Vào nội dung chính
PHÁP

Vai trò của báo chí trong vụ Dominique Strauss-Kahn

Vụ án Dominique Strauss-Kahn (DSK) mấy ngày qua thu hút mạnh mẽ báo chí thế giới. Vụ án vốn đã phức tạp, những phân tích đa dạng, trái chiều của báo chí khiến nó càng thêm rối rắm. Độc giả như lạc vào một rừng thông tin, không biết đâu là con đường dẫn đến sự thật. Với bài viết « Vai trò của giới truyền thông trong vụ DSK », Le Monde ghi lại ý kiến của ông Herve Brusini, giám đốc đặc trách trang web của hệ thống truyền hình France Télévision (Pháp).

Hình ảnh cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn liên tục chiếm trang nhất các tờ báo Pháp.
Hình ảnh cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn liên tục chiếm trang nhất các tờ báo Pháp. Reuters
Quảng cáo

Tối thứ Bảy tuần rồi, truyền thông Mỹ đưa hình ảnh một nhân vật nổi tiếng thế giới, một người Pháp có tương lai đầy hứa hẹn. Đó là ông Dominique Strauss-Kahn, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ứng viên sáng giá nhất của cánh tả trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2012.

Bị bắt, giám định, giải trình… chúng ta đã lại sống trong chuỗi diễn tiến thường lệ của một vụ việc vốn đã qua quen thuộc trong cuộc sống. Mỗi hình ảnh truyền tải đến công chúng như góp phần làm cho sự sụp đổ của ông Dominique Strauss-Kahn càng thêm nhanh chóng.

Báo Pháp phẫn nộ khi thấy một trong những đồng hương nổi tiếng nhất của họ bị bêu riếu trước thế giới. Báo chí Mỹ thì phê phán « sự thông đồng vốn dĩ quá quen thuộc » của báo giới Pháp qua việc cố tình lặng thinh khi đời sống riêng tư của các chính khách bị phơi bày. Từ đó, báo giới Mỹ cho rằng, các nhà báo Pháp trước tiên hãy kiểm điểm bản thân mình, rồi hãy đi « dạy dỗ » người khác.

Như vậy, theo tác giả, trong khi sự việc còn chưa rõ ràng, trong khi vụ việc đang ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới, thì báo giới lại « chém giết nhau » trước mắt công chúng.

Theo tác giả, ở Mỹ, minh bạch là một đòi hỏi bao trùm trong đời sống công cộng hay riêng tư. Sự nghiêm ngặt về đạo đức dẫn đến biện pháp răn đe kiên quyết. Khi vi phạm điều đó, có nghĩa là đưa lưng cho mọi người phán xét như bị quan tòa xét xử trước pháp đình vậy. Bởi thế, báo giới luôn điều tra để tìm ra sự thật.

Ở Mỹ, điều tra là một trong những cơ sở chính để làm ra thông tin. Tác giả nhấn mạnh trong tiến trình tìm đến sự thật này, tại Hoa Kỳ, tình dục là một trong những « bóng ma » chập chờn thu hút các cuộc điều tra. Tình dục liên quan đến tất cả mọi người, từ chính trị gia, doanh nhân hay cảnh sát. Hiện tại, ở các nhà sách tại nước này, người ta có thể dễ dàng tìm thấy tài liệu về top ten những xì căn đan tình dục của các chính trị gia.

Đề cập đến chủ đề tình dục trên báo giới Pháp, ông Brusini cho rằng, báo chí Pháp xưa cũng đề cập đến, nhưng lại bị bó buộc trong cái gọi là đạo đức nghề nghiệp, như nguyên tắc phải tôn trọng đời sống riêng tư.

Thế nhưng, cách đây ít lâu, sự việc đã có nhiều thay đổi. Cuộc sống riêng tư cũng bắt đầu đòi hỏi phải minh bạch, bất chấp vai trò của chính trị gia liên quan lớn đến mức nào. Đã qua rồi thời kỳ cố tình im lặng trước xì-căng-đan của người có tiếng tăm.

Việc báo giới Pháp viết và bình luận một cách e de về đời sống riêng tư như vậy vừa tích cực và cũng vừa tiêu cực. Tích cực là tránh việc lạm dụng truyền thông tấn công người nổi tiếng. Thế nhưng, tiêu cực là ở chỗ, nếu chuyện phòng the mà báo chí né tránh có hại đến quốc gia ? Nếu hành vi trong phòng the có tính chất tội phạm ? Trong trường hợp đó, có nên tiếp tục lối viết “đề phòng” như trên không?

Cuối cùng, tác giả kết luận: vụ Dominique Strauss-Kahn đang đặt lại vấn đề về giá trị của sự thật, một vấn đề mà các quốc gia dân chủ đang đối mặt hằng ngày.

Vụ án DSK tiếp tục là chủ đề ưu tiên của báo chí Pháp

Trang nhất nhật báo Liberation có bài “DSK, người tạm trú”. nhật báo Le Figaro chạy tựa lớn “DSK, một sự tự do đầy rối rắm”. Hai tờ báo cho biết, tối qua, ông DSK đã được cho tại ngoại hầu tra, sau khi phải vượt qua những khó khăn trong việc tìm được một nơi ở phù hợp với điều kiện của nhà tư pháp.

