Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Tân chính quyền Ai Cập : Tứ bề thọ địch !

Nên hay không nên dùng vũ lực giải tán những cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống bị hạ bệ Morsi, với nguy cơ trở thành biển máu? Chính quyền mới được quân đội lập ra ở Ai Cập đã nhiều lần đe dọa nhưng chưa bao giờ dám mạnh tay, đang bị giằng co giữa phe diều hâu, và những người chủ trương đối thoại với phe Hồi giáo.

Người ủng hộ cựu Tổng thống Ai Cập Morsi vẫn biểu tình ngồi ở Cairo. Ảnh chụp ngày 11/08/ 2013.
Người ủng hộ cựu Tổng thống Ai Cập Morsi vẫn biểu tình ngồi ở Cairo. Ảnh chụp ngày 11/08/ 2013. REUTERS/Asmaa Waguih
Quảng cáo

Hôm nay 13/08/2013 phe ủng hộ Morsi lại kêu gọi “hàng triệu người hãy xuống đường”. Từ khi tối hậu thư của cảnh sát hết hạn vào hôm Chủ nhật, những người Hồi giáo vẫn tiếp tục kêu gọi biểu tình trên toàn quốc, quyết tâm gây áp lực lên tân chính quyền Ai Cập.

Tại hai quảng trường Rabaa Al Adawiya và Nahda, hai điểm tập trung quan trọng nhất, hàng ngàn người Hồi giáo trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, đã dựng lều “tử thủ” từ hơn một tháng qua với phòng tuyến làm bằng gạch và bao cát.

Chính quyền và báo chí đồng thanh lên án “những kẻ khủng bố” trữ súng ống và dùng đàn bà con nít làm bia đỡ đạn. Còn Huynh đệ Hồi giáo lặp đi lặp lại là chỉ tập hợp hòa bình, trong khi các vụ đụng độ giữa hai phe chống và ủng hộ ông Morsi đã làm cho hơn 250 người chết từ cuối tháng Sáu đến nay.

Đã từ nhiều tuần qua, chính phủ lâm thời được thành lập sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị quân đội truất phế ngày 3/7, liên tục đe dọa sẽ giải tán những cuộc biểu tình ngồi của những người ủng hộ Morsi. Các vụ biểu tình này đã làm tê liệt nhiều khu phố ở Cairo, cũng như việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử dự kiến vào đầu năm 2014.

Bà Rabad Al Mahdi, giáo sư môn khoa học chính trị trường đại học Mỹ tại Cairo giải thích: “Có hai khuynh hướng trái ngược nhau trong chính phủ”. Bộ Nội vụ và quân đội chủ trương can thiệp bằng vũ lực. Còn Phó tổng thống Mohamed ElBaradei và Phó thủ tướng Ziad Bahaa Eldin đại diện cho khuynh hướng thứ hai, muốn giải quyết một cách nhẹ nhàng hơn. Ông ElBaradei nhiều lần đòi hỏi phải có sự tham gia của phe Huynh đệ Hồi giáo trong quá trình chuyển tiếp.

Tân chính quyền Ai Cập hiện đang bị kẹp giữa hai gọng kềm. Một bên là áp lực của dân chúng cổ vũ cho việc trấn áp phe Hồi giáo chống đối, bên kia là cộng đồng quốc tế liên tiếp kêu gọi kìm chế.

Phía ủng hộ Morsi thì luôn khẳng định sẽ không rời điểm cắm trại nếu cựu Tổng thống không được nắm quyền trở lại.

Trong một đất nước mà những vụ phản kháng đều bị dập tắt bằng bàn tay sắt, sự thận trọng của tân chính quyền là một điều mới mẻ, cho thấy mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng đang làm rung chuyển Ai Cập.

Nhà nghiên cứu H.A.Hellyer của Brookings Institute phân tích, khi liên tục đưa ra những cảnh báo, và loan báo qua báo chí là sắp can thiệp nhưng rốt cuộc không hành động, “chính phủ tìm mọi cách để giảm bớt những rủi ro”. Chính quyền hy vọng đa số những người biểu tình đang cố thủ hai quảng trường ở thủ đô Cairo sẽ tự ra đi.

Những người bảo vệ nhân quyền cũng cho biết khi tham gia một hội nghị bất thường cách đây vài ngày với Bộ Nội vụ, về hậu quả của việc giải tán bằng vũ lực, chính phủ đã hứa sẽ để cho các tổ chức nhân quyền và báo chí giám sát.

Bà Madhi nhấn mạnh: “Những cuộc biểu tình ngồi này không giống như các cuộc khác mà cảnh sát phải đối phó. Hồi giáo là lực lượng chính trị có tổ chức tốt nhất, và cảnh sát biết rằng cái giá phải trả sẽ cao hơn nhiều so với những vụ biểu tình trước đây”.

Vì lý do này cũng như do sự chia rẽ trong nội bộ chính phủ, bên cạnh đó là áp lực quốc tế nhằm tránh đổ máu, “chính quyền không thể tùy nghi xử lý các vụ biểu tình”. Tuy vậy cũng theo bà Mahdi, thì sự tăng vọt những vụ tấn công của các chiến binh Hồi giáo tại Ai Cập cũng như ở nước ngoài có thể làm cán cân nghiêng về phía một giải pháp an ninh.

Nhà chính trị học nhận định: “Nếu mối đe dọa tại bán đảo Sinai tăng lên, cùng với các sự kiện tại Yemen hay Pakistan, chính quyền có thể cho đây là bằng chứng của việc phe Hồi giáo đã chuyển sang phương sách khủng bố, và áp lực lên chính phủ sẽ giảm bớt”.

Đối với Karim Ennarah, thuộc tổ chức phi chính phủ có nhiều ảnh hưởng “Sáng kiến Ai Cập cho quyền cá nhân”, chính quyền đang đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Theo ông, “Bộ Nội vụ không biết cách giải quyết biểu tình mà không gây chết người. Ngay cả khi họ không cố ý, thì vẫn gây ra căng thẳng vì cảnh sát không được huấn luyện hoặc không có kinh nghiệm đối đầu với những cuộc biểu tình như thế, với việc sử dụng sức mạnh một cách chừng mực”.

Nhưng cho dù lực lượng an ninh có thận trọng như thế nào đi nữa, theo các nhà phân tích, thì thái độ của những người biểu tình mang tính quyết định. Chính quyền cũng như báo chí đều lên án họ tàng trữ vũ khí, và Amnesty International tố cáo các trường hợp người biểu tình ủng hộ Morsi tra tấn những người chống đối họ.

Bà Mahdi nhận xét: “Nếu phe Hồi giáo tiếp tục biểu tình và phong tỏa đường giao thông, chính quyền có thể không còn ngần ngại nữa. Nhưng nếu ngược lại, họ có thái độ đúng mực hơn và không sử dụng bạo lực, thì chính phủ sẽ rẩt khó đưa ra quyết định”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.