Vào nội dung chính
PHÁP - NỮ QUYỀN

Sự trỗi dậy của phong trào nữ quyền tại Pháp

Tuần báo Courrier International đặc biệt chú ý đến một diễn biến mới trong phong trào đòi nữ quyền tại Pháp, qua hồ sơ « Đừng gọi tôi bằng Cô! ». Tờ báo cho biết, từ ngày 27/9/2011, các hiệp hội nữ quyền Pháp khởi động chiến dịch « Không cần thiết có danh xưng ‘‘Cô’’ trong các thủ tục hành chính ». 

Khuyến nghị của Phong trào bỏ chữ "Cô" trong các văn bản hành chính. Theo trang http://www.madameoumadame.fr/
Khuyến nghị của Phong trào bỏ chữ "Cô" trong các văn bản hành chính. Theo trang http://www.madameoumadame.fr/
Quảng cáo

Mục tiêu của phong trào là xóa bỏ sự phân biệt trong xã hội giữa một phụ nữ có chồng (trong tiếng Pháp gọi là « Madame » - Bà) và một phụ nữ chưa chồng (« Mademoiselle » - Cô). Courrier International dẫn một số trích đoạn từ báo chí Châu Âu cho thấy câu chuyện riêng của nước Pháp nay đang trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên báo chí Châu Âu.

Bài « Họ muốn tiêu diệt danh xưng ‘‘Cô’’ ! », trích từ tờ báo Ý La Repubblica, đưa ra nhận xét về nghịch lý của việc duy trì sự phân biệt giữa phụ nữ có chồng và phụ nữ chưa chồng - một truyền thống có từ trước Cách mạng 1789 - tại Pháp, một đất nước được coi là quê hương của nhân quyền. Trên thực tế, sự phân biệt giữa phụ nữ có chồng và phụ nữ chưa chồng đã hoàn toàn biến mất ở Anh từ lâu, với việc dùng gộp hai danh xưng trong một danh xưng viết tắt Ms, trong khi tại Ý, các bản khai hành chính chỉ yêu cầu người khai ghi tên họ là đủ (chứ không cần phải thêm vào các danh xưng Ông, Bà hay Cô).

Tờ báo Ý La Repubblica bình luận, về mặt lý thuyết, một phong trào đòi hủy bỏ việc phân biệt kể trên tại Pháp là không cần thiết, vì ngay từ những năm 1960 – 1970, chính quyền đã ra nhiều thông tri để giải quyết, tuy nhiên, trên thực tế, phân biệt vẫn tiếp tục tồn tại. Theo tờ báo, giải pháp cho chuyện này rất đơn giản. Đó là đưa ra một thông tri mới chấm dứt sự phân biệt kể trên. Về chủ đề này, theo nhà nữ quyền Olivia Cattan, chủ tịch Hiệp hội Paroles des Femmes – Tiếng nói phụ nữ, việc chống lại các phân biệt đối xử trong ngôn từ không thực sự quan trọng, so với việc đấu tranh chống các bạo lực và phân biệt đối xử trên thực tế.

Sự phân biệt riêng có ở Pháp, giữa Mademoiselle - phụ nữ chưa chồng – với Madame - phụ nữ có chồng, kích thích sự tò mò phía bên kia eo biển Manche. Courrier International đặc biệt quan tâm đến thái độ từ nước Anh đối với các tranh luận tại Pháp. Theo nữ phóng viên Kim Willsher của báo The Guardian, thường trú tại Paris, mối quan hệ giữa nam và nữ tại Pháp vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của truyền thống cho rằng "nam giới là hào hoa và quyến rũ, trong khi đó phụ nữ thì quyến rũ và sẵn sàng để bị quyến rũ". Khi chấp nhận điều này, các phụ nữ Pháp cho rằng mối quan hệ giữa họ với đàn ông là phức tạp và thông minh hơn so với các phụ nữ Anh, Mỹ, đôi khi được cho là khô khan, khuôn mẫu và cứng nhắc trong tình yêu.

