Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

"Quỹ kền kền", ác mộng của Achentina

Đăng ngày:

Achentina vừa bị « trúng tên lửa » của giới tài chính Hoa Kỳ. Tổng thống Crisina Kirchner nhận xét như trên sau khi rơi vào cảnh « mất khả năng thanh toán ». Sau nhiều nỗ lực trong 10 năm liền để giảm 75 % nợ công, Buenos Aires lại bị « vỡ nợ ».

Đồng pesos Achentina
Đồng pesos Achentina DR
Quảng cáo

Lần đầu tiên trong lịch sử tài chính quốc tế, một quốc gia vẫn có khả năng chi trả, vẫn tiếp tục cam kết thanh toán cho các chủ nợ nhưng vẫn bị xem là « tạm thời phá sản ». Dù chỉ mất khả năng thanh toán về phương diện kỹ thuật nhưng Achentina đang đứng trước một viễn cảnh kinh tế đầy bất trắc.

Từ ngày 31/07/2014 Achentina lâm vào thế « mất khả năng thanh toán » do không tìm được đồng thuận với hai quỹ đầu cơ của Hoa Kỳ NML Capital và Aurelius Management. Hai quỹ này đòi Buenos Aires trả 1,3 tỷ đô la. 1,3 tỷ đô la không thấm vào đâu so với nền kinh tế lớn thứ ba tại châu Mỹ La Tinh, có tổng sản phẩm nội địa lên tới 480 tỷ đô la.

Dù vậy, tin Achentina, không tìm được đồng thuận với hai quỹ đầu cơ của Mỹ về khoản nợ 1,3 tỷ đô la đã khiến hai cơ quan thẩm định tài chính Fitch và Standard & Poor's xếp quốc gia này vào danh sách những nền kinh tế « tạm thời mất khả năng thanh toán ». Achentina bị hạ điểm tín nhiệm. Chỉ số chứng khoán tại Buenos Aires trong phiên giao dịch ngày 31/07/2014 tuột giá 8,4 %.

Khoản nợ dù khiêm tốn đó xuất phát từ đâu ? Vì sao chính quyền của tổng thống Cristina Kirchner chấp nhận rủi ro mang tiếng « mất khả năng thanh toán » lần thứ nhì trong 13 năm thay vì khóa sổ với hai chủ nợ chỉ nắm giữ khoảng 1 % tổng nợ công của Achentina ? Đâu là những tác động đối với nền kinh tế đang đứng trước nhiều thách thức như Achentina ?

Nguyên căn nguồn cội

Cuộc đọ sức giữa chính quyền Buenos Aires với hai « quỹ kền kền » của Mỹ, NML và Aurelius bắt nguồn từ năm 2001 khi Achentina tuyên bố vỡ nợ. Khi đó bộ trưởng Tài chính Domingo Cavallo nhìn nhận Achentina không còn có khả năng đi vay tín dụng, thanh toán các khoản chi tiêu của nhà nước và cũng không còn một nhà đầu tư nào chấp thuận cấp tín dụng cho Achentina. Nợ nước ngoài lên tới hơn 100 tỷ đô la.

Achentina như « cái hòm không đáy ». Các khoản trợ giúp của quốc tế, đứng đầu là IMF ồ ạt đổ về Buenos Aires vẫn không đủ sức giúp quốc gia ở Châu Mỹ La Tinh này thoát cơn hoạn nạn.

Trong gần một chục năm, các chính quyền liên tiếp không ngừng thương lượng với các chủ nợ để xin « tái cơ cấu » khoản nợ khổng lồ hơn 100 tỷ đô la nói trên. Giới chủ nợ đứng trước hai con đường. Hoặc xóa 70 % nợ cho Achentina và cho Buenos Aires thêm thời gian để thanh toán với hy vọng thu về được 30 % còn lại. Hoặc mất trắng những khoản tín dụng đã cho Achentina vay mượn.

