Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

2011, thế giới củng cố một trật tự kinh tế mới

Đăng ngày:

2011 là năm cộng đồng quốc tế phải tiếp tục giải quyết thất nghiệp, tranh chấp thương mại và tiền tệ. Những các nước đang trỗi dậy xác định rõ vị trí trên bàn cờ kinh tế thế giới : kiểm soát 52% sản lượng công nghiệp toàn cầu, 80% dự trữ ngoại tệ của thế giới và 66% các dịch vụ tài chính của nhân loại. 

reuters
Quảng cáo

Khủng hoảng toàn cầu 2008 đã đảo lộn trật tự kinh tế thế giới. New Delhi, hay Bắc Kinh, Brazi ngày nay đang nắm chắc trong tay những chìa khóa của tương lai quan trọng không kém Washington hay Paris. Khủng hoảng nghiêm trọng nhất thế giới sau Thế chiến thứ Hai là cú hích tuyệt vời đưa các nước đang phát triển, mà tiêu biểu nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, trở thành những cường quốc kinh tế của thế giới.

Ngày nay, nhóm được gọi là các quốc gia phương Nam kiểm soát 52% sản lượng công nghiệp toàn cầu, 80% dự trữ ngoại tệ của thế giới và 66% các dịch vụ tài chính của nhân loại phải đi qua các sàn chứng khoán của các nước từng được coi là thuộc Thế giới thứ Ba.

Nhìn đến các dự báo cho một năm mới vừa hé mở : tỷ lệ tăng trưởng trung bình cho năm 2011 gần như không thay đổi so với năm ngoái. GDP toàn cầu dự trù tăng từ 3 đến 4%.

Nếu như các nước công nghiệp phát triển đạt được từ 2 đến 2,5% tăng trưởng, thì đó đã là một thành tích vượt bực. Thực tế phũ phàng hơn, đó là đà tăng trưởng của Châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản thì cứ chập chờn, nạn thất nghiệp thì nói một cách ví von : sau đợt « thủy triều dâng » trong hơn hai năm vừa qua,  « mực nước chỉ rút một cách hết sức chậm ». Tại một nước được coi là có thị trường lao động năng động nhất của Châu Âu là Tây Ban Nha, 20% dân số trong tuổi lao động không có việc làm. Nước Mỹ cũng chưa mấy khi phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp gần 10%.

Trong khi đó nhìn từ các nền kinh tế đang trỗi dậy, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF hay Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE đều dự báo trong năm 2011, khối này sẽ không khó khăn gì để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 5% đến 9% trong năm nay.

Một thay đổi khác nữa theo phân tích của chuyên gia kinh tế và cũng là một nhà nghiên cứu lịch sử, Nicolas Baverez thì trong lúc phương Tây - mà điển hình là nhiều thành viên khối euro lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, thì các quốc gia đang trỗi dậy lại dư thừa phương tiện tài chính. Trung Quốc hay Ấn Độ với hơn hai tỷ rưỡi dân số đang trở thành những nhà tiêu thụ hấp dẫn.

Tại Brazil, sức mua của tầng lớp trung lưu giúp ngành công nghiệp Brazil bạo dạn lao vào các lĩnh vực vốn được coi là độc quyền của phương Tây. Cũng chính sự mạnh dạn chi tiêu này của một tầng lớp trẻ, vừa khá giả, vừa có tay nghề chuyên môn cao ở những quốc gia này đã góp phần làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới. Ngoài ba động cơ kinh tế chính của khối các nước đang trỗi dậy là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, thì còn có cả một « thế hệ theo sau », như lời ông Baverez : thế hệ hai trong khối các nước đang cất cánh đó bao gồm Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ hay Mêhicô.

Về phần mình, nhà báo và cũng là một nhà sử học chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế ông Dominique Vidal, nhận xét : đã đến lúc phương Tây cần chia sẻ quyền lực kinh tế với các nước đang trỗi dậy :

« Trong thời gian 20 năm - thế giới chuyển từ mô hình lưỡng cực do Liên Xô và Hoa Kỳ đứng đầu, sang mô hình đơn cực mà ở đó mọi người đều nghĩ là tất cả phải được đặt dưới sự thống trị của nước Mỹ trong một thời gian rất dài. Thế nhưng, khủng hoảng 2008 đã làm đảo lộn trật tự thế giới ấy. Tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ ngày nay cao gấp đôi so với giai đoạn tiền khủng hoảng ; 10% các doanh nghiệp của Mỹ bị khai tử nội trong hai năm qua.