Nữ bình luận gia Anh gốc Pháp Jessica Reed, làm việc cho tờ The Guardian, thì thuật lại cảm nhận vô cùng ngạc nhiên của bà về việc một phụ nữ Pháp hơn hai mươi tuổi, chưa chồng, nhưng tự gọi mình bằng « » trong các giao thiệp hành chính, để được đối xử một cách tôn trọng hơn. Nữ phóng viên Anh nhận xét, thái độ trịch thượng của đàn ông lớn tuổi với phụ nữ trẻ, chưa chồng tại Pháp là điều không dễ thay đổi. Như vậy, một giải pháp trung gian, trong khi chờ đợi sự phân biệt này được xóa bỏ, là : các phụ nữ trẻ nào không chấp nhận việc bị phân biệt đối xử, hãy tự xưng là « », để được đối xử bình đẳng.

Phơi bày bí mật của chồng cũ : cách trả thù của các bà vợ bị đè nén

Cũng về mối quan hệ không dễ dàng giữa phụ nữ với đàn ông tại Pháp, tuần báo Le Nouvel Observateur đặc biệt chú ý đến thái độ tung hê của nhiều phụ nữ bỏ chồng, với hàng tựa trên trang bìa « Câu chuyện của các phụ nữ bỏ chồng [nổi tiếng], các thú nhận gây sốc sau khi ly hôn ». Le Nouvel Observateur ghi nhận trường hợp nhiều cựu phu nhân đột ngột trở nên nổi tiếng trong trong thời gian gần đây, tại Pháp, như bà Hélène de Yougoslavie, vợ cũ của ông Thierry Gaubert – nguyên cố vấn của tổng thống Pháp Sarkozy, và vợ cũ của nhà doanh nghiệp Ziad Takieddine. Đây là hai người bị cảnh sát điều tra trong « vụ án Karachi », được cho là có liên quan đến việc nhận và đưa các khoản tiền hoa hồng trong các hợp đồng mua bán vũ khí ngầm giữa Pháp và Pakistan trong những năm 1990.

Le Nouvel Observateur không quan tâm đến bản thân vụ án, mà chỉ chú ý đến việc các bà vợ bỏ chồng rất được công chúng chú ý đến, sau khi phơi bày các bí mật của chồng cũ trước công luận. Theo tuần báo, sự trả đũa của hai phụ nữ kể trên đối với những người chồng cũ không phải là chuyện đơn lẻ. Trước hai bà, nhiều người khác cũng đã làm như vậy. Le Nouvel Observateur dẫn ra một số trường hợp nổi tiếng, như Ségolène Royal, vợ cũ của François Holland – một trong các ứng cử viên nặng ký vào chức tổng thống Pháp (bản thân bà cũng đang trong cuộc đua tranh vào chức ứng viên của đảng Xã hội) hay Sylvie Brunel, nhà kinh tế, nhà văn, vợ cũ của nhà chính trị Pháp Eric Besson. Chia tay với chồng cũ vào năm 2009, sau gần ba mươi năm chung sống, bà Sylvie Bruel viết cuốn « Manuel de guérilla à l'usage des femmes » (tạm dịch là : Sách hướng dẫn phản kháng dành cho phụ nữ). Le Nouvel Observateur cho biết, trong thời gian gần đây tại Pháp, ngày càng có nhiều phụ nữ sau khi ly dị, đã quyết định bày tỏ trước công luận thái độ của họ đối với người chồng cũ « đỏng đảnh ». « Bị phản bội » là tình cảm chung mà nhiều phụ nữ thể hiện, khi kể lại chuyện cũ.

Le Nouvel Observateur nhận xét, không khí sôi sục trên sách báo tại Pháp kể trên thực ra có phần ngược với thực tế. Người Pháp ngày càng có xu hướng đồng thuận khi ly dị, với 54% số vụ ly hôn có thỏa thuận từ hai phía năm 2007, so với 41% vào năm 1996. Tuy nhiên, theo nhà phân tâm Serge Hefez, nếu như các cãi vã xung đột ít đi, thì các đòn trả đũa lại thường nặng nề hơn. Bởi nếu như trước kia, cách đây hai thế hệ, người ta lập gia đình theo sự sắp xếp, thì ngày nay các cặp vợ chồng chấp nhận chung sống chủ yếu là do đam mê. Yêu nhau lắm, cắn nhau đau, trong những trường hợp đó, ly dị trở nên một điều kinh khủng.

