Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Diễn đàn Davos 2011 và các nước đang trỗi dậy

Đăng ngày:

Lần đầu tiên trong lịch sử của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos, các nước công nghiệp phát triển không còn độc quyền kiểm soát vận mệnh kinh tế toàn cầu. Khủng hoảng 2008 -2009 cho thấy trọng tâm kinh tế toàn cầu đang chuyển dần đến các nước đang phát triển như Trung Quốc hay Ấn Độ. Trong lúc khối này đang vươn lên, thì các nước công nghiệp phát triển lại phải lo giải quyết những vấn đề cấp bách như là thất nghiệp, ngân sách bội chi và thâm hụt cán cân thương mại.

Khu trượt tuyết Davos, Thụy Sĩ tạm trở thành kinh đô kinh tế thế giới từ ngày 26 đến 30/01/11
Khu trượt tuyết Davos, Thụy Sĩ tạm trở thành kinh đô kinh tế thế giới từ ngày 26 đến 30/01/11 Reuters
Quảng cáo

Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos (Thụy Sĩ) lần thứ 41 mở ra từ ngày 26 đến 30/01/2011. Chủ đề của năm nay là « Các Tiêu chuẩn chung cho một thực tế mới ». 2500 đại biểu, trong đó có khoảng 35 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ, các bộ trưởng tài chính ( đáng chú ý nhất là sự hiện diện của bộ truởng Tài chính Mỹ, Geithner) ; hàng loạt các lãnh đạo của các tập đoàn, doanh nghiệp, những thành phần đại diện cho xã hội dân sự, cho các nhà trí thức đến từ 90 quốc gia đang tập hợp về Davos.

Chương trình nghị sự đã phải thay đổi vào giờ chót, sau khi tổng thống Nga vì tình hình chính trị nội bộ, cáo lỗi không thể có mặt tại Davos để đọc bài diễn văn khai mạc như dự kiến. Nhưng nhìn tổng thể, thì các phái đoàn tham dự dường như được chia ra làm hai nhóm : một bên là các nước công nghiệp phát triển vẫn chưa tìm ra lối thoát sau khủng hoảng toàn cầu 2008 và bên kia là các nước đang trỗi dậy ngày càng chiếm vị trí quan trong hơn trên bàn cờ kinh tế thế giới.

Thực tế mới

Theo lời sáng lập viên diễn đàn Davos, Klaus Schwab thì « Chưa khi nào cùng một lúc lại có nhiều thách thức phức tạp đang đặt ra cho thế giới như ngày hôm nay. Chúng ta đang đứng trước một ''thực tế mới''. Câu hỏi đặt ra : thực tế mới đó là gì ? ». Thực tế mới đó tựu chung là một sự « chuyển giao quyền lực từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam với một tốc độ đổi mới công nghệ cực kỳ nhanh .

Nhìn từ góc độ của một chuyên gia về chiến lược và quản trị tại đại học Lausanne, thì « những thay đổi mà 'thực tế mới' đó đang đem lại còn quan trọng hơn cả so với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua ».

Chính vì vậy mà trong cuộc trả lời báo chí hồi tuần trước, chủ tịch Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, Klaus Schwab nêu bật một số trọng tâm của Diễn đàn Davos lần thứ 41:

 « Để nêu lên một vài thách thức đang đặt ra cho cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, phải kể đến những thay đổi thất thường trên thị trường tài chính, lương thực, vật liệu… Câu hỏi đặt ra kinh tế toàn cầu đang chuyển biến ra sao ? Mọi người cần tìm kiếm thông tin và chúng ta đang đứng trước những thực tế mới : đâu là những thay đổi so với thời kỳ tiền khủng hoảng ? Một trong những mục tiêu khác của Diễn đàn năm nay tập trung vào việc nhận diện xem đâu là những rủi ro đe dọa kinh tế toàn cầu, và chúng ta phải đối phó với những rủi ro ra sao »

Bên cạnh vấn đề bất ổn định về giá cả trên thị trường nông phẩm, nguyên liệu, sáng lập viên Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới còn quan tâm đến những yếu tố như là nguồn cung cấp nước ngọt và năng lượng, nạn tham nhũng tràn lan tại một số quốc gia, đe dọa giảm phát … đó là những yếu tố gây trở ngại cho đà phục hồi kinh tế, và cho sự tăng trưởng bền vững.

