Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Hội nghị Vacxava có xứng tầm thách thức Biến đổi Khí hậu ?

Đăng ngày:

Ngày 23/11/2013, Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu lần thứ 19, tại Vacxava, với đại diện của hơn 190 quốc gia, đạt được một thỏa thuận trong gang tấc, sau khi phải kéo dài thêm một ngày thương lượng quyết liệt. Trước khi hội nghị kết thúc, đa số các tổ chức phi chính phủ đã bỏ về để bày tỏ thái độ phản đối.

Ống khói nhà máy nhiệt điện chạy bằng than lớn nhất châu Âu, Belchatow, Ba Lan - REUTERS /Peter Andrews
Ống khói nhà máy nhiệt điện chạy bằng than lớn nhất châu Âu, Belchatow, Ba Lan - REUTERS /Peter Andrews
Quảng cáo

Nhân dịp này, RFI giới thiệu với công chúng góc nhìn của những người trong cuộc, đặc biệt là về vấn đề tài trợ cho cuộc chiến giảm thiểu khí thải và hạn chế thiệt hại do Biến đổi khí hậu.

Về mặt nguyên tắc, thỏa thuận Varsava được coi là đã đặt ra được những nền tảng cho một Hiệp định về khí hậu sẽ được ký kết tại hội nghị Paris năm 2015, với mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái đất không quá 2°C.

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến thất vọng về hội nghị. Báo chí khắp nơi có nhiều bài viết khẳng định kết quả đạt được tại hội nghị này là hết sức nhỏ bé, đồng thời chỉ trích sự ích kỷ của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước giàu và các cường quốc đang trỗi dậy, cản trở hội nghị đạt được một kết quả thực sự.Trong công luận, nhiều tiếng nói trách cứ Ba Lan, nước chủ nhà, đã không mang lại những ủng hộ thích đáng cho lập trường tích cực của Châu Âu.

Hội nghị về khí hậu toàn cầu lần thứ 19 đứng trước nguy cơ hoàn toàn đổ vỡ, nếu không có thêm một ngày thương lượng bổ sung. Một số kết quả cụ thể nhỏ đạt được về mặt tài chính và định chế được ghi nhận : Các nước đang phát triển sẽ nhận được 75 triệu đô la từ một quỹ giành cho việc thích nghi với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, cơ chế REDD (Giảm khí thải do việc phá rừng và làm suy thoái rừng) được ký kết tại Cancun, Mêhicô, năm 2010, được bổ sung trong hội nghị Varsava cho phép các nước sở hữu các khu rừng già nhiệt đới có thể nhận được tài trợ để quản lý rừng một cách bền vững...

Trong khi đó, mục tiêu tài chính lớn đề ra là huy động 100 tỷ đô la/năm cho hoạt động hạn chế Biến đổi khí hậu từ đây đến 2020, thì dường như không tiến thêm được bước nào đáng kể. Một số quốc gia công nghiệp như Nhật Bản, Úc và Canada còn có những động thái không tiếp tục nỗ lực trong cuộc chiến giảm khí thải gây thất vọng lớn (Úc hủy bỏ thuế các-bon, Canberra đồng thời không cử Bộ trưởng Môi trường đến Vacxava, Canada hoan nghênh hành động này của Úc và kêu gọi các nước làm tương tự. Còn Nhật tuyên bố sẽ tăng khí thải 3,8% cho đến năm 2020, trong khi trước đó đã hứa sẽ giảm 25%).

Trước khi Hội nghị Varsava kết thúc, tạp chí Khoa học của RFI có chương trình dành cho chủ đề này. Tham gia tạp chí có bà Laurence Tubiana, phụ trách môn Phát triển bền vững Viện Khoa học chính trị Paris (đồng thời là thành viên India Council for Sustainable Development và China Council for International Cooperation on Environment and Development). Ông Seyni Nafo, phát ngôn viên của nhóm Châu Phi trong các đàm phán quốc tế và bà Emilie Johann, chuyên gia về khí hậu, chính sách châu Âu và quốc tế của CIDSE (liên hiệp hội công giáo quốc tế vì phát triển và đoàn kết bao gồm 17 hội thành viên).

