Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

TPP : Bảo hộ nông nghiệp, trở ngại lớn của Nhật

Đăng ngày:

Hiệp định Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương TPP không thể ký kết trong năm 2013. Hồ sơ nông nghiệp là một trong những trở ngại chính. Nhật Bản dùng "kế hoãn binh" trước khi mở cửa thị trường nông phẩm. RFI phỏng vấn giáo sư Vũ Đăng Khuê từ Tokyo.

Nông dân trồng lúa tạiTakashima, Nhật Bản
Nông dân trồng lúa tạiTakashima, Nhật Bản Reuters / Yuriko Nakao
Quảng cáo

Kết thúc cuộc họp bốn ngày tại Singapore hôm 10/12/2013, Bộ trưởng Thương mại 12 nước tham gia vào tiến trình đàm phán TPP ra về tay không. Các bên hứa hẹn sớm gặp lại nhau vào những tuần lễ tới, để « tiếp tục thảo luận về những hồ sơ còn gây bất đồng » trước khi khép lại đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Đây là một hiệp định tự do mậu dịch do Hoa Kỳ đề xuất và chính quyền Obama đề ra tham vọng kết thúc đàm phán TPP trước ngày 31/12/2013.

Ý tưởng ban đầu về một dự án hội nhập kinh tế toàn diện giữa các quốc gia tại Thái Bình Dương đã nảy sinh từ đầu những năm 2000. Nhưng trong gần chục năm qua, hiệp định chưa được hoàn tất do chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển của 12 quốc gia tham gia. 12 nước đó gồm Brunei, Chilê, Canada, Malaysia, Mêhicô, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Mỹ, Úc và Việt Nam.

Nông nghiệp, sở hữu trí tuệ, vai trò và trọng lượng của các doanh nghiệp Nhà nước, mức độ can thiệp của Nhà nước trong một nền kinh tế … là những hồ sơ gây nhiều tranh cãi. Theo tiết lộ của WikiLeaks, chỉ riêng trên hồ sơ sở hữu trí tuệ, phía Hoa Kỳ có tới 19 điểm bất đồng với 11 quốc gia còn lại.

Khó có thể tin rằng trong một vài tuần lễ nữa, 12 nước tham gia đàm phán TPP sẽ tìm được đồng thuận để tiến tới một hiệp ước về tự do mậu dịch bao phủ lên một vùng rộng lớn của thế giới, với 27 ngàn tỷ đô la GPD – tương đương với 40 % của cải trên toàn cầu.

Nông nghiệp Nhật Bản : Thị trường khép kín nhất thế giới

Nhìn từ phía Nhật Bản khúc mắc lớn nhất vẫn là chính sách trợ giá nông nghiệp : Tokyo muốn tiếp tục bảo hộ thị trường nông phẩm và trợ cấp cho các nông gia. Chính phủ Nhật không đưa vào đàm phán 5 lĩnh vực "nhậy cảm" nhất đối với ngành nông nghiệp nước này. Các lĩnh vực đó gồm : Lúa gạo, lúa mì, đường, thịt bò, các sản phẩm chế biến từ sữa.

Một tuần lễ trước khi Thứ trưởng Thương mại Nhật Bản Yasutoshi Nishimura đàm phán với 11 thành viên còn lại trong TPP tại Singapore, hàng ngàn nông dân Nhật đã tuần hành trên đường phố Tokyo đòi chính phủ rút lui khỏi Hiệp định này.

Nhật Bản là một trong số những quốc gia áp dụng chính sách bảo hộ nông nghiệp hơn hết trên thế giới và cũng là nơi có thị trường « khép kín » nhất.

Đất trồng trọt trên xứ hoa anh đào chỉ bằng 12,6 % diện tích chung của cả nước. Ngành nông nghiệp Nhật Bản chỉ có một chỗ đứng khiêm tốn, chiếm 1,4 % tổng sản phẩm quốc gia. Thành phần nông dân tương đương với 7,4 % dân số và cứ trên 100 người trong tuổi lao động thì có 5 người làm việc với ruộng đồng.

Từ sau Thế chiến thứ hai, các chính phủ liên tiếp đã coi mục tiêu « tự lập » về phương diện lương thực là một ưu tiên hàng đầu. Từ đó, Nhà nước đã dốc lực hỗ trợ cho nông dân. Sáu thập niên sau, truyền thống ấy không hề mai một.

Hiện tại ngành nông nghiệp chỉ tạo ra 1,4% của cải cho cả nước, nhưng ngân sách để trợ giúp cho các nông gia Nhật Bản của Tokyo tương đương với 1,3 % GDP của nền kinh tế lớn thứ ba trên địa cầu. Nói một cách dễ hiểu, người dân cứ tạo ra 1 yen lương thực thực phẩm, thì họ lại được chính phủ trợ cấp cho gần 1 yen !

Trong số những thành phần được trực tiếp giúp đỡ nhiều nhất là các nông dân trồng lúa. Để tài trợ cho chính sách trợ giá tốn kém đó, Tokyo đánh thuế rất nặng vào các mặt hàng nông phẩm, nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường nội địa. Trung bình, lương thực, thực phẩm nhập phải chịu thuế 80 %.

Trả lời phỏng vấn của đài RFI Việt Ngữ, giáo sư Vũ Đăng Khuê, một người sống nhiều chục năm tại Tokyo giải thích về chính sách bảo hộ nông nghiệp của Nhật Bản.

07:10

Giáo sư Vũ Đăng Khuê-Tokyo

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.