Vào nội dung chính
PHÁP -IMF

IMF xen vào tranh cử tổng thống Pháp

Hôm qua, 17/04/2012, như thông lệ mỗi sáu tháng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố dự báo kinh tế, trong đó có phần liên quan đến các quốc gia châu Âu. Về nước Pháp, các dự báo của IMFđều bi quan hơn những gì từng được hai ứng cử viên chủ chốt trong cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp đưa ra, đặc biệt là chỉ tiêu về tăng trưởng và giảm thâm hụt ngân sách.

Các ủng hộ viên của ông Francçois Hollande tại cuộc mít tinh ngày 17/4 ở thành phố Lille.
Các ủng hộ viên của ông Francçois Hollande tại cuộc mít tinh ngày 17/4 ở thành phố Lille. Reuters
Quảng cáo

Hãng tin Pháp AFP không ngần ngại xem đây là một động thái gián tiếp can thiệp vào cuộc vận động tranh cử, năm ngày trước vòng đầu cuộc bầu cử.

Về các chỉ tiêu tăng trưởng, định chế tài chánh quốc tế, trụ sở ở Washington ước tính rằng trong năm nay 2012, Pháp có thể đạt tỷ lệ từ 0,2% đến 0,5%. Mức độ này tương ứng với mong đợi của ứng cử viên Đảng Xã hội François Hollande, và không thấp hơn chỉ tiêu 0,7% do ứng cử viên cánh hữu UMP Nicolas Sarkozy dự kiến. ​​

Tuy nhiên, số liệu dự báo cho năm tới 2013 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế bi quan hơn rất nhiều so với mong đợi. Theo IMF, tỷ lệ tăng trưởng của Pháp trong năm 2013 sẽ chỉ là 1% mà thôi. Đây là một mức khá hơn tỷ lệ bình quân trong khu vực đồng Euro (0,9%), nhưng tồi tệ hơn Đức (1,5%), nền kinh tế hàng đầu châu Âu, đồng thời là đối tác chủ yếu của Pháp, và nhất là thấp hơn rất nhiều so với mong muốn của hai ứng viên tổng thống Pháp.

Cả Nicolas Sarkozy lẫn François Hollande đều xây dựng chương trình hành động của mình để tiến tới việc cân bằng nền tài chính công trên một giả định lạc quan. Đó là tăng trưởng lên được 1,7% vào năm 2013, và tiếp tục đà này qua các năm sau, để đạt tỷ lệ tối thiểu là 2% mỗi năm, kể từ 2014.

Thế nhưng, cả hai ứng cử viên như đều đã thừa nhận rằng các dự báo của họ quá lạc quan, khó thực hiện trong bối cảnh toàn Liên Hiệp Châu Âu phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo về tiết giảm ngân sách. Chính vì vậy mà ngay từ đầu, ứng cử viên Đảng Xã hội Pháp đã đòi thương lượng lại hiệp ước ổn định tài chính châu Âu - mà IMF đã đánh giá cao - để thêm vào một điều khoản liên quan đến nhu cầu kích thích tăng trưởng. Sau khi đả kích đòi hỏi này, mới đây, ứng cử viên UMP đã ngả theo phương án đó, khi yêu cầu là Ngân hàng Trung ương châu Âu phải có thêm nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng.

Đối với cả hai ứng cử viên, nếu kinh tế Pháp không tăng trưởng trở lại một cách nhanh chóng, các chỉ tiêu giảm thâm hụt ngân sách mà họ từng cam hết với các đối tác châu Âu của Pháp sẽ khó có thể đạt được. Thâm hụt của Pháp trong năm nay dự kiến lên đến 4,4% hoặc 4,5% tổng sản phẩm quốc nội GDP. Cả hai ứng cử viên tổng thống Pháp đều cam kết giảm tỷ lệ này xuống còn 3% vào năm tới.

Trên bình diện này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng gián tiếp cho rằng đó là một chỉ tiêu không tưởng. Trong bản "Theo dõi tài chính công" cũng công bố hôm qua, IMF dự báo rằng trong năm 2012, thâm hụt ngân sách của Nhà nước Pháp sẽ là 4,6% của GDP, không tệ hơn dự báo của Paris là bao nhiêu. Thế nhưng qua năm 2013, mức này chỉ xuống đến 3,9%, cao hơn gần một điểm so với mục tiêu 3%. Các chuyên gia quốc tế ước tính rằng phải qua năm 2014 thì Pháp mới tiến gần được ngưỡng biểu tượng 3%.

Tóm lại, dù vô tình hay hữu ý, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã gián tiếp chen vào cuộc vận động tranh cử tại Pháp, vì những dự báo mà định chế này đưa ra đã mặc nhiên nêu bật tính chất quá lạc quan của các chỉ tiêu kinh tế đang được các ứng cử viên tổng thống Pháp nhấn mạnh.

Số liệu này còn mang ý nghĩa một lời cảnh báo đối với vị tổng thống tương lai của nước Pháp. Đó là phải nhanh chóng siết chặt thêm ngân sách Nhà nước ngay sau khi được bầu vào ngày mùng 6 tháng Năm tới đây, nếu không muốn đất nước lâm vào khủng hoảng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.