng ta biết rằng, nhà tiên tri Mahomet cho rằng hương hoa là một trong những điều được mọi người quan tâm. Khứu giác là một giác quan cho phép chúng ta định hướng trong cuộc sống. Khứu giác có một vai trò rất quan trọng đối với ký ức và tình cảm. Một mùi hương bất chợt xuất hiện có thể khiến chúng ta trở lại với thời xa xưa vài chục năm về trước một cách hết sức sống động.

Khi chúng ta mở một ngăn tủ, ngửi thấy mùi chiếc áo len của một người đã quá vãng, hồi ức về người thân đó trở lại với chúng ta một cách hết sức sống động.

Mùi mang lại cho chúng ta rất nhiều thông tin về thế giới, bởi vì nhờ khứu giác mà chúng ta có được một sự tiếp xúc mang tính hòa nhập với thế giới vật chất, cũng như thế giới sinh thể.

Khứu giác mang lại các thông tin, nhưng đó là các thông tin khó cảm nhận được, vì đây là một giác quan phi ngôn ngữ. Các từ dùng để xác định các mùi là rất ít. Để mô tả mùi, chúng ta phải mượn các phương tiện giác quan khác. Ví dụ như chúng ta nói : mùi ''nặng'', mùi ''cay'', mùi có ''màu xanh''… Chính vì không mô tả được bằng ngôn ngữ mà mùi bị coi nhẹ. »

Chúng ta trở lại với một vài suy nghĩ của nhà văn Tạ Duy Anh về tác động của mùi đến tâm hồn con người:

01:57

Nhà văn Tạ Duy Anh

Tạ Duy Anh : « Mùi là một thứ vô hình, nó như không khí hàng ngày, mình không quan tâm là mình đang thở. Hàng ngày mình không quan tâm là mình đang ngửi mùi gì, nhưng thực ra nó có mùi của tuổi thơ, có cái mùi của thời trưởng thành và có cái mùi khi về già. Mùi tuổi thơ như cái xạ của cây. Vì trẻ con hình như có khứu giác tốt hơn người lớn, nó mới có thể ngửi được những mùi tinh vi như thế. Đến cái thời trung niên, ví dụ như mùi công sở cũng là một thứ mùi, thế rồi mùi của quán xá, rồi mùi của cống rãnh... Mình đặc biệt sợ mùi đường phố. Mình thích mùi của đồng quê, chứ mùi thành phố mình sợ lắm.

Mùi nó như không khí nên không ai quan tâm, nhưng thiếu không khí là chết, và thiếu mùi là thiếu một phần đời sống tinh thần rất lớn. Nhưng lượng định được thì rất khó.

Chắc chắn là mùi quyết định rất lớn đến cái tính cách của con người ta, đến sự lương thiện của con người ta, đến những phẩm chất rất quan trọng của một đời người. Ví dụ như sự thanh cao, hay sự tầm thường. Bởi vì nếu anh sống trong một không gian tinh khiết, chỉ có mùi cỏ cây, mùi đất đai, rồi mùi của hoa lá, thì chắc chắn cái tinh thần của anh cũng được dung dưỡng, nó cũng rất lành mạnh. Và khi lớn lên, anh sẽ có những ứng xử tự nhiên rất đàng hoàng, rất là trong sáng. Thế nhưng mà những người tiếp xúc với những thứ mùi bẩn thỉu, những thứ ô trọc, thì chắc chắn kiểu gì tâm hồn cũng bị khuyết tật một mặt nào đó, và chi phối đến hành động của anh ngay. Thế cho nên tại sao mà, tại sao những người ở miền núi, ở gần đất gần rừng, thì thực sự là đời sống tinh thần của người ta nó lành mạnh hơn những người ở những vùng chật chội, chen chúc, thành phố ổ chuột, những vùng ô nhiễm môi trường. Cái đó rất quan trọng, cái đó liên quan đến cái chất lượng, cái chất lượng rất cao của đời sống. Những ô nhiễm môi trường về mùi có thể thay đổi cả tính cánh của người ta. »

Hoa bưởi với mùi hương thanh khiết
Hoa bưởi với mùi hương thanh khiết

Nói đến chuyện sức mạnh của mùi, không thể không nhắc đến cuốn « Mùi hương - Chuyện một kẻ giết người » - cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn người Đức Patrick Susskind (1985), từng được dịch ra tiếng Việt năm 2007, được Tom Tykwer chuyển thể thành bộ phim mang cùng tên (2006). « Mùi hương » là câu chuyện giả tưởng huyền hoặc và bi thảm về Grenouille, một nhân vật mà cơ thể hoàn toàn không có mùi, nhưng lại là người có một khứu giác cực kỳ phát triển khiến anh ta cảm nhận được vô cùng chính xác hết thảy mùi vị trên thế gian. Nhân vật chính, có một tuổi thơ bất hạnh, ngập ngụa trong nhơ bẩn, lại có một tham vọng mãnh liệt là có được một thứ hương kỳ diệu. Trên con đường tìm cách chế ra loại hương ấy, bao nhiêu tội ác đã xảy ra dưới bàn tay của kẻ sát nhân thiên tài

Cảm nhận về mùi liệu có một tiếng nói chung ?

