Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Khóa tình yêu trên Cầu Nghệ Thuật (Pont des Arts) Paris

Trong số gần bốn chục cây cầu bắc ngang sông Seine ở Paris, Cầu Nghệ Thuật (Pont des Arts) gần Viện Bảo Tàng Louvre, thuộc loại nổi tiếng nhất, không chỉ ở Pháp mà trên toàn thế giới. Đó là vì công trình này tự nhiên đã trở thành điểm hẹn của những cặp yêu nhau, từ khắp nơi đổ về đây để hứa với nhau một tình yêu bất diệt.

Ổ khóa móc trên thành Cầu Nghệ Thuật (Pont des Arts Paris)
Ổ khóa móc trên thành Cầu Nghệ Thuật (Pont des Arts Paris) RFI/Trọng Nghĩa
Quảng cáo

Bắc ngang sông Seine khúc chẩy qua Paris có đến 37 cây cầu, từ chiếc cầu cổ xưa nhất nhưng lại có tên ngược lại là Cầu Mới (Pont Neuf), hoàn tất năm 1607, cho đến công trình gần đây nhất là cầu Simone de Beauvoir, khánh thành gần 4 thế kỷ sau, chính xác là vào năm 2006. Thế nhưng thuộc loại được biết đến nhiều nhất lại là một chiếc cầu nhỏ nhắn mang tên Cầu Nghệ Thuật (Pont des Arts), với nhịp bằng gang và sàn bằng gỗ, dành riêng cho khách bộ hành. Lý do là vì công trình này, với thời gian, đã trở thành điểm hẹn của những cặp tình nhân, từ khắp thế giới về đây để ''cụ thể hóa'' sự gắn bó của mình.

Biểu tượng cụ thể của những lời ''thề non hẹn biển'' là những cái khóa đủ kiểu, đủ cỡ, đủ mầu sắc, được gắn vào hàng rào mắt cáo dọc theo hai bên thành Cầu Nghệ Thuật. Việc dùng ổ khóa để ''buộc nhau lại'' là một tập quán thường thấy ở các nước phương Tây. Những đôi tình nhân cho khắc tên mình trên ổ khóa, gắn vào thành cầu, rời vứt chìa khóa xuống sông.

Đi dạo trên cầu, khách tham quan sẽ thấy đủ mọi loại khóa. Có những chiếc bên trên được khắc rõ tên của hai chủ nhân, thậm chí còn được trang trí thêm bằng cặp môi son hoặc hình trái tim, biểu tượng của tình yêu. Có cặp còn cẩn thận giải thích rõ hành động của mình, như ghi hẳn hàng chữ ‘’Chúng tôi rất yêu nhau, và ổ khóa chắc chắn này là bằng chứng’’. Bên cạnh đó, cũng có những ổ khóa chỉ ghi sơ sài hai chữ cái nối với nhau bằng một dấu cộng, hoặc là không ghi gì cả mà chỉ lồng vào nhau rồi gắn lên cầu.

Cầu Pont des Arts nhìn về phía Học Viện Pháp Quốc (Institut de France), bên trong có Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật.
Cầu Pont des Arts nhìn về phía Học Viện Pháp Quốc (Institut de France), bên trong có Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật. Blackpoulet/flickr.com

Ngoài các ổ khóa thông thường, khách còn thấy nào là khóa số, khóa giây, loại dùng để khóa xe đạp, thậm chí còn có cả khóa vô lăng xe hơi, chứng tỏ rằng tình yêu của những đôi đến đây mạnh đến mức không cần phải câu nệ hình thức. Lẽ dĩ nhiên là tên người hay chữ viết ghi trên các ổ khóa gồm đủ mọi ngôn ngữ, nhiếu nhất là tiếng Pháp, nhưng cũng có tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, cả tiếng Nhật, tiếng Hàn…

Nguồn gốc của tập quán khóa chặt tình yêu này cho đến nay vẫn là một ẩn số. Theo người Ý, thì mọi sự bắt nguồn từ một tiểu thuyết tình cảm nổi tiếng mang tựa đề ‘’Anh muốn có em’’ của Federico Moccia, trong đó hai nhân vật chính cùng nhau quàng một ổ khóa vào một trụ đèn trên cầu Ponte Milvio ở Rôma, ôm hôn nhau, rồi vứt chìa xuống sông Tivere.

Giả thuyết trên tuy nhiên không đủ sức thuyết phục vì tác phẩm của Federico Moccia mới chỉ được xuất bản vào năm 2006, trước khi được chuyển thể thành phim một năm sau đó. Nhiều người khác đã cho rằng nguồn gốc tập quán này xa xưa hơn, đã từng xuất hiện ở Matxcơva, Bruxelles, Kiev, Vilnius, ở các thành phố Ý Firenze (Florence), Venezia (Venise), hay ở Verona, quê hương của Roméo và Juliette.

Ngay tại Trung Quốc, các du khách trèo lên đỉnh Hoa Sơn đều không khỏi ngạc nhiên khi thấy hàng chùm ổ khóa gắn vào lan can thành núi, bên trên ghi tên các cặp yêu nhau.

Trở lại với Paris, khung cảnh hữu tình của Paris, của sông Seine thơ mộng, lãng mạn và đặc biệt của khu vực Cầu Nghệ Thuật, đã làm địa điểm này trở thành nơi lý tưởng để cho các cặp yêu nhau bày tỏ tình yêu bất diệt. Có điều là vì quá nổi tiếng, cho nên số lượng ổ khóa gắn vào thành cầu quá nhiều, gây lo ngại cho chính quyền thành phố.

Để bảo vệ nơi được xếp là di tích lịch sử từ năm 1975 này, Tòa Đô Chính Paris đã quyết định gỡ bỏ bớt những  ổ khóa gài trên thành Cầu Nghệ Thuật. Thế nhưng đây sẽ là một công việc dài hơi vì lẽ ngày nào cũng có những cặp yêu nhau đến đó để ''khóa chặt'' tình yêu của mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.