Ngoài ra, còn có tiếng nói của nhà khí hậu học Hervé Le Treut, ông Pierre Forestier, phụ trách các hoạt động liên quan đến Biến đổi khí hậu của Cơ quan phát triển Pháp và ông Ludovic Larbodière, phụ trách về nông nghiệp và biến đổi khí hậu tại Bộ Nông nghiệp.

14:50

Phần nhận định của các vị khách mời

                                                Vài điều để hiểu hội nghị Vacxava

Theo bà Laurence Tubiana, để hiểu được ý nghĩa của hội nghị Vacxava, cần trở lại với hội nghị Copenhagen 2009. Đây là thời điểm mà cộng đồng quốc tế hy vọng một số quốc gia mới trỗi dậy, vốn chưa tham gia vào Nghị định thư năm 1997 (chủ yếu gồm các quốc gia công nghiệp phát triển), cùng đóng góp vào mục tiêu toàn cầu hạn chế Biến đổi khí hậu. Dù chưa đạt được kết quả cụ thể nào, nhưng cuối cùng hội nghị Copenhagen đã đi đến được một mục tiêu chung : Lần đầu cộng đồng quốc tế xác định cần phải chung sức giữ nhiệt độ Trái đất không được tăng quá 2°C. Làm gì và làm ở mức độ nào là điều mà các nước vẫn đang cố gắng để xác định rõ. Đây chính là mục tiêu cần phải đạt được tại hội nghị Paris 2015, mà hội nghị Vacxava là một bước trung gian. Ông Seyni Nafo cho biết, điểm khác biệt cơ bản giữa Hiệp ước Paris tới đây với Nghị định thư Kyoto (hết hạn năm 2020), là Hiệp ước Paris sẽ chế tài cả hai lĩnh vực : Giảm khí thải và đối phó để thích nghi với Biến đổi khí hậu. Đối phó với Biến đổi khí hậu - nội dung vắng mặt trong Nghị định thư Kyoto – đặc biệt quan trọng đối với các nước đang phát triển. Về phần mình, bà Emilie Johann nhấn mạnh đến sự tham gia công bằng của tất cả các quốc gia vào Hiệp ước 2015.

Hậu quả của Biến đổi khí hậu ngày càng được thừa nhận

Hội nghị Vacxava về Biến đổi khí hậu diễn ra đúng lúc cơn bão Haiyan kinh hoàng tàn phá đất nước Philippines gây xúc động cho đông đảo những người tham dự hội nghị. Dù thừa nhận hay không tác động của Biến đổi khí hậu đến việc xẩy ra dồn dập các thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng trong thời gian những năm gần đây, việc khí hậu thế giới đang có những thay đổi ngày càng lớn là điều mà hầu hết các giới tham gia Hội nghị về khí hậu đều thừa nhận. Sau đây là nhận xét của nhà khí hậu học Hervé Le Treut :

« Từ 1992, năm Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Trái đất tại Rio đến nay, chúng ta đi từ chỗ chỉ có 6 hay 7 tỷ tấn khí thải CO2 toàn cầu một năm lên đến vài chục tỷ tấn hiện nay. Trong khi vấn đề là phải trở lại với mức 3 hoặc 4 tỷ tấn trong vài thập niên tới, để có thể duy trì nhiệt độ dưới 2°C. Đây là một mục tiêu hết sức khó khăn, buộc phải có những chế ước hết sức mạnh, so với cách đây 20 năm.

Mặc dù nhiều người người cho rằng khó chứng minh mối liên quan giữa Biến đổi khí hậu với các thảm họa thiên nhiên bất thường, thì các tác động của Biến đổi khí hậu sẽ dễ dàng để thấy được, nếu nó không phải là một biến cố cụ thể. Ví dụ như băng tan tại hai vùng cực của Trái Đất. Ví dụ diện tích băng tại Bắc cực hiện nay đã giảm xuống chỉ còn 4 hoặc 5 triệu km² so với 8 triệu km² vào thập niên 1970. Quá trình tan băng và tăng nhiệt độ ở khắp nơi… cho thấy các tác động của Biến đổi khí hậu. Hiện thực này là hoàn toàn tương ứng với những dự báo từ lâu.

