Vào nội dung chính
G20 - TIỀN TỆ

Bộ trưởng Tài chính G20 họp để tìm đồng thuận trên hồ sơ tiền tệ

Hôm nay Bộ tưởng Tài chính nhóm G20 cùng với một số lãnh đạo các ngân hàng trung ương, đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới khai mạc cuộc họp tại Gyeongju, Hàn Quốc để chuẩn bị cho thượng đỉnh G20 Seoul sắp tới. Khai mạc cuộc họp, Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi các bên đạt đồng thuận về việc cải tổ thể thức vận hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Quảng cáo

Tuy nhiên trọng tâm của cuộc họp Gyeongju cũng như là của thượng đỉnh Seoul sắp tới vẫn là mối đe dọa các bên sử dụng đơn vị tiền tệ để áp dụng chính sách bảo hộ trá hình. Vì vậy, tại cuộc họp sáng nay, theo AFP các bên cùng nhau nghiên cứu khả năng cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, và Bộ trưởng Tài chính nhóm G20 cũng phải tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa các thành viên trên vấn đề tiền tệ và hối đoái.

Bản dự thảo tuyên bố kết thúc cuộc họp ngày mai (23/10) đề nghị là các nước phát triển và các nền kinh tế đang trỗi dậy trong khối G20 tránh phá giá đồng tiền để tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu. Trước mắt Hoa Kỳ nêu lên hai đề nghị.

Đề nghị thứ nhấn liên quan đến việc giới hạn mức thâm hụt cán cân vãng lai ở mức tối đa là 4% tổng sản phẩm nội địa. Đề nghị này được Washington đưa ra do cán cân vãng lai của Hoa Kỳ bị thâm thủng triền miên.

Đề nghị thứ nhì của Mỹ là Washington kêu gọi các nước nền kinh tế đang trỗi dậy cải tổ chính sách hối đoái để tiếp sức cho đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ chủ yếu nhắm vào Trung Quốc do Washington luôn tố cáo Bắc Kinh ghìm giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ khu vực xuất khẩu.

Trên thực tế, cả Mỹ lẫn châu Âu đều cho rằng các quốc gia đang trỗi dậy cần phải nâng giá đơn vị tiền tệ để phản ánh trung thực sức mạnh kinh tế của mình. Trong số các nước đang trỗi dậy, ngoài Trung Quốc, còn phải kể đến cả Hàn Quốc hay Brazil. Tuy nhiên theo nhận xét của Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản thì đề nghị được phía Hoa Kỳ nêu lên hôm nay thiếu tính thực tế. Ngoài Nhật Bản, cả Nga lẫn Đức cũng không tin rằng G20 sẽ đạt được đồng thuận trên hồ sơ tiền tệ.

Từ Gyeongjui, thông tín viên đài RFI, Frédéric Ojardias cho biết thêm về không khí cuộc họp trong hai ngày hôm nay và ngày mai giữa các Bộ trưởng Tài chính nhóm G20 :

« Cả nước Hàn Quốc dường như đang sống theo nhịp độ của G20. Ngay cả chương trình đua xe Formule 1ngày chủ nhật này, lần đầu tiên được tổ chức tại Hàn Quốc cũng trở thành một đề tài kém phần quan trọng. Có rất nhiều biển quảng cáo khổng lồ đã xuất hiện trên đường phố thủ đô đô Seoul, báo chí Hàn Quốc dành các trang nhất và nhiều bài xã luận để nói về sự kiện này. Ngoài ra một buổi hòa tấu đặc biệt cũng đã được dự trù để chào mừng hội nghị thượng đỉnh G20.

Phải nói là Hàn Quốc hết sức tự hào được chọn là nơi tổ chức thượng đỉnh G20. Seoul coi đây là điểm khởi đầu chính thức đưa Hàn Quốc vào câu lạc bộ rất khép kín của các siêu cường trên thế giới. Dư luận trong nước khao khát được công nhận Hàn Quốc là một quốc gia có trọng lượng trên bàn cờ quốc tế. Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Seoul là cơ hội để chứng minh với thế giới rằng trong nửa thế kỷ vừa qua, Hàn Quốc đã có những buớc tiến rất dài trên con đường dân chủ và kể cả trong lĩnh vực kinh tế.

Tại cố đô Gyeongju, không xa lăng tẩm của triều đình Silla, Bộ truởng Tài chính 20 siêu cường trên thế giới cùng ngồi vào bàn hội nghị. Tiếc là Bộ trưởng nhóm G20 không có thời gian tham quan các di tích trong vùng. Hội nghị hôm nay và ngày mai nhằm chuẩn bị cho thượng đỉnh ở Seoul vào đầu tháng tới. Tại đây, các bên sẽ phải tìm ra đồng thuận trên hồ sơ tiền tệ, vào lúc mà dư luận đang chú ý đến « cuộc chiến ngoại hối giữa các siêu cường kinh tế toàn cầu. Các vòng đàm phán chắc chắn sẽ đầy cam go ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.