Vào nội dung chính
KINH TẾ - HÀNG KHÔNG

2012 : Năm báo hiệu khó khăn đối với ngành hàng không

Khủng hoảng kinh tế và giá dầu lửa tăng cao, đó là hai yếu tố đè nặng lên doanh thu của ngành hàng không quốc tế trong năm nay. Do vậy, vừa qua, Hiệp hội Hàng không Quốc tế - IATA – mà hoạt động của các thành viên chiếm tới 94% giao thông hàng không thế giới, đã phải điều chỉnh dự báo kinh doanh và mức lãi trong năm 2012. 

Trên chuyến bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, 02/03/2012, của VietJetAir, hãng hàng không tư nhân tại Việt Nam
Trên chuyến bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, 02/03/2012, của VietJetAir, hãng hàng không tư nhân tại Việt Nam REUTERS
Quảng cáo

Hiện nay, tiền mua xăng máy bay - kérosène - chiếm tới một phần ba chi phí kinh doanh của các hãng hàng không. Giá nhiên liệu sẽ tiếp tục tăng. Theo IATA, giá trung bình một thùng dầu thô sẽ lên tới 115 đô la, trong năm 2012, thay vì 99 đô la như dự báo trước đây. Và nếu xẩy ra xung đột với Iran, thì mức giá này có thể lên tới 150 đô la.

Nhiên liệu đắt đỏ ảnh hưởng nặng nề tới kết quả kinh doanh. Các hãng hàng không trên thế giới sẽ phải chi ra thêm 32 tỷ đô la để bù vào giá kérosène. Tổng mức lãi của các hãng hàng không sẽ bị giảm từ 3,5 tỷ đô la xuống còn 3 tỷ đô la. Tổng giám đốc IATA, ông Tony Tyler, cho biết là với mức lãi khoảng 0,5% như vậy, ngành vận tải hàng không đang ở gần mức báo động đỏ.

Châu Âu là khu vực bị tác động mạnh nhất. Ngoài việc giá nhiên liệu tăng, cuộc khủng hoảng nợ công của nhiều quốc gia châu Âu có thể sẽ làm cho các hãng hàng không ở châu lục này bị thua lỗ khoảng 600 triệu đô la trong năm nay.
Mặt khác, các công ty hàng không châu Âu còn phải đương đầu tình trạng cạnh tranh ngày càng mạnh. Ba tập đoàn hàng không lớn là Air France-KLM, British Airway và Lufthansa đang bị các công ty hàng không giá rẻ, như EasyJet và Ryanair cạnh tranh quyết liệt.

Trong bối cảnh đó, các công ty hàng không nhỏ lại càng gặp nhiều khó khăn. Sau Spanair của Tây Ban Nha, Malev của Hungary, sẽ có thêm các vụ phá sản khác, đặc biệt là CSA của Cộng hòa Séc hay TAP của Bồ Đào Nha.
Ngược lại, tình hình không đến nỗi tồi tệ ở Hoa Kỳ. Hậu quả của khủng hoảng kinh tế không lớn như tại châu Âu. Các công ty hàng không Mỹ có thể thu được lãi, khoảng 900 triệu đô la.

Lạc quan nhất là các công ty hàng không trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với mức lãi được dự báo lên tới gần 2,5 tỷ đô la.

Chính thời buổi khó khăn kinh tế đã làm nẩy sinh nhiều công ty hàng không giá rẻ. – low cost và các doanh nghiệp này lại tỏ ra rất năng động, mở rộng thị trường.

Theo thẩm định của Hiệp hội Hàng không Quốc tế, số lượng các chuyến bay trên thế giới sẽ tăng mạnh. Vào năm 2014, tổng doanh thu của các hãng hàng không sẽ lên đến 3,3 tỷ đô la, trong đó một nửa là của châu Á. Khu vực này đã tận dụng được mức tăng trưởng kinh tế cao liên tục ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tại Trung Quốc.

Viễn cảnh vùng Trung Cận Đông cũng sáng sủa, với mức lãi được dự báo lên tới 500 triệu đô la.

Để giành lại thị phần, các hãng hàng không lớn tìm cách giảm chi phí vận hành theo mô hình các công ty hàng không giá rẻ. Tại châu Âu, tập đoàn Air France – KLM đã mở thêm các chuyến bay tầm trung, xuất phát từ các tỉnh, thành phố lớn. Ở châu Á, Japan Airlines – JAL - của Nhật Bản đã liên kết với Qantas của Úc để lập công ty giá rẻ Jetstar Japan, trong khi đó, All Nippon Airway – ANA - cũng quyết định mở chi nhánh low cost Peach Aviation.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.