Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

OCDE : Khối euro đem giông tố đến cho kinh tế toàn cầu

Đăng ngày:

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE dự báo khu vực đồng euro rơi vào suy thoái kinh tế do tác động « tàn khốc » của khủng hoảng nợ công lây lan. OCDE kêu gọi chính quyền tại 17 nước thành viên « khẩn cấp đề ra những biện pháp để đối phó với những rủi ro thực sự đang đe dọa kinh tế toàn cầu ». 

REUTERS/Tony Gentile
Quảng cáo

Báo cáo về viễn cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong quý 3 vừa được tổ chức OCDE công bố hôm 28/11/2011, cho thấy tình hình chung sẽ còn tiếp tục xấu đi trong ba tháng cuối 2011. Đà tăng trưởng chậm lại trong toàn khối OCDE, khủng hoảng nợ công mà nhiều quốc gia đang phải giải quyết khiến mục tiêu của châu Âu muốn thu hẹp bội chi ngân sách xuống còn 4,5 % GDP vào sang năm ngày càng xa vời.

Tăng trưởng yếu kém, thất nghiệp tràn lan

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đặc biệt quan ngại về tình trạng của khối euro và giảm dự báo tăng trưởng trong năm xuống còn 1,6 % thay vì 2 % như đã loan báo hồi mùa hè vừa qua. Đáng lo ngại hơn nữa là chỉ số tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ rơi xuống còn 0,2 % trong tài khóa 2012, tức chỉ bằng 1/8 so với con số đã quá thấp của năm 2011.

Đây là hậu quả của khủng hoảng nợ công kéo dài, của sự mất tin tưởng nơi các hộ gia đình và khu vực sản xuất, đang đe dọa trực tiếp tới tiềm năng tiêu thụ và đầu tư vốn được xem là những động lực kinh tế vững chắc nhất.

Ngay cả đối với hai đầu tàu kinh tế của khu vực là Đức và Pháp, OCDE cũng không mấy lạc quan : trong kịch bản tối ưu, tăng trưởng của Đức sẽ chỉ là 0,6 % vào năm tới, và đối với Pháp thì chỉ số ấy chỉ là 0,3 %, tức cao hơn trung bình của OCDE 0,1 điểm.

Tiêu thụ nội địa của Pháp bảo đảm đến 57 % GDP cho quốc gia này. Chính quyền của tổng thống Sarkozy đang ở vào thời kỳ vận động tranh cử, có thể làm được những gì để duy trì động cơ tăng trưởng đó, khi các tập đoàn lớn của Pháp liên tục công bố các kế hoạch « cắt giảm nhân công » ?

Về phần mình, Đức bị chao đảo vì đây là một nền kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo. Cứ trên 100 euro xuất khẩu thì nước Đức bán ra cho 16 thành viên còn lại của khối euro đến 55 đồng, và nếu tính luôn toàn khối Liên Hiệp Châu Âu bao gồm 27 nước, thì tỷ lệ này tăng lên thành 71%. Điều đó chứng tỏ rằng, cỗ xe kinh tế Đức, dù vững chắc, cũng không thể mãi "ngon trớn" được như hiện nay.

Họp báo ngày 28/11/2011 kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển OCDE ông Pier Carlo Padoan trình bày : « Chúng ta đang trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn. Có thể nói đây là một thời điểm gay cấn. Toàn cảnh kinh tế trong khu vực đồng euro đang tiếp tục bị xấu đi và khủng hoảng đang lan rộng. Không chỉ riêng tại châu Âu, ở Hoa Kỳ tình hình cũng không mấy sáng sủa hơn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, OCDE kêu gọi các bên can thiệp, tránh để xảy ra kịch bản xấu nhấu. Đồng thời chúng tôi cũng tin tưởng rằng, hành động kịp thời, chúng ta có thể đảo ngược được tình thế.

