Vào nội dung chính
PHÁP

Tranh luận ở Pháp về việc bảo vệ nguồn thông tin của báo chí

Việc bảo vệ nguồn thông tin của các nhà báo được xem như là một quyền về mặt luật pháp.Tòa án Nhân quyền châu Âu đã từng trừng phạt các nước Anh, Bỉ, Luxembourg vì đã đưa ra tòa các nhà báo từ chối làm nhân chứng, hoặc do đã ra lệnh khám xét các tòa soạn báo hay nhà riêng các phóng viên.

Theo phóng viên G. Davet của báo Le Monde, Phủ Tổng thống đã vi phạm luật tự do báo chí (AFP)
Theo phóng viên G. Davet của báo Le Monde, Phủ Tổng thống đã vi phạm luật tự do báo chí (AFP)
Quảng cáo

Sự kiện mới đây là nhật báo uy tín của Pháp, tờ Le Monde tố cáo Phủ Tổng thống sử dụng đến cơ quan phản gián để truy tìm nguồn cung cấp thông tin cho báo chí, đã khơi lại chuyện dài Woerth - Bettencourt đang làm chính phủ lúng túng từ vài tháng qua, và được các báo Pháp ra ngày hôm nay rất chú ý. Bên cạnh đó là vấn đề trục xuất người Rom đang bị Ủy ban châu Âu đe dọa trừng phạt.

Nhật báo cánh tả Libération chạy tựa trang nhất : « Phe hữu bị nhấn chìm ». Bài báo trang trong mang tựa đề: «Rò rỉ thông tin : một thông cáo chính thức với nhiều lỗ hổng”, nói về việc tuy Bộ Nội vụ đã cố chứng minh rằng việc cảnh sát điều tra nguồn thông tin cho tờ Le Monde là có cơ sở, nhưng thật ra có nhiều điều bất hợp lý.

Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia Frédéric Pechenard cho biết là đã tự ý ra lệnh cho cơ quan phản gián truy tìm nguồn rò rỉ thông tin, chứ không hề do yêu cầu của Phủ Tổng thống. Vụ này bắt đầu từ bài báo trên tờ Le Monde số ra ngày 18/7/2010 nêu chi tiết biên bản lời khai của Patrice de Maistre, người quản lý gia tài của nữ tỉ phú giàu nhất nước Pháp Liliane Bettencourt, ngay sau khi ông này vừa hết hạn câu lưu để thẩm vấn không bao lâu. Theo cơ quan cảnh sát, hiếm khi thấy có trường hợp một biên bản nhanh chóng xuất hiện trên báo chí như vậy, ngay cả các luật sư cũng không được tham khảo. Cơ quan phản gián cho rằng họ đã làm đúng trong khuôn khổ bộ luật ngày 10/7/1991 về bảo vệ an ninh quốc gia.

Nhưng theo Libération, việc kiểm tra danh sách các cuộc gọi của ông David Sénat, viên chức cao cấp giúp việc cho Bộ trưởng Tư pháp, người bị nghi là đã cung cấp thông tin cho báo chí, chưa hề được Viện Kiểm sát thông qua. Ủy ban hành chính phụ trách việc kiểm soát các cuộc nghe trộm điện thoại cũng không được hỏi ý kiến. Và như vậy, kết quả « kiểm tra kỹ thuật » của cảnh sát như trên có nguy cơ bị xem là bất hợp pháp.

Trả lời phỏng vấn của Libération, giáo sư Emmanuel Derieux, chuyên gia về luật báo chí cho biết, bộ luật ngày 4/1/2010 đã mở rộng và củng cố luật tự do báo chí của Pháp ngày 29/7/1881, cho phù hợp với luật lệ châu Âu. Tòa án Nhân quyền châu Âu đã từng trừng phạt các nước Anh, Bỉ, Luxembourg vì đã đưa ra tòa các nhà báo từ chối làm nhân chứng, hoặc do đã ra lệnh khám xét các tòa soạn báo hay nhà riêng các phóng viên.

Theo luật mới, thì « Chỉ có thể dành ngoại lệ cho việc vi phạm trực tiếp hay gián tiếp nguyên tắc về bi mật thông tin báo chí trong trường hợp nhất thiết phải bảo vệ cho bằng được lợi ích công cộng ». Luật không nói cụ thể, nhưng có thể giả thiết rằng đó là khi phải đấu tranh chống khủng bố, và trong trường hợp với báo Le Monde trên đây thì có vẻ không phù hợp. Và nếu phải tiến hành đi nữa, thì cũng cần được tư pháp cho phép.

Giáo sư Derieux phân tích, việc bảo vệ nguồn thông tin của các nhà báo được xem như là một quyền về mặt luật pháp, tuy nhiên việc không tôn trọng nguyên tắc này lại không được định nghĩa như yếu tố cấu thành một vi phạm hình sự. Như vậy, tốt nhất là chính nhà báo liên quan đưa đơn kiện thay vì tòa soạn báo Le Monde.

Trong phần xã luận, nhật báo Libération nhận định, việc chính quyền cho cơ quan phản gián điều tra nguồn thông tin, là « vừa buồn cười vừa đáng lo ngại ». Đành rằng tất cả các định chế nhà nước hay tư nhân đều có thể tìm cách bảo mật thông tin, nhưng phải trong khuôn khổ chặt chẽ của luật pháp. Tuy Phủ Tổng thống đã cải chính không hề chỉ đạo cho phía phản gián điều tra, nhưng Libération đặt câu hỏi : Liệu có phải chính quyền đã điều động cảnh sát một cách trái phép, hay là chính cơ quan cảnh sát đã tự xem mình là một nhà nước nhỏ trong một nhà nước lớn ? Theo tờ báo cánh tả, cả hai trường hợp này đều đã xâm phạm đến quyền tự do thông tin.

