Vào nội dung chính
PHÁP

Pháp: Tư pháp thẩm vấn một công tố viên vì điều tra trái phép các nhà báo

Với lý do điều tra trái phép các nhà báo của tờ Le Monde, trong những tuần sắp tới, một công tố viên và hai lãnh đạo cao cấp của ngành cảnh sát Pháp, sẽ bị thẩm vấn và có thể bị điều tra. Ba nhân vật này được coi là những người thân cận với tổng thống Nicolas Sarkozy.  

Công tố viên Philippe  Courroye
Công tố viên Philippe Courroye AFP/Fred Dufour
Quảng cáo

Đó là các ông Frédéric Pechenard, tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát quốc gia, Bernard Squarcini, lãnh đạo cơ quan phản gián và Philippe Courroye, công tố viên thành phố Nanterre, vùng phụ cận Paris.

Theo đơn kiện của báo Le Monde, Tư pháp cho mở điều tra về việc xâm phạm bí mật thư tín bởi người nắm giữ công quyền. Luật pháp của Pháp bảo vệ quyền được giữ kín nguồn thông tin của nhà báo. Bên bị hại là hai nhà báo, Raphaelle Bacqué và Jacques Follorou.

Vụ việc này xảy ra bên lề vụ án Bettencourt, chủ nhân tập đoàn mỹ phẩm Oreal, một trong ba người giàu nhất nước Pháp. Bất đồng trong việc quản lý tài sản giữa hai mẹ con bà Bettencourt đã nhanh chóng biến thành một vụ bê bối chính trị-tài chính : một số chính trị gia bị nghi ngờ nhận tiền tài trợ của bà Bettencourt, đưa người thân làm việc trong các công ty của nhà tỷ phú này. Cuối năm 2010, bộ trưởng Lao động Pháp Eric Woerth đã phải ra đi, bởi vì vào năm 2007, ông phụ trách ngân sách trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Nicolas Sarkozy.

Trong vụ án Bettencourt, báo Le Monde đã cho đăng nhiều thông tin làm cho chính quyền khó xử. Do vậy, hai lãnh đạo cao cấp của ngành cảnh sát, ông Frédéric Pechenard và ông Bernard Squarcini cũng như công tố viên Philippe Courroye đã tiến hành điều tra một cách bất hợp pháp, để xác định nguồn cung cấp thông tin cho các nhà báo Le Monde. Ví dụ, yêu cầu công ty điện thoại cung cấp hóa đơn chi tiết để tìm dấu vết liên lạc của các nhà báo.

Theo giới phân tích, vụ ba quan chức cao cấp bị tư pháp triệu tập, thẩm vấn, tiếp theo việc hai nhân vật gần gũi với tổng thống Sarkozy bị Tư pháp điều tra trong “vụ án Karachi” liên quan đến tham nhũng và tài trợ bất hợp pháp cho hoạt động chính trị, là một vố đau cho đương kim tổng thống Pháp.

Đáng chú ý nhất là việc công tố viên Philippe Courroye bị triệu tập và có thể bị điều tra. Công đoàn các thẩm phán USM nhận định trường hợp này rất hiếm tại Pháp.

Ông Courroye đã bị chỉ trích gay gắt khi được chỉ định làm người đứng đầu viện công tố Nanterre và trong việc tìm mọi cách nắm giữ vụ án Bettencourt và không giao cho thẩm phán điều tra.

Tại Pháp, các công tố viên phụ thuộc vào bộ Tư pháp, tức là có nguy cơ chịu sự chi phối của hành pháp (tức là của tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng). Còn các thẩm phán điều tra có quy chế độc lập. Do vậy, mặc dù có quyền tiến hành điều tra, nhưng thông thường, các công tố viên chuyển những vụ việc nhậy cảm, phức tạp cho các thẩm phán điều tra phụ trách.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.