Sau hai đợt đàm phán quan trọng trong năm 2005 và 2010, trên một trăm ông chủ nợ của Achentina thời đó, thì có tới 93 % đã chấp nhận phương án thứ nhất. Từ đó tới nay, Achentina luôn giữ chữ tín với các chủ nợ này, thanh toán đều đặn theo những quy ước đã được thông qua. Chỉ riêng 7 ông chủ nợ còn lại của Achentina thì cương quyết vẫn đòi được bồi hoàn 100 %. Nói cách khác, 7 % các chủ nợ của Achentina còn lại cho rằng nếu họ đã cấp 100 đô la cho Achentina vay trước đây, thì Buenos Aires phải hoàn trả lại cho họ đúng khoản tiền đó, không thiếu một xu.

Trong số 7 nhà chủ nợ cứng cỏi đó có hai quỹ đầu cơ của Mỹ là NML Capital và Aurelius Management. Hai quỹ này thuộc vào hàng những « quỹ kền kền ». Năm 2004 đã mua lại nợ xấu của Achentina từ tay các nhà đầu tư ngoại quốc, trị giá thực sự là hơn 1 tỷ đô la nhưng cả hai quỹ đầu cơ của Mỹ chỉ mua vào với giá rẻ mạt có vài chục triệu.

Như vậy hai quỹ NML và Aurelius nắm giữ 1 % tổng số nợ công Achentina. 1 % đó nằm trong gói 7 % nợ mà giới tư bản không chấp nhận xóa bớt cho Buenos Aires. Một cách chính xác hơn là NML và Aurelius đã kiểm soát 1,3 tỷ đô la nợ công của Achentina.

Mục đích của họ khi đi mua lại nợ xấu của Archentina là dùng thủ đoạn pháp lý để đòi được bồi hoàn 100 % theo như giá trị ban đầu của công trái phiếu do nhà nước Achentina phát hành.

NML và Aurelius liên tục đòi Achentina trả lại 1,3 tỷ đô la từ một chục năm nay. Hai « quỹ kền kền » này kiện Achentina ra trước một tòa án ở New York, nơi NML và Aurelius đặt trụ sở. Tòa xử Buenos Aires thua kiện nhưng chính quyền của tổng thống Kirchner không nhượng bộ. Hai quỹ đầu cơ của Mỹ kiện tiếp Achentina lên Tòa án Tối cao.

Đối với Achentina, thách thức tài chính đã lan rộng sang địa hạt pháp lý. Sau khi đã đàm phán được với 93 % các chủ nợ, cơn ác mộng của các nhà lãnh đọa ở Buenos Aires mang hình hài hai con kền kền.

Viễn cảnh kinh tế khó khăn của Achentina qua nét buồn thảm của một cổ động viên bóng đá.
Viễn cảnh kinh tế khó khăn của Achentina qua nét buồn thảm của một cổ động viên bóng đá. REUTERS/Agustin Marcarian

« Quỹ kền kền »

Hung thần của Achentina hiện nay là nhà tỷ phú người Mỹ Paul Singer, 70 tuổi, chủ nhân của quỹ đầu cơ Elliott Management, mà quỹ NML là một chi nhánh. Sinh trưởng tại bang New Jersey, miền đông bắc nước Mỹ, bố mẹ là dược sĩ, Paul Singer tốt nghiệp luật khoa trường Harvard. Ông khởi đầu sự nghiệp là một luật sư chuyên về tài chính, làm việc ở khu phố Wall.

Ngay từ thập niên 1970 Singer đã lập công ty riêng với số vốn ban đầu là triệu đô la. Quỹ đầu cơ Elliott chính thức được thành lập năm 1977 và 10 năm sau đó,ông trùm tài chính Singer định hướng cho các hoạt động của mình : Elliott chỉ chuyên săn lùng những chủ nợ đang có trong tay những khoản nợ khó đòi bởi con nợ đang « ngắc ngoải », không có khả năng thanh toán. Elliott mua lại những khoản nợ xấu đó với giá rẻ mạt, rồi lợi dụng những kẽ hở pháp lý để lấy lại vốn mà không quên nhân lên gấp bội số tiền đã chi ra ban đầu

Là một luật sư, Paul Singer đã dùng luật pháp như một công cụ để thu hồi vốn và kiếm lời.
Nguyên tắc vận hành đó khiến các quỹ đầu cơ theo kiểu của Paul Singer được mệnh danh là « quỹ kền kền ».

