Vào nội dung chính
PHÁP - QUỸ TIỀN TỆ QUỐC TẾ

Quỹ Tiền tệ Quốc tế mang vận xui đến cho lãnh đạo người Pháp ?

Chủ đề ngự trị trên nhiều trang báo và bài xã luận của các nhật báo Pháp hôm nay, 05/08/2011, là sự kiện ngành tư pháp của Pháp mở điều tra về vai trò của bà Lagarde, đương kim Tổng giám đốc IMF trong vụ gọi là Bernard Tapie/Crédit Lyonnais. Rắc rối tư pháp này được cho là sẽ tác hại đến công việc của bà tại định chế quốc tế này.

Bà Christine Lagarde, tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế
Bà Christine Lagarde, tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Vào năm 2007, khi bà Lagarde giữ chiếc ghế Bộ trưởng Kinh tế Pháp, bà đã tán đồng việc bồi thường 400 triệu euros cho ông Bernard Tapie như theo phán quyết của toà án trọng tài, và tiền bồi thường được lấy từ công quỹ nhà nước. Tuy nhiên tính công minh của bà trong quyết định đó đã bị khiếu nại, buộc tư pháp nước Pháp phải điều tra.

Nhận định chung các báo là bà Lagarde sẽ ở trong thế yếu, cho dù Quỹ Tiền tệ trước mắt vẫn khẳng định tin tưởng vào vị Tổng giám đốc của họ. Tuy nhiên, sau vụ DSK, Libération cho là IMF lại ở trong thế rất bối rối.

Tờ báo Pháp còn đặt nghi vấn, về trách nhiệm của bà trong vụ Bernard Tapie, một người dễ dàng lui tới phủ tổng thống, trong lúc mà bà Lagarde thì từ trước đến nay, không che giấu thực tế là, bà không mấy đánh giá cao ông Tapie. Theo Libération, đám mây mù bao quanh vụ việc sẽ con dầy đặc trong một thời gian dài.

Tờ la Croix trong bài xã luận trang nhất, nêu câu hỏi : phải chăng là Quỹ Tiền tệ mang vận xui đến cho những lãnh đạo người Pháp ? Tờ báo nhắc lại là ngay từ thời các ông Jacques de Larosière và Michel Camdessus, những người tiền nhiệm của DSK và bà Lagarde, thì cuộc tranh luận đã rất căng thẳng, nhưng không phải là về cá nhân lãnh đạo, mà là về chính sách của IMF, đã bị chỉ trích rất gay gắt.

Nhưng dần dần, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cải thiện được hình ảnh của mình, lấy lại uy tín và tăng trọng lượng của nhân vật lãnh đạo. Sau sự cố buộc DSK phải từ chức và Christine Lagarde cựu bộ trưởng kinh tế lên thay thế, người ta cứ ngỡ là IMF sẽ bước vào một giai đoạn mới bình lặng hơn.

Dĩ nhiên là những gì đang đến với bà Lagarde khác hẳn với hồ sơ DSK, có nét giống chăng là không khí nghi ngờ đối với lãnh đạo người Pháp. Bà Lagarde sẽ phải ‘'cầm lái'’ trong bầu không khí này.

Quả là những gì đang diễn ra ở Paris không thuận lợi chút nào cho bà ở Washington, cũng như trong việc giải quyết khủng hoảng quốc tế.

Le Figaro, cũng trong bài xã luận, đã cùng nhận xét với đồng nghiệp Libération trên vấn đề trách nhiệm, và nhìn thấy là cho mở điều tra cũng có điểm tích cực.

Mở đầu bài xã luận, tờ báo đánh giá : Việc mở điều tra về vai trò của bà Lagarde không có gì đáng mừng, nhưng cũng không có gì đáng buồn, mà cũng không có gì đáng trách. Vì nếu Tòa án Đặc biệt đóng lại hồ sơ, không xét đơn của 9 nghị sĩ đảng Xã hội đưa lên vào tháng tư, thì sự vụ sẽ ồn ào lên, và sấm sét sẽ rơi xuống tổng thống Pháp.

