Vào nội dung chính
PHÁP- TRUNG QUỐC

Tử Cấm Thành trong khuôn viên bảo tàng Louvre

Triển lãm mang tên « Tử Cấm Thành tại điện Louvre. Các hoàng đế Trung Quốc và các vị vua Pháp » được khai mạc từ ngày 29/09/11 cho đến ngày 09/01/2012 tại bảo tàng nổi tiếng nhất Paris. 130 cổ vật được trưng bày phản ánh giao lưu giữa các triều đại của Trung Quốc và Pháp từ đời nhà Nguyên cho đến đời nhà Thanh.

Nguồn : Bảo tàng Louvre
Quảng cáo

Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh gửi 130 cổ vật gồm tranh lụa, đồ gốm, sơn mài, ấn triện, long bào … đến bảo tàng Louvre, Paris để tham dự triển lãm vừa khai mạc hôm nay. Trong số này, có những bảo vật chưa từng rời khỏi Trung Quốc. Điển hình là quyển sổ tang bằng ngọc có ghi lại những công trạng của Hồng Vũ Đế, tức Minh Thái Tổ. Đương nhiên cuộc triển lãm nói trên không quên nhắc đến Minh Thái Tông, một vị hoàng đế kiệt xuất của đời Minh và cũng là người khởi xướng việc cho xây dựng Tử Cấm Thành, dời đô từ Nam Kinh về Bắc Kinh.

Triển lãm « Tử Cấm Thành tại điện Louvre » được chia ra làm ba phần : phần thứ nhất chú trọng vào lịch sử Trung Quốc qua các thời đại từ đời nhà Nguyên đến đời nhà Thanh được trưng bầy tại cánh Sully. Khu vực đã được xây dựng từ thời Trung Cổ của điện Louvre được dành để trưng bầy ma-két của Tử Cấm Thành và phần cuối của cuộc triển lãm được trưng bày ở cánh Richelieu tập trung vào 60 năm trị vì của Càn Long hoàng đế : đó là những năm được coi là cực thịnh của nhà Thanh.

Theo lời ông Jean Paul Desroches, giám đốc bảo tàng châu Á Guimet và cũng là một trong những người điều hành cuộc triển lãm « Tử Cấm Thành tại điện Louvre » bảo tàng Louvre đã phải bố trí lại không gian triển lãm để phù hợp với văn hóa của phương Đông. Chẳng hạn như ma-két Tử Cấm Thành được đặt tại điện Louvre cũng quay lưng về hướng Bắc và cổng chính mở ra hướng Nam. Phía Trung Quốc đã yêu cầu đối tác Pháp đặt không gian triển lãm gần Kim tự tháp bằng kính, tức là ngay cổng vào bảo tàng Louvre.

Ngoài ra cuộc triển lãm tại bảo tàng Louvre còn điểm lại giao lưu giữa Pháp với Trung Quốc từ thế kỷ 13 cho đến đầu thế kỷ 20. Dưới đời nhà Thanh, Khang Hy hoàng đế chủ trương nhìn rộng sang các nền văn hóa của phương Tây. Trị vì cùng thời với vua Louis thứ 14, Khang Hy đã đặc biệt chú ý đến những tiến bộ trong các lĩnh vực khoa học và văn hóa của Pháp.

Dưới triều đại Khang Hy một số họa sĩ châu Âu đã đến định cư tại Trung Quốc. Chính trong khuôn khổ giao lưu văn hóa này, danh họa người Ý, Giuseppe Castiglione (1688-1766) đã trở thành họa sĩ chính thức của triều đình, phục vụ ba triều đại liên tiếp từ Khang Hy đến Càn Long.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.