Trong hai thập niên 1990- 2010, kinh tế Mỹ tăng 50%, thế nhưng kinh tế toàn cầu tăng tới 55%. Đó là dấu hiệu cho thấy siêu cường kinh tế số 1 đang bị một số các nước khác đuổi kịp. Thêm vào đó phải kể đến thất bại quân sự ở Irak, đến sự sa lầy ở Afghanistan, đến bế tắc hoàn toàn trên hồ sơ Cận Đông. Tất cả những yếu tố vừa nêu tạo điều kiện để nhiều nước đang trỗi dậy có tiếng nói mạnh hơn trên các hồ sơ quốc tế, và như vậy nhóm này cũng có quyền đòi được chia các thành quả kinh tế một cách xứng đáng và công bằng hơn. Nói cách khác, phương Tây không còn độc quyền thống lĩnh các hoạt động kinh tế của nhân loại »

Trả lời đài RFI, giáo sư Bertrand Badie giảng dậy tại trường Chính trị kinh doanh Paris không phủ nhận những thành công vượt bực của Trung Quốc, nhưng ông không hoàn toàn tin tưởng là Trung Quốc đã trở thành một siêu cường của thế giới. Giáo sư Badie nêu lên một số lý do cho thấy còn quá sớm để kỳ vọng là Trung Quốc sẽ trở thành đầu tàu kéo kinh tế toàn cầu đi lên :

« Là một siêu cường có nghĩa là gì ? Ngoài khía cạnh quân sự, vì đây không còn là tiêu chuẩn duy nhất để xác định vị trí của một cường quốc, chúng ta phải phải kế đến sức mạnh kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật, văn hóa …

Về phương diện kinh tế, đành rằng cả thế giới đều trầm trồ trước đà tăng trưởng vượt bực của Trung Quốc, thế nhưng bản thân quốc gia này cũng đang phải giải quyết nhiều mâu thuẫn nội bộ và đặc biệt là về mặt xã hội. Trung Quốc như vậy vẫn là một ẩn số kể cả trong địa hạt kinh tế và tài chính.

Thêm vào đó, đà vươn lên và thành công sáng chói của Trung Quốc còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài, điển hình là vào sức mua của Mỹ, vào nguyên liệu của châu Phi, châu Mỹ La Tinh … Mô hình kinh tế thế giới ngày nay không đơn giản là một cuộc đọ sức, hay một trò chơi mà ở đó mỗi nước chỉ cần cạnh tranh với nhau. Chúng ta đang đứng trước một mô hình mà các quốc gia trên thế giới vừa đấu trí với nhau, nhưng lại vừa cần đến nhau. Chỉ cần nhìn vào trường hợp của Hoa Kỳ và Trung Quốc thì đủ rõ »

Nhà sử học Dominique Vidal nhấn mạnh : Trung Quốc ngày nay đang vươn lên trong một bối cảnh kinh tế khá phức tạp dù vậy Bắc Kinh cố gắng tỏ thái độ có trách nhiệm hơn đối với cộng đồng quốc tế, chẳng hạn như là quan tâm hơn đến vấn đề khí thải gây hiệu ứng lồng kính, môi trường …

Thay đổi đó một phần do trong thế giới toàn cầu hóa và ngày càng mở rộng như hiện nay, các quốc gia ngày càng lệ thuộc vào nhau hơn. Ông Vidal giải thích : 

"Khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra trước khủng hoảng tín dụng địa ốc và tài chính toàn cầu 2008 đến một chục năm. Chỉ riêng trong hai năm vừa qua, bất chấp bối cảnh kinh tế toàn cầu khá rối ren, nhiều nước đang trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil vẫn đạt được những thành tích tăng trưởng gần 10%. Đây là tỷ lệ mà các nước phương Tây không dám mơ tới.