Trong trường hợp cụ thể của Buenos Aires, NML một chi nhánh của quỹ Elliott, đã mua vào 48 triệu đô la nợ của Achentina. Một chục năm kiện tụng. NML đòi Achentina được hoàn trả 832 triệu đô la. « Quỹ kền kền » NML muốn thu vào một khoản tiền lớn gấp gần 17 lần so với số vốn đã chi ra năm 2004.

Trước Achentina, Perou, Zambie hay Cộng Hòa Dân Chủ Congo đã từng là những nạn nhân của luật sư chuyên về tài chính Singer. Vào thập niên 90 Elliott đã tung 20 triệu đô la để mua vào các khoản nợ khó đòi của Perou thể rồi quỹ này cương quyết không tham gia vào chương trình tái cơ cấu nợ của Lima. Kiên nhẫn một chút, vài năm sau ông trùm Singer thu về 58 triệu đô. Lãi đến 38 triệu đô la.

Cung cách làm ăn đó của nhà tỷ phú người Mỹ Paul Singer bị coi là vô đạo đức nhưng không bất hợp pháp. Sau gần 40 năm hoạt động theo trong ngành tài chính ông đứng đầu một quỹ đầu cơ quản lý 24 tỷ đô la và theo thẩm định của tạp chí Forbes, tài sản cá nhân của Singer là 1 tỷ rưỡi.

Về phần Aurelius Management, chủ tịch tổng giám đốc quỹ này là Mark Brodsky, một luật sư chuyên về tài chính từng đầu quân cho Elliott Management của ông trùm Singer.

1,3 tỷ đô la : món nợ không lớn

Về câu hỏi vì sao Achentina lại không thanh toán dứt điểm khoản nợ có vỏn vẹn 1,3 tỷ đô la cho hai con « kền kền » mang hình dạng của NML và Aurelius để tránh mạng tiến « vỡ nợ », câu trả lời khá đơn giản.

1,3 tỷ đô la không là bao so với một nền kinh tế có tới gần 480 tỷ GDP. Nhưng nếu thanh toán cho 2 quỹ đầu cơ của Mỹ thì Achentina rồi đây cũng sẽ bị phần còn lại trong số các chủ nợ không chấp nhận xóa bớt nợ cho quốc gia này kiện theo. Đó là chưa kể Buenos Aires còn bị ràng buộc về mặt pháp lý theo điều khoản gọi là RUFO.

Theo đó đến hết ngày 31/12/2014 Achentina không được quyền ưu đãi thanh toán cho bất kỳ một chủ nợ nào. Điều khoản RUFO này liên quan tới 93 % chủ nợ đã xóa tới 70 % nợ cho Achentina.

Nói một cách dễ hiểu nếu thanh toán 1,3 tỷ đô la cho NML và Aurelius, thì coi như Achentina lại quay về điểm khởi đầu của thời kỳ khủng hoảng năm 2001. Achentina sẽ lao vào một cuộc chạy đua pháp lý không hồi kết. Hậu quả là sẽ phải thanh toán đến cả chục thậm chí là cả trăm tỷ đô la cho các chủ nợ cũ.