Mùi vị có một ảnh hưởng lớn đến đời sống xúc cảm và ký ức của con người. Đã từ lâu, một số môn nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu mong muốn sử dụng mùi, như một phương tiện để mang lại các tác động mới đến khán giả. Tuy nhiên, cho dù đã được thử nghiệm nhiều, các nghệ thuật sử dùng mùi vẫn dừng ở giai đoạn thực nghiệm, vì nhiều trở ngại gắn với các giới hạn cơ bản của giác quan này. Ông Roland Salesse cho biết :

Roland Salesse : « Từ hai năm nay, tôi bắt đầu làm việc với nghệ sĩ Violaine de Carné. Người đã từng thử nghiệm nhiều trình diễn nghệ thuật sân khấu có hương vị. Điều này có vẻ như lạ lùng, nhưng thực ra, khi tìm hiểu, chúng ta thấy sân khấu có mùi vị đã được phát triển ngay từ thời Cổ đại ở Châu Âu, và chúng ta có nhiều tư liệu về hoạt động này vào thế kỷ XVII. Một số vở ballet thời vua Louis XIV đã sử dụng các hương vị. Mùi được sử dụng trong sân khấu với mục tiêu mang lại thêm một loại cảm thụ bổ sung, bên cạnh các cảm thụ về hình ảnh và âm thanh.

Sân khấu có hương vị đã từng được làm, tuy nhiên vẫn mới dừng ở giai đoạn thử nghiệm. Bởi vì như chúng ta đã biết : mỗi người có một cảm thụ về mùi khác nhau, do đó, để mang lại một ý nghĩa chung - như một ý nghĩa cơ bản của một từ mà chúng ta thống nhất được với nhau -, thì rõ ràng là hoàn toàn không đơn giản.

Khi chúng tôi làm thực nghiệm, thì có khoảng 20% khán giả đã có sẵn các cảm nhận về mùi tương ứng, và sẵn sàng tiếp nhận vở diễn. Trong khi đó, có nhiều người khác, không sẵn sàng, và giữ khoảng cách với vở diễn có mùi. »

Cảm nhận về mùi bắt rễ sâu xa trong quá trình sinh thành của một con người, đặc biệt trong thời kỳ thơ ấu. Gắn liền với các bản năng sinh tồn cơ bản nhất, khứu giác là nơi lưu giữ những ký ức và xúc cảm sâu sắc. Con người chịu ảnh hưởng của các mùi, dù là dễ chịu hay không, của môi trường sống mà mình lớn lên. Xã hội con người, nhất là xã hội hiện đại ngày nay, có nhiều tác động làm thay đổi các mùi sẵn có, hoặc tạo ra các mùi mới tùy theo các nhu cầu khác nhau.

Trong thời gian gần đây, có thêm nhiều nghiên cứu đi rất xa trong lĩnh vực này. Nhà nghiên cứu Roland Salesse cho biết, mới đây, hồi tháng 11/2012 vừa có một hội thảo tại Berlin, mà một sinh hoạt đã được dành cho chủ đề « Số hóa các mùi » (numérisation des odeurs), cụ thể là thu giữ các mùi tự nhiên, phân tích các mùi này, rồi chuyển các dữ kiện qua đường dây điện thoại, và ở đầu kia, tìm cách tái tạo lại các mùi đó. Hiện tại, nỗ lực số hóa các mùi còn đứng trước nhiều trở ngại rất lớn… Nhà sinh học thần kinh Salesse thông báo thêm là, phòng thí nghiệm của ông đang tiếp tục thử nghiệm chế tạo « những chiếc mũi sinh-điện tử » (nez bio-électronique), tức là các bộ phận cảm nhận mùi mô phỏng theo tự nhiên, có khả năng phân biệt được hàng trăm nghìn mùi khác nhau. Những chiếc mũi nhân tạo trong tương lai có khả năng cảm nhận vô cùng nhạy bén, ví dụ như mùi của các bệnh tật (như gần đây, người ta dùng chó để phát hiện ung thư), chất lượng thực phẩm, kiểm soát các biến đổi môi trường…
 

Các bài liên quan

Thời trang Chanel : Một thế kỷ lung linh huyền thoại

Một số thành tựu y học 2012 và triển vọng (phỏng vấn Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn : dùng tế bào gốc từ mũi chữa bệnh mất trí nhớ)

Nước hoa J’adore soán ngôi bá chủ của Chanel số 5

Chó giúp người phát hiện bệnh ung thư

Hương quốc mong manh - Nhật ký của một nhà chế biến nước hoa

Lợi ích của tập thiền dưới ánh sáng của khoa học về bộ não

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.