Nhà xã hội học François de Singly phân biệt hai trường hợp, khi các phụ nữ nổi tiếng chia tay với chồng cũ. Đối với các phụ nữ sống theo mô hình gia đình truyền thống, xa lạ với xã hội đương đại, hoàn toàn thu hẹp trong vai trò của một người vợ quán xuyến việc gia đình, hay xuất hiện cùng chồng, để làm đẹp cho chồng. Trong trường hợp này, bởi đã mang sẵn mặc cảm bị phủ nhận, bị lấn át, chỉ cần một bất đồng nhỏ, đời sống vợ chồng có thể tan vỡ ngay, và sự trả thù của những người vợ bất hạnh này là rất kinh khủng. Trong khi đó, đối với các phụ nữ nổi tiếng có một đời sống độc lập bên ngoài gia đình, sự đối kháng với chồng, trong trường hợp có bùng nổ thành ly dị, lại là một hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện nay. Nỗi bất hạnh của những người phụ nữ này dễ nhận được sự đồng cảm của những người cùng cảnh.

Liệu có mùa xuân Ả Rập ở Angola hay không ?

Nhìn sang châu Phi, tạp chí Courrier International tuần này chú ý đến tình hình tại Angola và trích dịch bài phân tích « Liệu có mùa xuân Ả Rập ở Luada hay không ? », được đăng trên báo Bồ Đào Nha Publico.

Theo bài báo, làn sóng phản đối đã xẩy ra tại Angola, nhưng để phong trào phản kháng này có được quy mô như cuộc nổi dậy mùa xuân Ả Rập, thì cần phải có một mạng lưới liên kết những người phản kháng của các khu vực khác nhau tại Angola. Hoặc phải xẩy ra một nhân tố kích phát, tạo nên được sự thống nhất, đoàn kết trong dân chúng trong các cuộc biểu tình, giống như tình hình lúc ban đầu ở Tunisia. Ngoài ra, theo ông Fernando Pacheco, điều phối viên Tổ chức Quan sát Chính trị - Xã hội Angola (OPA), thì còn cần phải có một lực lượng chính trị thay thế khả tín.

Trong những năm vừa qua, đã xẩy ra nhiều cuộc biểu tình tại Angola, như biểu tình chống xua đuổi những người không có nhà ở, phản đối tình trạng thiếu nước, điện … Thế nhưng, chưa bao giờ các cuộc biểu tình này lại dẫn đến tình trạng xuất hiện những lời kêu gọi thay đổi thực sự thể chế chính trị, đòi mở rộng quyền tự do, như hiện nay.

Theo tờ báo, thì phong trào phản kháng tại Angola khó có thể kéo dài, vì tản mạn, không rõ nét và không có gương mặt tiêu biểu. Bà Lisa Rimli, chuyên gia ban châu Phi thuộc tổ chức Human Rights Watch, nhận định : Lực lượng chính của phong trào phản kháng tại Angola là giới trẻ bất bình, nhưng không theo đảng phái chính trị nào cả. Thế hệ mới này muốn thấy và cảm thấy cần phải có cải cách. Các phong trào phản kháng này đã làm lộ diện nhiều vấn đề như các vụ giam cầm, dọa nạt, đe dọa tính mạng. Một khi các vụ này được tiết lộ cho công chúng, nó làm tiêu tan sự sợ hãi.

Chính phủ Angola lo ngại là các phong trào này sẽ thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế giống như tình hình tại Libya, Tunisia, Ai Cập. Để ngăn cản người dân tham gia các phong trào phản kháng, chính quyền dùng trường hợp của Libya để hù dọa là : Sự cuồng nhiệt của phong trào cách mạng sẽ dẫn đến nội chiến. Ông Bento Bento, bí thư thứ nhất đảng Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola - MPLA, đảng cầm quyền, đã cảnh cáo những người muốn gây ra rối loạn tại Angola. Ông nói, « Angola không phải là Ai Cập, Libya hay Tunisia. Những kẻ tìm cách biểu tình sẽ bị vô hiệu hóa bởi vì nước Angola có luật pháp và các định chế và một công dân tốt thì phải tuân thủ luật pháp và tôn trọng đất nước ».

