Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Tập đoàn sản xuất đất hiếm hàng đầu Trung Quốc tạm ngừng sản xuất

Đúng theo dự kiến, vào hôm nay, 24/10/2012, nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất Trung Quốc Bao Đầu (Baotou) đã loan báo việc tạm hoãn công việc sản xuất trong vòng một tháng. Mục tiêu là để chặn đứng đà sụt giá của mặt hàng này trên thị trường.

Một địa điểm sản xuất đất hiếm ở vùng Nội Mông, Trung Quốc.
Một địa điểm sản xuất đất hiếm ở vùng Nội Mông, Trung Quốc. Reuters
Quảng cáo

Trong một bản thông cáo công bố tại thị trường chứng khoán Thượng Hải, tập đoàn Bao Đầu – trụ sở ở vùng Nội Mông - giải thích : « Thị trường đất hiếm bị tê liệt trong quý hai năm nay với giá cả sụt giảm và lượng mua bán yếu ớt ». Vì lý do đó, tập đoàn này quyết định đình chỉ sản xuất trong một tháng để « phát huy một thị trường ổn định và lành mạnh tại Trung Quốc » của loại sản phẩm này.

Xin nhắc lại là đất hiếm là tên gọi chung của 17 thứ kim loại thiết yếu trong việc sản xuất nhiều loại sản phẩm công nghệ cao cấp thường do các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ hay Châu Âu chế tạo. Theo ghi nhận của hãng AFP, giá đất hiếm tại Trung Quốc bị rớt trong năm nay vì mức cầu sụt giảm, không chỉ tại Trung Quốc, mà cả tại các nước khác do hệ quả của khủng hoảng kinh tế.

Vào tháng 10 năm ngoái, tập đoàn Bao Đầu cũng đã từng tạm dừng sản xuất, nhưng không thành công trong việc chặn được đà tuột giá tại Trung Quốc và trên thị trường thế giới.

Là nước sản xuất khoảng 95% đất hiếm trên thế giới, Trung Quốc gần như là có độc quyền trên các loại nguyên liệu này, và thường bị tố cáo là lợi dụng thế độc tôn, giảm bớt các quota xuất khẩu để gây sức ép trên các đối tác thương mại của mình.

Vào năm 2010, Bắc Kinh đã dùng vũ khí này để bắt bí Tokyo sau khi xẩy ra vụ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đâm vào tầu tuần duyên Nhật Bản tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và bị bắt giam. Sức ép này đã thành công buộc được Tokyo phải trả tự do cho viên thuyền trưởng Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau đó, Nhật Bản, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia sử dụng đất hiếm khác trên thế giới đã bắt đầu tự sản xuất, hay đi tìm nguồn cung cấp khác để phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.