Tác động của Biến đổi khí hậu có thể chia làm hai loại. Tác động đến các vùng cực là thấy rõ. Bên cạnh đó là tác động đến các vùng nhiệt đới, khu vực nằm từ vĩ tuyến 30° bắc đến vĩ tuyến 30° nam, nơi chu kỳ thủy văn hết sức mãnh liệt.

Nhìn chung, về nguyên tắc, chúng ta sẽ thấy các vùng ẩm ướt sẽ càng trở nên ẩm ướt, các vùng khô hạn càng khô hạn. Về thực tế cụ thể, tình hình sẽ rất phức tạp, sẽ có nhiều điều gây ngạc nhiên. Các thay đổi tại vùng nhiệt đới là rất quan trọng, vì chỉ có một mùa mưa. Mà nếu như mùa mưa mà không có mưa thì tình hình là rất nghiêm trọng. »

DR

So với thời điểm hội nghị Copenhagen cách đây bốn năm, nhận thức chung về tác động của các hoạt động con người đến Biến đổi khí hậu đã tiến một bước dài. Theo ông Seyni Nafo, người phát ngôn của nhóm Châu Phi trong các thương thuyết về Biến đổi khí hậu quốc tế, một điểm mới trong Hội nghị lần này là : « Lập trường của nhóm Châu Phi là : Cần phải có một sự tương thích giữa các cam kết tài trợ cho việc giảm khí thải và giảm thiệt hại do Biến đổi khí hậu nằm trong mục tiêu chung giảm nhiệt độ toàn cầu. Đây là điều mới xuất hiện. Bởi vì các đàm phán trong khuôn khổ nghị định thư Kyoto 1997 đã không đề ra mục tiêu tổng thể, giới hạn mức tăng của nhiệt độ Trái đất ». Bà Laurence Tubiana, phụ trách môn Phát triển bền vững Viện Khoa học chính trị Paris, nhấn mạnh viễn cảnh đen tối của các nước dễ bị tổn thương do Biến đổi khí hậu buộc cộng đồng quốc tế phải hành động thực sự nghiêm túc.

Huy động tài chính : Ưu tiên giảm khí thải hay ưu tiên cho thích nghi ?

Vấn đề huy động tài chính cho cuộc chiến chống Biến đổi khí hậu là trọng yếu. Về vấn đề này, ông Seyni Nafo, người phát ngôn của nhóm Châu Phi cho biết :

« Hiện tại có thể phân các cam kết thành ba cấp độ, ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Cấp độ thứ nhất ngắn hạn, đối với chúng tôi, là một trắc nghiệm quan trọng, Khoản đầu tư 100 triệu đô la/năm cần huy động được cho Quỹ thích nghi với Biến đổi khí hậu. Quỹ thích nghi với Biến đổi khí hậu là định chế duy nhất nối kết với Hiệp định khung về Biến đổi khí hậu, cho phép đầu tư trực tiếp cho các hoạt động thích nghi với Biến đổi khí hậu cụ thể, không cần phải có các vốn đối ứng khác.

Đã có một hoạt động lobby quyết liệt từ hơn 6 tháng nay. Ở các cấp có thẩm quyền cao nhất, tôi cho rằng thông điệp này đã được đón nhận. Chúng ta nói đến khoản tiền 100 tỷ đô la/năm phải huy động được vào thời điểm 2020. 100 triệu đô la là điểm khởi đầu.

Cấp độ thứ hai, cấp độ trung hạn liên quan đến Quỹ Xanh. Năm 2010 đã có quyết định thành lập quỹ. Quỹ này có một cơ chế duy nhất, liên quan đến một định chế duy nhất, cho phép huy động các đóng góp cho khí hậu. Quỹ đó hiện đã có trụ sở tại Hàn Quốc, có một nữ giám đốc điều hành, tôi muốn nhấn mạnh một nữ giám đốc người Phi Châu. Đây là một điều rất tốt. Tuy nhiên, hiện tại Quỹ chưa có tiền. Như vậy, cần phải có các thông điệp mạnh, để quỹ có được tiền vào năm tới. Lý tưởng nhất là trước hội nghị thượng định khí hậu lần thứ 20 tại Lima, Perou. Cần phải tận dụng được thời điểm hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại New York tháng 9/2014, theo sáng kiến của Tổng thư ký Ban Ki-moon (nhằm thảo luận về ''một nền kinh tế các-bon thấp'' - ndr).

