Vào nội dung chính
PHÁP - CHÍINH TRỊ - XÃ HỘI

Cựu tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn trở về Pháp

Sáng nay, 04/09/2011, ông Dominique Strauss-Kahn, cựu tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế - IMF, cùng với vợ, đã trở về Pháp, sau gần bốn tháng vướng vòng lao lý tại Mỹ trong vụ quan hệ tình dục với một phụ nữ dọn phòng ở khách sạn Sofitel - New York.

Ông Dominique Strauss-Kahn và vợ, bà Annne Sinclair, tại phi trường Charles de Gaulle sáng ngày  4/9/2011
Ông Dominique Strauss-Kahn và vợ, bà Annne Sinclair, tại phi trường Charles de Gaulle sáng ngày 4/9/2011 REUTERS/Eric Gaillard
Quảng cáo

Hồi tháng Năm vừa qua, ông Strauss Kahn bị bắt giữ ở New York khi đã ngồi trên máy bay để chuẩn bị về Pháp. Bị cáo buộc cưỡng hiếp, ông bị giam tại nhà tù Rikers Island. Từ trong nhà tù, ông đã phải viết đơn xin từ chức tổng giám đốc IMF. Sau đó, ông Strauss-Kahn được tự do có điều kiện và ngày 23/08 vừa qua, tư pháp Mỹ quyết định không khởi tố vụ án.

Trước khi bị dính vào vụ bê bối này, theo các cuộc thăm dò dư luận tại Pháp, ông Dominique Strauss-Kahn có được số người ủng hộ cao, không chỉ trong đảng cánh tả Xã Hội và cả trong dân chúng Pháp.

Tuy nhiên, giờ đây, việc ông Strauss-Kahn hồi hương có thể làm cho đảng Xã Hội bối rối, khó xử vào lúc đảng này đang chuẩn bị lựa chọn ứng viên cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Theo một số nhà phân tích chính trị Pháp, uy tín của ông Strauss-Kahn bị sứt mẻ nghiêm trọng. Tư pháp Mỹ chỉ từ bỏ khởi tố. Điều này có nghĩa là ông Strauss Kahn vẫn có thể có tội, nhưng tư pháp không thể mở phiên tòa xét xử vì nhân chứng không đáng tin cậy.

Thoát được án hình sự tại Mỹ, ông Strauss-Kahn vẫn bị kiện về dân sự trong vụ này. Đồng thời, tại Pháp, cựu lãnh đạo IMF sẽ phải đối mặt với tư pháp trong một vụ kiện khác. Từ đầu tháng Bẩy, cô Tristane Banon, tiểu thuyết gia, trước đây là nhà báo, đã đệ đơn kiện ông về tội « có ý định cưỡng hiếp ». Tư pháp đã cho mở một cuộc điều tra về vụ này.

Ông Gérard Grunberd, thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu, Học viện Khoa học Chính trị Paris, nhận định là ông Strauss-Kahn coi như bị loại ra khỏi cuộc chạy đua, ít nhất là cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Các ứng viên trong đảng Xã Hội cũng giữ khoảng cách và không ai muốn ông ta tái xuất hiện trên chính trường vào lúc này. Có thể nói, đảng Xã Hội cũng như các cử tri đều không muốn ông ta quay trở lại chính trường Pháp.

Theo cuộc thăm dò dư luận do cơ quan Ifop thực hiện cho báo Sud Ouest Dimanche, thì có tới 61% số người được hỏi phản đối việc ông Strauss-Kahn đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng hoặc thủ tướng, trong trường hợp ứng viên cánh tả thuộc đảng Xã Hội thắng cử tổng thống vào năm 2012.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.