Vào nội dung chính
PHÁP - TRUNG QUỐC - NHÂN QUYỀN

Giới nhân quyền bức xúc vì nhân quyền bị lơ là khi chủ tịch Trung Quốc thăm Pháp

Kể từ hôm nay, chủ tịch Trung Quốc chính thức công du nước Pháp trong vòng ba ngày. Chương trình đón tiếp dự trù rất linh đình với một loạt cuộc tiếp xúc với Tổng thống Pháp. Trong những ngày qua, rất nhiều tiếng nói đã vang lên, yêu cầu Tổng thống Pháp đề cập đến vấn đề nhân quyền với lãnh đạo Trung Quốc.

Thả bồ câu trong cuộc mít tinh do Tổ chức Phóng viên không biên giới tổ chức để ủng hộ giải Nobel Hòa bình Trung Quốc, ông Lưu Hiểu Ba, gần trung tâm Pompidou (Paris), ngày 4/11/2010.
Thả bồ câu trong cuộc mít tinh do Tổ chức Phóng viên không biên giới tổ chức để ủng hộ giải Nobel Hòa bình Trung Quốc, ông Lưu Hiểu Ba, gần trung tâm Pompidou (Paris), ngày 4/11/2010. REUTERS/Benoit Tessier
Quảng cáo

Sở dĩ giới bảo vệ nhân quyền đã phải lên tiếng, đó là vì họ sợ rằng ông Nicolas Sarkozy sẽ né tránh hồ sơ nhậy cảm này, vì muốn tranh thủ hậu  thuẫn chính trị của Trung Quốc trong tương lai, khi nước Pháp lên nắm chức chủ tịch nhóm G.20. Mặt khác, Paris cũng ngắm nghía một loạt hợp đồng thương mại trị giá hàng tỷ đô la cho các doanh nghiệp Pháp.

Ngay từ hôm qua, ông Jean François Juillard, giám đốc Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã tỏ ý lo ngại là vấn đề nhân quyền sẽ hoàn toàn bị bỏ qua, hay là chỉ được đề cập đến ở cấp cố vấn mà thôi. Phóng viên Không Biên giới lo sợ rằng nhân quyền sẽ bị hy sinh vì lợi ích kinh tế.

Thái độ lo ngại của giới bảo vệ nhân quyền lại càng gia tăng khi vào hôm qua, phủ Tổng thống Pháp xác nhận là hai nguyên thủ quốc gia sẽ không tổ chức họp báo chung, nhân chuyến công du Pháp Quốc của ông Hồ Cẩm Đào. Đây là một quyết định đi ngược lại thông lệ ngoại giao của những chuyến quốc du, nhưng Điện Elysées cho biết là cả hai phía đều đồng ý như vậy.

Ông Jean Marie Fardeau, đại diện tại Pháp của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, đã tỏ ý hết sức thất vọng trước quyết định vừa kể. Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông giải thích là không có họp báo, có nghĩa là không ai chất vấn được người lãnh đạo Trung Quốc về nhân quyền.

Không chỉ có các tổ chức bảo vệ nhân quyền tỏ thái độ quan ngại, mà một số chính khách cũng quan tâm đến hồ sơ này. Ông Lionnel Luca một dân biểu đảng UMP đang cầm quyền, chủ tịch Nhóm nghiên cứu về Tây Tạng tại Quốc Hội Pháp, đã nhấn mạnh đến yếu tố toàn diện trong đối thoại Pháp Trung để yêu cầu tổng thống Pháp lên tiếng. Trả lời RFI, ông xác định :

« Theo tôi, nhất thiết phải đề cập đến vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc, nhất là khi đây là nước có đến hai công dân đoạt giải Nobel Hòa bình, nhưng một người thì phải lưu vong, còn người kia bị nhốt trong tù với bản án 11 năm về tội bất đồng chính kiến.

Tôi chỉ hy vọng rằng Tổng Thống Pháp sẽ dành thì giờ để đề cập với vị thượng khách về những vấn đề của một nước không chuyển biến theo hướng dân chủ mà còn đi theo chiều ngược lại.

Đối thoại toàn diện Pháp Trung, theo đúng nghĩa « toàn diện », là phải nói đến mọi vấn đề, chứ không chỉ giới hạn trong địa hạt buôn bán kinh doanh. »

Trước dư luận bất bình, chính quyền Pháp đã lên tiếng trấn an. Hôm qua, một quan chức phủ Tổng thống đã xác định rằng « Không hề có bất kỳ chủ đề cấm kỵ nào » trong các cuộc tiếp xúc song phương giữa hai nguyên thủ. Thế nhưng nhân vật này nhấn mạnh « Hai nước đã có hợp tác từ lâu trong địa hạt nhân quyền. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.