Điểm cuối cùng, tức cấp độ dài hạn, liên quan đến 100 tỷ đô la/năm phải huy động từ 2020 trở đi. Hiện tại, chúng ta đang ở mức huy động 10 tỷ đô la/năm. Để từ 10 tỷ vươn đến 100 tỷ, cần phải có một lộ trình, chính xác nhất có thể, các chiến lược hành động, các giai đoạn trung gian. Đây là ba vấn đề căn bản được bàn luận ở đây ».

Gió, nước, nắng, cây : Các nguồn năng lượng tái tạo
Gió, nước, nắng, cây : Các nguồn năng lượng tái tạo Wikipedia

Ông Pierre Forestier, phụ trách các hoạt động liên quan đến Biến đổi khí hậu của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) :

« Hiện không có một khoản tiền nào được tất cả mọi người nhất trí. Theo ước định sơ bộ của cơ quan phát triển Pháp AFD chúng tôi, thì số tiền từ khu vực tư nhân có thể huy động được là vào khoảng từ 150 đến 200 tỷ đô la, cùng với phần đóng góp của khu vực công là khoảng 100 tỷ đô la.

Số tiền này đến từ các ngân hàng quốc tế, ví dụ Ngân hàng Phát triển Pháp, và đặc biệt là các ngân hàng phía nam, các ngân hàng phát triển công của các đại cường đang trỗi dậy. Và năm nay là năm thứ hai liên tục, một câu lạc bộ gọi là International financial club, gồm khoảng 20 nhà băng quốc gia nhiều nước khác nhau, công bố một số liệu về tác động của các ngân hàng lớn trên thế giới đến Biến đổi khí hậu. Năm nay, số liệu được công bố là 80 tỷ đô la có liên quan đến vấn đề Biến đổi khí hậu, trong đó 60 tỷ được chuyển đến các nước đang phát triển. Nếu chúng ta thêm vào đó con số của các ngân hàng đa phương, ngân hàng khu vực, chúng ta có con số khoảng 90 tỷ đô la.

Điều mà các ngân hàng quốc gia và quốc tế tìm kiếm là hệ quả tiếp nối của khoản tín dụng này đến các nhà đầu tư khác, và đấy là tác động làm chuyển hóa mạnh việc đầu tư đối với các chính sách công, cũng như đến các vấn đề lớn về khí hậu, năng lượng ».

Sau bão Haiyan
Sau bão Haiyan REUTERS/Erik De Castro

Một trong những điều mà các nước đang phát triển chỉ trích là phần lớn tài trợ trong lĩnh vực này được đầu tư cho việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng có ít tiền được dành cho việc thích nghi với Biến đổi khí hậu, giúp cho các nước thích nghi với các hệ quả của Biến đổi khí hậu. Về vấn đề này, ông Pierre Forestier nhận định :

« Về cơ bản, tôi không cho rằng nên đối lập hai thứ với nhau. Theo tôi, cần phải đầu tư mạnh, ngay và một cách có hệ thống để hỗ trợ việc giảm khí thải. Điều dễ hiểu, vì đây là các đầu tư quan trọng nên số lượng ngân phí cho việc này là lớn. Một vấn đề nữa là sự chuẩn bị của các nước. Trước khi nhận được các tài trợ, thu hút nguồn lực, phân bổ nguồn lực và đưa chúng vào sử dụng, cần phải có được các chính sách cho phép xác lập được các kế hoạch đầu tư. Cần phải có các đối thoại, các giải pháp đề xuất trên bình diện địa phương, về mặt xã hội, về mặt kinh tế, có khả năng thực thi. Mà trong lĩnh vực này, gần như ở tất cả các nước chúng ta mới chỉ ở điểm khởi đầu.

Đầu tư cho việc giảm khí phát thải chủ yếu hướng đến các nước đang trỗi dậy. Lý do đơn giản là, các quốc gia này phải có những nỗ lực lớn trong việc giảm khí thải. Mà, nền kinh tế càng lớn, thì cần phải đầu tư càng nhiều cho việc chuyển đổi năng lượng. Đầu tư để có tác động đối với việc giảm khí thải cần phải đúng chỗ cần thiết. Điều đó không có nghĩa là không có các đầu tư quan trọng cho các nước đang phát triển để thích ứng với Biến đổi khí hậu. 