Bức họa kinh tế hiện này là gì ? OCDE đã phải giảm dự phóng tăng trưởng so với báo cáo đã được công bố trước đây. Tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu bị chựng lại. Tình hình tại khu vực đồng euro càng đáng lo ngại cho dù chúng tôi căn cứ trên kịch bản là không xảy ra những đột biến chẳng hạn như khủng hoảng của hệ thống ngân hàng.

Chỉ số tin tưởng của tư nhân đang sụt giảm, đối với người tiêu dùng cũng như đối với các doanh nghiệp. Một trong những yếu tổ giải thích cho sự sụt giảm nói trên bắt nguồn từ chỗ tư nhân không tin rằng môi trường kinh tế sẽ được cải thiện. Điều dễ hiểu khi mà các nhà lãnh đạo chậm trễ đề ra những biện pháp thỏa đáng để dập tắt khủng hoảng tại châu Âu cũng như ở Hoa Kỳ.

Sự chậm chễ từ phía các nhà lãnh đạo khiến thị trường tài chính thêm căng thẳng : các quốc gia đang gặp khó khăn phải đi vay tín dụng với lãi suất cao hơn, điều này càng đẩy chi phí ngân hàng lên cao, đè nặng thêm lên ngân sách nhà nước. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi chúng ta thấy cách biệt về lãi suất « spread » lớn dần giữa các nước thành viên khối euro »

Bên cạnh chỉ số tăng trưởng OCDE lo ngại nạn thất nghiệp sẽ tiếp tục hoành hành và lan rộng đến nhiều tầng lớp trong xã hội. Chỉ riêng tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, trong năm nay có đến 45 triệu người thất nghiệp. Tình trạng càng đáng quan ngại tại ba quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng ở số âm : Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha. Khuynh hướng này khó có thể đảo ngược.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự phóng là đối với một thành viên của khu vực euro đang gặp khó khăn như Tây Ban Nha, vào sang năm chính quyền mới của thủ tướng Mariano Rajoy sẽ phải đối mặt với 23 % số người trong tuổi lao động không có việc làm. Đây là con số cao gấp gần ba lần so với trung bình của OCDE.

Kịch bản đen tối khi khối euro tan rã

Vẫn trong báo cáo vừa công bố cuối tháng 11/2011 tổ chức OCDE đã nêu lên hai kịch bản : trong trường hợp khả quan nhất, kinh tế toàn cầu bị "chựng hẳn lại". Nhưng bên cạnh đó là một kịch bản đen tối hơn nhiều khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế nói đến "viễn cảnh đình đốn kéo dài" bao phủ lên các nền kinh tế công nghiệp phát triển nhất như Mỹ, nhật Bản và nhất là khối 17 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu cũng như là đe dọa khối euro bị tan vỡ. OCDE kết luận : "Trong hoàn cảnh đầy bất trắc hiện nay, các nhà lãnh đạo châu Âu đã phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất" tránh để "một số nhà nước bị phá sản, hoặc phải rút lui khỏi khu vực euro. Đồng tiền chung châu Âu kể như tan vỡ ".

Khu vực đồng euro có thể đẩy toàn khối bào gồm 34 thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế vào vòng suy thoái vào thời điểm mà hoạt động kinh tế tại cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản đều đang bị đình trệ. Nhật hiện là chủ nợ chính của khối euro, nắm giữ đến 20 % tổng số 440 tỷ euro vốn của Quỹ Bình ổn Tài chính Châu Âu FESF. Theo đánh giá của OCDE nếu khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu chậm trễ trong việc tìm ra ngõ thoát thì toàn cảnh chung càng thêm đen tối : GDP của 17 nước thành viên khối euro có nguy cơ sụt giảm mất 2 %.

Thông điệp này như đã được các doanh nghiệp lắng nghe đến 100 %, trong khi các ngân hàng thì đã sớm chuẩn bị cho giả thuyết đồng euro không tồn tại : ngày 25/11/2011 ngân hàng Mỹ, Merrill Lynch, trong báo cáo mang nhan đề "Khu vực euro: nghĩ đến điều không ai dám nghĩ" đã ước tính đến tác động tài chính, kinh tế trong trường hợp ông khổng lồ nặng ký nhất trong khối là nước Đức phá rào.