Đặc biệt, với hàng tựa “Sự vắng mặt của ông DSK kéo theo tranh cãi về cuộc bầu chọn người đại diện Đảng Xã hội ra tranh cử Tổng thống”, bài viết trên tờ Le Monde cho hay, sự vắng mặt của ông DSK làm phức tạp thêm tình hình nội bộ của Đảng Xã hội Pháp, và cũng kéo theo nhiều rắc rối trong việc tìm người kế nhiệm ông tại IMF.

Trung Quốc bị thiếu điện

Le Monde cho biết, nền kinh tế thứ hai thế giới đang vấp phải vấn đề thiếu điện.

Theo một số quan chức Trung Quốc, tình hình năm 2011 sẽ còn tệ hại hơn năm 2004. Vào năm đó, thường xuyên xảy ra cúp điện, và chính phủ buộc phải hạn định mức phân phối điện.

Khó khăn hiện tại một phần là do giá nguyên liệu quá cao. Giá than tăng vọt đã làm điêu đứng các nhà sản xuất năng lượng nước này. 80% lượng điện của Trung Quốc được sản xuất với chất đốt là than đá.Trong bối cảnh đó, chính phủ không chấp nhận tăng giá điện, dù so với năm 2007, giá điện chỉ tăng được 15%, trong khi giá than đã tăng đến mức 75%.

So với các nhà sản xuất công nghiệp Hoa Kỳ, nhà sản xuất Trung Quốc có điều thua thiệt: nhà sản xuất ở Mỹ chỉ trả có 0,07 đô la cho 1 kw điện, trong khi ở Trung Quốc là 0,12 đô la. Sự chênh lệch này do chi phí sản xuất điện ở mỗi nước khác nhau. Mỹ sử dụng than ít hơn hai lần so với Trung Quốc.

Trước mắt, việc tăng giá điện sẽ cho phép giảm mức cầu, thế nhưng, các nhà chức trách lại lo sẽ kích thích lạm phát đã cao đến 5,3 % trong tháng Tư rồi.

Theo Le Monde, trong dài hạn, Trung Quốc sẽ có lợi khi tăng giá điện. Thứ nhất, chính phủ có thể dễ dàng hoàn thành mục tiêu siết chặt tiêu thụ năng lượng, thứ hai là có thể hoàn thành kế hoạch 5 năm vừa được Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua về việc hạn chế tiệu thụ điện.

Cần cải tổ G8 và G20

Với bài viết “Trong khối G8, không có Trung Quốc lẫn Ấn Độ”, Libération đăng bài phỏng vấn ông Thierry de Montbrial, giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Pháp.

Trả lời cho câu hỏi “G8 ngày nay có vai trò gì?”, ông De Montbrial nhận định, G20 qui tụ những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài những nước là thành viên khối G8, còn có những quốc gia mới phát triển, chiếm đến 85% GDP thế giới. Sự lớn mạnh của G20 đã đặt vấn đề về hiệu quả của sự tồn tại của G8.

Trong khối G8 không có Trung Quốc và Ấn Độ. Theo ông Montbrial, nếu khối này muốn tồn tại thì phải trở thành một tổ chức có mặt những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, không phải như Hội đồng hiện tại chỉ bao gồm những nước chiến thắng trong thế chiến thứ hai. Thế nhưng, việc cải tổ Hội đồng dù cần thiết nhưng rất khó thực hiện.

Khối G20 cũng gặp khó khăn về hiệu quả hoạt động. Để tiếp tục tồn tại với danh chánh ngôn thuận, khối này phải tỏ ra có một hiệu quả nào đó. Vì thế, năm rồi, nước chủ tịch G20 là Hàn Quốc đã đề nghị cho thành lập Ban thư ký thường trực khối.

Ông Montbrial lo ngại, những khối này có nguy cơ trở thành những tổ chức tư vấn cho thế giới, trong khi vài trò chính lại là đưa ra quyết định.

OCDE đề xuất chỉ số hạnh phúc của người dân

Le Figaro mang đến một thông tin thú vị qua bài viết “Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) đề xuất chỉ số của hạnh phúc”.

Trong khi cả thế giới mải miết chạy theo sự tăng trưởng GDP, xem đó như là thước đo của sự sung túc và hạnh phúc của người dân, thì OCDE đã vượt qua điều đó. Tổ chức này tranh thủ dịp sinh nhật lần thứ 50 của mình, đã đề ra một chỉ số mới để “sống tốt hơn”.

OCDE xem xét 11 tiêu chuẩn trong 34 nước thành viên: nhà ở, thu nhập, công việc, giáo dục, y tế, môi trường… OCDE sẽ công bố cụ thể một bộ hướng dẫn tổng hợp 11 tiêu chuẩn trên để làm cơ sơ đánh giá xếp hạng các nước.Tổ chức này qua đó cũng muốn gợi ý tưởng cho các chính phủ trong việc tìm ra chính sách hiệu quả hơn để tạo ra cuộc sống tốt hơn.

Tờ báo nhắc lại, Ngân hàng Thế giới là tổ chức quốc tế đầu tiên tiến hành đánh giá sự phát triển của các nước dựa trên các tiêu chuẩn giáo dục, y tế… thông qua chỉ số phát triển con người HDI. Một chuyên gia nhận định, nếu xem xét kỹ tiến trình phát triển của GDP/ người và HDI thì thấy rằng giữa chúng có mối quan hệ hỗ tương. Như vậy, GDP không phải là một chỉ số lỗi thời.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.