Vào nội dung chính
KINH TẾ

Xuất khẩu và thặng dư thương mại Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 9

Theo số liệu Hải quan Trung Quốc công bố ngày 13/10/2012, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 là 186,3 tỷ đô la : một kỷ lục cho một tháng, tăng với tỷ lệ 9,9% tính trên 1 năm. Nhập khẩu cũng tăng 2,4 %, lên đến 158,7 tỷ. Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng qua cũng đạt mức 27,7 tỷ đô la, tăng 1 tỷ đô la so với tháng 8.

Tàu chở hàng Trung Quốc tại cảng Đại Liên
Tàu chở hàng Trung Quốc tại cảng Đại Liên Reuters
Quảng cáo

Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế vẫn bi quan, cho rằng tình hinh tốt đẹp trong tháng qua có thể chỉ tạm thời mà thôi.

Một kinh tế gia Ngân hàng Citigroup, trả lời hãng tin tài chính Dow Jones, nhận định : « Số liệu thương mại kể trên là một dấu hiệu tích cực cho kinh tế Trung Quốc, nhưng không chắc là xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục được ở mức độ này ». Theo chuyên gia này, Trung Quốc không chắc đạt được chỉ tiêu ấn định đầu năm nay là ngành ngoại thương tăng 10% trong năm 2012.

Theo thống kê Hải quan Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm nay, ngành ngoại thương của Trung Quốc chỉ tăng 6,2% so với cùng thời kỳ năm ngoái : xuất khẩu tăng 7,4%, nhập khầu : 4,8%.

Alistair Thornton, kinh tế gia của IHS Global Insight, ở Bắc Kinh, chờ đợi là « tình hình xấu đi vào những tháng tới ». Theo chuyên gia này, « số liệu về thương mại phản ánh tình trạng ở Trung Quốc cũng như kinh tế thế giới » và nhập khẩu của Trung Quốc sẽ không gia tăng vào những tháng tới, trong lúc xuất khẩu chỉ tăng khoảng 5%.

Đi vào chi tiết, AFP nhận thấy trao đổi với Liên Hiệp Châu Âu, đối tác thương mại hang đầu của Trung Quốc, đã giảm 2,7% (chỉ ở mức 411 tỷ đô la), trao đổi với Nhật Bản cũng giảm sụt 1,8%. Ngược lại trao đổi với Hoa Kỳ, đối tác thương mại thứ nhì của Trung Quốc đã tăng hơn 9% so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Nhìn chung hoạt động ngoại thương với xu hướng chậm lại năm nay đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, chỉ ở mức 7,6% vào quý hai, thay vì 9,3% năm ngoái, và 10,4% năm 2010.

Trong tình hình đó, theo các nhà quan sát, Bắc Kinh đã đưa ra một số biện pháp trong đó có việc dồn tiền vào một số đề án hạ tầng cơ sở như đường xá, hệ thống đường sắt. Tuy vậy, đầu tư có lẽ không đạt quy mô như trong năm 2008. Do đó, theo phân tích của ông Thornton, tăng trưởng trong những tháng tới sẽ « ổn định », nhưng không phải là một sự « vực dậy đáng kể ».
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.