Hiện tại có một điều mới là các ngân hàng quốc gia quốc gia và các ngân hàng phát triển quốc tế dành một nguồn lực cho khí hậu, đây là một hiện tượng mới. Có nghĩa là các ngân hàng này khi đầu tư đã tính đến các tác động của đầu tư đến Biến đổi khí hậu.

Có một nỗ lực để hợp nhất đầu tư phát triển kinh tế bền vững với các vấn đề xã hội, môi trường mang tính địa phương hay là mang tính toàn cầu, như Khí hậu. Đối với chúng tôi, điều rất quan trọng là đến hội nghị tới COP 20 ở Peru, các năng động này ở các ngân hàng quốc gia và quốc tế lớn sẽ ngày càng trở nên phổ biến và trở thành một động lực để thu hút các đầu tư khác, từ tư nhân hay từ thị trường. Vì về nguyên tắc các ngân hàng công là những ngân hàng mang tính định hướng, có thể làm động lực để thúc đẩy các đầu tư quốc tế ».

Nguyên tắc lõi của nền tài chính hiện tại :
Đầu tư vào năng lượng hóa thạch lãi hơn cho môi trường

Trong khi đó, chuyên gia về khí hậu Emilie Johann nhấn mạnh đến việc cần phải có một sự nhất quán trong chiến lược chung, việc hỗ trợ trên phương diện Biến đổi khí hậu là một đầu tư hỗ trợ cần được bổ sung vào hỗ trợ phát triển. Chứ không đơn giản là chuyển đổi đầu tư phát triển thành phát triển xanh, mà cần phải giữ nguyên các hỗ trợ cho phát triển đã có và bổ sung phần hỗ trợ để thích nghi với Biến đổi khí hậu.

Về vấn đề đầu tư cho cuộc chiến chống Biến đổi khí hậu, không chỉ dừng ở chỗ huy động các nguồn tài trợ, bà Laurence Tubiana, phụ trách môn Phát triển bền vững Viện Khoa học chính trị Paris, đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thay đổi tận gốc quan niệm về đầu tư phát triển của các ngân hàng quốc tế lớn.

« Về cơ bản, là cùng một lúc người ta có rất nhiều tiền, tuy nhiên vấn đề là hệ thống không vận hành, hay nói đúng ra là vận hành ngược. Trong hiện tại, điều nghịch thường là việc đầu tư vào khai thác các nguồn năng lượng hóa thạch dưới đáy đại dương lại ít mạo hiểm hơn so với đầu tư vào phát triển nhà ở tiết kiệm năng lượng. Thật là méo mó, nhưng thực tế đúng là như vậy !

Như vậy, điều quan trọng là, chúng ta phải đưa hệ thống tài chính hiện tại trở lại con đường đúng, có nghĩa là tập trung cho những nơi phát triển cân bằng, ít tiêu tốn năng lượng, làm sao để điều này trở thành nguyên tắc cốt lõi của hệ thống tài chính. Hiện nay, hoàn toàn không ổn. Các dấu hiệu đều cho thấy hệ thống đang quay về hướng khác. Các cơ sở đầu tư hướng đến các nguồn lực truyền thống, nhằm vào lãi suất ngắn hạn… Đây chính là điều cần phải thay đổi, chính điều này sẽ cho phép hóa giải được bế tắc hiện nay. Vì thực ra số tiền 100 tỷ đô la/năm cho vấn đề khí hậu là rất nhỏ.

Bản đồ các loại năng lượng tiêu thụ trong nửa thế kỷ qua. Ảnh : Đại học Columbia (Hoa Kỳ)
Bản đồ các loại năng lượng tiêu thụ trong nửa thế kỷ qua. Ảnh : Đại học Columbia (Hoa Kỳ)

Các ngân hàng như Ngân hàng thế giới cũng như các ngân hàng đa phương, ngân hàng hàng phát triển quốc gia, cần phải định hướng chiến lược đầu tư tương lai phù hợp với các mục tiêu giảm Biến đổi khí hậu. Đây không phải là một tiêu chuẩn duy nhất, nhưng là một tiêu chuẩn cần phải được tính đến. Điều này hiện tại chưa phải là nguyên tắc cốt lõi của Ngân hàng Thế giới, nhưng tôi cho rằng nó có thể trở thành hiện thực vào năm 2015, thậm chí trước đó ».

