Vào nội dung chính
PHÁP

Tình báo Pháp bị chỉ trích đã không ngăn chận Mohamed Merah

Mohamed Merah, thủ phạm các vụ thảm sát ba quân nhân và bốn người Do Thái, đã bị bắn chết hôm qua sau hơn một ngày bị cảnh sát bao vây ở Toulouse. Nhưng câu hỏi được đặt ra bây giờ là vì sao các cơ quan tình báo Pháp đã không thể ngăn chận hành động của tên sát nhân này, tuy rằng đã biết anh ta là một thành phần Hồi giáo cực đoan, từng nhiều lần sang Afghanistan và Pakistan ?

Một cảnh sát lực lượng đặc nhiệm Pháp quan sát căn hộ nơi Mohamed Merah cố thủ.
Một cảnh sát lực lượng đặc nhiệm Pháp quan sát căn hộ nơi Mohamed Merah cố thủ. REUTERS/Jean-Paul Pelissier
Quảng cáo

Điều đầu tiên mà các nhà điều tra đang cố làm sáng tỏ, đó là làm sao một thanh niên chỉ sống với thu nhập rất thấp như Mohamed Merah lại có nhiều nơi ở khác nhau và thuê xe hơi hàng tháng ? Merah khẳng định đó là tiền trộm cắp, nhưng cảnh sát không tin vào điều đó. Merah hành động một mình hay còn có những đồng lõa ? Hiện giờ, cảnh sát đang tiếp tục thẩm vấn ba người thân của Mera, đặc biệt là người anh Abdelkader, để cố giải đáp câu hỏi đó.

Một điều chắc chắc là Mohamed Merah là một trong số nhiều thanh niên gốc Bắc Phi ở các vùng ngoại ô Pháp bị Al Qaida lôi kéo. Sau khi Merah sang Afghanistan và Pakistan những năm 2010 và 2011, cơ quan tình báo Pháp đã bắt đầu giám sát anh ta, nhưng lúc đó họ lại thấy rằng thanh niên này có lối sống không tương hợp với Hồi giáo cực đoan, nên không nghĩ đó là thành phần nguy hiểm. Tuyên bố trên đài phát thanh RTL hôm nay, Thủ tướng François Fillon đã bênh vực cho các cơ quan tình báo Pháp khi nói rằng đã không có yếu tố gì cho phép bắt giữ Mohamed Merah trước khi anh ta gây án.

Thế nhưng người ta được biết là từ lâu Hoa Kỳ đã đặt Merah vào danh sách đen những người bị cấm bay vào lãnh thổ nước Mỹ. Danh sách này gồm những người bị coi là có thể tham gia vào một hoạt động khủng bố và có thể làm một máy bay rơi xuống nước Mỹ. Nhiều ứng cử viên tổng thống, như ứng cử viên Xã hội François Hollande, đã đặt câu hỏi về những sai sót của cơ quan tình báo Pháp. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Gérald Longuet hôm nay cũng nhìn nhận là có nhiều bài học cần rút ra từ vụ này.

Vụ Merah cũng khiến người ta chú ý hơn đến một hiện tượng tuy không phải là phổ biến những rất đáng ngại, đó là việc phổ biến tư tưởng Hồi giáo cực đoan trong các nhà tù tại Pháp. Mohamed Merah đã từng ngồi tù trong hai năm vì những vụ trộm cắp, bạo lực. Chưa tới một năm sau khi ra tù, anh ta đã sang Afghanistan và đến một trại huấn luyện ở Pakistan. Chính ở trong tù mà Merah đã tiếp cận với Hồi giáo cực đoan, vì người ta được biết là tù nhân trẻ này đã rất chăm chỉ đọc kinh Coran.

Để ngăn chận những những thành phần nguy hiểm như Mohamed Merah, Tổng thống Nicolas Sarkozy hôm qua đã thông báo tăng cường các phương tiện về pháp lý để chống việc truyền bá những tư tưởng cực đoan và chống khủng bố. Theo lời Thủ tướng Fillon, một dự luật theo hướng này sẽ được trình lên Hội đồng Bộ trưởng trong khoảng 10 ngày tới và nếu đạt đồng thuận ở Hạ Viện và Thượng Viện, văn bản này có thể được đưa ra biểu quyết trước cuộc bầu cử tổng thống, mà vòng một sẽ diễn ra ngày 22/4. Nếu không thì dự luật sẽ được biểu quyết ngay khi Quốc hội mới được triệu tập sau bầu cử.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.