Trong vụ việc này theo le Figaro, chính ông Sarkozy là người bị nhắm. Hồ sơ Tapie/Crédit Lyonnais khởi xướng vào năm 1993, rất phức tạp rắc rối, bà Lagarde chỉ là người thừa hưởng một hồ sơ gai góc, bà không dính líu gì cả, mà chỉ tán đồng quyết định của cơ quan quản lý nợ của Crédit Lyonnais, giao hồ sơ kiện cáo cho một toà án trọng tài.

Le Figaro khuyên là phải thận trọng, không nên tiên đoán vội vàng về kết quả điều tra.

Trung Quốc : Thịt heo tăng giá thách thức chính quyền

Libération chú ý đến Trung Quốc với hàng tựa hóm hỉnh : « Khi thịt heo tăng giá, Trung Quốc lên cơn ho », nói về khó khăn của Bắc Kinh trong việc đối phó với giá cả thịt heo đang tăng vọt.

Tác giả bài báo đi một vòng tại một khu chợ ở thủ đô Trung Quốc và nhìn thấy khách hàng vắng vẻ trước các quầy thịt cơ bản này. Lý do đơn giản : giá đã tăng 70% trong vòng một năm, và đặt chính quyền Bắc Kinh trước hai thách thức kinh tế và xã hội.

Theo Libération người dân đánh giá hiệu quả của chính phủ qua khả năng giải quyết vấn đề giá thực phẩm không ngừng tăng cao. Lượng thịt heo bán ra giảm đến 55% ở một số thành phố, cho thấy một phần lớn dân chúng không còn khả năng mua loại thịt này nữa. Tình hình rất là khẩn cấp, vì bất bình xã hội theo tờ báo còn nguy hiểm hơn là giới ly khai chính trị.

Libération nhắc lại là để làm giảm bớt căng thẳng trên thị trường thịt heo, chính quyền Trung Quốc đã cho nhập khẩu, và đang là nước nhập khẩu đứng đầu thế giới về thịt heo, chủ yếu nhập từ Hoa Kỳ, Canada, Liên Hiệp Châu Âu. 

Nhưng vấn đề là dân số Trung Quốc gia tăng, người dân khá giả lên đã tiêu thụ nhiều thịt hơn. Nếu vào năm 1990, một người Trung Quốc tiêu thụ hàng năm 19 ký thịt heo, thì năm 2010, lượng này tăng lên 39 ký.

Hiện nay, theo bài báo, chính quyền đã bị nhiều người chỉ trích. Một chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc cho là chính sự can thiệp của chính phủ làm giá cả giao động mạnh, và theo chuyên gia này, phải để thị trường tự điều hòa. Một chuyên gia khác đánh giá là chính phủ phải rút kinhh nghiệm về những sai lầm của mình.

Tóm lại theo Libération, giá thịt heo đã nêu bật thế nhập nhằng của Nhà nước Trung Quốc, vừa muốn can thiệp, nhưng cũng vừa muốn đóng vai trò nhà lãnh đạo không lộ diện của một nền kinh tế thị trường mới.

Nhật Bản từ bỏ thị trường màn hình ti vi ?

Phải chăng là chúng ta sẽ không còn có màn ảnh truyền hình Nhật Bản ? Vì theo bài báo trên les Echos, các tập đoàn Nhật đang đắn đo là có nên tiếp tục tự mình sản xuất mặt hàng này hay không ?

Theo Les Echos thì câu hỏi này ám ảnh các nhà chế tạo màn ảnh truyền hình xứ hoa Anh Đào từ khi tập đoàn Hà Lan Philips, vào tháng tư, tuyên bố quyết định rút khỏi thị trường màn ảnh truyền hình.