Lần đầu tiên đẩy lùi được nạn đói trên thế giới

Các báo Pháp hôm nay đều chú ý đến sự kiện lần đầu tiên thế giới đã đẩy lùi được nạn đói, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc được công bố vào hôm qua.Riêng tờ Le Figaro nhấn mạnh : « Nạn đói lùi bước trên thế giới, nhờ vào châu Á. »

Lần đầu tiên kể từ 15 năm qua, số người bị nạn đói trên thế giới từ 1 tỉ 23 triệu người trong năm qua, đã giảm xuống còn 925 triệu người trong năm 2010, có nghĩa là đã có 108 triệu người thoát được nạn đói. Kết quả đáng khích lệ này tuy vậy hãy còn quá khiêm tốn, vì mục tiêu đặt ra trước đây là giảm bớt 500 triệu người bị đói trên toàn cầu từ nay cho đến năm 2015.

Báo cáo này được đưa ra trước hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra vào đầu tuần tới, nhằm điểm lại kết quả của cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo trên thế giới. Chính các quốc gia mới nổi ở châu Á đã đạt được những tiến bộ rất đáng kể nhờ tỉ lệ tăng trưởng cao, cho dù vẫn còn bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Trung Quốc, nền kinh tế thứ nhì thế giới là nước có triển vọng đạt được mục tiêu chống nạn đói vào năm 2015, tiếp theo đó là Việt Nam.

Pháp lo ngại sự cạnh tranh của tàu cao tốc Trung Quốc

Trên lãnh vực kinh tế, phụ trang báo Le Figaro đề cập đến thách thức về việc thành lập một « Airbus đường sắt» nhằm đối phó với sự cạnh tranh của tàu cao tốc Trung Quốc.

Tờ báo nhắc đến sự kiện hôm thứ hai đầu tuần này, thống đốc bang California là ông Arnold Schwarzenegger đã đề nghị mua tàu cao tốc của Trung Quốc, còn hôm qua thứ ba, lại khen ngợi tàu Shinkansen của Nhật. Le Figaro đặt câu hỏi, liệu mối đe dọa Trung Quốc có thể làm thay đổi bộ mặt của ngành đường sắt châu Âu hay không ?

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Pháp cho rằng, nếu đất nước đã phát minh ra tàu cao tốc lại không thể xuất khẩu được thì sẽ rất đáng tiếc. Giả thiết tập đoàn Alstom của Pháp hợp tác với tập đoàn Siemens của Đức để tập trung sức mạnh, như trường hợp Airbus, đã được nêu lên ; nhưng có vẻ khá phức tạp. Trong khi đó tham vọng vươn ra thị trường quốc tế của Trung Quốc rất rõ, họ đã gạ gẫm từ Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Ả rập Xê út cho đến bang California của Hoa Kỳ ; và hơn nữa, người Trung Quốc với túi tiền đầy cũng sẵn sàng tài trợ cho các dự án.

Sau khi được chuyển giao kỹ thuật từ các tập đoàn quốc tế nổi tiếng, đặc biệt là Siemens, Trung Quốc khẳng định từ nay họ đã làm chủ được « công nghệ tàu cao tốc hiện đại nhất thế giới ». Tuy nhiên một chuyên gia cho biết, tàu cao tốc của Trung Quốc hiện đang còn nhiều khiếm khuyết. Hầu hết chỉ mới đạt vận tốc 250km/g, mỗi ngày chỉ có một, hai đoàn tàu chạy được với vận tốc 300km/g. Trung Quốc cũng không nắm vững được kỹ thuật bảo trì, chất lượng cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin cũng không thể đảm bảo được việc phục vụ 100% cho các đoàn tàu cao tốc.

Người dân Anh đề nghị các biện pháp tiết kiệm

Theo nhật báo Le Monde, từ ba tháng qua, người dân Anh đã được chính phủ của ông David Cameron khuyến khích đưa ra các giải pháp nhằm giúp giảm bớt mức thâm hụt ngân sách kỷ lục trong thời bình, lên đến 186 tỉ euro. Đến nay đã có khoảng 100.000 sáng kiến được đưa lên trang web của Bộ Kinh tế Anh.

Có những sáng kiến khá độc đáo, chẳng hạn bắt các tù nhân nấu ăn cho các bệnh viện hay nhà dưỡng lão, cho trồng rau quả trên nóc các công sở kể cả Nghị viện để bán, kêu gọi tài trợ cho các cuộc diễu binh tuy ngoạn mục nhưng tốn kém, đánh thuế trên những ai tổ chức picnic tại các công viên…Một số người còn đòi đặt dấu chấm hết cho Hoàng gia Anh, để tiết kiệm ít nhất 40 triệu bảng Anh một năm. Những người ôn hòa hơn đề nghị Nữ hoàng Anh bán đi các con thiên nga, mà theo luật thì thuộc quyền sở hữu của Hoàng gia.

Trước mắt thì chính phủ đã sử dụng ba đề nghị của các công dân. Những tấm thẻ bảo hiểm y tế bọc nhựa sẽ được thay thế bằng những tấm bìa cứng đơn giản, giảm bớt các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo đối với các bác sĩ trẻ, và các trang thiết bị đã qua sử dụng của các cơ quan hành chính sẽ được bán lại qua Internet.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.