Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Tòa án Pháp xét xử cựu tổng thống Chirac với tội tạo việc làm giả

Chiều nay, 07/03/2011, tòa án tiểu hình Paris chính thức mở phiên xét xử cựu tổng thống Jacques Chirac trong vụ tạo công việc làm giả khi ông còn làm thị trưởng Paris. Đây là lần đầu tiên, một cựu tổng thống Pháp phải ra tòa.

Cựu tổng thống Pháp đến thăm Hội trợ Nông nghiệp Paris, 22/02/2011 (Reuters)
Cựu tổng thống Pháp đến thăm Hội trợ Nông nghiệp Paris, 22/02/2011 (Reuters)
Quảng cáo

Hơn 80 đài truyền hình, phát thanh, báo chí có mặt tại phiên tòa. Các phóng viên của khoảng 3 chục quốc gia cũng tới Paris để đưa tin sự kiện này.

Các luật sư của ông Chirac đã thương lượng với tòa để thân chủ của họ không phải ra trước tòa ngày hôm nay. Tuy nhiên, có một sự kiện xẩy ra vào phút chót và có thể làm cho phiên tòa bị đình hoãn, ít nhất là sáu tháng vì vấn đề thủ tục tố tụng.

Vụ việc liên quan đến ông Chirac và được đem ra xét xử ngày hôm nay đã xẩy ra cách nay hơn 15 năm. Trong suốt 12 năm, trên cương vị tổng thống, ông Chirac được quyền miễn trừ tư pháp.

Ông Chirac bị xét xử hai vụ việc. Ông bị truy tố với tội danh tạo công ăn việc làm giả, liên quan đến việc tuyển dụng 21 người, trên danh nghĩa làm việc cho tòa thị chính Paris mà ông Chirac là thị trưởng, nhưng thực ra, họ lại làm việc cho đảng RPR (tiền thân của đảng UMP hiện nay). Vào thời điểm đó, ông Chirac là chủ tịch đảng RFP.

Cựu tổng thống Pháp còn bị truy tố với tội danh « biển thủ công quỹ », tức là dùng tiền của tòa thị chính để trả lương cho những người này.

Xin nhắc lại là trong vụ việc này, ông Alain Juppé, hiện là Ngoại trưởng Pháp, lúc đó là phó thị trưởng phụ trách tài chính, tổng thư ký đảng RPR, đã phải ra tòa năm 2004. Ông đã lãnh án 18 tháng tù treo và 10 năm cấm ứng cử. Sau khi kháng án, ông chỉ còn bị án 14 tháng tù treo và một năm cấm ứng cử.

Trong vụ này, khung hình phạt tối đa đối với cựu tổng thống Pháp là 5 năm tù. Tuy nhiên, viện Công tố Pháp đã đề nghị miễn tố.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, ông Chirac là một chính trị gia cực kỳ khôn ngoan. Cách nay không lâu, đảng UMP đã dàn xếp với tòa thị chính Paris và chấp nhận đền 2,2 triệu euro thiệt hại, trong đó, đảng UMP chi 1,65 triệu, còn ông Chirac trả 550 ngàn euro. Đổi lại, tòa thị chính Paris không kiện ông Chirac nữa.

Chỉ vài ngày trước khi mở phiên tòa, vào tuần trước, luật sư của một trong 9 bị cáo đã đệ trình lên tòa yêu cầu xem xét tính hợp hiến. Luật pháp của Pháp cho phép một bị cáo, về mặt tố tụng, được quyền phản bác trước tòa tính hợp hiến của hồ sơ sẽ được xét xử, cụ thể là thời hiệu truy tố. Theo luật sư của bị cáo thì các vụ việc xẩy ra đã hết thời hiệu truy tố và do vậy, không thể tiến hành truy tố và xét xử.

Trong phiên tòa ngày hôm nay, chánh tòa phải có trả lời nhanh chóng trước đề nghị này. Nếu tòa Paris chấp nhận đề nghị, thì vấn đề sẽ được chuyển lên tòa Phá án và phiên xử ông Chirac sẽ bị đình hoãn ngay lập tức.

Tòa Phá án có ba tháng để xem xét, sau đó, lại chuyển lên Hội đồng Bảo hiến. Và trong trường hợp này, vụ xét xử ông Chirac có thể bị đình hoãn vô thời hạn, bởi vì ông Chirac, trong tư cách là cựu tổng thống, là một thành viên của Hội đồng Bảo hiến. Chủ tịch Hội đồng Bảo hiến, Jean Louis Debré là người của ông Chirac.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.