Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Công trái châu Âu là chìa khóa đem lại tăng trưởng cho khối euro ?

Đăng ngày:

Tại cuộc họp không chính thức giữa các nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ châu Âu vào tuần trước tổ chức tại Bruxelles, mọi chí ý đã tập trung vào tân tổng thống Pháp. François Hollande đến Bruxelles với đề nghị đưa vấn đề công trái châu Âu eurobond vào các cuộc thảo luận để tạo ra tăng trưởng cho khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Eurobond là gì ? Đâu là hiệu quả để đem lại tăng trưởng cho khu vực đồng euro và đâu là những giới hạn của sáng kiến do tân tổng thống Pháp đề xướng ?

Thủ tướng Hy Lạp Panagiotis Pilrammenos (trái) và Tổng thống Pháp François Hollande (phải) gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh châu Âu tại Bruxelles ngày 23/05/2012.
Thủ tướng Hy Lạp Panagiotis Pilrammenos (trái) và Tổng thống Pháp François Hollande (phải) gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh châu Âu tại Bruxelles ngày 23/05/2012. REUTERS/Michel Euler/Pool
Quảng cáo

Thống kê mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE dự báo tăng trưởng kinh tế trong khu vực đồng euro cho năm 2012 sẽ là trừ 0,1 %. Các công trình nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng không lạc quan hơn. Để so sánh thì tổng sản phẩm nội địa của Hoa Kỳ tăng 2,4 %.

Tiêu điều nhất là tình cảnh của Hy Lạp(– 5,3 %),, Bồ Đào Nha (– 3,2 %), Ý(– 1,7 %) và Tây Ban Nha (– 1,6 %). Chỉ số tiêu thụ tại các nước này cũng tuột dốc không phanh : – 6,6 % trong trường hợp của Hy Lạp, và -2,9 % tại Tây Ban Nha. Chỉ số đầu tư cũng bị thu hẹp ( – 13,4 % tại Hy Lạp).Đầu tàu kinh tế của eurozone là Đức cũng chỉ kỳ vọng vào thành tích là 1,2 % trong năm nay và tỷ lệ tăng trưởng đó cao hơn gấp đôi so với Pháp.

Các chuyên gia cho rằng sự co cụm của kinh tế châu Âu nói trên là hậu quả trực tiếp do các biện pháp khắc khổ liên tục nối đuôi nhau ra đời và được áp dụng trên toàn khối. Chính vì thế mục tiêu tạo ra tăng trưởng do tân tổng thống François Hollande đề xướng ngày càng được các đối tác châu Âu hưởng ứng. Theo quan điểm của giáo sư kinh tế giảng dậy tại trường Khoa học Chính trị Sciences Po Paris, Eli Cohen, coi tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu không chỉ là những lời tuyên bố chung chung để chiêu dụ cử tri. Đằng sau hai chữ « tăng trưởng » còn có một thực tế. Trả lời trên đài truyền hình France 5 trong khuôn khổ chương trình C’est dans l’Air, đó là việc tạo nên của cải để bảo đảm đời sống cho người dân. Giáo sư Cohen trở lại với định nghĩa thế nào là tăng trưởng kinh tế :

« Năm nay, tỷ lệ tăng trưởng trong khu vực đồng euro là ở số âm. Đây là điều hết sức đáng lo ngại. Cụ thể là dân số trong khu vực tăng lên, nhu cầu kinh tế của năm nay lớn hơn so với năm ngoái, nhưng khối euro lại làm ra ít của cải hơn để đáp ứng nhu cầu đó. Hậu quả là đời sống của người dân đi xuống. Đó là hiện tượng kinh tế suy thoái.

Vậy thì phải làm thế nào để đem lại tăng trưởng ? Bởi vì có tăng trưởng kinh tế, khối euro mới có thể bảo đảm được việc làm và một mức lương nhất định cho người dân. Thêm vào đó một nền kinh tế có làm ra của cải thì mới có thể tính tới chuyện trả bớt nợ đã vay. Có như thế chúng ta mới có thể nói tới chuyện giảm tỷ lệ nợ so với tổng sản phẩm nội địa.