Trung Quốc hiện đang kiểm soát đến 9% tổng kim ngạnh xuất khẩu toàn cầu, 7% nhập khẩu của cả thể giới và có trong tay hơn 2500 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ, phần lớn là công trái của Mỹ và Nhật. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc có phương tiện để làm khuynh đảo "Chú Sam". Dù vậy, trên thực tế Mỹ chỉ đặt có 1% tài sản của mình vào tay Trung Quốc.

Thứ hai, Trung Quốc là một ông khổng lồ kinh tế đang vươn dậy, nhưng ông khổng lồ châu Á này lại lệ thuộc nhiều vào nguyên liệu và năng lượng của thế giới. Chẳng hạn như là Trung Quốc cũng cần có thêm đất đai để nuôi sống 1 tỷ ba miệng ăn. Chính sách ngoại giao của Bắc Kinh từ nhiều năm nay không ngừng theo đuổi những mục tiêu kinh tế đó.

Điểm thứ ba : Trung Quốc còn đang đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng khác như là cải thiện môi truờng, tạo hệ thống an sinh xã hội … nhằm nâng cao cuộc sống cho người dân. Đấy mới thực sự là những tham vọng của một đất nước Trung Quốc lớn mạnh ».

Viễn ảnh kinh tế tại châu Âu và Hoa Kỳ trong năm nay không được tươi sáng như ở các xứ nóng mà chúng ta vừa nêu. Tại châu Âu, ngoại trừ nước Đức, các chuyên gia đều lo ngại tình trạng thất nghiệp tràn lan còn kéo dài cho đến năm 2015.

Khối euro còn tiếp tục lao đạo vì các chương trình thắt lưng buộc bụng nhằm giảm bội chi ngân sách. Mọi người đều nhìn nhận lành mạnh hóa hệ thống tài chính, giải quyết bớt nợ là điều cần thiết. Nhưng cắt giảm chi tiêu trong lúc đà phục hồi kinh tế còn "chập chờn" thì không khác gì châu Âu tự cấm mình sử dụng một chiếc chìa khóa cho phép nhanh chóng quay lại với con đường tăng trưởng.

Toàn bộ các nước châu Âu từ Anh đến Pháp, từ Ai Len đến Hy Lạp và kể các các nước đông Âu vừa gia nhập Liên Hiệp đều đưa ra những chương trình cắt giảm nhân sự trong các lĩnh vực công cộng. Trong khi đó, tính từ cuối 2007 đến nay, do tác động của khủng hoảng, trên thế giới đã có thêm 30 triệu người bị mất việc làm. Ba phần tư số này sinh sống tại các nước công nghiệp phát triển.

Trong khi đó tại một vài nước đang lên như Trung Quốc hay Hàn Quốc và tại nhiều nước trong vùng Đông Nam Á, các điều kiện lao động đã bị xuống cấp đáng kể. Tại các quốc gia này, số người lao động bị nghèo đi ngày càng gia tăng. Cụ thể là người lao động vẫn đi làm, nhưng lương không đủ để nuôi thân. Theo Tổ chức Lao động thế giới, 13% thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 24 không có việc làm.

Đối với nước Pháp, thì 2011 là năm đầy thử thách : năm nay Paris giữ chức chủ tịch luân phiên nhóm G20 cho đến tháng 11. Trong nhiệm kỳ này, điện Elysée đề ra hai mục tiêu chính : thứ nhất là thúc đẩy hồ sơ cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế - giới hạn các rủi ro tài chính, đánh thuế vào một số dịch vụ ngân hàng và các khoản tiền thưởng dành cho các nhà môi giới, những người thường nhầm lẫn các sàn chứng khoán với các sòng bạc.

Tham vọng thứ nhì của Paris là đưa thêm các hồ sơ khác thượng đỉnh G20 như vấn đề phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu. Chưa đầy ba tháng sau khi dời khỏi Seoul, nơi ông Sarkozy nhận lấy trọng trách chủ tịch luân phiên G20 từ tay tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak, thì tổng thống Pháp đã thay đổi chương trình : Nicolas Sarkozy tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến các vẫn đề xã hội, mà đứng đầu là mục tiêu đẩy lùi thất nghiệp, một đề tài mà giới phân tích cho rằng sẽ được dư luận chú ý đến nhiều hơn, vì 2011 cũng là năm mà tổng thống Pháp chuẩn bị dư luận mở đường cho ông ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.