Đây chính là điều khiến giáo sư Louis Miotto, giảng dậy tại Đại học Paris 13 lo ngại. Bởi vì khi đó nền kinh tế thứ ba của Châu Mỹ La Tinh sẽ thực sự sụp đổ :

« Thật ra kinh tế Achentina đã trong thế khó khăn, với việc bị coi là mất ‘khả năng thanh toán’, dù là tạm thời và đó chỉ mang tính kỹ thuật, điều ấy càng gây thêm khó khăn cho Buenos Aires. Nhưng tôi không lo là kinh tế của Achentina bị sụp đổ như hồi năm 2001. Báo chí làm rùm beng vụ này nhưng từ nay tới cuối năm 2014 sẽ không có gì thay đổi đối với vấn đề nợ công của Achentina.
Điều làm tôi lo ngại là nếu như các 93 % chủ nợ của Achentina mất tin tưởng vào quốc gia này và đòi xét lại thỏa thuận họ đã ký kết với Buenos Aires qua hai đợt thương lượng năm 2005 và 2010 thì khi đó món nợ mà Achentina phải trả không phải là vài tỷ mà là gần 150 tỷ đô la. Cần biết rằng dự trữ ngoại tệ của Achentina hiện nay chưa tới 30 tỷ đô la. Nếu như kịch bản này xảy tới thì thực sự Achentina lâm nguy ».

Vòng luẩn quẩn của nợ nần

Thị trường chứng khoán Buenos Aires đã mất giá mạnh sau khi hay tin Achentina « mất khả năng thanh toán ». Dù rằng Achentina đã thành công trong việc giảm nợ công đang từ 160 % GDP xuống còn còn trên dưới 50 %, nhưng một trong những tác động đầu tiên là vốn đổ vào Achentina lại càng khan hiếm hơn.

Tin dữ đối với Achentina rơi vào thời điểm Buenos Aires đang chuẩn bị huy động thêm vốn để tiếp sức cho nền kinh tế đang bị suy thoái. Kinh tế Achentina bắt đầu bị chựng lại từ cuối năm 2013 và tình hình đã xấu đi thêm trong 6 tháng đầu 2014.

GDP trong năm nay dự trù giảm 1,5 % so với tài khóa 2013. Xuất khẩu, đầu tư và tiêu thụ của các hộ gia đình tuột dốc. Dự trữ ngoại tệ của Achentina đang từ 43 tỷ đô la vào đầu năm 2013 bị giảm xuống còn có 28 tỷ vào cuối tháng 5/2014.

Thâm hụt ngân sách nhà nước so với GDP đang từ 3,5 % (2013) tăng lên tới trên 5 % trong tài khóa 2014. Tổng nợ công vượt quá ngưỡng tâm lý 50 % so với GDP. Tỷ lệ lạm phát lên tới gần 30 % một năm chủ yếu là do đồng peso bị phá giá. Đơn vị tiền tệ của Achentina mất giá tần 20 % trong 5 tháng đầu 2014 so với đồng đô la.

Tuy nhiên chuyên gia kinh tế Chritopher Dembik, thuộc ngân hàng Đan Mạch Saxo Bank, chi nhánh tại Pháp, phân biệt những hậu quả trước mắt với những mối đe dọa đè nặng lên Achentina trong tương lai xa hơn :

« Một cách rất rõ ràng là trước mắt Achentina không bị ảnh hưởng gì hết và việc bị coi là bị ‘mất khả năng thanh toán’ không tác động đến đời sống của người dân trong ngắn hạn. Vấn đề đặt ra là trong dài hạn, khi Achentina cần huy động vốn đầu tư thì giới tư bản sẽ thận trọng hơn trong việc cấp tín dụng cho quốc gia này. Cũng cần nói thêm là Achentina bị coi là ‘mất khả năng thanh toán có chọn lọc’. Điều đó có nghĩa là quốc gia này chỉ tạm thời không thể trả nợ đáo hạn trong một thời gian nhất định mà thôi. Không có chuyện Achentina quỵt nợ.