Có nhiều người cho rằng, khác với cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập, tại Angola, áp lực đưa tới các thay đổi không đến từ các cuộc biểu tình của người dân trên đường phố, nó đến từ bên trong đảng cầm quyền MPLA. Theo Courrier International, sau 30 năm nội chiến, hiện nay, khát vọng hòa bình và ổn định có thể thắng thế so với mong muốn có những thay đổi chính trị tại Angola.

Vẫn theo tờ Publico, được Courrier International trích dẫn, bầu cử quốc hội tại Angola sẽ được tổ chức vào năm 2012. Ông Fernando Macedo, một giảng viên đại học Angola, bình luận : Bầu cử 2012 một lần nữa rất có khả năng sẽ lại bị đảng cầm quyền MPLA thao túng. Khả năng thay đổi chính trị qua bỏ phiếu là không thể. Các phương tiện truyền thông thiên lệch và các cơ quan an ninh gây bất ổn định cho các đảng đối lập. Trong tình hình này, nếu đảng cầm quyền không hành xử có trách nhiệm và khuyến khích các thay đổi, thì chính quyền Angola sớm hay muộn sẽ phải đối mặt với các phản kháng bạo lực. Điều đáng chú ý là những phản kháng này sẽ không phải do một phong trào tổ chức, mà là kết quả của các phẫn nộ, bùng lên từ sự bất mãn của dân chúng trước những bất công.

Người hùng Putin cố dấu vẻ già nua

Tuần san L’Express hướng cái nhìn đến thủ tướng Putin của nước Nga với hồ sơ mang tựa đề « Siêu nhân Putin, người hùng của truyền thông ». L’Express cho biết, thủ tướng Nga rất chăm sóc hình thức bên ngoài của một nhà lãnh đạo đầy sinh lực, cường tráng, mà theo ông, rất phù hợp với sự mong đợi của công chúng. Putin cởi trần cưỡi ngựa giữa đồi núi mênh mông, Putin bơi trong nước giá lạnh, Putin cưỡi xe máy siêu hạng hay điều khiển xe đua F1,… rồi Putin chơi nhạc, Putin leo núi,… Vẻ ngoài của Putin thu hút mạnh mẽ rất nhiều người. Trong con mắt họ, ông Valadimir Putin là « người đàn ông số một của nước Nga ».

Công việc của cả một đội ngũ cố vấn và những người thực hành chăm sóc cho vẻ ngoài của tổng thống tương lai của nước Nga, như vậy, có thể nói là rất thành công. Ngoại trừ một hình ảnh của Putin già nua, mà họ đã không kiểm soát nổi. Hai ngày sau khi thủ tướng Nga tuyên bố ý định tái ứng cử tổng thống, một bức chân dung chế giễu đương kim tổng thống đã được đưa lên mạng, chồng lên ảnh cựu lãnh đạo Liên Xô Brejnev. Bức ảnh này đã làm chấn động thế giới mạng Nga. Việc Putin tiếp tục nắm quyền tổng thống, đối với nhiều người mong đợi các thay đổi dân chủ ở Nga, chẳng khác nào thời kỳ Brejenev lên nắm quyền trong những năm 1970 tại Liên Xô trước đây. Nếu đảm nhiệm chức tổng thống trong hai nhiệm kỳ tới, ông Putin sẽ về hưu ở tuổi 71. 

Trang nhất các tuần báo Pháp

Tuần san L’Express chạy trên trang nhất hình ảnh ông François Holland, ứng cứ viên nặng ký của đảng Xã hội vào chức tổng thống với hàng tựa “Con người tham vọng”. L’Express dành nhiều trang để mô tả cách làm việc, môi trường thân hữu, cuộc điều tra của cảnh sát về người bạn đời của ông François Holland ... Tựa trang nhất của tuần báo Le Courrier International là : “10 ý tưởng từ các chân trời khác để khuấy động cánh tả”. Tuần san đặt câu hỏi : “Bạn có thấy vòng bầu cử sơ bộ của đảng Xã hội chỉ là câu chuyện của riêng nước Pháp không ?”. Chủ đề được Courrier International quan tâm liên quan đến sự kiện ngày hôm nay 9/10/2011, những người ủng hộ cánh tả đi bỏ phiếu để chọn ứng viên tổng thống cho đảng Xã hội.

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.