Nông nghiệp : Nạn nhân và thủ phạm của Biến đổi khí hậu

Hạn chế Biến đổi khí hậu liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhưng nông nghiệp là lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Nông nghiệp cũng lĩnh vực đầu tiên chịu các tác động của Biến đổi khí hậu, với nhiệt độ tăng lên, việc mưa ít đi, bởi việc thay đổi tính chất của vùng canh tác, khiến mầm bệnh truyền đi dễ dàng hơn… Ở nhiều nước đang phát triển một số lượng lớn cư dân làm nông nghiệp. Nông nghiệp liên quan đến vấn đề an toàn lương thực, nông nghiệp phải tăng sản lượng lên gấp nhiều lần để nuôi một số lượng dân cư đang tăng vọt và đồng thời lĩnh vực này đặc biệt rất dễ bị tác động của Biến đổi khí hậu.

Một vấn đề mới được đưa ra trong thời gian gần đây là phần trách nhiệm của Nông nghiệp đối với quá trình Trái đất bị hâm nóng, ông Ludovic Larbodière, phụ trách về Nông nghiệp và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết :

« Chúng ta đang ở giai đoạn dân số toàn cầu tăng trưởng nhanh. Ước tính đến 2050, nhân loại sẽ có 9 tỷ người. Nhu cầu lương thực toàn cầu tăng trưởng nhanh, thậm chí rất nhanh, vì mức sống ở nhiều nơi tăng lên. Do đó mà sản xuất nông nghiệp cũng buộc phải tăng lên.

Việc sử dụng phân bón trong nông nghiệp sinh ra nhiều khí thải. Một nguồn phát khí thải methane khác đến từ việc nuôi các loài gia súc (như bò). Nông nghiệp còn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc phá rừng hàng loạt.

Nếu tính gộp các loại khí thải khác nhau của hoạt động nông nghiệp, trong đó kể cả việc rừng bị phá nên không còn là một giếng hút CO2, nông nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm đến 27% lượng khí thải toàn cầu (nguyên nhân thứ hai khiến Trái đất bị hâm nóng, sau các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng hóa thạch - ndr). Đây là một khối lượng khổng lồ. »

Nông nghiệp : Các nguồn tạo khí thải gây hiệu ứng nhà kính
Nông nghiệp : Các nguồn tạo khí thải gây hiệu ứng nhà kính Ảnh : Greenpeace.canada

Laurence Taubiana cho biết kể từ năm 2009, nhiều nước bắt đầu quan tâm đến tác động của nông nghiệp đến Biến đổi khí hậu. Đã có nhiều hội thảo bàn về nông nghiệp với Biến đổi khí hậu để chuẩn bị cho việc đưa lĩnh vực này vào Hiệp định 2015. Trong khuôn khổ của Hội nghị Vacxava, vấn đề này chưa phải là chủ đề chính. Tuy nhiên, liên quan đến việc chuyển đổi mô hình nông nghiệp theo mục tiêu giảm khí thải, chuyên gia khí hậu của hiệp hội CIDSE nhấn mạnh, đối với nhiều nước đang phát triển, nông nghiệp chủ yếu là mang tính nhỏ lẻ, theo đơn vị gia đình. Việc phát triển thị trường mua bán giấy phép khí thải có thể là một mối đe dọa đối với kinh tế nông nghiệp gia đình. Có nhiều công việc cần phải làm liên quan đến vấn đề khoa học và kỹ thuật, nhưng đặc biệt là các chính sách cần phải nhất quán.

Một lo ngại lớn hiện nay ở các nước đang phát triển là, nếu bị quy trách nhiệm về khí thải, nông nghiệp nhiều nước sẽ đứng trước nguy cơ phải chấp nhận một mô hình duy nhất mang tính áp đặt. Mà hiện tại đã diễn ra một quá trình thâm canh năng suất cao trong nông nghiệp, như tại Châu Phi, với việc sử dụng nhiều phân bón, tăng sản xuất tại các vùng khô cằn nhờ thủy lợi. Vấn đề này đã bắt đầu được thảo luận trên phương diện khoa học.