Tăp đoàn Hitachi, thứ tư vừa qua, đã lên tiếng là dự kiến ngưng sản xuất, nhưng vẫn tiếp tục bán máy dưới nhãn hiệu của họ, có điều là sẽ giao từ việc chế tạo, cho đến lắp ráp cho những công ty gia công nước ngoài. Cho đến nay theo Les Echos, Hitachi còn một xưởng sản xuất tại Nhật, nhưng cơ sở này sẽ đóng cửa trong tương lai hay chuyển sang sản xuất những mặt hàng khác.

Tập đoàn Sony cũng đang có tính toán tương tự. Hôm qua, Sony khẳng định là sẽ không bỏ lãnh vực này, đây là một ngành mà tập đoàn rất gắn bó. Theo Les Echos, Sony sẽ phải tính đến những hy sinh đau đớn để bù đắp lỗ lã.

Hiện nay các tập đoàn Nhật Bản, Hà Lan đều chiụ sự canh tranh rất gay gắt của các đối thủ Hàn Quốc và Trung Quốc, khiến họ phải hạ thấp giá cả, và không bù được khoản thiếu hụt bằng lượng máy bán ra, ngày càng giảm đi.

Sony dự kiến bán ra trong năm nay 22 triệu máy, thay vì 27 như tiên liệu trước đây. Hitachi cho biết sẽ bán ra 1,6 triệu máy năm nay, thay vì 1,9 triệu năm ngoái. Giá đồng yen cao so với euro và đô la cũng là một nguyên nhân gây khó khăn cho các tập đoàn này.

Hoa Kỳ : Thị trưởng New York rất hào phóng với thanh niên gặp khó khăn

Le Figaro hôm nay tiết lộ là thị trưởng New York Michael Bloomberg, sẵn sàng bỏ tiền túi : 30 triệu đô la để tương trợ cho thanh niên cộng đồng da đen hay Mỹ La tinh gặp khó khăn, trong lúc mà các cơ quan xã hội thành phố chịu bó tay.

Nghèo khó thất nghiệp dễ dẫn đến trộm cắp, hành động phi pháp, đây là tình trạng thường thấy nơi thanh niên cộng đồng da đen và châu Mỹ La tinh, và những cơ quan xã hội không đủ khả năng trợ giúp họ. Đây là tình cảnh mà nhiều thành phố lớn gặp phải, và nhất là khi họ phải giảm ngân sách xã hội. Có điều New York gặp may mắn ở chỗ là có được một thị trưởng tỷ phú bác ái.

Để trợ giúp cho những thanh niên từ 18 đến 24 tuổi, Thị trưởng New York có một chương trình kết hợp thành phố New York với một nhà tỷ phủ khác, George Soros. Hai người sẽ bỏ ra mỗi người 30 triệu đôla, tài trợ cho một đề án 130 triệu giúp thanh niên hội nhập trở lại vào xã hội. Thành phố New York sẽ chịu khoản còn lại. Chương trình sẽ bắt đầu vào tháng 9.

Hồ sơ lớn trên báo Pháp trong ngày

Thị trường tài chính thế giới u ám là chủ đề ăn khách. Le Figaro và Libération cùng chạy một hàng tựa : Ngọn gió hốt hoảng trên các thị trường chứng khoán. Les Echos thì nhìn thấy các thị trường đang ở trong nỗi tuyệt vọng.

Nạn đói ở Somalia là một đề tài khác mà báo Pháp hôm nay rất quan tâm : L’Humanité chỉ trích gay gắt các nước giàu với hàng tựa « Không trợ giúp các nhóm dân đang lâm nguy ». Tờ báo nêu con số 180.000 người Somalia chạy trốn nạn đói, chiến tranh, nhưng vẫn bị các cường quốc để mặc.

Tờ La Croix báo động tình hình rất khẩn cấp ở Somalia, nạn đói đang lan rộng, viện trợ quốc tế phải gia tăng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.