Nếu mục tiêu của các chính sách kinh tế vĩ mô là giảm bội chi ngân sách, giảm bớt nợ để từ đó tái tạo niềm tin với thị trường, với các nhà đầu tư, đề rồi giới tư bản đầu tư vào một nền kinh tế, và qua đó đem lại một làn gió mới cho kinh tế, đem lại tăng trưởng, thì chúng ta biết rằng mô hình đó không thể xảy tới ».

Tại sao mục tiêu giảm nợ công và bội chi ngân sách không đem lại mục tiêu mong muốn như là những gì đang xảy tới với Hy Lạp hay Bồ Đào Nha ? Giáo sự Eli Cohen phân tích thêm :

« Nếu nhìn vào tăng trưởng của Pháp trong hai quý gần đây nhất, chúng ta có tất cả bốn động cơ tăng trưởng. Đó là xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, đầu tư và chi tiêu công cộng.

Nhìn vào động cơ thứ nhất : Cán cân thương mại phải thặng dư thì một nền kinh tế mới có thể trông cậy vào đó như một đòn bẩy để tạo ra tăng trưởng và việc làm cho người dân. Chúng ta biết rằng cán cân thương mại của Pháp thường xuyên bị thâm hụt. Tức là đầu máy này không đem lại tăng trưởng cho kinh tế Pháp và đó là điều đã liên tục kéo dài trong tám năm qua.

Động lực tăng trưởng quan trọng thứ nhì là mức tiêu thụ nội địa. Thống kê gần đây cho thấy mức tiêu thụ của tư nhân đang bị chựng lại. Yếu tố thứ ba tạo ra tăng trưởng, là đầu tư. Năm ngoái, chỉ số này tương đối vững chủ yếu là nhờ đầu tư vào hệ thống giao thông. Nhưng bước sang năm nay, nhịp độ đầu tư giảm hẳn. Vậy chỉ còn có một động cơ tạo ra tăng trưởng cuối cùng là các khoản chi tiêu và đầu tư công cộng. Nếu như mục tiêu duy nhất của chính sách kinh tế là giảm bớt nợ công điều đó có nghĩa là nước Pháp lần lượt khóa tất cả các động cơ đem lại tăng trưởng. Hậu quả là tình hình càng tiếp tục đi xuống và mục tiêu vực dậy kinh tế càng khó khăn hơn. "Tăng trưởng" đơn giản là việc sử dụng một cách có hiệu quả các phương tiện sản xuất có trong tay (như lao động, vốn và những tiến bộ kỹ thuật) để tạo ra của cải, nuôi sống người dân ».

Đương nhiên là phải thanh toán nợ vì không ai có thể đi vay mãi mà không trả nợ. Theo quan điểm của chuyên gia tài chính Marc Fiorentino các biện pháp thúc đẩy kinh tế bằng chi tiêu công cộng chưa bao giờ đem lại hiệu quả :

« Cú sốc đối với dư luận Đức là châu Âu như thể đang chờ một phép lạ. Một số nước vẫn muốn tiếp tục đi vay để tài trợ các chương trình kích thích kinh tế. Trong lúc nợ của châu Âu đã lên tới mức báo động và các kế hoạch kích cầu bằng chi tiêu công cộng không bao giờ có hiệu quả, kể cả khi được áp dụng tại Hoa Kỳ. Không thể nói là nước Pháp đang áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng. Đó là điều khó hiểu đối với dư luận Đức, bởi vì bản thân nước Đức đã phải cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm trong 15 năm để có được những thành quả kinh tế như ngày nay. Các nước đang gặp khó khăn trong khối euro đã tiêu xài quá trớn để lâm vào khủng hoảng như hiện tại. Giờ đây, những nước này muốn tiếp tục đi vay để tạo ra tăng trưởng. Nhưng do họ không còn có đủ uy tín nên, yêu cầu Đức đứng ra bảo đảm để có thể được vay với lãi suất thấp. Nhìn dưới góc độ đó đương nhiên, người Berlin không thể chấp nhận luận điểm được Paris đưa ra ».

Eurobond là gì ?

Về mặt nguyên tắc thì đó là một loại công trái do một cơ quan tài chính của châu Âu phát hành và quản lý.