Các cuộc nổi dậy gần đây ở Algerie, Ai Cập hay Tunisia càng cho thấy là môt nền kinh tế bị "sa lầy", cộng thêm với hiện tượng vật giá leo thang, và tham nhũng có thể trở thành những "quả bom xăng vô cùng lợi hại". Chính vì vậy mà Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới đã đặc biệt quan tâm đến những đê tài này.

Đe dọa khủng hoảng xã hội

Dù muốn dù không thì có một thực tế không thể chối cãi đó là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới 2008-2009 vẫn chưa hoàn toàn lùi về quá khứ, và cộng đồng quốc tế phải đề phòng hiểm họa xảy ra một cuộc khủng hoảng về mặt xã hội. Nhưng bên cạnh đó, ban tổ chức diễn đàn Davos cũng hy vọng là các nhà lãnh đạo, giới hoạch định chính sách kinh tế của thế giới không chỉ "như những chú lính cứu hỏa, quá lo tập trung vào việc dập tắt ngọn lửa trước mắt mà quên đi chiến lược phát triển dài lâu".

Trên nguyên tắc trong tuần lễ sắp tới tại Davos, các bên sẽ ráo riết thảo luận về những khả năng hợp tác trong bối cảnh một thực tế mới đang mở ra trước mắt chúng ta. Cụ thể là xem xét cục diện kinh tế toàn cầu trong năm 2011, một thế giới mà các nước chậm phát triển càng chiếm một trọng lượng kinh tế ngày càng lớn.

Bà Chandar Kochlar, chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn ngân hàng Ấn Độ ICICI, đồng chủ tịch diễn đàn Davos, so sánh những lợi thế của nước đông dân thứ nhì trên hành tinh này với sự co cụm lại của các nền kinh tế phát triển :

« Các nước công nghiệp phát triển đang trong giai đoạn khó khăn. Trong khi đó trọng lượng kinh tế của các quốc gia đang trỗi dậy ngày càng lớn, với những tỷ lệ tăng trưởng khá ngoạn mục. Do vậy, một trong những mục tiêu hàng đầu của diễn đàn Davos năm nay là phác họa ra một số những luật chơi chung, phù hợp với toàn cảnh kinh tế mới của thế giới ngày hôm nay.

Ấn Độ có hai lợi thế không thể chối cãi : thứ nhất đây là một nền dân chủ với một thành phần dân số trẻ và năng động. Điều đó giúp cho Ấn Độ vừa có một lực lượng nhân công hùng hậu và thành phần dân số này cũng là nguồn tiêu thụ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Lợi thế thứ hai của Ấn Độ là để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của cả một thế hệ trẻ đó, Ấn Độ phải nỗ lực đầu tư vào khu vực sản xuất, vào hạ tầng cơ sở, giáo dục, y tế… và các doanh nhân Ấn Độ hoàn toàn ý thức được điều này.

Tuy nhiên thách thức đặt ra với Ấn Độ là phải làm thế nào để nâng cao thêm sức mua nội địa, cải thiện đời sống cho thành phần dân số đặc biệt là nông thôn để tạo ra tiềm năng tiêu thụ lớn hơn nữa so với hiện nay »

Về phần quốc gia đang lên khác là Trung Quốc, theo giới phân tích, Bộ trưởng Thương mại Trần Đức Minh sẽ đến Davos trong tư thế của « kẻ mạnh ». Trước cử tọa của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ông sẽ tổng kết quá trình 10 năm sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Một dấu hiệu khác cho thấy thế thượng phong của Trung Quốc là chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn hàng hải Trung Quốc COSCO, ông Ngụy Gia Phúc đã được mời làm đồng chủ tịch diễn đàn Davos lần thứ 41.

