Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Bầu cử tổng thống Pháp: Thế đơn độc của ông Sarkozy

Đăng ngày:

Đắc cử vẻ vang vào năm 2007 qua một cuộc vận động tranh cử đầy nghị lực với chủ đề « lật qua trang sử mới », đến năm 2012, Nicolas Sarkozy ra tái tranh cử trong tư thế một tổng thống mất lòng dân nghiêm trọng nhất trong lịch sử đệ ngũ Cộng hòa. Tất cả 9 ứng cử viên còn lại đều xem ông là một đối thủ phải triệt hạ, sau nhiệm kỳ 5 năm mà thành công bị phủ lấp bởi các vụ tai tiếng và thất bại.

Tổng thống mãn nhiệm Pháp - ứng viên đảng UMP Nicolas Sarkozy vận động tranh cử tại Nancy, 02/04/2012
Tổng thống mãn nhiệm Pháp - ứng viên đảng UMP Nicolas Sarkozy vận động tranh cử tại Nancy, 02/04/2012 REUTERS
Quảng cáo

Theo báo chí Pháp, lần đầu tiên trong một cuộc bầu cử tổng thống, thế trận phân biệt tả hữu đã biến mất. Trong 10 ứng cử viên thì 9 người quyết tâm đánh bại nhân vật thứ 10 - đương kiêm tổng thống ra tranh nhiệm kỳ hai mà uy tín đã xuống rất thấp. Mặc dù huy động bộ máy đảng UMP và lợi dụng thời cơ tiêu diệt khủng bố để phục hồi điểm tin nhiệm, kết quả thăm dò mới nhất chỉ cho ông 36% dân chúng mến mộ, so với 48% của đối thủ đảng Xã hội.

Trong năm năm qua, về đối ngoại, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã thực hiện được nhiều thành tích bất ngờ và ngoạn mục làm thay đổi phần nào cục diện thế giới. Tại Trung Đông, Paris đã đóng vai trò quyết định thúc đẩy Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO can thiệp yểm trợ đối lập võ trang lật đổ chế độ độc tài Kadhafi. Tại Xứ bờ biển Ngà, Pháp đã tham gia tích cực trong việc bắt nhà lãnh đạo Laurent Gbagbo, sau một cuộc bầu cử đầy tai tiếng.

Trong vụ tranh chấp giữa Nga và Gruzia vào tháng 8 năm 2008, trước đoàn quân viễn chinh của Matxcơva tràn qua biên giới quốc gia láng giềng thân Tây phương, đích thân tổng thống Pháp bay sang hai thủ đô đối nghịch để thương lượng một giải pháp thỏa hiệp cứu nguy cho Tbilissi.

Nhưng cũng trong lãnh vực ngoại giao, Paris đã bị tai tiếng rất lớn vì không tiên liệu được tình thế đã đổi thay tại thế giới Ả Rập. Vào lúc ngọn gió « Cách mạng Hoa Lài » bùng lên tại Tunisia, chính phủ Pháp vẫn ủng hộ nhà độc tài Ben Ali.

Về kinh tế, các chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ không cứu được uy tín của Pháp trong giới tài chính quốc tế. Mặc dù ông Sarkozy hãnh diện với « công lao » cải cách cơ cấu kinh tế Pháp , nhưng Paris bị mất điểm AAA và tụt hạng so với Đức.

Về xã hội, nhiều lời hứa của ông trong mùa tranh cử 2007 cũng không được thực hiện. Tỷ lệ thất nghiệp trong 5 năm qua không giảm xuống 5% như ứng viên Sarkozy cam kết, mà lại tăng lên gần ngưỡng tâm lý 10% vào cuối nhiệm kỳ mà nạn nhân phần đông lại là giới trẻ, 22,4%.

Khẩu hiệu « làm việc nhiều hơn để có thu nhập cao hơn » giúp ông đánh bại ứng cử viên Xã hội Ségolène Royal đã trở thành một đề tài châm biếm trên báo chí.

Cũng trong lãnh vực xã hội, phải nói là ông Sarkozy đã thành công vô hiệu hóa phản ứng chống đối của công đoàn trong việc thông qua đạo luật kéo dài tuổi lao động để cứu quỹ hưu bổng bị thâm thủng.

Trong lãnh vực giáo dục, đạo luật cải cách nền tự trị đại học cũng được ra đời, bất chấp các cuộc biểu tình khổng lồ phản đối. Tuy nhiên vì thiếu phưuong tiện tài chính, những biện pháp này đã gây thiệt hại cho uy tín của chính quyền.

Chiếc ghế tổng thống, do vậy, có nhiều xác xuất bị đổi chủ trong cuộc bầu cử tới đây (vòng một vào 22/04 và vòng hai vào 06/05).

Chủ nhân điện Elysée đã trở thành đối tượng tấn công của 9 ứng cử viên còn lại. Từ cực hữu đến cánh trung qua cánh tả và cực tả, đều dồn mũi dùi vào một mục tiêu với lời thề « không cho Sarkozy nhiệm kỳ hai ».

Đối thủ lợi hại nhất, François Hollande, ứng cử viên của đảng Xã hội, nhấn mạnh đến giải pháp « đánh thuế nhà giàu sụ để cân bằng ngân sách giúp người nghèo và giới trẻ » và thanh lọc « mạng lưới lạm quyền ».

Cánh trung hữu của ứng cử viên François Bayrou động viên cử tri với khẩu hiệu rất « ăn khách » đó là « dùng hàng nội hóa » để bảo vệ công ăn việc làm trong nước chống lại cạnh tranh bất chính đến từ Trung Quốc chẳng hạn.

Phe cực hữa của bà Marine Le Pen với chủ trương « quyền lợi dân Pháp trước đã » cũng sẽ góp bàn tay làm tổng thống mãn nhiệm mất phiếu.

Bên cánh tả, nhà hùng biện Jean Luc Melenchon với chủ trương « nhân dân nổi dậy làm cách mạng » có thể làm ứng cử viên đảng Xã hội François Hollande bị khó khăn, nhưng thành phần quyết liệt này sẽ là những lá phiếu bổ sung cho đối thủ số một của Nicolas Sarkozy.

Để tìm hiểu những nét đặc thù trong cuộc bầu cử sắp tới tại Pháp, mời quý thính giả theo dõi phần phân tích của nhà báo Nguyễn Văn Huy, tại Paris.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.