Công cụ tài chính này dựa trên sự « san sẻ về mức độ rủi ro » giữa các thành viên để bảo vệ lẫn nhau khi cần huy động vốn, tránh cho một nước thành viên khối euro trở thành mục tiêu tấn công của các nhà đầu cơ khi cần vay tín dụng và qua đó làm suy yếu toàn khối. Với eurobond 17 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu sẽ có thể vay tín dụng với một lãi suất duy nhất. Sáng kiến phát hành công trái ở cấp châu Âu do tân tổng thống Pháp đề xuất đang ngày càng thu hút chú ý và được hưởng ứng từ phía các đối tác châu Âu, đặc biệt là từ phía các nước đang gặp khó khăn như Ý hay Hy Lạp. Gần đây hơn, từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế đến Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cũng đã nghiêng về giải pháp này, coi đó là phương tiện hiệu quả để vực dậy kinh tế châu Âu. Riêng Đức và một vài nước như Phần Lan thì vẫn chống đối vì lo ngại những thành viên kém kỷ luật về phương diện tài chính sẽ còn tiếp tục tự do tiêu xài. Thủ tướng Merkel không muốn khối euro phát hành eurobond, vì Berlin lo ngại với lãi suất chung cho toàn khối, một số quốc gia lại càng dễ đi vay để tiêu xài vô tội vạ.

Trả lời đài truyền hình France 5, Christian Chevagneux tổng biên tập hai tạp chí kinh tế Alternatives Economiques và l’Economie Politique giải thích cặn kẽ hơn về nguyên tắc vận hành của công trái do châu Âu phát hành :

« Hiện nay để tài trợ thâm hụt ngân sách nhà nước, mỗi quốc gia phải đi vay với một lãi suất nhất định. Pháp, Đức, Ý hay Hy Lạp thì đều phải đi vay, nhưng mỗi quốc gia được vay với lãi suất khác nhau. Công trái châu Âu – eurobond sẽ do châu Âu phát hành. Đó sẽ là một cơ quan của châu Âu trực thuộc Ngân hàng Trung ương châu Âu. Và cơ quan đó phải đứng ra để thu thập thông tin về nhu cầu tín dụng của các thành viên trong khối euro. Từ đó, cơ quan này sẽ phát hành công trái tương đương với nhu cầu của toàn thể các nước trong khu vực. Như vậy, công trái được phát hành với một lãi suất duy nhất. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào ấn định được lãi suất chung đó.

Hiện tại Đức đi vay với lãi suất từ 1,5 đến 2 %. Nước Pháp phải đi vay với lãi suất từ 2,5 đến 3 % trong lúc Tây Ban Nha phải đi vay với lãi suất là 6 %. Với công trái châu Âu eurobond Đức có nhiều khả năng phải trả tiền lãi cao hơn trong lúc Tây Ban Nha thì được hưởng lợi nhờ được cấp tín dụng với lãi suất thấp hơn so với hiện tại. Chính để tránh xảy ra trường hợp này mà cơ quan chuyên quản lý và phát hành công trái của châu Âu sẽ hoạt động gần giống như một hãng bảo hiểm. Cơ quan quản lý và phát hành công trái châu Âu có thể quy định lãi suất chung của eurobond là 3 % chẳng hạn, để huy động vốn. Rồi cho Đức vay lại với lãi suất là 1,5 % và Tây Ban Nha là 4 hay 5 % . Nghĩa các nước thành viên có mức độ rủi ro thấp – như là trường hợp của Đức - thì được vay với lãi suất thấp. Ngược lại các thành viên không quản lý tốt về phương diện tài chính thì sẽ phải trả lãi suất cao hơn. Cụ thể là Tây Ban Nha nhờ cơ eurobond sẽ chỉ phải đi vay với lãi suất từ 4 đến 5 % thay vì 6 % hay hơn thế nữa ».

Nói cách khác, nhờ vào công trái của châu Âu mà một nước thành viên yếu kém như Hy Lạp hay Tây Ban Nha, Ý không trở thành mục tiêu tấn công của các nhà đầu tư. Lãi suất công trái của châu Âu đương nhiên phải được ấn định căn cứ từ một số các điều khoản và chỉ số kinh tế như tăng trưởng, tỷ lệ nợ công so với GDP, tiềm năng cạnh tranh hay tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với tổng sản phẩm nội địa … Đó là những chỉ số và những điều khoản đã được quy định trong Hiệp ước châu Âu. Đương nhiên một khi khối euro phát hành và quản lý công trái eurobond thì các nước thành viên không còn hoàn toàn làm chủ chính sách về thuế khóa và chi tiêu của mình. Những nước tiêu xài quá độ đương nhiên sẽ bị kỷ luật. Ngoài ra, để được sử dụng eurobond thì một thành viên trong khối euro cũng phải giải trình với toàn khối về các khoản chi tiêu của mình và đó phải là các khoản chi tiêu với viễn cảnh tạo ra tăng trưởng.