Sức ì hệ thống và vết xe đổ của mô hình Trung Quốc

Nhiều vấn đề được đề cập và thương lượng tại hội nghị toàn cầu về khí hậu tại Vacxava. Rất ít trong số đó đi đến một đồng thuận. Các bất đồng còn nhiều giữa các nước phát triển và phần còn lại của thế giới. Các nước đang phát triển muốn Phương Tây đóng góp nhiều hơn vì trách nhiệm lịch sử trong quá trình Trái đất bị hâm nóng. Trung Quốc (đứng đầu về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chiếm 27% khí thải C02 toàn cầu, theo một thống kê mới đây) hay Ấn Độ (6%) muốn tiếp tục được coi là các nước đang phát triển để được giảm phần trách nhiệm. Trong khi đó, nhiều nước ngoài khối công nghiệp phát triển coi Hoa Kỳ (14% khí thải CO2 toàn cầu) phải lãnh trách nhiệm nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, các thảo luận kể trên cho thấy sự khác biệt trong quan điểm của các bên trong cuộc chiến hạn chế Biến đổi khí hậu đang có xu hướng thu hẹp. Nhiều vấn đề then chốt, như thay đổi mô hình đầu tư cho các lĩnh vực không tổn hại cho môi trường ngày được sự hưởng ứng. Có những vấn đề quan trọng mới được nêu lên như nông nghiệp, lĩnh vực dễ tổn thương và một tác nhân gây Biến đổi khí hậu…. Điều quan trọng được một diễn giả nhấn mạnh trong cuộc tọa đàm của RFI là cần phải vượt qua được « sức ì của hệ thống hiện hành » và các nước đang phát triển cũng như các nước trung bình cần tránh rơi vào vết xe đổ của mô hình không có tương lai ở nhiều đại cường đang trỗi dậy, như Trung Quốc (Laurence Taubiana).

Ở Bắc Kinh (Reuters)
Ở Bắc Kinh (Reuters)

Theo một số nhà bình luận, các nhà thương thuyết tại Vacxava đã chỉ làm được đúng một số điều, cho phép cộng đồng quốc tế tiếp tục tiến trình đi đến một hiệp ước toàn cầu về khí hậu năm 2015, mang tính chế định, với sự tham gia của tất cả các quốc gia trên hành tinh. Việc các tổ chức phi chính phủ bỏ về trước khi hội nghị kết thúc là một biểu trưng mạnh, nhằm gửi đến cộng đồng quốc tế và trước hết là giới lãnh đạo thông điệp :

Cần phải quyết tâm biến các cam kết và các ý định thành hành động cụ thể để kịp thời giảm thiểu các rủi ro và thiệt hại do Biến đổi khí hậu.

Các tin bài liên quan

Hội nghị khí hậu Vacxava đạt được thỏa thuận trong gang tấc

Pháp đón tiếp Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu vào năm 2015

Than đá, nguồn năng lượng của tương lai

Công bố bản đồ khí thải CO2 toàn cầu

Hội nghị khí hậu Vacxava có nguy cơ thất bại

Thiên tai : Các nước nghèo là nạn nhân chính

2013: Khí hậu diễn biến khắc nghiệt

Bão Haiyan phủ bóng hội nghị LHQ về khí hậu tại Ba Lan

Nhân loại còn rất ít cơ hội để giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C

Các thách thức về năng lượng khi nhân loại 9 tỷ dân

"Kỷ Nhân sinh'' : Khi con người tạo một thời đại địa chất mới

Biến đổi khí hậu: Các đảo quốc tí hon muốn lãnh đạo hành tinh

"Con người" với "Tự nhiên" qua cái nhìn của nhà nhân chủng học

Tác hại kinh tế của biến đổi khí hậu : Hơn 3% GDP thế giới có thể mất đi mỗi năm

Ngày "Tận thế" của người Maya và thế giới chúng ta

Rio+20 : Điểm khởi đầu cho cuộc tìm kiếm một mô hình phát triển mới

Kinh tế Việt Nam có nguy cơ bị biến đổi khí hậu tác hại nặng

Hội nghị Copenhagen bất đồng về hầu bao chống biến đổi khí hậu

Hội nghị Copenhagen kết thúc với một thỏa thuận tối thiểu

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.