Hơn nữa trên thực tế Achentina đã dành hẳn một khoản tiền để thanh toán nợ đến kỳ phải trả. Thế rồi Buenos Aires luôn cam kết trả nợ đúng hạn định theo như các thỏa thuận đã đạt được với các nhà tài trợ qua hai đợt đàm phán năm 2005 và 2010. Còn đối với đời sống của người dân, thì đúng là nếu kinh tế cứ suy thoái, thất nghiệp tăng cao, lạm phát sẽ có khuynh hướng tăng lên nếu như đồng tiền bị mất giá. Nhưng phải nói là kinh tế Achentina do nhà nước kiểm soát khá nhiều, cho nên người dân sẽ không thể rút tiền, rút ngoại tệ ồ ạt khỏi ngân hàng.

Chỉ có một lo ngại là đồng peso bị phá giá . Trong bối cảnh kinh tế đang bị chựng lại, tỷ lệ tăng trưởng ở số âm, đồng tiền Achentina trong 1 năm qua đã mất giá 20 % so với đô la. Nếu khó khăng kinh tế càng nghiêm trọng, khả năng đồng tiền bị mất giá hoặc chính phủ phá giá đơn vị tiền tệ lại càng cao. Trên thực tế, khối lượng dự trữ ngoại tệ của Achentina hiện khá thấp, chính quyền của tổng thống Kirchner lại không tạo được uy tín với quốc tế, và nhất là với các nhà đầu tư. Tôi nghĩ vấn đề chính là Achentina là đã đánh mất niềm tin với các nhà đầu tư ».

Xét về tác động của việc Achentina bị « phá sản » đối với kinh tế khu vực, chủ tịch tổng giám đốc một ngân hàng tư nhân tại New York ông George Ugeux nói đến một sự dè chừng của các nền kinh tế ở Châu Mỹ La Tinh đối với Achentina :

« Trong vùng Châu Mỹ La Tinh, hiện tại các nước lân cận đang trong thế thận trọng bởi vì Achentina là một nền kinh tế lớn trong khu vự vực, đứng thứ ba sau có Brazil và Mêhicô. Achentina lại có nhiều quan hệ giao thương và tài chính đối với phần còn lại của thế giới. Bên cạnh đó phải kể tới đơn vị tiền tệ của Achentina là đồng peso : đồng tiền này đang bị mất giá.
Điều đó tạo thuận lợi cho khu vực xuất khẩu Achentina và qua đó làm ảnh hưởng đến cán cân thương mại của những đối tác trong khu vực như là Brazil chẳng hạn. Chắc chắn là Brazil đang theo dõi chặt chẽ các diễn tiến ở Achentina. Nói cách khách hậu quả trực tiếp từ vụ Achentina bị phá sản ảnh hưởng tới vùng Châu Mỹ La Tinh »

Về phần mình thượng nghị sĩ Laura Monteros thuộc phe đối lập lưu ý về những tác động chính trị và xã hội đối với Achentina khi bị mang tiếng « vỡ nợ » :

« Nhẽ ra chính quyền Achentina nên giải quyết dứt điểm vấn đề công nợ từ năm 2010, tức là khi đã thành công trong việc đàm phán với các chủ nợ lần thứ nhì để được quyền tái cơ cấu tổng số nợ lên tới 100 tỷ đô la. Các điều kiện đàm phán khi đó khá thuận lợi. Tiếc là Buenos Aires đã không làm được việc này, để rồi giờ đây trao số phận của mình cho Tòa án Tối cao Hoa Kỳ định đoạt. Tình huống trở nên phức tạp hơn. Achentina lẽ ra nên giải quyết hồ sơ này từ cách nay 4 năm chứ không phải đợi tới giờ này ».

Bài toán càng trở nên nan giải cho tổng thống Kirchner trong bối cảnh một người thân cận với bà là phó tổng thống Achentina bị tai tiếng tham nhũng. Chính phủ cánh trung tả ngày càng bị các đảng phái đối lập chỉ trích quản lý kinh tế kém cỏi. Căng thẳng trong xã hội ngày càng gia tăng, áp lực của giới công đoàn ngày càng lớn.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.