Nước Đức của thủ tướng Angela Merkel không hoàn toàn thuyết phục vì luận điểm này vì như vừa nói Berlin không muốn phải đi vay lãi suất cao hơn so với hiện tại, vì Berlin không muốn phải chia sẻ gánh nặng của những nước như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha, Ailen … Đồng thời người Đức phân biệt sự tăng trưởng thực sự với sự tăng trưởng kinh tế giả tạo.

Trong mắt người Đức, dùng đồng tiền của nhà nước để tạo ra tăng trưởng là một sự tiếp sức giả tạo trái ngược hẳn với mô hình mà nước Đức đã đi theo : tăng trưởng thực sự có được là nhờ nước Đức đã đánh cuộc vào tiềm năng cạnh tranh của nền công nghiệp, để từ đó chinh phục thị trường quốc tế, duy trì vị thế « vô địch » về thương mại của mình. Khác với Pháp, hay Hoa Kỳ Đức luôn trong tình thế « xuất siêu ». Để có được những thành quả như này hôm nay, nước Đức đã từ cuối những năm 1990 đã liên tục « hy sinh » để có được một guồng máy sản xuất hiệu quả. Cụ thể là người Đức chấp nhận ghìm mức lương, để kích thích đầu tư và nâng cao năng suất. Bản thân nước Đức đã liên tục tiết kiệm các khoản chi tiêu để trả bớt nợ công –hậu quả từ ngày thống nhất đất nước – để tái tạo lòng tin đối với các nhà đầu tư. Chính vì thế mà ngày nay, bất chấp khủng hoảng 2008-2009, bất chấp khủng hoảng của khối euro, Berlin vẫn có một guồng máy sản xuất lành mạnh, một cán cân thương mại thặng dư, tỷ lệ thất nghiệp thấp vào bậc nhất châu Âu và một tỷ lệ tăng trưởng khiến các đối tác trong khu vực đồng euro ganh tỵ.

Tất cả các yếu tố trên giải thích vì sao người Đức không muốn một mô hình tăng trưởng mà Pháp và nhiều nước trong khối euro đang hướng tới.

Câu hỏi đặt ra là liệu trong số 17 thành viên khu vực đồng euro, có bao nhiêu quốc gia có thể noi theo gương nước Đức ? Mạng lưới công nghiệp của Hy Lạp vô cùng yếu kém và Hy Lạp chỉ có thể trông cậy vào một vài lĩnh vực kinh tế « mũi nhọn » như là du lịch, ngành đóng tàu hay dịch vụ giao thông hàng hải. Đối với Tây Ban Nha thì các hoạt động kinh tế tập trung vào lĩnh vực địa ốc.

Có lẽ đây là lý do vì sao ngày càng có nhiều tiếng nói trong số các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu hưởng ứng đề nghị của tân tổng thống Pháp, François Hollande. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE gần đây đã chính thức ủng hộ sáng kiến phát hành công trái phiếu ở cấp châu Âu. Một điều chắc chắn đó là danh từ « eurobond » không còn là điều cấm kỵ tại các cuộc họp của Châu Âu nhưng đồng thời để đưa sáng kiến ấy vào thực hiện không phải là việc dễ làm và tổng thống Pháp François Hollande sẽ phải san bằng những bất đồng với lãnh đạo Đức là thủ tướng Merkel để những tờ eurobond đầu tiên được phát hành.

Về mặt pháp lý việc phát hành và quản lý công trái của châu Âu cũng sẽ không đơn giản và cũng chưa chắc là công cụ tài chính này sẽ được tất cả các nước thành viên eurozone dễ dàng đón nhận. Bởi để nhận được sự yểm trợ ở cấp châu Âu, các nước thành viên sẽ mất đi sự độc lập vì chính sách thuế khóa và sẽ phải giải trình với cơ quan chức năng về các khoản chi tiêu ! 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.