Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC-HOA KỲ

Lần đầu tiên Tư pháp Mỹ tố cáo Trung Quốc làm gián điệp mạng

Sau nhiều năm khuyến cáo Trung Quốc không có kết quả, Hoa kỳ đã thay đổi chiến thuật tố cáo đích danh Trung Quốc đánh cấp tài liệu công nghiệp qua một mạng lưới gián điệp mạng. Phản ứng rất mạnh của các viên chức Mỹ cho thấy tầm mức thiệt hại kinh tế và mức độ lo ngại của Washington trước nạn tin tặc do Bắc Kinh điều khiển gây ra.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ  Eric Holder thông báo truy nã 5 sĩ quan TQ. Ảnh ngày 19/05/2014
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder thông báo truy nã 5 sĩ quan TQ. Ảnh ngày 19/05/2014 REUTERS/Keith Lane
Quảng cáo

Năm sĩ quan Trung Quốc bị tòa án Mỹ truy tố gồm : Vương Đông (Wang Dong), Tôn Khải Lượng (Sun Kai Liang), Văn Tân Vũ (Wen Xin Yu), Hoàng Chấn Vũ (Huang Zhen Yu), Cố Xuân Huy (Gu Chun Hui). Mạng lưới tin tặc này, từ năm 2006 đến năm 2014 đã đánh cắp bí mật thương mại của nhiều tập đoàn công nghiệp Mỹ trong các lãnh vực chiến lược từ năng lượng nguyên tử, mặt trời đến hạt nhân.

Theo chính phủ Mỹ, trong số các đại tập đoàn công nghiệp bị tấn công có Westinghouse, US Steel, Allegheny Technologies, Alcoa và nhiều chi nhánh của SolarWorld.

Một bằng chứng cụ thể là vào năm 2010, trong khi tập đoàn năng lượng hạt nhân Westinghouse đàm phán với một công ty nhà nước Trung Quốc về một hợp đồng xây nhà máy hạt nhân thì họa đồ của lò phản ứng bị tin tặc đánh cắp. Nhiều công ty khác của Mỹ trong khi thương lượng với đối tác Trung Quốc cũng bị tấn công chiếm đoạt hàng ngàn thư điện tử trong đó có nhiều bức thư liên quan đến tiến trình thảo luận.

Đích thân bộ trưởng tư pháp Mỹ Eric Holder tuyên bố « Số lượng tài liệu mật và thông tin nhạy cảm bị đánh cắp quan trọng đến mức cần phải đáp trả một cách mãnh liệt ». Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đe dọa là Hoa Kỳ « không tha thứ hành động của bất cứ nhà nước nào phá hoại các công ty Mỹ ».

Theo bản cáo trạng, tin tặc của quân đội Trung Quốc đánh cấp tài liệu để cho doanh nghiệp tư nhân và quốc doanh Trung Quốc sử dụng để cạnh tranh với Hoa Kỳ.

Đơn vị 61398

Vai trò của « Đơn vị 61398 » được Mỹ phát hiện từ nhiều năm trước và lần đầu tiên được đề cập trong một bức mật điện năm 2009, được WikiLeaks tiết lộ. Đến năm ngoái 2013, trong một bản báo cáo đặc biệt về nạn tin tặc do cơ quan an ninh mạng Mandiant, tư vấn của chính phủ Mỹ, nêu tên đơn vị 61398 này đã gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ trung bình mỗi năm từ 24 tỷ đến 120 tỷ đôla.

Cơ quan Mandiant đã theo dõi đường dây tấn công và phăng đến một cao ốc 12 tầng mở ngoại ô Thượng Hải nơi « làm việc » của « hàng trăm hay hàng ngàn nhân viên ».

Giám đốc FBI James Comey lên án thẳng thừng chính quyền Trung Quốc sử dụng tin tặc để tạo lợi thế cho doanh nghiệp quốc doanh.

Những lời công kích mạnh mẽ này cho thấy Hoa Kỳ rất lo ngại quy mô gián điệp mạng của Bắc Kinh mà từ trước đến nay Trung Quốc vẫn phủ nhận.

Để phòng ngừa và cũng để buộc Trung Quốc phải hợp tác, Hoa Kỳ đã thành công lập ra một « nhóm làm việc Mỹ-Trung » về an ninh mạng năm 2013.

Thế nhưng, ngay sau khi năm sĩ quan Trung Quốc bị truy tố, Bắc Kinh lập tức lên án Mỹ « dàn dựng » chứng cớ và thông báo đình chỉ hợp tác chống tin tặc.

Thật ra thì đây chỉ là chuyện « kẻ cắp gặp bà già ». Trung Quốc cũng dựa vào tài liệu mật của tình báo Mỹ do Edward Snowden tiết lộ hồi năm ngoái lên án cơ quan NSA trong nhiều năm dài bí mật theo dõi tập đoàn viễn thông điện tử Hoa Vi (Huawei) nắm bắt được nhiều tài liệu nội bộ và mật mã các sản phẩm.

Vụ án gián điệp mạng sẽ làm quan hệ hai bên căng thêm trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gây sóng gió trong vùng châu Á Thái Bình Dương làm đích thân Tổng thống Obama phải sang tận nơi hồi đầu tháng Tư để trấn an các nước đồng minh.

Về phần Tư pháp Mỹ, tuy lệnh truy nã đã ban hành, nhưng làm cách nào để bắt 5 đối tượng người Trung Quốc ?

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.