Đây là phương pháp cho phép ngân hàng này củng cố kế hoạch rút lui khỏi một số sản phẩm tài chính bị coi là có nhiều rủi ro cao một khi đồng euro không còn tồn tại. Trên thực tế, chuyên gia tài chính và ngân hàng người Pháp, ông Jacques Attali cho biết là nhiều khu vực kinh tế khác cũng đã tính đến khả năng này bằng cách dồn tiền mặt cho những khoản đầu tư được coi là an toàn- như bất động sản chẳng hạn- hoặc rút về bớt vốn đang lưu hành tại các mắt xích yếu kém nhất trong dây chuyền euro.

Một tín hiệu khác nữa cho thấy khủng hoảng châu Âu chưa được bão hòa đó là lãi suất tín dụng cấp cho các nước trong khu vực đồng euro liên tục gia tăng, đồng thời cách biệt giữa bất kỳ một thành viên nào trong khối so với nước Đức của thủ tướng Merkel cũng ngày càng lớn. gần đây nhất, tuần trước bản thân Đức khi huy động thêm vốn dài hạn 10 năm cũng phải chật vật lắm mới thuyết phục được các nhà tài trợ để đối lấy 9 tỷ euro tín dụng. Đây cũng là lần đầu tiên Berlin gặp phải hiện tượng này.

Cuối cùng thì cơ quan thẩm định tài chính Moody's cảnh báo : không một thành viên nào trong khối euro có thể yên tâm tự coi là đứng ngoài vòng đe dọa bị hạ điểm tín nhiệm. Chiều tối ngày hôm qua 05/12/11, cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor's của Mỹ đe dọa đồng loạt hạ điểm tín nhiệm nợ công của 15 nước trong khu vực sử dụng đồng euro, kể cả Đức và Pháp.

Củng cố hệ thống ngân hàng, giải pháp ngăn ngừa khủng hoảng lây lan ?

Để có thể tránh được kịch bản tai họa ấy, OCDE kêu gọi châu Âu nhanh chóng tìm ra một giải pháp chính trị với hy vọng bảo vệ được sự toàn vẹn của đồng euro một cách lâu dài. Đồng thời giải pháp chính trị phải đi kèm với các biện pháp khác để ngăn chặn đà lây lan của khủng hoảng đang kéo từ Hy Lạp qua Ý, Bồ Đào Nha và đang đe dọa Tây Ban Nha. Vẫn theo OCDE, Ngân hàng Trung ương châu Âu BCE là cơ quan có đầy đủ thẩm quyền và khả năng để làm hạ nhiệt lãi suất tín dụng cấp cho những thành viên yếu kém nhất trong khối euro. Theo kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE ông Pier Carlo Padoan : « Ngân hàng BCE có thể đơn phương can thiệp hoặc phối hợp cùng với Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu, FESF, để làm được điều này và đây sẽ là bước đầu tiên quan trọng nhất".

Song song với hai vế chính trị và tiền tệ, thì OCDE còn kêu gọi khối euro cải tổ lại hệ thống ngân hàng, và huy động thêm vốn để các ngân hàng tiếp tục mở van tín dụng cho tư nhân và doanh nghiệp. Cuối cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế kêu gọi các ngân hàng, từ cấp trung ương đến các ngân hàng thương mại giữ lãi suất ở mức thấp để khuyến khích tiêu thụ và đầu tư.

Vấn đề đặt ra là cho dù là "tiền rẻ", ngân hàng có vốn để cấp cho tư nhân và doanh nghiệp với các điều kiện thuận lợi, nhưng nếu môi trường kinh tế không được cải thiện, và tư nhân tiếp tục mất niềm tin, thì các biện pháp hạ lãi suất để kích cầu cũng sẽ bị vô hiệu hóa. Nguy cơ đặt ra là khối euro sẽ lâm vào giai đoạn đình đốn và giảm phát kéo dài như những gì đã xảy ra tại Nhật Bản trong hơn 10 năm liền.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.