Vào nội dung chính
THƯỢNG ĐỈNH G20

G20 không đưa ra những biện pháp cụ thể để thúc đẩy kinh tế thế giới

Tập trung giải quyết vấn đề Hy Lạp, giám sát ngân sách nhà nước của Ý, tránh để khủng hoảng lan rộng ra khối euro, củng cố vai trò của IMF là trọng tâm của thượng đỉnh Cannes. G20 tại Pháp đã kết thúc với những tuyên bố chung chung trong các mục tiêu phát triển và củng cố kinh tế toàn cầu, cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế và ngành ngân hàng.

Lãnh đạo các nước trong khối G20,  Pháp chuẩn bị nhượng lại vai trò chủ tịch luân phiên cho Mêhicô (Reuters)
Lãnh đạo các nước trong khối G20, Pháp chuẩn bị nhượng lại vai trò chủ tịch luân phiên cho Mêhicô (Reuters)
Quảng cáo

Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Cannes, dưới sự chủ tọa của tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy đã kết thúc hôm qua 04/11/2011. Trong bản thông cáo kết thúc hội nghị, 20 quốc gia có trọng lượng kinh tế lớn nhất thế giới bày tỏ quyết tâm « hỗ trợ tăng trưởng, đề ra những biện pháp rõ ràng và đáng tin cậy trên vấn đề nợ công ». 

Trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, G20 nhấn mạnh : quyền rút vốn đặc biệt SDR còn được gọi tắt là rổ tiền tệ của quỹ IMF phải « phản ánh được trọng lượng kinh tế, tiền tệ, tài chính và thương mại toàn cầu » và các bên kết luận là từ nay đến năm 2015 IMF sẽ phải mở rộng rổ tiền tệ này.

Ngoài ra G20 chủ trương là các quốc gia trên thế giới tránh phá giá đơn vị tiền tệ nhằm hỗ trợ cho khu vực xuất khẩu. Tại các thượng đỉnh trước, cộng đồng quốc tế thường xuyên chỉ trích Trung Quốc ghìm giá nhân dân tệ. Lần này chủ tịch Hồ Cẩm Đào cam kết là Trung Quốc hướng tới khả năng « nới rộng tỷ giá hối đoái ». Tổng thống Obama đã hoan nghênh thiện chí nói trên của lãnh đạo Bắc Kinh. 

Cuối cùng, liên quan đến chính sách quản lý ngân hàng, tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy tỏ ra hài lòng khi các đối tác trong nhóm G20 bắt đầu chấp thuận sáng kiến đánh thuế các dịch vụ tài chính. Tổng thống Hoa Kỳ nhìn nhận về mặt nguyên tắc, đây là điều cần thiết nhưng theo giới quan sát, một năm trước bầu cử tổng thống, Obama sẽ khó thuyết phục được Quốc hội lưỡng viện Mỹ về điểm này. 

Tuy nhiên theo giới quan sát, bản tuyên bố chung kết thúc thượng đỉnh G20 tại Cannes đã không đưa ra bất kỳ một giải pháp cụ thể nào trong số tất cả những hồ sơ đã được đề cập đến. Chỉ riêng trên hồ sơ khủng hoảng của khu vực đồng euro. Tất cả đều đồng ý cần ngăn ngừa khủng hoảng Hy Lạp lan rộng tới các thành viên khác, như Ý hay Tây Ban Nha nhưng không một thành viên nào trong nhóm G20 đã chính thức tuyên bố sẽ tham gia Quỹ Bình Ổn Tài Chính Châu Âu. Trung Quốc, Brazil và Nga vẫn chưa cho biết thêm ý định sẽ có tham gia vào việc tài trợ cho quỹ này hay không. 

Thất vọng vì thượng đỉnh G20 không đưa ra những biện pháp cụ thể, các sàn chứng khoán châu Âu hôm qua lại mất giá. Các nhà đầu tư quốc tế vẫn rất lo ngại về tương lai Hy Lạp và đặc biệt là của Ý. Mêhicô kể từ tuần tới chính thức đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên G20. Tổng thống Calderon đặc biệt quan ngại về tình hình của Ý như tường trình của đặc phái viên RFI từ Cannes sau đây : 

« Sau Hy Lạp, mọi chú ý đã tập trung về phía Ý. Nhóm G20 đã thuyết phục được thủ tướng Berlusconi để cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế giám sát kế hoạch cắt giảm chi tiêu mà chính phủ Roma đã thông qua cách nay vài ngày. Vấn đề đặt ra là Ý phải áp dụng cac biện pháp khắt khổ như đã cam kết đẻ lấy lại uy tín trong mắt các nhà đầu tư. Bằng không, nước Ý có nguy cơ rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng.

Trước mắt Roma cho rằng chưa cần đến sự hỗ trợ tài chính của IMF như đề nghị của tân chủ tịch luân phiên nhóm G20 là tổng thống Mêhicô. Ông Filipe Calderon đã không ngần ngại nhắc nhở Roma là bản thân Mêhicô vào năm 2008 đã từng phải vay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế 72 tỷ đô la khi khủng hoảng tài chính toàn cầu mới mở màn.

Theo ông Calderon, IMF hoàn toàn có thể can thiệp để hỗ trợ các nước thành viên, kể cả các nước phát triển. Để làm được điều đó, IMG cần phải được cấp thêm vốn và đây sẽ là đề tài được thảo luận tại cuộc họp cấp bộ trưởng Tài chính G20 dự trù vào tháng 2/2012.

Liên quan đến đề nghị đánh thuế các dịch vụ ngân hàng từng được tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu, phải đợi đến thượng đỉnh lần tới để xem hồ sơ này có những chuyển biến gì hay không. Vấn đề đặt ra là biện pháp này hoàn toàn không được tổng thống Mehicô ủng hộ ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.