Ông Ngụy Gia Phúc trình bày rõ ràng những mục tiêu mà Trung Quốc chờ đợi và ông đã khéo léo đề cập đến vấn đề tỷ giá tiền tệ để làm hài lòng phương Tây :

« Trung Quốc đến Davos lần này với những câu hỏi như là toàn cảnh kinh tế thế giới đã có những thay đổi nào sau khủng hoảng tài chính 2008. Thứ nữa là những thay đổi trong mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc có thể thích nghi được hay không trong giai đoạn hậu khủng hoảng này ? đồng thời thành quả kinh tế của Trung Quốc có những đóng góp nào trong việc đem lại tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu ? và cuối cùng đà phục hồi còn bấp bênh của con tàu kinh tế thế giới như hiện nay đang đặt ra những thách thức nào ?

Theo tôi các chính sách bảo hộ hay thao túng đồng tiền để tạo luật chơi bất bình đẳng trên thị trường đều là những yếu tố gây thêm rủi ro cho kinh tế toàn cầu. Với tư cách đồng chủ tịch Diễn đàn Davos năm nay, tôi thành thật mong muốn các nền kinh tế có trọng lượng nhất trên hành tinh, đẩy mạnh hợp tác và đối thoại để củng cố thêm đà phục hồi kinh tế nói chung ».

Trung thành với chủ trương đẩy mạnh tiến trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới, chủ tịch tập đoàn công nghiệp Mitsubishi của Nhật ông Yorihiko Kojima cũng cho các biện pháp bảo hộ sẽ là một mối đe dọa đối với đà phục hồi kinh tế của thế giới. Tuy nhiên Yorihiko Kojima không quên nhấn mạnh đến những lá chủ bài của Nhật Bản cũng như nhìn từ phía chủ tịch tập đoàn Mitsubishi, thì Nhật Bản luôn là cánh cổng đưa châu Á ra thế giới bên ngoài :

« Quan tâm hàng đầu của tôi là những vấn đề liên quan đến năng lượng môi trường, và tài nguyên thiên nhiên. Hơn bao giờ hết, đấy là những hồ sơ cần được giải quyết vì nhịp độ tăng trưởng và sản xuất của thế giới ngày càng nhanh. Lợi thế của Nhật Bản là quốc gia này đã nhanh chóng hướng tới các nền công nghệ xanh. Trong cương vị đồng chủ tịch Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới tôi mong mỏi các bên tham dự sẽ thảo luận rộng rãi về trách nhiệm đối với môi trường của các công dân, các cộng đồng trên hành tinh »

« Theo tôi đe dọa tiềm tàng đáng quan ngại nhất đối với kinh tế toàn cầu trong năm 2011 là khả năng các chính sách bảo hộ tiếp tục bành trướng. Để tránh được hiểm họa này, hơn bao giờ hết chúng ta cần đẩy mạnh vai trò của các tổ chức đa quốc tế - mà đứng đầu là Tổ chức Thương Mại Thế Giới -, chúng ta cũng cần hướng đến các hiệp định tự do mậu dịch … Đây sẽ là những rào cản để chống đỡ với các ý đồ bảo hộ mậu dịch. Trong địa hạt này Nhật Bản đóng một vai trò quan trọng để thúc đẩy cỗ xe kinh tế toàn cầu đi lên.

Khu vực châu Á với tiềm năng phát triển rất lớn, trong những năm sắp tới sẽ đóng một vai trò quan trọng trên bàn cờ kinh tế thế giới. Khu vực này vừa là một thách thức đối với phần còn lại của thế giới, vừa đang đem lại những niềm hy vọng lớn cho cộng đồng quốc tế ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.